QuocHung's Blog

28 thg 2, 2010

Truyện ngắn của Cúc

Ông lão mù
Ông làm bạn với chiếc gậy tre đã từ lâu lắm rồi sau một lần bệnh nặng vì đậu mùa, đôi mắt của ông đã vĩnh viễn chia tay ông từ dạo đó và để lại trên gương mặt ông những vết rỗ hoa cà vào lúc ông hai mươi hai tuổi, cũng kịp để ông trao dồi kiến thức cho mình làm hành trang vào đời sau này




Cũng có thể gọi ông là trí thức vì ông văn hay chữ tốt, biết ông là người hay chữ bà con ở làng trên xóm dưới gửi con tới cho ông dạy học, không hẳn phải trả bằng tiền vì bà con còn nghèo lắm và ông cũng nghèo, hằng tháng mọi người trả cho ông con cá, mớ rau, hay người có đất thì đợi tới mùa sẽ trả cho ông vài giạ lúa, vậy mà ông chắt mót cũng dư lúa được nhiều vì ông ăn chẳng có bao nhiêu. Ngoài văn hay chữ tốt ông còn đàn ca rất hay nhất là đàn cò, chiều chiều những trai làng thường đến nhà ông ngồi nghe ông đàn và cũng góp vui bằng vài câu vọng cổ, vậy mà có một người đi đâu đó về ngang qua làng nghe được tiếng đàn của ông về nhà không ăn ngũ được, từ đó người ấy thường vượt vài dặm đường đến đây núp sau những bụi chuối nghe ông đánh đàn để về mà tương tư, người ấy đang có chồng con yên ấm ở làng bên nhưng vì mê tiếng đàn của ông mà có một hôm bà đến nghe trộm ông đàn và không muốn đi nữa, từ đó hai người nương tựa vào nhau mà sống.

Từ ngày có bà, ông làm thêm một nghề nữa là làm cà ràng ông táo bán kiếm tiền để nuôi thêm một miệng ăn, ngày ngày bà đi lấy đất sét ở các bến sông đem về để ráo cho ông nắn lò, tuy ông mù nhưng nắn lò rất khéo, và dân ở quanh vùng hay mua giúp ông, hoặc có ai đặt ông đan rổ, rế, thúng, bồ chứa lúa, cái gì ông cũng làm được hết.
Cuộc tình của ông cũng nở hoa kết trái, bà đã sinh cho ông một cô con gái thật dễ thương, ai cũng mừng cho ông vì dù sao cũng có người lo cho ông lúc tuổi già, con của ông lớn lên cũng giúp cha dạy học trò, nó cũng giống ông là thông minh và học giỏi, nhưng trời không thương cho trót, con gái mới được tám tuổi thì bị chết đuối, niềm vui của ông khép lại, từ đây ông chỉ còn biết nương vào cửa phật tìm vui trong kinh kệ, ông cũng tới lui về nhà chứ không ở hẳn trong chùa vì còn có bà, nhưng tính tình thì nóng nảy hơn trước hay la rầy bà làm bà tủi thân và thường khóc một mình, thấy vậy có người nói sao bà không kiếm chồng khác đi, bà nói “ tuy vậy chứ mười người sáng mắt đổi một người mù bà cũng không đổi “, vậy mới biết bà thương ông rất nhiều

Tuổi đời chồng chất lại đau yếu liên miên cũng nhờ một tay bà chăm sóc, nhưng tính ông mỗi ngày một khó, bà đã lặng lẽ bỏ đi để ông ở lại trong căn chòi quạnh quẻ với căn bệnh trầm trọng, ông mỏi mòn trong chờ đợi vô vọng, rồi vào một đêm mưa gió ông đã ra đi mãi mãi trong lạnh lẻo âm thầm và nhớ bà da diết.

Hình Khoa ở bờ sông Hàng Gòn

=========== LKC