QuocHung's Blog

14 thg 1, 2010

Sông Mêkông có nguy cơ bị tác hại thêm từ các đập nước do Lào và Campuchia dự trù xây dựng ở hạ nguồn

Nếu Lào và Cam Bốt xúc tiến việc xây dựng đập Don Sahong và Sambor ở hạ nguồn, nguồn cá trong dòng Mêkong có nguy cơ cạn kiệt. Cộng thêm với tác hại đến từ các công trình thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tương lai con sông Cửu Long trở nên thật u ám.

Vốn đã phải gánh chịu hệ quả từ các đập chắn do Trung Quốc dựng lên trên thượng nguồn, dòng Mêkông còn có nguy cơ bị tác hại thêm nếu Lào và Cam Bốt xúc tiến các công trình xây dựng hai đập thủy điện mới dưới hạ nguồn với sự giúp đỡ cũng của Trung Quốc. Cộng thêm với ảnh hưởng đã được dự báo của hiện tượng biến đổi khí hậu, tương lai con sông lớn nhất Đông Nam Á quả là không mấy tươi sáng.

Trên đây là phân tích của giáo sư Úc Milton Osborne, trong một bài viết mang tựa đề : Sông Mêkông bị đe dọa (The Mekong River Under Threat), đăng trên tập san trên mạng Japan Focus ngày 11/01/2010. Bài viết này trích từ một công trình nghiên cứu của giáo sư Osborne được Viện Nghiên Cứu Úc Lowy institute công bố cuối năm 2009.

Trung Quốc là thủ phạm đầu tiên gây tác hại cho sông Mêkông

Cho đến đầu thập niên 1980, dòng Mêkông chảy từ Trung Quốc, Miến Điện, qua Thái Lan, Lào, Cam Bốt rồi xuống Việt Nam vẫn không thay đổi gì nhiều so với hơn một thế kỷ trước đó, khi bản đồ con sông được người Pháp hình thành. Thế nhưng, từ những năm 1980, đặc tính của con sông ngày càng bị thay đổi, dưới tác động đồng thời của hai vế trong chương trình ''phát triển'' mà Bắc Kinh tiến hành.

Trước hết là chủ trương phá ghềnh thác, nạo vét lòng sông để khai thông tuyến đường thủy đi từ Vân Nam (miền Nam Trung Quốc), xuống đến tận cảng sông Chiang Seen (miền Bắc Thái Lan). Hiện nay tuyến lưu thông này đã đi vào hoạt động, nhưng đến giờ này, theo giáo sư Osborne, ảnh hưởng của việc mở tuyến đường đường thủy này còn ở mức hạn chế.

Tác hại to lớn hơn đối với sông Mêkông tuy nhiên lại đến từ chương trình thứ hai của Bắc Kinh : xây dựng một loạt đập thủy điện ở vùng Vân Nam, trên thượng nguồn dòng sông. Tính đến đầu năm 2010 này, đã có ba con đập đi vào hoạt động và hai con đập cực lớn khác đang thi công, dự trù hoàn tất vào năm 2012 và 2017. Chưa hết, kế hoạch này còn bao gồm ít nhất hai đập thuỷ điện khác, và cho đến năm 2030, một hệ thống 7 con đập "bậc thềm" có thể xuất hiện tại vùng Vân Nam.

Theo giáo sư Osborne, không cần chờ đến năm 2030, với 5 con đập hiện hữu cũng như sắp hoàn thành, Trung Quốc sẽ có thể điều hoà dòng chảy con sông, giảm bớt lưu lượng nước vào mùa mưa hay nâng cao mức nước vào mùa khô.

Vấn đề là Bắc Kinh không hề tham khảo ý kiến các quốc gia hạ nguồn khi tiến hành xây đập. Cho dù hiện nay tác hại của các con đập đã hoạt động còn giới hạn, nhưng theo giáo sư Osborne, chỉ nội trong một chục năm tới đây, tình hình sẽ biến đổi theo chiều hướng xấu đi với việc toàn bộ năm con đập của Trung Quốc đi vào hoạt động.

Và cái giá phải trả cho môi trường sẽ còn tăng lên gấp bội nếu một số đập thủy điện khác ở hạ nguồn sông Mêkông được xây dựng.

Tác hại từ các con đập của Trung Quốc

Theo thẩm định của giáo sư Osborne, hệ thống các con đập bậc thềm của Trung Quốc trên thượng nguồn rốt cuộc sẽ tác hại nghiêm trọng đến hoạt động của sông Mêkông một khi các con đập này được dùng để kiểm soát lưu lượng của dòng nước.

- Thủy lưu dòng sông sẽ bị thay đổi khiến cho mùa nước lũ hàng năm không còn đến đúng vào thời điểm như trước, tác hại đến tập quán sinh sản và di cư của các loài tôm cá.

- Lượng phù sa đổ xuống vùng đồng bằng ở hạ lưu con sông cũng bị chận lại. 50% phù sa của sông Mêkông đến từ Trung Quốc. Theo các chuyên gia, phù sa cho đóng một vai trò quan trọng trong ngành sản xuất nông nghiệp tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long chẳng hạn. Phù sa cũng tác động đến sự di cư của loài cá.

- Phù sa bớt đi cũng làm gia tăng hiện tượng sói mòn hay sạt lở đất ở hai bên bờ sông.

Đối với giáo sư Milton Osborne, tác hại từ các con đập Trung Quốc đã đáng ngại rồi, nhưng ảnh hưởng của các đập nước trên dòng chảy chính của sông Mekong dưới hạ nguồn còn tai hại hơn rất nhiều.

Dù không chưa có có động tĩnh gì chắc chắn, nhưng trong vòng ba năm gần đây, các bên liên can đã ký biên bản ghi nhớ dự trù xây dựng khoảng 11 đập thủy điện : 7 ở Lào, 2 ở giữa Lào và Thái Lan, và 2 ở Cam Bốt.

Các con đập ở hạ nguồn sẽ triệt hạ nguồn cá nuôi dân

Các dự án này được các tập đoàn tư nhân và nhất là các công ty dựa vào Nhà nước Trung Quốc sẵn sàng tài trợ. Tình trạng bưng bít thông tin tại Lào và Cam Bốt khiến cho không ai có thể biết được là đập nào sẽ được xây dựng trước. Tuy nhiên công luận hiện đang rất quan ngại trước khả năng hai con đập được xây dựng : Don Sahong ở Nam Lào và Sambor ở Đông Bắc Cam Bốt. Lý do khiến mọi người lo ngại là một khi được hoàn thành, hai con đập này có thể ngăn chặn luồng di cư của cá vốn là nguồn cung cấp lương thực quan trọng cho dân Lào và Cam Bốt.

Đối với giáo sư Osborne, các con đập trên thượng nguồn có thể sẽ không tác hại nặng nề lên nguồn cá. Ngược lại, các công trình ở hạ nguồn, đặc biệt ở Don Sahong và Sambor thì sẽ ảnh hưởng rất lớn. Giơi chuyên gia hiện nay đều nhất trí cho rằng nếu hai con đập kể trên được xây dựng, thì đường di cư của cá sẽ bị ngăn chặn hoàn toàn mà không có phương cách nào giải quyết ổn thỏa được.

Tất cả các biện pháp dự trù cho đến nay để giúp cho cá vượt qua đập chắn như làm bậc thang, làm giỏ kéo lên hay đào kênh thay thế đều không thích hợp đối với chủng loại cá sinh trưởng trong dòng Mêkông, cũng như lượng sinh khối to lớn gắn liền với chu kỳ di cư của các loài cá đó.

Tại đập Pak Mun nằm trên một phụ lưu của sông Mekong ở Thái Lan, vào thập niên 1990, người ta đã thử sử dụng phương thức làm bậc thang cho cá vượt, nhưng thử nghiệm này đã thất bại.

Tại sao chính quyền Lào và Cam Bốt lại nghĩ đến việc xây dưng các con đập nói trên, bất chấp tác hại khôn kể đối với nguồn lương thực cho cư dân của họ ? Theo giáo sư Osborne, câu trả lời khá phức tạp và phải kết hợp nhiều yếu tố như sự thiếu hiểu biết của một số cấp chính quyền, thái độ sẵn sàng bác bỏ những thông tin hiện hữu, viện cớ rằng các nguồn tin này có thể không chính xác, hoặc là quan điểm cho là nghề cá đã "lỗi thời", trong lúc thuỷ điện là "hiện đại".

Trong trường hợp Cam Bốt, và đặc biệt là trường hợp đập Sambor, sự kiện một tập đoàn Trung Quốc muốn xây dựng công trình này có lẽ giải thích được vì sao thủ tướng Hun Sen sẵn sàng bật đèn xanh cho đề án. Ông Hun Sen không muốn làm phật lòng Trung Quốc, nước viện trợ hàng đầu cho Cam Bốt đồng thời là ''người bạn đáng tin cậy nhất'' của Phnom Penh.

Còn tại Lào, cũng theo giáo sư Osborne, việc đề xuất xây đập Don Sahong đa phần gắn với các lợi ích của gia tộc Siphandone đầy quyền thế tại nước này, mà khu vực miền Nam gần như là lãnh địa của họ.

Trong số các địa điểm được chọn để xây đập thuỷ điện, có lẽ Don Sahong là nơi được nghiên cứu kỹ luỡng nhất trên bình diện nghề cá. Vì thế có thể nói không sợ sai lầm là đề án này nếu được xúc tiến, sẽ tàn phá hệ thống di cư hàng năm của các loài cá, vừa ngược dòng, vừa xuôi dòng.

Tác hại từ đập nước cộng hưởng với tác động của biến đổi khí hậu

Theo giáo sư Osborne, các mối lo ngại về tác hại đến từ các đập thủy điện tại Trung Quốc hay dưới hạ nguồn sông Mêkông lại càng gia tăng khi người ta xét đến hiện tượng biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng nặng nề lên các quốc gia thuộc vùng lưu vực. Các công trình nghiên cứu đều gợi lên các thách thức về mặt sinh thái đối với dòng Mêkông.

Cho đến gần đây, mối lo ngại tập trung trên hiện tượng sông băng trên đỉnh Himalaya tan nhanh, ảnh hưởng đến lưu lượng dòng Mêkông bắt nguồn từ đấy. Thế nhưng, một số nghiên cứu gần đây đã chú tâm đến một mối đe dọa gần gũi hơn : hiện tượng nước biển dâng lên, nhất là khi những mảng lớn của Đông bằng sông Cửu Long tại Việt Nam bị nguy cơ ngập lụt.

Đến nay, chưa ai có thể xác định rõ là mối đe dọa do nước biển dâng sẽ tắc động như thế nào đến các yếu tố khác bắt nguồn từ biến đổi khí hậu, như sự kiện mưa lũ ngày càng nhiều tạo ra ngập lụt trong mùa mưa chẳng hạn. Thế nhưng, các công trình nghiên cứu đang cho thấy khả năng lượng mưa gia tăng, khiến cho lũ lụt xẩy ra ngày càng nhiều trong tương lai, có thể là từ nay đến năm 2030.