QuocHung's Blog

27 thg 1, 2010

HAITI: Món nợ đạo đức !

Khi Haiti đang phải đối mặt với một trong những thảm họa khủng khiếp nhất trong lịch sử của mình, người ta lại đang tự hỏi: ai có lỗi ở đây?

Câu trả lời là không khó như một bài viết trên báo The Times, Anh ngày 21-1.

...Vào thế kỷ 18, Haiti từng được mệnh danh là “Hòn ngọc Antilles” và là nước xuất khẩu đường hàng đầu thế giới. Những người nô lệ Haiti đã phải làm việc kiệt lực trong những đồn điền và họ chết với một nhịp độ mà đôi khi Pháp phải nhập khoảng 50.000 nô lệ mỗi năm để duy trì số lao động và lợi nhuận của mình.

Từ chính những lý tưởng của Cách mạng Pháp, năm 1791 những người nô lệ đã nổi dậy và sau một cuộc chiến tranh giải phóng đẫm máu, cuối cùng quân đội của Napoleon đã thất bại và Haiti tuyên bố độc lập vào năm 1804.

Nhưng nước Pháp đã không dễ tha thứ cho sự “hỗn xược” đã khiến nước Pháp phải trả giá bằng 800 đồn điền trồng mía và 3.000 đồn điền trồng cà phê. Một cuộc cấm vận ngặt nghèo được áp đặt cho đảo quốc này.

Năm 1825, để nhìn nhận nền độc lập của Haiti, Pháp đòi đất nước này bồi thường 150 triệu franc vàng, gấp năm lần toàn bộ nguồn thu hằng năm từ xuất khẩu của Haiti. Đòi hỏi này được Paris chuyển đến kèm theo 12 chiến thuyền và 150 khẩu pháo.
Và Haiti đã phải mua sự tự do của mình với cái giá nặng nề phải trả trong 122 năm. Thậm chí cho đến khi số tiền bồi thường này được rút lại 90 triệu franc thì đảo quốc này vẫn tiếp tục bị đè bẹp dưới món nợ chồng chất.

Haiti đã phải vay nợ nặng lãi từ các ngân hàng Mỹ, Đức và cả Pháp. Thử so sánh: Pháp đã nhường Louisiana - vùng đất rộng gấp 74 lần so với Haiti - cho Mỹ với số tiền 60 triệu franc.

Bởi vậy, nhà nước Haiti trên thực tế đã ra đời trong khánh kiệt. Năm 1900, tiền trả nợ vẫn luôn chiếm đến 80% ngân sách quốc gia. Haiti vẫn cứ phải còng lưng trả nợ mãi cho đến năm 1947.

Nền kinh tế Haiti luôn bị mất cân đối, rừng bị tàn phá và người dân sống trong cùng cực đói nghèo, trong bất ổn chính trị và kinh tế cùng những tàn phá của thiên tai và nhân tai. Năm 2003, chính quyền Haiti yêu cầu Pháp đền bù 22 tỉ USD do chính sách pháo thuyền đã biến thuộc địa giàu có này thành một nước nghèo nhất Tây bán cầu.

Sau trận động đất ngày 12-1-2010 mà những hậu quả càng trở nên nặng nề hơn bởi nền kinh tế mong manh của đảo quốc này, Pháp đã liên tục nhận được những tiếng kêu gọi nước Pháp trả món nợ đạo đức cho Haiti. Nhưng những tiếng kêu ấy không thấu đến Paris.

Theo quan điểm của điện Élysée, chuyện nợ nần của Haiti đã khép lại vào năm 1885. Năm 2004, tổng thống Pháp Chirac đã cho thành lập một ủy ban để xem xét quan hệ giữa Pháp và cựu thuộc địa này của mình. Kết luận của ủy ban: đòi hỏi bồi thường của Chính phủ Haiti “không thích đáng cả về mặt lịch sử lẫn pháp lý”.

Vào lúc Haiti đang bị đe dọa bởi sự hỗn loạn xã hội, sự tê liệt của bộ máy chính quyền và tình trạng bạo lực tràn lan sau động đất, bộ trưởng tài chính Pháp lại kêu gọi nhanh chóng xóa nợ cho đảo quốc này. Quả là sự oái oăm của lịch sử! Bởi nếu nước Pháp không bóp nghẹt đất nước này dưới núi nợ nần ngay từ khi ra đời, chắc Haiti cũng còn có chút sức lực để đối mặt với thảm họa thiên nhiên này.

Bài báo kết luận: “Chính sách thực dân đã đầu độc quan hệ của khá nhiều nước trên thế giới nhưng ít có nước nào như Haiti, nơi mà những khủng khiếp của hiện tại lại gắn liền trực tiếp với những sai lầm quá khứ đến như vậy. Nước Pháp có thể giúp hàn gắn những vết thương của Haiti bằng cách chỉ cần nhìn nhận trách nhiệm lịch sử của mình trong bi kịch mà những người dân nước này đang là những nạn nhân. Thế nhưng, nước Pháp lại đã không trả nợ cho những sai lầm quá khứ của mình”.

Trả món nợ đạo đức đối với quá khứ, đúng là bài học khó nuốt cho thực dân cũ và cho cả thực dân mới!
====================
CHÚ THÍCH: 150.000 người thiệt mạng vì động đất ở Haiti
Chính quyền Haiti đưa ra báo cáo sơ bộ cho biết số người thiệt mạng do vụ động đất là hơn 150.000 người. Theo New York Times, hiện chưa biết làm thế nào mà chính quyền Haiti có con số này vì số người chết tăng nhanh từ 111.000 lên 120.000 và rồi 150.000. Bộ trưởng Văn hóa và truyền thông Marie-Laurence Jocelyn Lassegue nói 150.000 là số người đã được chính quyền chôn cất trong 11 ngày qua, không tính những người còn mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Cho đến nay các cơ quan cứu trợ quốc tế và các quan chức đều cho rằng nên tập trung nỗ lực giúp đỡ những người sống hơn là đếm số người đã chết.
Trong khi đó chương trình từ thiện “Hope for Haiti” (Hi vọng cho Haiti) tối 22-1 của các ngôi sao tại Los Angeles, Mỹ đã gây quỹ được con số kỷ lục: 58 triệu USD.

Nguồn: TTO 25/01

Mêkong: Cuộc sống chẳng còn là dòng sông êm ả

Bài của Thomas Fuller (The New York Times) – in lại trên tuần báo Courrier international ngày 20-01-2010 – PT dịch
Càng ngày càng có thêm nhiều dự án ngăn dòng trên con sông Mêkông. Phát triển kinh tế lại thành ra phương hại đến tương lai ngư dân và cuộc sống muôn thuở dọc đôi bờ sông, tờ New York Times viết.


Những thúng cá, những người dân làng bơi lội tắm táp, một cái chợ bán đủ thứ kiếm được từ rừng sâu: đó là những kỷ niệm ấu thơ của Pornlert Prompanya về con sông Mêkông hoang dã xưa. Bây giờ, người đàn ông 32 tuổi ấy tổ chức những chuyến du lịch dọc con sông Mêkông với bộ mặt hoàn toàn khác: ở Sop Ruak, nơi biên giới với Thái Lan và Myanmar, một sòng bạc mới toanh có mái vòm giát vàng giang tay đón những con bạc cỡ bự từ xe ô tô hòm đen bước xuống.

Dòng sông biến đổi thật nhanh, do kinh tế phát triển, do những nhu cầu về điện của vùng này và nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Ngay cả khi con sông này chưa bị ô nhiễm gây hoại thư như vô số con sông châu Á khác, sông Mêkông cũng chẳng còn là dòng chảy êm ả như cách đây nhiều thế kỷ nữa.

Trung Hoa đã xây dựng ba con đập, và con đập thứ tư đang xây sẽ là con đập cao nhất thế giới. Nước Lào có kế hoạch xây trên sông Mêkông và các chi lưu của sông này vô số đập thủy điện – bẩy mươi dự án cả thẩy, trong đó bẩy dự án đã hoàn thành – và các nhà cầm quyền ở đây đã tuyên bố nước Lào thành “cục pin của châu Á”. Sau hết, Nước Campuchia có kế hoạch xây hai con đập. Giấc mơ của các n hà thực dân Pháp dùng con sống như cửa ngõ bước vào đất Tầu đã được thực hiện từng phần: sau khi các kỹ sư Tầu dùng thuốc nổ phá cả loạt thác ghềnh vào đầu những năm 2000, tình hình thương mại theo đường sông giữa Trung Hoa và Thái Lan đã tăng lên gần 50%. Các nhà sinh thái lo ngại rằng những dự án này sẽ tiêu diệt các nguồn thu nhập của cư dân sống nhờ vào sông Mêkông đã nhiều thế kỷ nay. Những phương diện bị phê phán nhiều hơn cả của các con đập này là vấn đề tác đông của chúng tới những đàn cá di cư và việc trồng lúa ở vùng đồng bằng Việt Nam, nơi tập trung hơn một nửa năng lực trồng trọt của nước này. Thật vậy, nền nông nghiệp vùng đồng bằng sông Mêkông vốn được hưởng lợi từ phù sa con sông đầy chất dinh dưỡng nay đã bị các con đập của người Tầu giữ lại. Theo tính toán của các chuyên gia, các con đập sẽ chặn đứng một tỷ lệ phù sa lớn hơn nữa cùng với vô số giống cá, điều đó gây tai họa cho hoạt động nuôi trồng thủy sản, và Ủy ban sông Mêkông, một cơ quan tư vấn do các chính phủ Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam thành lập năm 1995, đã ước tính lên đến 2 tỷ đô-la.

Theo một công trình nghiên cứu tiến hành năm 2006, trong hàng trăm giống cá sống trên con sông này, thì 87% là cá di cư.

“Những con đập đặt ra những vấn đề vô cùng lớn đối với sáu chục triệu dân sống trong lưu vực sông Mêkông”, Milton Osborne, nghiên cứu viên được mời tới Viện nghiên cứu chính trị quốc tế Lowy ở Sydney, đồng thời là tác giả nhiều công trình về sông Mêkông. “Con người ở đây bị gắn chặt vào với con sông này.” Theo một số nhà phân tích, việc gia tăng mạnh mẽ các con đập trên sông Mêkông có thể gây ra xung đột mang tầm quốc tế. Có những phong trào công dân Thái tỏ ra bất bình trước vẻ dửng dưng của Trung Hoa trước những hệ quả do các công trình của họ gây ra cho người dân sống dưới hạ lưu con sông này.

Cả Trung Hoa lẫn Myanmar – hai quốc gia nằm cao trên thượng lưu con sông – đều không phải là thành viên của Ủy ban sông Mêkông, điều này khiến họ không bị buộc phải hỏi ý kiến các nước khác đối với những vấn đề chẳng hạn như việc xây đập và phân chia nguồn nước. Thế nhưng, giờ đây, chuyện các con đập vẫn không thành mối quan tâm mang tính chất quốc gia của bất kỳ nước nào có con sông này chảy qua. Không thấy xảy ra ở những nước này bất kỳ phong trào phản đối lớn nào, và đối với rất nhiều con người trong vùng, thậm chí lại còn coi việc xây cất đó là biểu hiện của sự tiến bộ. Sự phát triển của sông Mêkông cũng là biểu hiện của một châu Á mới, cuối cùng đã thoát khỏi những xung đột ý thức hệ làm tê liệt họ. Theo Pornlert Prompanya, dẫu sao thì cái ngôi làng thời thơ ấu của ông nay đã trở thành chốn đô thị đón du khách trong những khách sạn và nhà hàng sang trọng, các mặt tiêu cực của vấn đề xem ra vẫn lớn hơn những mặt tích cực. Ông nói rằng con sông bây giờ hành xử bất ưng khó đoán trước được, câu con cá cũng khó và tắm thì chẳng có gì thú vị nữa, bởi vì dòng sông “quá bẩn và quá ô nhiễm”. “Xưa kia, mực nước sông thay đổi theo mùa”, ông nói thêm. “Bây giờ đây, mực nước này tùy thuộc vào việc Trung Hoa cần dùng của nó bao nhiêu nước.”

Tham khảo
Sông Mêkông chạy qua Đông Nam châu Á với chiều dài khoảng 4 900 kilomet. Nó bắt nguồn từ đỉnh Himalaya rồi chảy xuống miền Nam Trung Hoa, Myanmar, Tháï Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam trước khi đổ ra mạn Nam của biển Đông. Kể từ khi Trung Quốc xây con đập đầu tiên, rất nhiều chủng loại sinh vật như cá heo và cá heo sông Mêkông đang trên đường tuyệt diệt, mực nước thì bị hạ thấp, con cá câu lên đều nhỏ và ít hơn rất nhiều. Ở nhiều chỗ, dòng chảy quá mạnh, do phá ghềnh thác, phá các bãi cát và mở rộng các khúc sông hẹp. Campuchia là quốc gia lệ thuộc hơn cả vào dòng chảy và các trận lụt của con sông này: người ta e ngại có thể xảy ra nạn đói vì thế. Tất cả các thành phố lớn của Lào đều nằm bên sông, và thành phố lớn quan trọng của Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh, đã bị đe dọa vì dòng chảy sông Mêkông không đủ mạnh và còn bị ô nhiễm nữa.

22 thg 1, 2010

Một mã số cá nhân, tại sao không?

Người dân chưa hết xôn xao do bị hư hao quyền lợi từ cú đổi 50 triệu thẻ BHYT theo luật mới thì 17 triệu chủ thẻ ATM của một ngân hàng lại phải bỏ việc xếp hàng chờ… đổi thẻ do sợ trùng mã BIN.


Gần hơn là chuyện ba triệu chủ thuê bao di động trả trước bị trùng dữ liệu CMND, hộ chiếu hết vía vì tuyên bố “cắt liên lạc” và “chuyển công an điều tra”. Trước đó là việc hàng triệu người lao động lo lắng mất 10% thu nhập do chưa được cấp mã số thuế cá nhân, rồi bảy triệu tài xế ô-tô bàn tán về chuyện đổi giấy phép lái xe…

Không chuyên gia hành chính nào có thể khẳng định sắp tới sẽ chấm dứt cảnh cả xã hội xếp hàng làm thủ tục như vậy, bởi thực tế trước nay là tất cả các ngành (nhất là công an) đang phải ban hành các quy định về quản lý căn cứ trên khá nhiều dữ liệu khả biến!

Trong một xã hội phát triển, các dữ liệu về nơi ở, nơi làm việc, nơi đóng bảo hiểm, nơi thanh toán… luôn biến động. Nếu các công cụ quản lý được thiết kế theo nó thì dĩ nhiên sự lạc hậu, chồng chéo, sai lệnh… luôn diễn ra dẫn tới việc chuyển đổi không bao giờ ngừng lại.

Các nước phát triển có giải pháp khá đơn giản. Mỗi con người ngay từ khi sinh ra đã được cấp một MÃ SỐ CÁ NHÂN, bao gồm những dữ liệu bất biến, như người cha, người mẹ, nơi sinh, nhóm máu… Mã số này được các ngành liên quan sử dụng làm căn cứ để thiết kế các công cụ quản lý cho mình, như quản lý thuế, mở tài khoản, cấp bằng lái xe, mở sổ an sinh xã hội, làm hộ chiếu v.v…

Ở Việt Nam chưa có một ngành nào đảm nhiệm việc cấp mã số cá nhân như thế. Chính vì không có một mã chuẩn, nhưng do nhu cầu thực tế, các ngành vẫn cần công cụ quản lý nên mạnh ai nấy cấp dẫn tới hiện tượng các công cụ này thay đổi liên tục như trên. Thậm chí, ngay cách thức quản lý nhân khẩu của ngành công an cũng bộc lộ hạn chế khi một con người có thể có nhiều số CMND (do chuyển vùng), nhiều số hộ chiếu (do hết hạn) dẫn tới lúng túng cho các ngành khác khi lấy các số liệu này làm chuẩn.

Bất cập này đã bị phát hiện, song bế tắc về giải pháp khi ngành này không thừa nhận cơ sở dữ liệu của ngành kia, dẫn tới hiện tượng ví tiền của người dân giờ đây chứa đầy các loại thẻ mà giao dịch thì vẫn bất cập!

Mẫu giấy khai sinh mà Bộ Tư pháp đang quản lý, tại sao không đánh số sê-ri như tiền và coi con số đó là CHUẨN đối với một con người để mà từ đó có một sự khởi đầu?

Bút Lông Site

Tập đoàn kinh tế và chợ làng

Câu chuyện mấy doanh nghiệp viễn thông “mặc cả” với EVN về giá thuê cột điện tưởng chỉ là “việc riêng” của mấy doanh nghiệp (DN) nhà nước với nhau, nay nó bỗng thành chuyện của công chúng khi VNPT và Viettel bắt tay nhau đòi trồng cột.


Do điều kiện lịch sử mà lâu nay EVN độc quyền tuyệt đối trong việc trồng và cho thuê cột điện trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Chính vì thế khi EVN tăng giá treo cáp lên nhiều lần thì không chỉ VNPT, Viettel… mà nhiều đơn vị “có dây” khác đồng loạt kêu cứu. Bộ Công thương, Bộ Thông tin & Truyền thông đã phải “xắn tay áo” cùng giải quyết nhưng không xong, bởi tranh chấp kinh tế thì khó mà dùng được áp lực hành chính.

Người dân chỉ thắc mắc, giá cao hay thấp thì đều là “nhà nước”, túi này bỏ sang túi kia thôi, sao cứ “cãi nhau” hoài? Nhưng sự thực không thế, EVN ngợp trước doanh thu tới gần 80.000 tỷ đồng (lãi tới cả chục nghìn tỷ đồng) của VNPT và Viettel nên lý sự sao lại “tiếc” vài trăm tỷ “chia sẻ” chi phí trồng và bảo dưỡng cột… Bộ Tài chính, Bộ Thông tin & truyền thông bối rối vì văn bản liên quan (chính sách hiệp thương giá, Luật Viễn thông) đề cập đến vấn đề này cái thì đang soạn thảo, cái thì chưa có hiệu lực.

Thế là trong lúc chờ, mới đây VNPT và Viettel đã bàn bạc đến việc… trồng cột xài chung, bởi cuộc mặc cả với EVN khó đến hồi kết.

To chuyện rồi!

Người Hà Nội, TP HCM và các đô thị khác làm sao chịu nổi nếu trên đường phố vốn đã chật hẹp lại mọc thêm những hàng cột mới. Hơn nữa, chi phí trồng và duy tu cột, nếu không bổ vào đầu người dùng dịch vụ viễn thông thì hạch toán vào đâu?

Cả nước có vài tập đoàn kinh tế nhà nước, nhưng số này nắm trong tay hầu hết các nguồn lực mạnh nhất như ngân sách, tín dụng ưu đãi, đất đai, máy móc thiết bị, tài nguyên khoáng sản… và nhất là thương quyền kinh doanh tuyệt đối. Dĩ nhiên, khi hưởng những lợi thế bất khả xâm phạm đó, người dân đòi hỏi các đơn vị kinh tế này phải có nghĩa vụ tương xứng trở lại đối với xã hội, chứ không thể hơi tý cãi cọ nhau như hàng tôm, hàng cá tranh chỗ chốn chợ làng!

Phong cách đó ra “biển lớn” thế nào đây?

Chính phủ từng yêu cầu các tập đoàn bán ngoại tệ cho ngân hàng vì lợi ích chung. Nếu chuyện thuê cột mặc cả không xong, vì lợi ích chung, hoàn toàn có thể sử dụng lại cách thức này.

Cách đó không xong nữa thì tại sao không tước toàn bộ số cột điện EVN đang quản lý, giao cho một đơn vị độc lập tổ chức chào thầu công khai mà EVN hay VNPT, Viettel sẽ chỉ là người đi thuê?

Blog BútLông

14 thg 1, 2010

Loạt ảnh ở Phú Lâm, đám giỗ BA

Ngày thứ bảy, 09/01/2010 đám giỗ BA, từ Long Xuyên về Phú Lâm với vợ chồng Trúc, chụp vài tấm ảnh kỷ niệm gửi lên đây:


XIN NHẤN VÀO ĐÂY XEM SHOW TRÌNH DIỄN (Hơi bị lâu)
Hoặc là nhấn chuột vào ảnh dưới để xem toàn Album :
Photobucket

Chùm ảnh du lịch Huế năm 2008

Chùm ảnh du lịch Huế năm 2008.

Nhấn vào ảnh dưới để xem toàn album :
Photobucket

Chùm ảnh Trúc Quân năm 2008


Nhấn vào ảnh dưới để xem toàn Album Trúc Quân:

Photobucket

Sông Mêkông có nguy cơ bị tác hại thêm từ các đập nước do Lào và Campuchia dự trù xây dựng ở hạ nguồn

Nếu Lào và Cam Bốt xúc tiến việc xây dựng đập Don Sahong và Sambor ở hạ nguồn, nguồn cá trong dòng Mêkong có nguy cơ cạn kiệt. Cộng thêm với tác hại đến từ các công trình thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tương lai con sông Cửu Long trở nên thật u ám.

Vốn đã phải gánh chịu hệ quả từ các đập chắn do Trung Quốc dựng lên trên thượng nguồn, dòng Mêkông còn có nguy cơ bị tác hại thêm nếu Lào và Cam Bốt xúc tiến các công trình xây dựng hai đập thủy điện mới dưới hạ nguồn với sự giúp đỡ cũng của Trung Quốc. Cộng thêm với ảnh hưởng đã được dự báo của hiện tượng biến đổi khí hậu, tương lai con sông lớn nhất Đông Nam Á quả là không mấy tươi sáng.

Trên đây là phân tích của giáo sư Úc Milton Osborne, trong một bài viết mang tựa đề : Sông Mêkông bị đe dọa (The Mekong River Under Threat), đăng trên tập san trên mạng Japan Focus ngày 11/01/2010. Bài viết này trích từ một công trình nghiên cứu của giáo sư Osborne được Viện Nghiên Cứu Úc Lowy institute công bố cuối năm 2009.

Trung Quốc là thủ phạm đầu tiên gây tác hại cho sông Mêkông

Cho đến đầu thập niên 1980, dòng Mêkông chảy từ Trung Quốc, Miến Điện, qua Thái Lan, Lào, Cam Bốt rồi xuống Việt Nam vẫn không thay đổi gì nhiều so với hơn một thế kỷ trước đó, khi bản đồ con sông được người Pháp hình thành. Thế nhưng, từ những năm 1980, đặc tính của con sông ngày càng bị thay đổi, dưới tác động đồng thời của hai vế trong chương trình ''phát triển'' mà Bắc Kinh tiến hành.

Trước hết là chủ trương phá ghềnh thác, nạo vét lòng sông để khai thông tuyến đường thủy đi từ Vân Nam (miền Nam Trung Quốc), xuống đến tận cảng sông Chiang Seen (miền Bắc Thái Lan). Hiện nay tuyến lưu thông này đã đi vào hoạt động, nhưng đến giờ này, theo giáo sư Osborne, ảnh hưởng của việc mở tuyến đường đường thủy này còn ở mức hạn chế.

Tác hại to lớn hơn đối với sông Mêkông tuy nhiên lại đến từ chương trình thứ hai của Bắc Kinh : xây dựng một loạt đập thủy điện ở vùng Vân Nam, trên thượng nguồn dòng sông. Tính đến đầu năm 2010 này, đã có ba con đập đi vào hoạt động và hai con đập cực lớn khác đang thi công, dự trù hoàn tất vào năm 2012 và 2017. Chưa hết, kế hoạch này còn bao gồm ít nhất hai đập thuỷ điện khác, và cho đến năm 2030, một hệ thống 7 con đập "bậc thềm" có thể xuất hiện tại vùng Vân Nam.

Theo giáo sư Osborne, không cần chờ đến năm 2030, với 5 con đập hiện hữu cũng như sắp hoàn thành, Trung Quốc sẽ có thể điều hoà dòng chảy con sông, giảm bớt lưu lượng nước vào mùa mưa hay nâng cao mức nước vào mùa khô.

Vấn đề là Bắc Kinh không hề tham khảo ý kiến các quốc gia hạ nguồn khi tiến hành xây đập. Cho dù hiện nay tác hại của các con đập đã hoạt động còn giới hạn, nhưng theo giáo sư Osborne, chỉ nội trong một chục năm tới đây, tình hình sẽ biến đổi theo chiều hướng xấu đi với việc toàn bộ năm con đập của Trung Quốc đi vào hoạt động.

Và cái giá phải trả cho môi trường sẽ còn tăng lên gấp bội nếu một số đập thủy điện khác ở hạ nguồn sông Mêkông được xây dựng.

Tác hại từ các con đập của Trung Quốc

Theo thẩm định của giáo sư Osborne, hệ thống các con đập bậc thềm của Trung Quốc trên thượng nguồn rốt cuộc sẽ tác hại nghiêm trọng đến hoạt động của sông Mêkông một khi các con đập này được dùng để kiểm soát lưu lượng của dòng nước.

- Thủy lưu dòng sông sẽ bị thay đổi khiến cho mùa nước lũ hàng năm không còn đến đúng vào thời điểm như trước, tác hại đến tập quán sinh sản và di cư của các loài tôm cá.

- Lượng phù sa đổ xuống vùng đồng bằng ở hạ lưu con sông cũng bị chận lại. 50% phù sa của sông Mêkông đến từ Trung Quốc. Theo các chuyên gia, phù sa cho đóng một vai trò quan trọng trong ngành sản xuất nông nghiệp tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long chẳng hạn. Phù sa cũng tác động đến sự di cư của loài cá.

- Phù sa bớt đi cũng làm gia tăng hiện tượng sói mòn hay sạt lở đất ở hai bên bờ sông.

Đối với giáo sư Milton Osborne, tác hại từ các con đập Trung Quốc đã đáng ngại rồi, nhưng ảnh hưởng của các đập nước trên dòng chảy chính của sông Mekong dưới hạ nguồn còn tai hại hơn rất nhiều.

Dù không chưa có có động tĩnh gì chắc chắn, nhưng trong vòng ba năm gần đây, các bên liên can đã ký biên bản ghi nhớ dự trù xây dựng khoảng 11 đập thủy điện : 7 ở Lào, 2 ở giữa Lào và Thái Lan, và 2 ở Cam Bốt.

Các con đập ở hạ nguồn sẽ triệt hạ nguồn cá nuôi dân

Các dự án này được các tập đoàn tư nhân và nhất là các công ty dựa vào Nhà nước Trung Quốc sẵn sàng tài trợ. Tình trạng bưng bít thông tin tại Lào và Cam Bốt khiến cho không ai có thể biết được là đập nào sẽ được xây dựng trước. Tuy nhiên công luận hiện đang rất quan ngại trước khả năng hai con đập được xây dựng : Don Sahong ở Nam Lào và Sambor ở Đông Bắc Cam Bốt. Lý do khiến mọi người lo ngại là một khi được hoàn thành, hai con đập này có thể ngăn chặn luồng di cư của cá vốn là nguồn cung cấp lương thực quan trọng cho dân Lào và Cam Bốt.

Đối với giáo sư Osborne, các con đập trên thượng nguồn có thể sẽ không tác hại nặng nề lên nguồn cá. Ngược lại, các công trình ở hạ nguồn, đặc biệt ở Don Sahong và Sambor thì sẽ ảnh hưởng rất lớn. Giơi chuyên gia hiện nay đều nhất trí cho rằng nếu hai con đập kể trên được xây dựng, thì đường di cư của cá sẽ bị ngăn chặn hoàn toàn mà không có phương cách nào giải quyết ổn thỏa được.

Tất cả các biện pháp dự trù cho đến nay để giúp cho cá vượt qua đập chắn như làm bậc thang, làm giỏ kéo lên hay đào kênh thay thế đều không thích hợp đối với chủng loại cá sinh trưởng trong dòng Mêkông, cũng như lượng sinh khối to lớn gắn liền với chu kỳ di cư của các loài cá đó.

Tại đập Pak Mun nằm trên một phụ lưu của sông Mekong ở Thái Lan, vào thập niên 1990, người ta đã thử sử dụng phương thức làm bậc thang cho cá vượt, nhưng thử nghiệm này đã thất bại.

Tại sao chính quyền Lào và Cam Bốt lại nghĩ đến việc xây dưng các con đập nói trên, bất chấp tác hại khôn kể đối với nguồn lương thực cho cư dân của họ ? Theo giáo sư Osborne, câu trả lời khá phức tạp và phải kết hợp nhiều yếu tố như sự thiếu hiểu biết của một số cấp chính quyền, thái độ sẵn sàng bác bỏ những thông tin hiện hữu, viện cớ rằng các nguồn tin này có thể không chính xác, hoặc là quan điểm cho là nghề cá đã "lỗi thời", trong lúc thuỷ điện là "hiện đại".

Trong trường hợp Cam Bốt, và đặc biệt là trường hợp đập Sambor, sự kiện một tập đoàn Trung Quốc muốn xây dựng công trình này có lẽ giải thích được vì sao thủ tướng Hun Sen sẵn sàng bật đèn xanh cho đề án. Ông Hun Sen không muốn làm phật lòng Trung Quốc, nước viện trợ hàng đầu cho Cam Bốt đồng thời là ''người bạn đáng tin cậy nhất'' của Phnom Penh.

Còn tại Lào, cũng theo giáo sư Osborne, việc đề xuất xây đập Don Sahong đa phần gắn với các lợi ích của gia tộc Siphandone đầy quyền thế tại nước này, mà khu vực miền Nam gần như là lãnh địa của họ.

Trong số các địa điểm được chọn để xây đập thuỷ điện, có lẽ Don Sahong là nơi được nghiên cứu kỹ luỡng nhất trên bình diện nghề cá. Vì thế có thể nói không sợ sai lầm là đề án này nếu được xúc tiến, sẽ tàn phá hệ thống di cư hàng năm của các loài cá, vừa ngược dòng, vừa xuôi dòng.

Tác hại từ đập nước cộng hưởng với tác động của biến đổi khí hậu

Theo giáo sư Osborne, các mối lo ngại về tác hại đến từ các đập thủy điện tại Trung Quốc hay dưới hạ nguồn sông Mêkông lại càng gia tăng khi người ta xét đến hiện tượng biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng nặng nề lên các quốc gia thuộc vùng lưu vực. Các công trình nghiên cứu đều gợi lên các thách thức về mặt sinh thái đối với dòng Mêkông.

Cho đến gần đây, mối lo ngại tập trung trên hiện tượng sông băng trên đỉnh Himalaya tan nhanh, ảnh hưởng đến lưu lượng dòng Mêkông bắt nguồn từ đấy. Thế nhưng, một số nghiên cứu gần đây đã chú tâm đến một mối đe dọa gần gũi hơn : hiện tượng nước biển dâng lên, nhất là khi những mảng lớn của Đông bằng sông Cửu Long tại Việt Nam bị nguy cơ ngập lụt.

Đến nay, chưa ai có thể xác định rõ là mối đe dọa do nước biển dâng sẽ tắc động như thế nào đến các yếu tố khác bắt nguồn từ biến đổi khí hậu, như sự kiện mưa lũ ngày càng nhiều tạo ra ngập lụt trong mùa mưa chẳng hạn. Thế nhưng, các công trình nghiên cứu đang cho thấy khả năng lượng mưa gia tăng, khiến cho lũ lụt xẩy ra ngày càng nhiều trong tương lai, có thể là từ nay đến năm 2030.