Tập đoàn kinh tế và chợ làng
Câu chuyện mấy doanh nghiệp viễn thông “mặc cả” với EVN về giá thuê cột điện tưởng chỉ là “việc riêng” của mấy doanh nghiệp (DN) nhà nước với nhau, nay nó bỗng thành chuyện của công chúng khi VNPT và Viettel bắt tay nhau đòi trồng cột.
Do điều kiện lịch sử mà lâu nay EVN độc quyền tuyệt đối trong việc trồng và cho thuê cột điện trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Chính vì thế khi EVN tăng giá treo cáp lên nhiều lần thì không chỉ VNPT, Viettel… mà nhiều đơn vị “có dây” khác đồng loạt kêu cứu. Bộ Công thương, Bộ Thông tin & Truyền thông đã phải “xắn tay áo” cùng giải quyết nhưng không xong, bởi tranh chấp kinh tế thì khó mà dùng được áp lực hành chính.
Người dân chỉ thắc mắc, giá cao hay thấp thì đều là “nhà nước”, túi này bỏ sang túi kia thôi, sao cứ “cãi nhau” hoài? Nhưng sự thực không thế, EVN ngợp trước doanh thu tới gần 80.000 tỷ đồng (lãi tới cả chục nghìn tỷ đồng) của VNPT và Viettel nên lý sự sao lại “tiếc” vài trăm tỷ “chia sẻ” chi phí trồng và bảo dưỡng cột… Bộ Tài chính, Bộ Thông tin & truyền thông bối rối vì văn bản liên quan (chính sách hiệp thương giá, Luật Viễn thông) đề cập đến vấn đề này cái thì đang soạn thảo, cái thì chưa có hiệu lực.
Thế là trong lúc chờ, mới đây VNPT và Viettel đã bàn bạc đến việc… trồng cột xài chung, bởi cuộc mặc cả với EVN khó đến hồi kết.
To chuyện rồi!
Người Hà Nội, TP HCM và các đô thị khác làm sao chịu nổi nếu trên đường phố vốn đã chật hẹp lại mọc thêm những hàng cột mới. Hơn nữa, chi phí trồng và duy tu cột, nếu không bổ vào đầu người dùng dịch vụ viễn thông thì hạch toán vào đâu?
Cả nước có vài tập đoàn kinh tế nhà nước, nhưng số này nắm trong tay hầu hết các nguồn lực mạnh nhất như ngân sách, tín dụng ưu đãi, đất đai, máy móc thiết bị, tài nguyên khoáng sản… và nhất là thương quyền kinh doanh tuyệt đối. Dĩ nhiên, khi hưởng những lợi thế bất khả xâm phạm đó, người dân đòi hỏi các đơn vị kinh tế này phải có nghĩa vụ tương xứng trở lại đối với xã hội, chứ không thể hơi tý cãi cọ nhau như hàng tôm, hàng cá tranh chỗ chốn chợ làng!
Phong cách đó ra “biển lớn” thế nào đây?
Chính phủ từng yêu cầu các tập đoàn bán ngoại tệ cho ngân hàng vì lợi ích chung. Nếu chuyện thuê cột mặc cả không xong, vì lợi ích chung, hoàn toàn có thể sử dụng lại cách thức này.
Cách đó không xong nữa thì tại sao không tước toàn bộ số cột điện EVN đang quản lý, giao cho một đơn vị độc lập tổ chức chào thầu công khai mà EVN hay VNPT, Viettel sẽ chỉ là người đi thuê?
Blog BútLông