HAITI: Món nợ đạo đức !
Khi Haiti đang phải đối mặt với một trong những thảm họa khủng khiếp nhất trong lịch sử của mình, người ta lại đang tự hỏi: ai có lỗi ở đây?
Câu trả lời là không khó như một bài viết trên báo The Times, Anh ngày 21-1.
...Vào thế kỷ 18, Haiti từng được mệnh danh là “Hòn ngọc Antilles” và là nước xuất khẩu đường hàng đầu thế giới. Những người nô lệ Haiti đã phải làm việc kiệt lực trong những đồn điền và họ chết với một nhịp độ mà đôi khi Pháp phải nhập khoảng 50.000 nô lệ mỗi năm để duy trì số lao động và lợi nhuận của mình.
Từ chính những lý tưởng của Cách mạng Pháp, năm 1791 những người nô lệ đã nổi dậy và sau một cuộc chiến tranh giải phóng đẫm máu, cuối cùng quân đội của Napoleon đã thất bại và Haiti tuyên bố độc lập vào năm 1804.
Nhưng nước Pháp đã không dễ tha thứ cho sự “hỗn xược” đã khiến nước Pháp phải trả giá bằng 800 đồn điền trồng mía và 3.000 đồn điền trồng cà phê. Một cuộc cấm vận ngặt nghèo được áp đặt cho đảo quốc này.
Năm 1825, để nhìn nhận nền độc lập của Haiti, Pháp đòi đất nước này bồi thường 150 triệu franc vàng, gấp năm lần toàn bộ nguồn thu hằng năm từ xuất khẩu của Haiti. Đòi hỏi này được Paris chuyển đến kèm theo 12 chiến thuyền và 150 khẩu pháo.
Và Haiti đã phải mua sự tự do của mình với cái giá nặng nề phải trả trong 122 năm. Thậm chí cho đến khi số tiền bồi thường này được rút lại 90 triệu franc thì đảo quốc này vẫn tiếp tục bị đè bẹp dưới món nợ chồng chất.
Haiti đã phải vay nợ nặng lãi từ các ngân hàng Mỹ, Đức và cả Pháp. Thử so sánh: Pháp đã nhường Louisiana - vùng đất rộng gấp 74 lần so với Haiti - cho Mỹ với số tiền 60 triệu franc.
Bởi vậy, nhà nước Haiti trên thực tế đã ra đời trong khánh kiệt. Năm 1900, tiền trả nợ vẫn luôn chiếm đến 80% ngân sách quốc gia. Haiti vẫn cứ phải còng lưng trả nợ mãi cho đến năm 1947.
Nền kinh tế Haiti luôn bị mất cân đối, rừng bị tàn phá và người dân sống trong cùng cực đói nghèo, trong bất ổn chính trị và kinh tế cùng những tàn phá của thiên tai và nhân tai. Năm 2003, chính quyền Haiti yêu cầu Pháp đền bù 22 tỉ USD do chính sách pháo thuyền đã biến thuộc địa giàu có này thành một nước nghèo nhất Tây bán cầu.
Sau trận động đất ngày 12-1-2010 mà những hậu quả càng trở nên nặng nề hơn bởi nền kinh tế mong manh của đảo quốc này, Pháp đã liên tục nhận được những tiếng kêu gọi nước Pháp trả món nợ đạo đức cho Haiti. Nhưng những tiếng kêu ấy không thấu đến Paris.
Theo quan điểm của điện Élysée, chuyện nợ nần của Haiti đã khép lại vào năm 1885. Năm 2004, tổng thống Pháp Chirac đã cho thành lập một ủy ban để xem xét quan hệ giữa Pháp và cựu thuộc địa này của mình. Kết luận của ủy ban: đòi hỏi bồi thường của Chính phủ Haiti “không thích đáng cả về mặt lịch sử lẫn pháp lý”.
Vào lúc Haiti đang bị đe dọa bởi sự hỗn loạn xã hội, sự tê liệt của bộ máy chính quyền và tình trạng bạo lực tràn lan sau động đất, bộ trưởng tài chính Pháp lại kêu gọi nhanh chóng xóa nợ cho đảo quốc này. Quả là sự oái oăm của lịch sử! Bởi nếu nước Pháp không bóp nghẹt đất nước này dưới núi nợ nần ngay từ khi ra đời, chắc Haiti cũng còn có chút sức lực để đối mặt với thảm họa thiên nhiên này.
Bài báo kết luận: “Chính sách thực dân đã đầu độc quan hệ của khá nhiều nước trên thế giới nhưng ít có nước nào như Haiti, nơi mà những khủng khiếp của hiện tại lại gắn liền trực tiếp với những sai lầm quá khứ đến như vậy. Nước Pháp có thể giúp hàn gắn những vết thương của Haiti bằng cách chỉ cần nhìn nhận trách nhiệm lịch sử của mình trong bi kịch mà những người dân nước này đang là những nạn nhân. Thế nhưng, nước Pháp lại đã không trả nợ cho những sai lầm quá khứ của mình”.
Trả món nợ đạo đức đối với quá khứ, đúng là bài học khó nuốt cho thực dân cũ và cho cả thực dân mới!
====================
CHÚ THÍCH: 150.000 người thiệt mạng vì động đất ở Haiti
Chính quyền Haiti đưa ra báo cáo sơ bộ cho biết số người thiệt mạng do vụ động đất là hơn 150.000 người. Theo New York Times, hiện chưa biết làm thế nào mà chính quyền Haiti có con số này vì số người chết tăng nhanh từ 111.000 lên 120.000 và rồi 150.000. Bộ trưởng Văn hóa và truyền thông Marie-Laurence Jocelyn Lassegue nói 150.000 là số người đã được chính quyền chôn cất trong 11 ngày qua, không tính những người còn mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Cho đến nay các cơ quan cứu trợ quốc tế và các quan chức đều cho rằng nên tập trung nỗ lực giúp đỡ những người sống hơn là đếm số người đã chết.
Trong khi đó chương trình từ thiện “Hope for Haiti” (Hi vọng cho Haiti) tối 22-1 của các ngôi sao tại Los Angeles, Mỹ đã gây quỹ được con số kỷ lục: 58 triệu USD.
Nguồn: TTO 25/01