Chuyện con cá mập ở Phú Yên.
Con cá mập vừa được ngư dân Phú Yên bắt, mấy ngày qua đã là chuyện “hot” trên các phương tiện thông tin đại chúng. Và cả trong dân chúng.
Con cá mập vừa được ngư dân Phú Yên bắt, mấy ngày qua đã là chuyện “hot” trên các phương tiện thông tin đại chúng. Và cả trong dân chúng. Sau mấy vụ cá mập cắn người tắm biển ở bãi biển Qui Nhơn, người ta đã tưởng con “cá mập Phú Yên” này là thủ phạm. Nhưng, tiếc thay, không phải.
Vì thế, trước hết là ngư dân do tình cờ bắt được con cá mập này chịu thiệt. Đã đành, với thuyền nhỏ lưới nhỏ, họ chưa bao giờ có “tham vọng” săn bắt cá mập ngoài biển cả, mà chỉ đi đánh bắt những con cá nhỏ lằng nhằng. Chẳng may, hay là may cho họ, con cá mập “thứ dữ” nặng 1 tấn tự chui vào lưới của họ. Cứ như chuyện cổ tích.
Nhưng đây là chuyện cổ tích không có hậu, mà chỉ là chuyện “hậu cá mập”. Vì, do con cá mập này được xác định không phải là thủ phạm trực tiếp cắn người tắm biển ở Qui Nhơn, nên TP Qui Nhơn không thưởng cho ngư dân Phú Yên như đã hứa. Tỉnh Phú Yên thì cho đây là chuyện… thường ngày, ngư dân thì phải đánh bắt được cá, kể cả cá to, có gì đâu mà ầm ĩ, nên không mấy quan tâm.
Các nhà hải dương học, các cơ quan nghiên cứu khoa học chuyên về cá thì rất háo hức trước sự kiện này. Vì một con cá mập được bắt còn “nguyên đai nguyên kiện” là chuyện rất hiếm. Và tiêu bản này thực sự quý cho nghiên cứu khoa học. Nhưng, để có được “tiêu bản cá mập” thì, đầu tiên là… tiền đâu? Với các nhà khoa học, kể cả với cơ quan nghiên cứu khoa học, thì tiền tuy không hiếm như… cá mập, nhưng cũng không hề dễ xin, dễ kiếm.
Nhưng do quá muốn có con cá mập này, phía khoa học đã vận động tiền, và… trả giá trực tiếp với ngư dân. Do tiền ít, nên treo qua trả lại, tới lúc hai bên đồng ý “ký hợp đồng mua bán” thì con cá mập đã… mất hàm răng. Có lẽ, một số “đại gia” nào đó đã vào cuộc đòi mua “răng cá mập” - như kiểu răng cọp - để đeo… xả xui, và những ngư dân nghèo thấy được giá đã… bẻ răng cá mập. Bán.
Mất hàm răng, thì “tiêu bản cá mập” không còn giá trị nữa, nên bên khoa học không mua, dù tiếc đứt ruột. Còn bên bán, thì do không bán được “trọn gói”(nghe nói giá thỏa thuận là 50 triệu đồng) nên ngư dân đã xẻ thịt cá mập bán… lẻ. Ngặt vì, tiếng đồn ngoài chợ rằng đây không phải cá mập, mà là “cá ông”, nên thịt cá mập không ai dám mua.
Cuối cùng, những “ngư ông” nghèo khổ trong truyện cổ tích kia chỉ còn bán được… hàm răng và vi cá mập. Một số tiền không đáng kể, nếu tính họ đã khó nhọc và vui mừng thế nào khi bắt được con cá mập “xưa nay hiếm” này.
Vô ưu nhất trong chuyện này có lẽ là… chính quyền, vì không có cơ quan nào chính thức có động thái gì trước “sự kiện cá mập” mà ai cũng biết và nhiều người quan tâm đến thế. Rốt cuộc, có hai người thua thiệt nhất, cô đơn nhất là nhà khoa học và ngư dân. Một đằng không đủ tiền mua “nguyên con” để nghiên cứu. Một đằng thì xẻ ra không bán được, mà để “trọn gói” càng không biết để làm gì. Trong khi lưới rách thuyền hư, Tết nhất lại sầm sầm kéo đến.
(TNO) Thanh Thảo