QuocHung's Blog

24 thg 12, 2009

Nhiếp ảnh Việt ngày càng cũ mòn

Nhìn vào các cuộc thi ảnh trong nước với sự bảo trợ của Hội NSNAVN thấy rõ ràng sự đi xuống của chất lượng ảnh. Sự sáng tạo có thể nói là “dậm chân tại chỗ” . Các chủ đề, đề tài gần như không thay đổi cho dù đã nhiều năm trôi qua: Việt Nam, đất nước, con người.

Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (NSNAVN)-Vietnam Asociation of Photographic Artists (VAPA), chính thức thành lập tháng 12/1965. Ngày 8-9/12/1965, Đại hội lần thứ I Hội NSNAVN được tổ chức tại Hà Nội với 71 thành viên sáng lập. Ngày 22-24/12/2009, Đại hội nhiệm kỳ thứ 7 Hội NSNAVN được tổ chức tại Hà Nội với trên 500 đại biểu thay mặt cho hơn 800 NSNA trong toàn quốc.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam - Anh là ai?

Hội NSNAV ban đầu là Đoàn nhiếp ảnh thuộc Hội Văn nghệ VN được thành lập ở chiến khu Việt Bắc thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ngày 15/3/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành sắc lệnh 147-SL, thành lập "Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh VN”. Đây chính là đánh dấu sự có mặt của những người làm nghề nhiếp ảnh, trong đó có những NSNAVN bước vào đời sống văn hóa nghệ thuật, góp phần vào công cuộc kháng chiến và kiến quốc của đất nước.

Sau Hiệp định Geneve năm 1954, các NSNAVN từ nhiều nguồn đã chung tay đoàn kết phục vụ sự nghiệp chung của đất nước, xây dựng XHCN ở Miền Bắc và cùng đồng bào Miền Nam đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.

Tháng 2/1957, đại hội Văn nghệ toàn quốc họp tại Hà Nội, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật VN ra đời, trong đó có nhiếp ảnh, lúc đó là “Ban liên lạc NSNAVN”. Và với nhiều hoạt động tích cực đóng góp cho nền nghệ thuật nhiếp ảnh VN, họ đã khẳng định được sự có mặt và vị trí đối với nền văn hóa nghệ thuật VN. Tháng 12/1965, Hội NSNAVN được thành lập.

Hình minh họa. Tên ảnh: Don Quảng Ngãi (tác giả: Nguyễn Văn Đảnh).
Nguồn ảnh: suutamvagioithieu.com

Kể từ đó, qua 6 kỳ đại hội vào nhiều thời điểm khác nhau trong diễn trình lịch sử của đất nước, các NSNAVN đã đồng hành cùng nhân dân và dân tộc. Thời kỳ chiến tranh, NSNAVN cũng là chiến sĩ, không chỉ làm tốt nhiệm vụ người nghệ sĩ-chiến sĩ với tổ quốc mà còn góp phần chuyển những thông điệp lên án chiến tranh phi nghĩa, khơi gợi tinh thần yêu chuộng hòa bình của bạn bè 5 châu 4 biển ủng hộ cuộc kháng chiến giành độc lập và tự do, thống nhất VN.

Thời kỳ hòa bình, họ cũng đã góp phần làm đẹp, làm phong phú thêm cuộc sống tinh thần của xã hội, hơn nữa còn góp phần đưa hình ảnh VN ra với bạn bè quốc tế giới thiệu những vẻ đẹp của đất nước, con người, văn hóa VN… Những giải thưởng ảnh trong nước và quốc tế mà NSNAVN đọat được khó đếm hết. Đó cũng là minh chứng cho sự trưởng thành và vị trí của NSNAVN trong đời sống văn hóa nghệ thuật.

Nhưng không thể tự ru ngủ thỏa mãn hay quá tự tin vào những gì mà NSNAVN đạt được qua các giải thưởng, nhất là từ năm 2005 - nhiệm kỳ 6 của Hội NSNAVN đến nay, để nói rằng nghệ thuật nhiếp ảnh VN đang sánh vai với các quốc gia phát triển khác.

Nhìn vào các cuộc thi ảnh trong nước với sự bảo trợ của Hội NSNAVN thấy rõ ràng sự đi xuống của chất lượng ảnh. Sự sáng tạo có thể nói là “dậm chân tại chỗ” . Các chủ đề, đề tài gần như không hề thay đổi cho dù đã nhiều năm trôi qua: Việt Nam, đất nước, con người.

Ảnh đoạt giải vẫn cứ nhà máy, cánh đồng, bà già, người dân tộc, ruộng bậc thang, những cảnh đẹp thiên nhiên bất di bất dịch…. Chỉ khác là ảnh ngày càng được photoshop kỹ càng, nhìn bắt mắt hơn, nhưng giả tạo và vô lý cũng nhiều hơn... Quan trọng nhất là ảnh đoạt giải ít được ai nhớ.

Nhìn vào các giải thưởng quốc tế, thì hầu như các NSNAVN chỉ loanh quanh với các cuộc thi do FIAP- Liên đòan nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế, hay PSA- Hội Nhiếp ảnh Mỹ bảo trợ. Và ảnh mang đi thi, phần lớn là sự lặp lại, ít ảnh mới, cho nên nếu nhìn vào số lượng giải thưởng thì nhiều nhưng số ảnh thì không bao nhiêu - 1 ảnh có thể đạt vài chục giải thưởng ảnh do FIAP bảo trợ.

Còn như ở các cuộc thi của những tập đoàn về nghệ thuật nhiếp ảnh, các bảo tàng nghệ thuật danh tiếng quốc tế… bảo trợ thì chỉ thường thấy có NSNA quốc tịch ngoại gốc Việt –Việt kiều tham gia, gần đây nhất có một vài NSNAVN đã bắt đầu tiếp cận, đạt giải thưởng, nhưng chưa đạt được thành tích cao như mong muốn.

Nếu như trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ, những NSNAVN đã tạo dựng được vị trí của nhiếp ảnh VN đối với thế giới, thì sau 35 năm hòa bình, vị trí của nhiếp ảnh VN thật sự vẫn chưa phải là một điểm được chú ý trong bản đồ nghệ thuật nhiếp ảnh thế giới. Vì nếu tính những tác phẩm ảnh được lưu trong các bảo tàng nghệ thuật quốc tế danh tiếng, hay những bức ảnh mà cả thế giới phải sững sờ, run rẩy hay ám ảnh…- một trong tiêu chí đánh giá sự thành công và phát triển của nghệ thuật nhiếp ảnh, thì quả thật VN còn vắng mặt.

Phải chăng NSNAVN, cho dù đã được trang bị về kỹ thuật không thua gì các NSNA quốc tế, nhưng chưa đủ khả năng, hay tầm để tiếp cận với nghệ thuật nhiếp ảnh thế giới, khi mà họ có nhiều dòng, nhiều thể lọai, nhiều phong cách, nhiều ý tưởng phong phú… để sáng tạo và thể hiện thành tác phẩm nghệ thuật?

Hay NSNAVN không đủ dũng cảm để thay đổi những gì đã có, đã đạt được, mà những điều đó như là con đường có sẵn, không dám mở một con đường mới vì sợ mất danh tiếng? Hay đây là một trong những tồn tại đáng báo động của NSNAVN, họ đã cùn, mòn, lập lại vô hồn những thứ có sẵn, sự sáng tạo bế tắc?

Chưa kể có nhiều NSNAVN sáng tạo nghệ thuật không cần thực tế cuộc sống, có khi chỉ cần trong phòng và một máy vi tính với phần mềm photoshop, thậm chí chỉ cần “một cái khay” như của một NSNAVN vừa được FIAP phong tước cao nhất.

Đổi mới để có chất lượng

“Đổi mới & hội nhập” là tiêu chí chung của rất nhiều ngành, Hội NSNAVN cũng không thể khác được, nếu như muốn có một nhiệm kỳ mới hoạt động thật sự hiệu quả cả về chất lượng nghệ thuật và ảnh hưởng xã hội từ tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật.

Bầu được ban lãnh đạo mới lấy tiêu chuẩn chính trị, liêm chính, chí công vô tư, có trình độ quản lý, trình độ chuyên môn tốt, có uy tín và khả năng đoàn kết, tập họp hội viên, có số lượng và cơ cấu thích hợp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Hội trong những năm tới. Thực hiện tốt việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo hội - Mục đích, yêu cầu & phương châm đại hội (- Nguồn vapa.org.vn)

Phải chăng đây sẽ là một nhiệm kỳ với một ban lãnh đạo Hội NSNAVN trẻ hóa? Liệu họ có được sự đồng thuận, gắn kết, uy tín để lãnh đạo Hội nhiệm kỳ mới đổi mới thật sự? Đây là câu hỏi mà cũng là hy vọng.

"Nhiệm vụ trung tâm là tiếp tục phấn đấu tạo ra nhiều tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, giàu tính nhân văn, tiếp thu truyền thống dân tộc vá tinh hoa văn hóa nhân loại, đóng góp tích cực vào việc xây dựng một nền văn hóa VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người mới VN;

Thực hiện tốt phương châm lấy tác phẩm nhiếp ảnh tốt, hoạt động nhiếp ảnh lành mạnh đẩy lùi những họat động văn hóa, văn nghệ tiêu cực đồi trụy, phi nhân tính, đẩy mạnh sáng tác, nghiên cứu lý luận phê bình, quảng bá tác phẩm nhiếp ảnh tới công chúng trong nước và nước ngoài…"- Mục đích, yêu cầu và phương châm đại hội -(Nguồn vapa.org.vn)

Nhìn vào nhiệm vụ và mục tiêu này, vẫn chưa thấy có gì khác biệt với sự chung chung, lặp lại như các nhiệm kỳ trước trong hoạt động nghệ thuật.

Mong rằng kết thúc đại hội sẽ có những tín hiệu vui cho các NSNAVN trong họat động sáng tạo nghệ thuật.
Tác giả: Hoài Hương
http://tuanvietnam.net/2009-12-23-nhiep-anh-viet-ngay-cang-cu-mon

11 thg 12, 2009

Anh chụp cuối năm 2009