QuocHung's Blog

10 thg 2, 2010

Bác sĩ gia đình

Gần đây những nhà quản lý y tế Việt Nam có đề cập đến mô hình bác sĩ gia đình để giải quyết nạn quá tải bệnh nhân ở các bệnh viện.

Gần đây những nhà quản lý y tế Việt Nam có đề cập đến mô hình bác sĩ gia đình để giải quyết nạn quá tải bệnh nhân ở các bệnh viện. Sở y tế thành phố Hồ Chí Minh còn đưa ra phương án đào tạo bác sĩ gia đình trong dài hạn(1). Thế nhưng, vấn đề quá tải bệnh nhân ở các bệnh viện của Việt Nam là do quản lý kém chứ không phải Việt Nam thiếu nơi chữa trị bệnh cho bệnh nhân. Bằng chứng đã hơn 6 năm nay, khi tôi mở clinic tư nhân thì con số bệnh nhân nhập viện để điều trị nội trú chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vấn đề quan trọng để giải quyết tình trạng quá tải của Việt Nam nằm ở quản lý vi mô và vĩ mô của ngành y tế chứ không phải Việt Nam thiếu bác sĩ và thiếu nơi để bệnh nhân được điều trị. Như vậy, mô hình bác sĩ gia đình và nhiệm vụ bác sĩ gia đình ở các nước tiên tiến như thế nào là hiệu quả? Dường như ngay cả các cán bộ quản lý y tế Việt cũng chưa thấu hiểu hết điều này. Trong bài viết này tôi muốn đưa đến công chúng thế nào là một mô hình hệ thống bác sĩ gia đình tốt. Tôi xin lấy mô hình bác sĩ gia đình của Mỹ để làm xương sống cho bài viết.

Câu hỏi đầu tiên là định nghĩa, thế nào là một bác sĩ gia đình? Bác sĩ gia đình là bác sĩ được đào tạo bài bản, chính qui (không phải chuyên tu) và thêm 3 năm theo chế độ thường trú 24/24 ở các phòng khám, bệnh viện và sơ, cấp cứu tại nhà người bệnh sau khi tốt nghiệp y khoa. Ba năm này là ba năm họ không biết mặt trời mọc hay lặn lúc nào? Sau khi đã trãi qua 4 năm để lấy một cử nhân, rồi được nhận vào học 4 năm đày đọa ở trường y để lấy được tấm bằng bác sĩ. Như vậy để trở thành bác sĩ gia đình phải trãi qua 11 năm ròng rã với 4 năm cử nhân và 7 năm y khoa lý thuyết và thực hành. Chương trình đào tạo 3 năm sau khi đã tốt nghiệp bác sĩ bao gồm một số lĩnh vực y khoa về chăm sóc sức khỏe cộng đồng như sau(2):

1. Chăm sóc sức khỏe cho tất cả các lứa tuổi từ trẻ đến già.
2. Điều trị và chăm sóc những bệnh mãn tính như: tiểu đường, hen suyển và bệnh tim.
3. Điều trị bệnh tai, mũi, họng.
4. Điều trị cấp cứu.
5. Các thủ thuật tiểu phẫu.
6. Chăm sóc sức khỏe tâm thần.
7. Điều trị bệnh xương khớp.
8. Điều trị bệnh lý mắt.
9. Chương trình x quang chẩn đoán.
10. Điều trị bệnh lý hệ thống đường niệu – sinh dục.
11. Lập kế hoạch sức khỏe cho gia đình, tư vấn về sinh sản và tình dục cho phái nữ.


Hãy cứ nhìn chương trình học 3 năm sau khi đã tốt nghiệp bác sĩ y khoa của một bác sĩ gia đình thì sẽ thấy những yêu cầu của một bác sĩ gia đình là rất cao. Họ phải là một bác sĩ đa khoa, có hiểu biết toàn diện từ chẩn đoán, điều trị đến tiên lượng một bệnh lý. Hòng quyết định đúng và kịp thời là bệnh nào điều trị ngoại trú (không nhập viện), bệnh nào phải bắt buộc nhập viện? Họ không chỉ biết nhìn một bệnh nhân ở một bộ phận cơ thể đơn độc như bác sĩ chuyên khoa, mà họ nhìn bệnh nhân dưới một hệ thống thống nhất của nhiều cơ quan, bộ phận bị trục trặc khi vận hành cho quá trình sống. Họ không chỉ điều trị cho người trưởng thành mà còn cả cho trẻ em và người già, không giới hạn giới tính như các bác sĩ chuyên khoa sản. Các bạn hãy tưởng tượng kiến thức y khoa của một bác sĩ gia đình là kiến thức toàn diện của một bác sĩ y khoa lâu năm, kinh nghiệm như một giáo sư bác sĩ của một trường dạy y khoa vậy. Thế nhưng, qua tiếp xúc nhiều bác sĩ gia đình của phương Tây. Tôi đánh giá về kiến thức và kinh nghiệm của họ không thể so với những bác sĩ có kinh nghiệm ở Việt Nam. Có nghĩa là ở đâu cũng có người tài. Vấn đề biết sử dụng người tài mới là quan trọng cho một nền y học của một đất nước.

Như vậy đã đủ chưa? Chưa đủ, vì sau khi được làm việc thì họ phải tự cập nhật kiến thức để cứ mỗi sáu năm họ phải được cập nhật kiến thức và nhận chứng chỉ lại ở các trường y. Từ đó, họ lại là những người vẫn có thể có những phát kiến mới trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho y học thế giới. Vẫn chưa đủ, vì ở tại phòng khám y khoa gia đình của các bác sĩ gia đình được trang bị một phần mềm nối kết với các bệnh viện có điều trị chuyên khoa. Phần mềm đó có thể liên lạc thông tin bệnh tật cho thân chủ từ lúc thân chủ ấy mới sinh ra đến ngày họ chết. Đã thế, nếu thân chủ của họ có đi du lịch cùng trời cuối đất trên quả địa cầu này, mà bị đau bệnh bất thình lình, thì chỉ cần một cơ sở y tế có hệ thống internet nối kết và yêu cầu thông tin về tiền sử bệnh của thân chủ ấy là họ sẽ gửi đến một bản tiền sử dài, có thể bằng như một sớ táo quân trình lên Ngọc hoàng thượng đế, không thiếu một chi tiết nào.

Sau khi ra trường, họ không làm việc ở các bệnh viện chuyên khoa, nhưng họ có phòng khám riêng của họ và có sự liên lạc thông tin với các bệnh viện, trung tâm điều trị chuyên khoa. Thân chủ nào trong khu vực gần phòng khám của họ tín nhiệm thì đăng ký khám bệnh ở họ. Bác sĩ gia đình nào có nhiều thân chủ thì được hưởng nhiều, vì biểu giá khám đã được qui định bằng nhau cho mỗi lần khám hoặc tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân.

Bác sĩ gia đình có bắt buộc phải đến tận nhà bệnh nhân để khám bệnh không? Câu trả lời là không mà có, có nhưng mà là không! Tại sao? Vì họ chỉ đến nhà thân chủ khi có yêu cầu cấp cứu, còn lại nếu bệnh tật thông thường, mãn tính thì thân chủ phải đến phòng khám của họ và có đăng ký ngày giờ trước, chứ không dễ dàng như ở nước ta, thân chủ muốn khám khi nào thì cứ đến, còn bác sĩ thì cứ ngồi chờ, như chờ “cá cắn câu”!!! Ví dụ như khi Michael Jackson bị suy hô hấp do lạm dụng thuốc giảm đau có chất gây nghiện là morphine thì bắt buộc bác sĩ Conrad Murrey phải có mặt để hồi sức cấp cứu, nhưng thường ngày khi cần thì Micheal Jackson phải đến phòng khám của ông ta để xin tư vấn sức khỏe và xin toa thuốc để mua mà dùng.

Thế thì bệnh nhân có được vượt tuyến không? Câu trả lời có cũng đúng mà có cũng sai. Tai sao? Tất cả các trường hợp cấp cứu, nếu vì bất kỳ một lý do nào đó mà người bệnh không thể trì hoãn hoặc chờ đợi bác sĩ gia đình thì người bệnh đành phải tức tốc đến các khoa hoặc trung tâm cấp cứu (emergency center hay department) của các bệnh viện - ví dụ như tiêu chảy cấp - để được điều trị theo chế độ ở đơn vị săn sóc đặc biệt (Intensive care unit), nhưng rất tốn tiền. Nếu có bảo hiểm y tế thì may ra không sạt nghiệp, nếu không có bảo hiểm y tế thì chỉ cần 1 đêm ở các trung tâm cấp cứu với chế độ săn sóc đặc biệt thì 1.000 Mỹ kim không nghĩa lý gì! Ngoài trường hợp bất khả kháng, tất cả các bệnh lý mãn tính và thông thường đều phải được bác sĩ gia đình khám, chẩn đoán, điều trị và tiên lượng xong rồi phân loại là bệnh nào phải cần đi khám chuyên khoa ở bác sĩ nào? ở bệnh viện nào? Hay có phải nhập viện để điều trị hay không? v.v…

Có bạn lại thắc mắc rằng: Mỗi bệnh nhân chỉ có một bác sĩ gia đình quản lý sức khỏe và không được đi bác sĩ gia đình khác, đúng hay sai? Tại sao? Xin thưa là nữa đúng, nữa sai. Vì như phần trên tôi đã nói. Thân chủ tín nhiệm ai thì đăng ký bác sĩ đó. Nếu thân chủ không còn tín nhiệm bác sĩ cũ của mình thì đem thẻ theo dõi y tế của mình chọn bác sĩ khác. Có thể một bệnh nhân ở quận này, nhưng đăng ký theo dõi sức khỏe ở quận khác cũng không ai dám cấm. Nhưng trong thời gian đang đăng ký bác sĩ này thì không được đi khám ở một bác sĩ khác. Muốn đi khám bác sĩ khác thì phải rút đăng ký bác sĩ này chuyển sang theo dõi ở bác sĩ khác(3). Và dĩ nhiên, đó là sự cạnh tranh một cách công bằng về nghề nghiệp. Vì nó ảnh hưởng đến thu nhập của các bác sĩ gia đình.

Hệ thống quản lý y tế của Mỹ là một thể thống nhất, có trật tự theo luật lệ của từng tiểu bang. Một bác sĩ tốt nghiệp y khoa ra hành nghề ở tiểu bang này, không thể đi hành nghề tiểu bang khác. Vì mỗi tiểu bang như một quốc gia, có luật hành nghề y khác nhau. Muốn hành nghề tiểu bang khác thì bác sĩ đó phải thi lấy bằng luật ngành y của tiểu bang mà họ muốn đến sống và làm việc, ngoài tấm bằng chuyên môn. Hệ thống quản lý công quyền của nhà nước chỉ quản lý về luật y khoa mà không được quản lý và khống chế chuyên môn. Chuyên môn y tế được quản lý và khống chế do một tổ chức độc lập hoàn toàn với tư pháp, hành pháp và lập pháp. Tổ chức đó gọi là y sĩ đoàn(4), y sĩ đoàn là tổ chức của những thầy thuốc uy tín về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp được các bác sĩ thành viên đề cử giám sát và theo dõi mọi hoạt động nghề nghiệp từ chuyên môn đến đạo đức nghề nghiệp các thành viên. Họ có quyền truy tố và bảo vệ thành viên về chuyên môn và đạo đức trước pháp luật nhà nước.

Như vậy, để Việt Nam có một hệ thống bác sĩ gia đình tốt tham gia vào chống nạn quá tải ở các bệnh viện Việt Nam cần có những bước làm chuẩn tuần tự như sau:

1. Thiết lập hệ thống luật y khoa cho người dân và người hành nghề y.
2. Thiết lập và kiện toàn hệ thống quản lý y tế về chuyên môn và đạo đức có đủ uy tín về chuyên môn và đạo đức.
3. Phải có một hệ thống phần mềm quản lý y khoa thống nhất trong toàn quốc từ trung ương đến địa phương, từ bệnh viện ra đến các hệ thống phòng khám công cũng như tư nhân có thể kết nối liên lạc nhanh chóng.
4. Phải có một lực lượng bác sĩ đa khoa lâu năm, kinh nghiệm có kiến thức y khoa toàn diện làm nền tảng ban đầu xây dựng hệ thống bác sĩ gia đình. Chứ không phải đi đào tạo đâu đó ở trời Tây, chỉ biết bệnh của Tây mà không hiểu bệnh của ta là có thể làm được. Vì mỗi vùng địa lý có một số bệnh lý đặc thù với tầng suất xảy ra cao hơn và biểu hiện lâm sàng cũng khác hơn trên cùng một bệnh lý. Và vì Việt Nam không thiếu những bác sĩ có thừa khả năng để làm hệ thống bác sĩ gia đình tốt như trời Tây. Vấn đề là có biết sử dụng và biết quản lý hay không mà thôi.


Hy vọng rằng bài viết cuối cùng năm Kỷ Sửu sẽ là món quà đầu xuân Canh Dần, 2010 cho bà con một cái nhìn toàn diện: thế nào là bác sĩ gia đình, làm thế nào để có một hệ thống bác sĩ gia đình tốt cho người bệnh Việt Nam? Một lĩnh vực cũ người, nhưng mới ta. Mới vì không phải ta chưa có, nhưng vì ta đã làm, nhưng làm sai về quản lý. Các bạn thấy có gì thiếu sót thì góp ý thêm nhé. Cảm ơn,

BSHoHAI, 7h45' AM ngày 08/02/2010