QuocHung's Blog

5 thg 2, 2010

CÁC BÀI VIẾT của Đằng

1- Mẹ (Viết vào ngày 27/8/2007)
2- CÂY CẦU SẮT (Viết vào Ngày 10/10/2007)với 8 comment
3- BÃI CÁT (Viết vào ngày 04/6/2008)- 2 Com
4- MIẾNG ĂN (Viết vào Ngày 27/6/2008)- 5 Com
5- ĐÁNH MẤT (Ngày 11/5/2009)
6- Hạnh Phúc Ở Đâu? Ngày 26/01/2010

Bài số 1. Mẹ (Viết vào ngày 27/8/2007)

Gia đình tôi năm thành viên chỉ có Mẹ là thiểu số. Không phải như vậy mà Mẹ được xếp vào hàng phái " YẾU" đâu, mà Mẹ lúc nào cũng đứng về phe "YẾU " nhất.

Có lần tôi và các anh đi chơi ("tuổi thơ dữ dội" ai mà không có) đánh nhau với những đứa trẻ hàng xóm. Thế là bị mắng vốn. Cả ba anh em bị Ba bắt lên nằm trên bộ ván gỗ lim của ông Cố vì tội " phá làng phá xóm." Luận tội xong", đến lúc "thi hành án" thì Mẹ ở trường vừa về tới nhà. Gặp cảnh những "chú gà con" chuẩn bị ăn đòn mẹ đã dang rộng đôi tay, lấy thân mình bao la che chở cho đàn con thân yêu dù chưa biết tội chúng con đang ở cấp độ nào. Mỗi "chú gà con" 2 roi nhưng tôi nhỏ nhất lại nằm ở giửa nên các anh nhận hết 4 roi còn 2 roi thì mẹ lấy thân mình che chở cho đàn con (Với 2 roi đó Ba Mẹ tôi không nói chuyện vời nhau gần 3 tuần lễ).

Mẹ ơi, tất cả 3 anh em con hôm đó đều khóc, chúng con khóc không phải vì đau vì đòn roi mà chúng con khóc vì thương mẹ. Hôm nay, con vấp ngã trên cuộc đời Mẹ cũng là điểm tựa để con tự tin đừng lên bước tiếp vào tương lai. Mẹ tha thứ, động viên, tin tưởng ở con, khuyên con không được chùng bước trước khó khăn. Mẹ vẫn tin con như lúc con còn nhỏ cho dù hôm nay con đã hơn nửa đời người. Đại Lễ Vu Lan năm nay con còn có bông hồng trên ngực trái. Con xin cầu mong bông hồng trên ngực trái của con mãi mãi không bao giờ đổi màu.
=================PHAN VÂN============

Ngọc La: Chào bạn Phan Vân!
Chào mừng bạn "bay về tổ ấm". Tên của bạn làm tôi nhớ em tôi quá. Nó cũng họ Phan, tên Vân, chỉ khác là có chữ lót thôi. Không biết chừng nào em tôi mới có thể vào Diễn Đàn được như bạn!
Bài viết của bạn cảm động quá! Lòng mẹ bao giờ cũng bao la phải không bạn? Những người không còn mẹ như tôi thì càng thấy lòng rưng rức khi nhớ đến hình ảnh của mẹ hiền. Lúc đó định phản hồi vài lời rồi sau đó kẹt công việc lại quên mất. Xin bạn đừng buồn nhé. Giờ xin phản hồi nguội vậy.
Xin tặng nguội bạn nè.

2. CÂY CẦU SẮT (Viết vào Ngày 10/10/2007)
(Một thoáng quê hương )

Hình Cây Câu Sắt


Không biết từ khi nào nhưng chắc rằng chiếc cầu sắt đã tồn tại cùng thị trấn nhỏ bé, hiền hòa từ lâu lắm rồi. Không lớn lắm chỉ có một nhịp duy nhất nhưng nó đã nối nhịp đón đưa bao nhiêu thế hệ. Chia sẻ, gánh vác, nâng đỡ như đôi vai của người Cha. Khi đến thị trấn Tân Châu lần đầu tiên du khách muốn tham quan chợ Tân Châu thì cây cầu sắt như một chủ nhà hiếu khách, thân thiện, niềm nở đón tiếp đưa họ vào khu chợ Tân Châu (chợ cũ) với các mặt hàng lụa nổi tiếng vang bóng một thời khắp vùng Lục Tỉnh.

Cây cầu sắt Tân Châu nối hai bờ thị trấn. Soi bóng trên dòng kênh Vĩnh An êm ả có bến nước đò đưa. Từ mờ sáng sớm cây cầu sắt đưa những người buôn bán hàng bông từ quê Long Sơn, Long Thuận, Tân Phú lên họp chợ. Đến giờ hành chánh thì chiếc cầu tiếp đón những học sinh từ Long An, Vĩnh Xương về học ở Trưởng Trung Học Tân Châu, những công chức đi làm việc. Chiều về, khi tan học chúng tôi thường rủ nhau đi tắm sông thì cây cầu sắt cũng nơi chúng tôi tụ tập (Cây cầu có hai lối đi riêng cho người đi bộ). Chúng tôi leo lên những thanh tay vịn cầu rồi lao mình xuống dòng nước trong xanh mát lạnh của dòng kênh nô đùa thỏa thích.

Nhảy cầu là một trò chơi nguy hiểm. Ai nhảy xuống mà nước tung lên càng cao là đạt thành tích "Bom Tạ". Cứ mỗi lần những chị nữ sinh cũa trường PTTH Tân châu (tiền thân là Trường CL Tân Châu ) tan trường lả chúng tôi đua nhau mà "bỏ bom" cho nước bắn tung lên ướt người họ càng nhiều càng tốt. Tuổi thơ tinh nghịch của chúng tôi là thế (không biết có ai trong nhóm thành viên này bị chúng tôi thả "bom nước"trúng không vậy? Cho tôi thành thật xin lỗi nha).

Tối đến ở hai đầu cầu là một chợ đêm thu nhỏ với những hàng nước giải khát, sinh tố xay, quán cà phê. Những thúng ấu của các bà từ bên Thưởng Phước qua, những gánh bắp hầm, xôi bắp, đậu phộng luộc của các chị từ trong kênh ra. Những đêm hè nóng bức khó ngủ tôi thường lén mẹ ra đứng giữa cầu hứng những cơn gió từ sông thổi vào, tựa lưng vào lan can cầu nhìn dòng nước kênh lững lờ trôi, thả lòng mình vào dòng nước kênh mát dịu. Cây cầu sắt đã gắn liền với tuổi thơ của tôi ngày hai buổi đến trường về nhà. Những lần đi học ở Sài Gòn về nhà ở trên lầu đường Nguyễn Công Nhàn, người bạn đón tôi đầu tiên cũng là cây cầu sắt.

Sau bao năm đưa đón, cây cầu sắt cũng giả theo thời gian, người ta đã thay đổi phá bỏ hình dáng cấu trúc của cây cầu sắt thay vào đó là một cây cầu cây không có lối đi riêng cho người đi bộ, khô cứng chẳng có ý tưởng thẩm mỹ. Chợ cũng được chuyển đi nơi khác vì đất lở. Dòng kênh không được nạo vét phù sa bồi lắng cạn dần. Cây cầu sắt bây giờ không còn quan trọng nữa và trở thành phế tích. Có mấy ai nhớ cây cầu sắt Tân Châu đã từng gắn bó với họ như thế nào? Riêng với tôi, cây cầu sắt Tân Châu vẫn là ông bạn già thân thiết.
=================PHAN VÂN============
Tranbc:
Cảm ơn bạn Phan Vân nhắc đến CÂY CẦU SẮT, ngày xưa mỗi chiều NGV hay ngồi sau nhà ngắm mọi người qua lại chiếc cầu kỷ niệm. Bên kia sông ngay đầu cầu thì có các quán cà phê, sáng, trưa. chiều, tối đều có người ngồi uống cà phê, rất đông và rất vui.

Chiếc cầu kỷ niệm của ngày xưa đã đi vào quá khứ, thay vào đó một cây cầu hình dáng quá trơ trẻn. Những lần NGV về thăm nhà cũ của mình trên đường Nguyễn Công Nhàn phải đi qua chiếc cầu nầy mà lòng lâng lâng nhớ đến những ngày xưa.

Một lần nữa, cảm ơn bạn.
NGV
=================
Dạ Lý:
Một thoáng quê hương về Cây Cầy Sắt như một dòng suối mát len lén vào nỗi nhớ.
Đúng như lời ban Phan Vân miêu tả. Cây cầu sắt hiền hòa, nhẫn nại và đáng quí đã đi vào lòng của nhiều người dân Tân Châu.
Không thể nhớ hết bao nhiêu lần đã đi qua cây cầu sắt. Ngày còn học lớp một, khi đi học phải mang theo bình mực tím (loại mực viên pha nước, trên nắp bình có quai tròn để mang vào ngón tay. Các bạn có còn nhớ, khi viết phải có tờ giấy chậm màu hồng thấm mực cho mau khô để chữ khỏi bị nhòa). Một buổi sáng hai cô bạn nhỏ tung tăng đi học qua cây cầu sắt, không biết làm thế nào cô bạn vung tay, thế là bình mực vuột khỏi ngón tay rơi xuống dòng kênh trôi theo dòng nước. Hai cô bạn nhỏ chỉ biết nhìn theo bình mực rồi cười.
Khoảng thời gian này, có những buổi chiều thưa thớt xe qua lại. Các chú bé trạc mười tuổi tinh nghịch đứng đợi các chiếc xe lôi ngay chân cây cầu sắt đu vào phía sau chiếc xe lôi lên cầu và xuống phía bên kia cầu. Thế là cũng đủ vui cho các chú bé.
Thời đi học trung hoc, cây cầu sắt đã bắt đầu biểu hiện sự chịu đựng qua thời gian. Dạ Lý cũng bắt đầu biết thương và quí cây cầu sắt. Dù khoảng thời gian đi qua cây cầu rất ngắn nhưng đó là khoảng thời gian Dạ Lý thích nhất trong quãng đường đi bộ từ nhà đến trường.
Buồi sáng đi bên tay phải, gió dịu mát. Những dãy nhà sàn với cảnh sinh hoat hai bên bờ kênh. Những chiếc ghe chở các sản phẩm thu hoạch từ vườn và ruộng rẩy trong kinh mang ra chợ bán.
Buổi trưa khi đi học về phía bên trái lại càng thích hơn vì được ngắm nhìn cảnh ngoài sông lớn. Những tháng nước lớn nhìn xuống dòng kinh thấy được nhiều đàn cá đang bơi lội Có khi là một đàn cá lim kìm lớn nhỏ đang bơi. Ngày nào đi học về tôi cũng dõi mắt tìm kiếm và mong cho chúng mau kớn. Có năm, nhà thuốc Tây Việt Quang trồng các loại hoa lan treo bên hông nhà. Dạo ấy, hoa lan rất hiếm và quí. Đi học về qua cây cầu sắt được ngắm hoa miễn phí cũng thật thú vị.
Tuy nhiên, có những ngày phải lo âu khi đi qua cây cầu sắt vì thỉnh thoảng có vài miếng ván cầu bi hỏng tạo một khoảng trống. Lòng cứ lo ngại có một chú bé nào đó vô tình không thấy sẽ bị sụp chân xuống. Với tuổi học trò trung học chỉ biết lo như thế thôi chứ không biết làm gì hơn. Nhưng cũng không lâu miếng ván đã được thay mới.
Buổi tối, các "húi cua" thường ra cây cầu sắt hóng mát. Và vì là phe "kẹp tóc" lại có tính "mắc cỡ" nên Dạ Lý thường đi qua cầu lẹ để về nhà nên không có kỷ niệm.
Cây cầu sắt vẫn hiền hòa, lặng lẽ với người dân Tan Châu. Những nhịp cầu luôn nối nhịp đôi bờ kinh Vĩnh An. Mái tóc đã đổi màu, người phương xa tìm về quê cũ, cây cầu sắt vẫn nối nhịp đôi bờ...cho đôi chân ta bước, hoài lòng mến thương.
Cảm ơn bạn Phan Vân đã viết bài này, mong có thêm những bài viết của bạn về Tân Châu.
=================

Nguyễn Thành Tài = HAI CÂY CẦU

Tân Châu ta có 2 cây cầu góp phần quan trọng trong sinh hoạt, đời sống kinh tế người dân ở đây:

* Cầu Đúc: Bến đậu của tất cả các loại xuồng, ghe, tàu từ nhiều nơi đến, đi..., là trái tim luân lưu phân phối, cung cấp, tiếp nhận mạch sống cho cơ thể Tân Châu.

+ Tàu Đồng Hòa từ Hồng Ngự lên rất sớm mang theo nhiều tôm cá, có khi kéo theo chú Cá Hô to cho chợ Tân Châu. Cá Hô nấu canh chua măng là món ăn khá độc đáo. Nhưng bọn con nít chúng tôi ngày ấy thích nhất là vảy cá Hô, làm đế cầu đá...
+ Tàu Tân Châu-Mỹ Tho-Sài gòn (không nhớ tên tàu)
+ Tàu Thanh Hương rời bến lúc trưa đi Nam Vang; tàu về lối 4 giờ chiều, mang theo nhiều khô cá, đường chảy đựng trong lu.
Cầu Đúc còn là nơi hóng mát, là điểm hẹn. Hoặc khi nhàn nhã ngồi trên trụ mắc dây tàu, buông câu như ngồi trên đôn.....

* Cầu Sắt: Người bạn già của Phan Vân, huyết quản, mạch lưu thông trọng yếu. Một thời, Tôi đã đi qua cầu này ngày 2 buổi đến trường.
Vị trí cầu trước kia nằm ngoài phía bờ vàm, cách độ 5m so với cầu hiện nay.
Ngày xưa, lúc trời chiều mát, bóng tối từ lòng đất dâng lên, người người tụ hội đứng ngồi 2 bên cầu dọc theo lối dành cho kẻ đi bộ, hứng gió, chuyện trò tâm sự.
Cầu đã có lần nhuộm máu vì có người bị ám sát chết ở đó.

Năm ấy, mùa nước nổi, tàu Long Hồ kéo ghe chở hàng từ Nam Vang đi Sài Gòn ghé laị Tân Châu buông neo; Tàu chết máy, gặp nước chảy xiết lọt vào vòng xoáy đầu vàm nên bị cuốn trôi vào kinh làm sập cầu.
Thời gian biến đổi, cầu đổi dạng, thú vui hóng mát trên cầu không còn...

Một ít hoa lá cành tặng "người bạn già" của Phan Vân để tăng thêm nét đẹp và tỏ lòng tưởng nhớ.
================

Tú Sún:
Không rõ tự bao giờ, cây cầu sắt được người Tân Châu xem là một điểm mốc để xác định vị trí ở Tân Châu như: bên này cầu, bên kia cầu, phía trong cầu, phía dưới cầu... vì ngày xưa cây cầu sắt nằm cạnh bưu điện Tân Châu.

Bên này cầu là khu chợ ( chợ cũ ) bên kia cầu là dinh quận hay khu sân banh. Mọi liên lạc đi lại hai bên bờ kinh Vĩnh An đều phải đi qua cầu. Thậm chí, cách cầu hơn cây số muốn sang bên kia kinh cũng phải chạy vòng ra cầu sắt.

Sau này, do nhu cầu đi lại của người dân hai bên bờ. Cây cầu thứ hai được xây phía trong đình nối với con đường bên hông trường Trung Học Bán Công Tân Châu chạy thẳng lên đường Ô Môi. Cây cầu này phía bên đường đá ( đường sang Châu Đốc- phân biệt với đường đất phía bên kia ) đầu cầu đối diện với tiệm điện của ông Lê Tân nên còn được gọi là cầu Lê Tân. Từ khi có cây cầu này cầu sắt còn được gọi là cầu ngoài và cầu Lê Tân là cầu trong.

Tôi còn nhớ vào khoảng năm sáu mươi mấy thì phải, một chiếc xe nhà binh chở hàng quân tiếp vụ bị rơi xuống sông phía bên sân banh làm ách tắc giao thông.
Ngày xưa, lúc còn nhỏ mỗi khi đi qua cầu tôi hay nhìn xuống dưới dòng kinh và diều này làm tôi rất sợ mỗi khi qua cầu. Tôi thận trọng bước từng bước một trên từng tấm ván.

Lớn hơn, khi đã biết bơi vào mùa nước nổi nước dưới dòng kinh chảy xiết. Có lần tôi cũng đã nhảy cầu sắt và thả trôi theo dòng nước đến cây cầu trong.

Cây cầu sắt sẽ vẫn mãi là một cái mốc để xác đĩnh vị trí ở Tân Châu. Bây giờ cây cầu không còn thơ mộng như ngày xưa nữa, nhưng những kỷ niệm về cây cầu sẽ không bao giờ phai nhòa trong ký ức của những người Tân Châu xa quê.
==========

Tranbc: Cầu Sắt bị sập một nhịp:

Khoảng năm 1967-1968, Thầy Nguyễn Văn Thân (dạy môn Thể Dục) lúc đó là Trưởng Ban Quân Tiếp Vụ cho Quận Tân Châu. Cơ quan Quân Tiếp Vụ ngày xưa đặt tại Sở Tầm Tang, đối diện với Trường Nam Tiểu Học, ngôi nhà tạm của Trường Trung Học Công Lập Tân Châu lúc bấy giờ.

Mỗi tháng Thầy phải về Tỉnh Châu Đốc lấy hàng chở trên xe GMC về Tân Châu. NGV tôi nhớ vào một buổi chiều mùa nước nổi, khi đang ngồi ngắm bà con qua lại thì chiếc xe Quân Tiếp Vụ cũng vừa về đến. Xe chở đầy ắp hàng, nặng nề bò lên cầu từ từ đến nhịp thứ nhất thì nhịp cầu bị gãy. Tội nghiệp Thầy Thân đứng trên cầu nhìn chiếc xe GMC với những kiện hàng mới lảnh về từ từ biến mất theo cơn nước lũ mà không thể làm gì được.

NGV không nhớ rõ là bao lâu, nhưng lưu thông bị gián đoạn vài tháng, tất cả lưu thông lại dời về câu cầu nhỏ lúc đó người Tân Châu mình gọi là Cầu Lê Tân vì nằm ngay tiệm chụp hình Lê Tân của Lê Phụng Khiêm.
==================

Lũy Tre Làng:
Đó là cây cầu sắt bắt qua con kinh Vĩnh An, ở một thị trấn nhỏ của Miền Nam nước Việt tôi. Một miền quê mà chả bao giờ lo chuyện thiếu gạo và cá. Một miền quê rất trù phú nhờ vào mùa nước nổi hàng năm mang lượng phù sa màu mỡ cho những cánh đồng phì nhiêu, những ruộng lúa xanh rì.

Tôi rất yêu cây cầu sắt quê tôi vì nó là chiếc cầu mang tôi đến trường trong suốt quãng đời học trò của tôi ở Tân Châu. Hàng ngày không biết bao nhiêu người qua lại, người ra chợ, kẻ đi buôn bán, người làm việc, kẻ tới trường. Quê hương tôi rất nghèo, không có được những chiếc cầu đúc kiên cố, lộng lẫy mà là những chiếc cầu tre, cầu khỉ, hay là cây cầu sắt của làng tôi mà thôi. Dù là cây cầu sắt rất giản dị, đơn sơ, chẵng những vậy đôi khi còn bị mục, gãy vài nhịp cầu làm Cha Mẹ tôi rất sợ khi tôi phải qua lại mỗi ngày đến trường. Mặc dầu vậy nhưng tôi rất yêu cây cầu đó, nó là hình ảnh của quê hương tôi, nơi đón tôi khi vừa cất tiếng khóc chào đời, cho tôi những gì đẹp nhất trong kí ức tôi. "Quê hương tôi nghèo lắm ai ơi" nhưng đối với tôi, nó rất đẹp, với những con sông chảy hiền hòa, những ruộng lúa xanh rì mạ non. Đẹp như những con diều bay bỗng trên bầu trời bình yên, đẹp như những chiếc xuồng nhỏ đánh cá của những người đi chài lưới mà bạn thấy được mỗi khi đi qua cây cầu sắt quê tôi, như những em bé hay trốn Mẹ tắm sông.

Tôi còn nhớ mỗi lần tan trường có biết bao nhiêu tà áo trắng tung tăng trên chiếc cầu sắt đó. Hình ảnh đẹp nhất mà khó có thể phai mờ trong tôi là hình ảnh Cha Mẹ tôi chở nhau từ vườn về, quần áo có khi còn dính vài đốm bùn của ruộng lúa, hay mủ xoài mà Cha Mẹ phải chăm sóc hàng ngày. Tôi có thể nhìn được hình ảnh đó bởi vì từ nhà tôi tới cầu không xa lắm. Mỗi khi đi xa về, được đặt chân lên cây cầu sắt quê tôi, lòng cảm thấy xúc động khó tả, cảm thấy ấm áp vô cùng. Mỗi tối ánh đèn chiếu sáng từ từng căn nhà dọc theo hai bờ kinh Vĩnh An trông sao ấm cúng vô cùng. Không những chỉ riêng tôi mà tất cả những ai sống cùng quê tôi đều đã đi qua chiếc cầu sắt đó, không nhiều thì ít, mọi người đều có biết bao kỉ niệm với cây cầu yêu thương nầy. Qua năm tháng cây cầu đã được sửa chữa rất nhiều lần nhưng nó vẫn đứng đó, như một nước Việt Nam dù bao năm tháng chiến tranh, bị xâm chiếm, nhưng nước Việt muôn đời vẫn là nước Việt. Quê hương tôi là thế đó các bạn ạ. "Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một Mẹ thôi".

Dù xa quê hương, nhưng trong lòng tôi luôn ấp ủ những hình ảnh của quê hương, hình ảnh thật đơn sơ như chiếc áo bà ba mà Mẹ tôi thường mặc, rất giản dị nhưng rất đẹp, đẹp lắm bạn ạ. Đẹp như tiếng Việt, ngôn ngữ Việt Nam của chúng ta.
LŨY TRE LÀNG
================

Quốc Hùng:
Trước đây đọc Phan Vân với Cây cầu sắt "một thoáng quê hương" và nay đọc Lũy Tre Làng với Cây cầu sắt "hình ảnh của quê hương tôi, nơi đón tôi khi vừa cất tiếng khóc chào đời, cho tôi những gì đẹp nhất trong kí ức tôi".

Bên cạnh đó, "NGV về thăm nhà cũ của mình trên đường Nguyễn Công Nhàn phải đi qua chiếc cầu nầy mà lòng lâng lâng nhớ đến những ngày xưa";

Dạ Lý cũng bắt đầu biết thương và quí cây cầu sắt. Dù khoảng thời gian đi qua cây cầu rất ngắn nhưng đó là khoảng thời gian Dạ Lý thích nhất trong quảng đường đi bộ từ nhà đến trường;

Bạn Tú Sún thì "cây cầu sắt được người Tân Châu xem là một điểm mốc để xác định vị trí ở Tân Châu như: bên này cầu, bên kia cầu, phía trong cầu, phía dưới cầu... vì ngày xưa cây cầu sắt nằm cạnh bưu điện Tân Châu. Bên này cầu là khu chợ (chợ cũ) bên kia cầu là dinh quận hay khu sân banh...

Với Thầy NTT thì "Một thời, Tôi đã đi qua cầu này ngày 2 buổi đến trường. Vị trí cầu trước kia nằm ngoài phía bờ vàm, cách độ 5m so với cầu hiện nay..."

Với tôi, khi còn học THCL-TC, lúc đó hình như cầu chưa có lối đi riêng cho người đi bộ, sau khi đá banh ở sân banh về, tôi cũng đã từng leo lên những thanh tay vịnh cầu rồi lao mình xuống dòng nước làm "bom tạ" như Phan Vân đã viết - và vào mùa nước nổi nước dưới dòng kinh chảy xiết, tôi cũng đã từng nhảy cầu sắt và thả trôi theo dòng nước đến cây cầu trong (cầu Lê Tân) như Tú Sún, và đã từng ngồi trong vòng rào Bưu điện nhà ba của Trần Long Đạt, Long Vinh, ngắm áo trắng đi học qua cầu. Nay thì không thể tìm lại những giây phút đó nữa.

Hiện nay ... Cầu còn, kênh đã và đang mất. Sắp tới ....Kênh mất, đâu còn cầu?
=============

Bong Diêu:
Nói thiệt, mỗi khi thấy một TP/thị xã/thị trấn nào đó mà có dòng sông/kinh xanh êm ả trôi qua, hai bên người ta làm công viên bờ kè thật đẹp là BD lại nhớ đến cảnh con Kinh Cũ bị lấp rồi lại buồn tiếc không nguôi, dù BD không có nhiều kỷ niệm vởi con kinh này.
Chắc ai cũng vậy thôi, phải hông bà con?
=================

Quoc Hung:
@PhanVân và BD!

Đây là lối làm “mì ăn liền”. Thay vì giải tỏa, dì dời tái định cư dãy nhà ven hai bờ kinh, kè đá tạo hành lang hoa kiểng bên dòng sông xanh êm ả lửng lờ trôi . . . thì kết quả sẽ ... lâu lắm; còn thổi cát vào lấp bằng, phân lô, phân nền . . . thì sẽ nhanh hơn nhiều, mà có khi còn dư mấy cái nền nữa !
Thống kê vừa qua cho thấy 90% việc làm sai là liên quan đến ĐẤT.


Bài số 3. BÃI CÁT (Viết vào ngày 04/6/2008)
( Một Thoáng Quê Huơng )

Xuống bãi cát tắm tụi bây ơi !
Chỉ đợi co thế , cả bọn kéo nhau chạy ùa xuống bãi Cát ở đầu vàm kinh Vĩnh An.Hầu hết những nguời dân ở thi trấn nhỏ bé hiền hòa nay ai cung biết đến bãi cát.Đây cũng là một địa danh thân quen, gần gủi với mọi người.Dòng kinh Vĩnh An bắt đầu từ bãi cát này.Bã cát là một trong hai địa điểm mà các thuơng lái hải hồ dùng lầm nơi lên xuống hàng hóa.Lúc đầu cũng chỉ có vài cái trại nguời ta dựng lện để giữ hàng hóa lâu ngày cùng với nhưng nguời sống trên nghe hỉnh thành nên một cái xóm mới mang tên xóm bãi Cát.Trái trái cây ,nông sản từ xứ sở miệt vườn Vĩng Long, Đồng Tháp, Hậu Giang tập trung về đây để lên chợ Tân Châu bán kịp phiên chợ sáng.
Bãi cát cũng là một cái hồ bơi thiên nhiên,bãi cát thoai thoải , sạch sẽ,nhờ có nó mà tôi biết bơi không phải riêng mình mà rất nhiều nguời nhớ có nó mà biết bơi.Buổi chiều sau những trận bóng quyết liệt các anh thanh niên cũng xuồng bãi cát hóng gió ,bàn cải việc thắng bại xong rồi thì xuống tắm ở bãi cát này.Khi thị trấn lên đèn thì ở trên bãi cát cũng có vài quán cà phê cóc mọc lên phong cảnh rất thanh bình vửa nhìn ghe xuồng qua lại,những tiếng sóng vỗ lao xa nhe nhẹ tạo nên một không khí thanh bình va lãng mạn.

Đã là dân Tân Châu thì ai cũng một lần nghe và biết bãi Cát.Nó ở đâu?Nó không đâu xa ngay đầu vàm kinh Vĩnh An. Đường bộ để đến đó là Vừa xuống dốc cầu Sắt rẽ phải vào đường Nguyễn Công Nhàn đi thẳng qua thành ông ban Tống gặp nhà giảng của Phật Giáo Hòa Hảo (sau năm 1975 được trưng dụng làm Thư Viện ).Bên phải thấy có cái hẻm nhỏ đi xuống đó là đường xuống bãi Cát.Vào những năm thời kỳ bao cấp (1980-1985) Chợ Tân Châu gấn như không được cung cấp nước sinh hoạt,nước của nhà máy rất quí nên mọi người thường ra bãi Cát để tắm.Với tôi đó cũng có thể xem là một nét văn hóa thời " thiếu nước ".Lúc đó đồ chơi không của trẻ con rât khang hiếm đám trẻ con chúng tôi nghỉ ra trò chơi mới móc cát lên vo lại 1 khối tròn như trái banh rồi cụn với nhau . Trái banh nào vỡ trước là thua. Những anh thanh niên thì mang banh xuống đá cho ra mồ hôi trước khi tắm. Có những buổi trưa chời cho nguời lớn ngủ hết đám chúng tôi rủ nhau ra bãi Cát làm banh cụn nhau rồi ùa nhau xuống tắm.Cái thú tắm bãi Cát là đến mùa trái cây nào thì có trái cải đó ăn.Lúc đầu thì chúng tôi xin trái cây gặp người rộng rải thì họ cho còn ngược lại thì chúng tôi ăn cắp nhiều khi cũng bị họ la mắng ,tệ hơn la bị đá đích vài cái đuổi đi. Đôi khi có những chiếc ghe lớn hoặc ca nô chạy qua có sóng lớn cả bọn mừng lắm gọi nhau í ới để tranh nhau nhồi sóng.Những lần đầu chưa có kinh nghiệm sóng chưa tới đã nhảy vừa trồi lên thì sóng tới đập vào mặt ,nhẹ thì nước vào mũi sặc, nặng thì được thêm vài ngụm nước vô bụng.Vậy mà vẫn ham có sóng lớn (Dân hai lúa làm gì có tiền mà đi ra Cấp chơi để biết biển sóng lớn cở nào ).Có những lúc nằm trên mép nước tụi tôi kháo nhau " Không biết biển bao lớn? nhìn có thấy bờ không?" có thằng nổ " ba tao bơi qua biển rồi " tui tôi phục lăn ra đất .

Đa số những người ra tắm ở bải Cát vì nó ở ngay đầu vàm , nước sạch , cát mịn không có bùn ,không bị lún rất dể chịu.Những buổi chiều sau những lo toan bộn bề cuộc sống, họ ra bãi Cát để giải tỏa thư giản.Gần 20 năm xa xứ, cứ mỗi lần đi ra Vũng Tàu , Long Hải , Hòn Rơm hay Hạ Long để nghĩ ngơi tôi mới chợt hiểu một điều không có bãi tắm nào kể cả bãi Cháy cũng không bằng bãi Cát Tân Châu thân thiện hiền hòa thơ mộng.Sau trận lở dất dữ dội tất cả đều nhận chìm dưới lòng sông.Bãi Cát cũng cùng chung số phận nhưng có phần may mắn hơn là cỏn một thẻo đất nhỏ khoảng vài mét vuông .Còn đâu những trận thư hùng bóng đá , những buổi trưa rủ nhau trốn đi tắm sống.Bãi Cát chỉ còn trong dĩ vãng tiềm thức của ai đã gắn liền với nó.Mỗi lần vê quê đứng bên bờ bên phía Dinh Quận(củ) Ngân Hàng tối cố gằng lục lọi trong bộ nhớ để tìm những dấu tích của bãi Cát ngày xưa mà nay mãi mãi năm im lặng với dòng sông.
=================PHAN VÂN============

Tranbc: PhanVân thân mến,

Cảm ơn Vân đã đưa NGV về lại quê nhà qua bài "Bãi Cát". Ngôi nhà ngói đỏ của NGV nằm trên đường Nguyễn Công Nhàn, những ngày trưa hè nóng bức thì NGV cùng YouDidIt và Nhị Châu lén trốn ngủ trưa ra bãi cát đá banh xong nhảy ùn xuống dòng nước Tiền Giang tắm mát. Không ngờ Vân cũng phá như thế, đi ăn cắp trái cây để bị đá đít nhưng không bị bắt. Phải nói là dân Tân Châu mình rất hiền hòa, cho dù bị mất cắp trái cây nhưng cũng không khó chịu, chỉ răng dạy rồi thả cho đi, con nít mà.
NGV còn nhớ thêm là dọc theo nhà giảng, trước thành Ban Tống, thỉnh thoảng có gánh xiệc sơn đông, mãi võ đến vừa trình diễn vừa bán thuốc cao, thuốc bắc, họ hay đậu ghe bên bãi cát này cả tháng trời. Những lúc như vậy thì NGV luôn có mặt trong hàng khán giả chỉ đến xem chứ không mua thuốc (còn con nít làm gì có tiền mua).
Thân mến, NGV

YouDidIt
Phan Vân thân mến,

Không phải chỉ có em là người viết về topic "Bãi cát... kỷ niệm" này, mà trước đó cũng đã có nhiều members trong này đề cập tới địa danh này rồi! Nhưng không hiểu vì sao, mỗi khi đọc được mỗi tâm tư của người viết về nó, là mỗi lúc YDI thấy lòng mình cứ bùi ngùi cảm xúc!

Một địa danh thật nhỏ! Một cái tên thật đơn sơ và xa lạ trong lịch sử... nhưng lại là một vùng ký ức thân thương thiêng liêng!

Có tin không, có một người, đời đã qua một nữa, vậy mà khi nghe ai đó nhắc về vùng trời quê hương kỷ niệm... mà nước mắt già nua vẫn còn rưng rưng ngấn lệ!

Phải chăng, trong lòng của người dân lành, dù là xa quê trăm dặm hay nghìn trùng... thì quê hương vẫn là một mối chung gắn bó...!!! Loại bỏ những nghịch lý chính trị và thân phận... chúng ta còn có chung một cội nguồn thiêng liêng, một mái ấm trú thân và lớn lên từ đó ...

Rất tiếc những địa danh đó, hay những tập tục thiêng liêng kia, chẳng may đã mai một theo thời gian! Sư xâm thực của địa lý có thể làm thay đổi địa thế! Sự tiến hóa của đời sống có thể do nhu cầu đòi hỏi mà biến dạng, nhưng ước chi những gì của lịch sử hay những tinh hoa trong hồn mãi luôn được bảo tồn ... thì hay biết mấy ... (Vì Nghe Thầy Tài kể cái bia Vĩnh An đã một lần mất, rồi con kinh VA cũng từ cạn khô, và cái cầu sắt dĩ nhiên cũng sẽ trở nên vô ích về sau...????... Buồn ơi là buồn)!

Tôi nhớ một mùa hè năm nào, dẫn vợ và con xuôi tàu viễn xứ, cũng từ bến Tàu gần Thành Bang Tống, tôi đã chỉ cái bãi cát thân thương đó và nói với vợ tôi rằng: "Em có thấy bãi cát đầu vàm kia không ... nơi đó tuổi thơ của anh đã lớn lên ... chỗ đó tình bạn của anh đã manh nha ... để rồi xuôi theo dòng Vĩnh An, anh đã nhập đời học sinh và lớn khôn từ đó! Kỷ niệm này không biết có thành ký ức về sau hay không ... nhưng anh ước ao có ngày nào đó anh sẽ về lại phơi nắng trên bãi cát đầu vàm mà gọi tên: Thinh ơi! Bá ơi! Phước ơi ... tụi mầy đâu rồi ... ra đây tắm cồn!"

Bây giờ dù thật xa ... nhưng khi nghe ai đó nhắc về bãi cát Thành Bang Tống lòng mình thật rung cảm vô thường

Tôi thật là vô duyên, trên thành Bang Tống đó có thằng bạn họ Nhan (mặt mụn) học chung mà không nhớ tên, không hiểu vì lý do gì mà chỉ nhớ tên đứa em gái của nó là Nhan Kim Dung ... Ơi Hời, đúng là già rồi lẫm cẫm!

Một lần nữa, cám ơn Phan Vân đã đưa tuổi thơ chúng mình về vùng thiêng liêng bất tử!

Bài số 4. MIẾNG ĂN (Viết vào Ngày 27/6/2008)

Ánh nắng chiều vàng cuối ngày đổ nghiêng trên những mái nhà của thị trấn nhỏ ven sông.Một ngày lao động sắp kết thúc.Mọi người chuẩn bị trở về nhà.Những tốp học sinh về muộn vội vã rời khỏi lớp học hoà vào dòng người để trở về nhà,nơi ở đó chắc hẳn đã có sẳn mâm cơm đang chờ chúng nó.

Thằng anh học lớp 7.Hôm nay,mẹ nó bệnh nghỉ ở nhà không đi dạy học.Ba nó đang đi công tác ở Châu Đốc ngày mai mới về.Nó rảo bước nhanh chân đi qua trường cấp 1 ở bên sân vận động (cũ) đón thằng em út học lớp 3.Thường ngày thằng em út nó vẫn đi vể với mẹ nó.

- Em đợi anh lâu chưa?

- Có được cô giáo khen không?

-Hôm nay có bị ai ăn hiếp em không?

.......

Vừa gặp thằng em, nó đã buông ra một lô câu hỏi , thằng em không kịp trả lời.Nó khẻ hối thúc thằng em.

-Đi nhanh lên, về nhà còn nấu cơm nữa đó.

Hai anh em bước nhanh qua cây cầu sắt.Mọi người ai cũng hối hả trở về nhà.Ánh nắng chiều le lói.Mặt trời cũng chuẩn bị đi nghỉ sau khi đã làm xong công việc của mình.

- E vô tắm rửa cho sạch sẽ, nấu cơm xong anh kêu vô ăn.Không được làm ồn để mẹ nghỉ.

Nấu cơm dọn lên bàn rồi mà sao thấy thằng em đâu? " Lại trốn xuống đường ra chùa Ông chơi nữa rồi ! ".Nó thoáng nghĩ trong đầu như vậy.

- Mày đi lên nhà nhanh

- Mày thèm lắm hả?

Với thái độ hết sức nóng giận,bực tức nó nắm tay lôi thằng em thằng sệt về nhà.Không thể kềm chế được nữa nó kéo thằng em đến chổ mẹ.Nó vừa khóc vừa méch với mẹ

- Mẹ coi đó, nó ra đầu đường chổ ông bán vịt quay. Nó đứng nhìn ngưởi ta chặc vịt mà nuốt nước miếng hoài.

Rồi nó quay sang thằng em.

-Lớn lên, tao làm có tiền , tao mua cho mày nguyên con vịt quay , cho mày ăn đã luôn.

Thằng em im lặng thút thít khóc.Thằng anh cũng hiểu hoàn cảnh gia đỉnh.Cuộc sống quá khó khăn.Làm sao bắt thằng em suy nghỉ và hiểu giống như nó được.Mặc dù tử trước tới giờ nó cũng chưa được nếm món thịt vịt quay nổi tiếng nhất xứ đó lần nào.Nó cũng thèm thịt vịt quay lắm.

Giờ đây, khi thằng em có tiền, thảnh đạt thỉ thằng anh đã đi xa rồi.Thằng em vẫn ao ước dù chỉ một lần được cùng với anh mình ăn chung miếng thịt vịt quay Tân Châu.

(Kính tặng người anh đã khuất PVTP )


Hẽm Chùa Ông

=================PHAN VÂN============

Tranbc:
PhanVan thân mến,

Đọc bài của em xong thì đôi mắt NGV hơi cay cay nhớ đến những ngày xưa mình cũng thèm ăn đủ thứ mà không có tiền mua. NGV nhớ vào tuổi 12-13, mẹ của NGV bịnh nặng tưởng là không qua nổi, ba thì bị động viên, nhà làm ăn thất bại vì bị người ta giựt nợ nên sau giờ học, NGV đi câu cá dọc theo bờ sông lấy thức ăn cho cả gia đình. Bây giờ ngồi đây nghĩ lại những lúc đó mới thấy quí giá và trân trọng những gì rất tầm thường đối với người khác.

Cảm ơn PhanVan đã viết một bài rất cảm động.

Thân mến.

NGV

Quôc Hùng:
Bài viết quá cảm động !.
Tặng PhanVân "đầu đường chỗ ông bán vịt quay" nè :
http://tan-chau.com/phpBBVietNam2/download.php?id=252
(Đố ai biết hẻm này ở đâu ?)

Bích Trần:
Anh Hùng thân,

Em biết hẻm này rồi, là hẻm nhà Thúy Hoa bạn em. Ngày xưa em thường đến nhà rủ Thúy Hoa đi học, chị Khanh có đứa con út lúc nhỏ xổ sữa tròn ơi là tròn, rất dễ thương. Lúc đó em học lớp 6 lại nhỏ con nên không cách gì ẳm thằng bé được. Thằng bé đó giờ đã trưởng thành và viết văn thật cảm động.
Anh Hùng về khu nhà ngày xưa có thấy buồn không? Hàng xóm mình nhiều người qua đời rồi, nhiều nhà lại đổi chủ, mỗi tối không còn những đám trẻ con chơi cút bắt, và cũng không còn những trò chơi tán hưng, ném lon ngày xưa nữa. Nhớ lại ngày xưa thật là vui, lâu lâu em vẫn còn nằm mơ gặp lại những người hàng xóm cũ của mình.
Cảm ơn anh Hùng thật nhiều, em rất thích những tấm hình của anh Hùng.

Thân.

Bích Trần

Quôc Hùng:
Đúng rồi, Bích.
Đây là Hẻm Chùa Ông.

Con hẻm này anh nhớ có tên là đường Nguyễn Đình Chiểu thì phải, nó xuất phát từ sân chùa Ông (đường Lê Lợi) đi đến đầu hẻm quẹo trái là đến cầu Sắt. Chạy song song với đường Nguyễn Công Nhàn nhưng Nó chỉ dài độ 500 mét là cùng.

Thập niên 50 và 60, khi anh ở đây, hẻm này có:
- Đầu hẻm đi vô, phía bên phải là nhà Ông bà Mười Quang, tới cửa sau nhà Thầy Hiệu trưởng Út, nhà chú tư Tol, kho của tiệm Nguyên Sanh (sau này Chú 2 Bền Thời Đại mua lại ở), đến nhà ông Chặc bán vải, nhà cậu Tư Mước (y sĩ), nhà bà Ba (anh Hoàng), nhà Ông Tư Thiện (thầy Thân), nhà ông Hao, nhà Vạn Hòa rồi đến nhà ông Chúng (đối diện sân chùa Ông) là hết đường.

- Đầu hẻm đi vô, bên trái là Ích Sanh Đường; đến cửa sau của tiệm thuốc bắc Thiên Thọ Đường, tiệm Triều Sơn, kho của Hồi Sanh Đường, uốn tóc Thanh Xuân, tiệm vàng Kim Nguyên (ba chú Bền), Hồi Sanh Đường (nhà Thái Liên, anh Dường), Lâm Tập Thành, Tập Thái, tiệm trà gí đó, tới nhà Bà Tiếng (có con tên Chiêu) đối diện hông Chùa Ông là hết hẻm.

Hẻm này ngày xưa thường tập trung chơi "tán hưng", "thảy ụ", thảy cọc", "ném lon", . . . và như tanchau nhắc, có lần anh làm tanchau u đầu về bị đòn đó.

- Thằng bé xổ sữa ngày xưa bây giờ nó cao 1,78 mét và nặng 85 Kg đang sống và làm việc tại SaiGon.

- Thúy Hoa ở LX gửi lời thăm Bích.
- Thúy Nga và Thuý Huệ ở SaiGon.
- Chị Khanh vẫn ở Tân Châu gần nhà Thu.

Chúc Bích vui, khõe.
Anh Hùng.

NTP:
Xin xía tiền bể vô một chút nhe.

Khà khà...vậy là TNP đã biết "cậu bé xổ sữa" đó là ai rồi đó!

TNP còn nhớ tiệm Ích Sanh Đường bán cao đơn hoàn tán. Ông bà chủ rất tử tế, chị em TNP gọi là Dì, Dượng Năm. Dì Dượng có hai người con là Chị Huê và Lượng (?). Hồi đó nhà TNP bán tạp hóa nên thường ghé đó mua đồ. Cả tiệm trà Tuấn Ký, Quãng Nguyên nữa. Bây giờ đi chợ Tân Châu thấy gì cũng lạ hoắc hết! "Những người xưa đó bây giờ ở mô nhỉ?"

Bài số 5. ĐÁNH MẤT (Ngày 11/5/2009)
Linh , Nam và Long là 3 người bạn thân , cùng học 1 trường . Nam thích Linh đã lâu mà chưa dám thổ lộ . Tình yêu của Nam chỉ được giấu kín trong 1 quyển nhật kí . Đã nhiều lần Nam định nói hết với Linh nhưng chưa bao giờ Nam đủ dũng cảm để nói ra chuyện đó cả . Lần nào cũng thế '' lần này sẽ được thôi mà '' nhưng ..............

Lần đầu

Cho đến 1 ngày , Nam quyết định sẽ nói cho bằng được . Nam tự nhủ '' nhất định sẽ được , nhất định sẽ được , nhất định.......''
_ Linh à , mình.....ờ......Linh........-Nam ấp úng
_Gì vậy Nam ??? - Linh hỏi
_Ờ.....mình....mình......à........ờ.......k ô.....kô có gì cả .
Một khoảng lặng giữa 2 người , Nam vẫn tự dằn vặt mình , tại sao kô nói nên lời.....
_Linh à , thật ra thì mình đã........
_Kìa Nam , đến nhà Nam rồi , chuyện gì nói sau nha - Linh cười tươi .
Bỗng Nam cảm thấy hụt hẫng , mọi chuyện đáng lẽ đã xong , ngày mai kô biết thế nào đây. Liệu Nam còn đủ can đảm để nói với Linh ??? Câu hỏi đó cứ dằn vặt Nam.
Nhưng hôm sau thì Linh đã quên đi , không hỏi lại Nam nữa . Vì vậy , Nam lại không có cơ hội ...

Ngày Valentin

Hôm nay là 14/2 , Nam đã chuẩn bị 1 thanh chocolate dành cho Linh , và vẫn như mọi năm , Nam chỉ biết giấu thanh thanh chocolate đó vào cặp Linh. Năm nào cũng thế , trường tổ chức đại hội mừng ngày lễ tình nhân , mỗi bạn sẽ tự chọn cho mình 1 người khác giới để đi tham dự . Nam hồ hởi mời Linh cùng tham gia thì
_Nam à , có ai đi cùng chưa ??? mình sẽ đi cùng Long , vậy nhé , tụi mình đi trước , lát Nam tới nha . - Linh vụt chạy mất , đến bên Long .
Cuộc đời thật trớ trêu , không phải như vậy , rõ ràng là Linh thích Long rồi còn gì nữa . Nam đau đớn , dằn vặt nhận ra tình cảm của Linh....Và đành chấp nhận '' chọn đại '' 1 bạn nữ khác để đi cùng ..........
Cuối cùng buổi lễ kết thúc , Nam và Linh cùng nhau bước trên con đường quên thuộc hàng ngày 2 buổi đi về.Nhưng giửa 2 người vẫn là cái khoảng im lặng ấy , khoảng im lặng mà Nam rất ghét đến khó thở......
_Mình...làm quen với...với...nhau nhá , như...người ta vẫn gọi là người....y..êu....ấy .
Nam giật mình , chuyện gì thế này , Nam có tin nổi không , có đúng Linh vừa nói không? Nam không tin vào tai mình , Nam muốn nói câu này với Linh lâu lắm rồi.Cổ họng Nam khô đắng vì mọi việc đến với Nam quá bất ngờ,mọi vật xung quanh đều chuyển động.Nắng chiều vàng cũng nhảy nhót trên ngọn cây.
_Làm gì mà cậu suy nghĩ nhiều thế , tất nhiên là mình phải phạt Nam , Sao Nam không nói lới nào hết vậy ?Không thích quen với mình hả? Linh khẻ cười, im lặng chút Linh khe nói nhỏ vào tai Nam.
Mình....mình.....đ..ùa.....đùa đấy.....hihi - Linh cười thành tiếng
_ Hay thật , thì ra là Linh đùa hả? làm mình cứ tưởng thật , đúng thế , mình và cậu thì làm sao có thể .......Giọng Nam đầy chua chát và bực tức
_Nam , suốt đời vẫn là vậy, không trưởng thành được đâu , đồ khờ ......
Nói xong Linh bước nhanh , bỏ lại chàng Nam khờ đứng ngây ngô , không hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình
_Cái gì ? Chính Linh bảo là đùa mà . Như thế , chẳng lẽ , Linh nói thật ?

Những ngày sau đó

Nam và Linh vẫn cứ gặp mặt nhau , đơn giản thôi , vì 2 người học chung lớp . nhưng bây giờ đã có 1 khoảng cách rất lớn . Nhiều lúc Nam muốn nói chuyện đó với Linh nhưng Linh cố tình lẫn tránh . Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi mặc cho con người trở lại từ đầu. Họ cứ thế lặng thầm .Nam rất đau khổ, vằn vặt ....vá người chịu nghe Nam chia sẽ, thông cảm chẳng ai khác là cuốn Nhật Ký:
'' Nam ơi , sao mày hèn thế,bản lỉnh đàn ông của mày biến đâu mất rồi? ...'' , Nam thường xuyên tự sỉ vã như vậy .
Mấy tuần nay Linh nghĩ học, lớp vắng lạ thường , Nam không biết chuyện gì đang xảy ra với Linh.Trời đổ mưa, những giọt mưa xám xịch như tâm trạng của Nam

Trời mưa như trút , dưới mái hiên có 2 người đang trò chuyện :
_Mình có thể coi nhau như người yêu ??? - Long nói
_Có lợi gì ko ??? - Linh trả lời lạnh băng
_À, mình biết chuyện hai người , nhưng Nam quá khờ.
........................
--------------------------------------------------------
Ngày cuối khóa

Cuối cùng thì cũng đã kết thúc năm học cuối cấp , ngày chia tay bạn bè , thầy cô , Nam đứng ở một góc xa lặng lẽ trong về hướng Linh , nhưng bên cạnh Linh đã có Long. Nam chỉ muốn níu kéo , giữ lấy 1 chút gì đó , dù chỉ 1 chút thôi , những giây phút được trông thấy Linh . Bỗng , Linh tiến về phía Nam
_Nam nè , sắp kết thúc buổi chia tay rồi , mình chúc Nam thi được 1 trường thật tốt nhé . Mình cũng phải đi đây , sau này vẫn có thể liên lạc , nhưng sẽ ít gặp nhau đó , tạm biệt Nam nhé - Linh nói , chào Nam 1 cái rồi chạy lại bên Long
Hết thật rồi, thế là hết thật rồi , Nam mãi hướng về Linh .
Tai Nam lại ù lên, cổ họng lại đắng chát,khô nghẹt.không thể nói lời cám ơn.

Cơn mưa cuối mùa ra rít rơi,trong góc tối cà phê, một người đàn ông ngồi lặng lẽ nhìn vào cổng trường cũ.

- Chú là Nam phải không?có người nhờ tôi đưa chú vật này.
Cuốn sổ tay đã ngả màu theo thời gian , một cuốn nhật ký , nét chữ quên thân của Linh,Ký ức lại cuộn về nhòa lẫn trong mưa,những dòng chữ vẫn nhảy múa như tia nắng chiều vàng ngày trước.Chỉ 1 dòng cuối cùng của nhật ký
'' Linh yêu Nam ''
Thế đấy , sự thật vẩn là sự thật .Nam bật khóc như 1 đứa trẻ . Nam đã quá hối hận , quá căm ghét mình .
'' Giá như Nam can đảm hơn....giá như Nam có thể nói Nam yêu Linh....giá như hôm đó Nam trả lời đồng ý .Giá như thời gian có thể trở về 12 năm trước thì những giọt nước mắt đàn ông-trẻ con muộn màn đã không tuôn đổ như cơn mưa chiểu nhiều kỷ niệm
Nhưng......tất cả đã quá muộn , chỉ còn lại những '' giá như .....'' của Nam.
=================PHAN VÂN============

Bài số 6. Hạnh Phúc Ở Đâu? Ngày 26/01/2010

Ai cũng có hạnh phúc, hạnh phúc luôn đến với mọi người, trừ những người không biết cảm nhận và đón lấy nó mà thôi. Cuộc sống luôn đầy những khó khăn, vất vả. Nếu ai cũng nhìn quanh, than thở, nhìn đời bằng đôi mắt bi quan thì chắc chắn sẽ không bao giờ tìm thấy hạnh phúc.

Sao chúng ta không biết chấp nhận, đừng đòi hỏi quá nhiều mà hãy tìm cách vượt qua những khó khăn?

Trong thời buổi hiện nay, có phải kiếm được nhiều tiền là hạnh phúc? Để có nhiều tiền, nhiều người phải trả một giá rất đắt, phải làm những công việc mà bản thân không thích, phải khom lưng - mỏi gối, thế thì hạnh phúc ở đâu? Tìm thấy niềm vui trong công việc, kiếm tiền bằng chính bàn tay và khối óc của chính mình. Sử dụng những đồng tiền kiếm được hợp lý, có ý nghĩa, đó mới là hạnh phúc.

Trong tình yêu cũng vậy, nếu chúng ta biết hài lòng với thực tại thì mới hạnh phúc. Ta hãy đơn giản vấn đề là người yêu ta cũng là con người bằng xương, bằng thịt. Ông bà xưa có câu “nhân vô thập toàn”. Vì vậy mỗi người đều có những mặt ưu lẫn khuyết điểm. Nếu không biết nhìn nhận những ưu điểm và gói gọn những khuyết điểm của chính mình thì ta cứ loay hoay tìm và tìm mãi mà vẫn không có ai có thể cùng nắm tay đi hết cuộc đời còn lại.

Hãy dừng lại ở một bến bờ mà ta cảm thấy bình an, thoải mái còn hơn là cứ trôi vật vờ như những thanh củi trong dòng nước để đi tìm kiếm cái mà ta gọi là “hạnh phúc”.

Cuộc sống trở nên phức tạp là do ta kỳ vọng ở nó quá nhiều. Nhưng thực tế, khi chạm tới nó ta thấy những điều kỳ vọng là viễn vông, lúc đó sinh ra thất vọng. Nên biết mình là ai, ở đâu, và đơn giản mọi vấn đề. Chỉ có như thế, bạn mới hạnh phúc. - Có 1 câu chuyện như thế này :

Một chàng trai kia vào 1 ngày đẹp trời , vào 1 cửa hàng bán băng đĩa nhạc trên phố .
Chàng ta loay hoay mãi mới lựa được 1 đĩa nhạc và đưa cho cô gái bán hàng gói lại .
Cô gái gói thật tỉ mỉ và nhìn chàng trai bằng 1 nụ cười không thể có gì đẹp hơn
Từ đó chàng trai mỗi ngày lại vào cửa tiệm đó và chọn 1 đĩa nhạc .
Cô gái bán hàng cũng gói thật tỉ mỉ từng chiếc đĩa cho anh ta .
Một ngày nọ chàng trai quyết định để lại mảnh giấy có ghi số điện thoại của mình cho cô gái bán hàng và chạy thật nhanh về nhà .
Bẵn đi 1 thời gian sau chàng trai không đến mua đĩa nhạc nữa . Cô gái mới quyết định gọi điện thoại tới cho chàng trai .
Lúc này đầu dây bên kia mẹ chàng trai bật khóc nói rằng : nó đã mất cách đây vài tháng vì 1 căn bệnh .
Sau đó ít lâu , bà mẹ chợt nhớ đến con trai mình và bà vào phòng con trai mình khi xưa .
Bà thật bất ngờ khi mới vào đã thấy 1 chồng đĩa nhạc được gói tỉ mỉ , cẩn thận và chưa từng được mở ra sử dụng bao giờ .
Bà mở từng đĩa nhạc ra và cứ mỗi đĩa nhạc được gói như vậy kèm theo 1 tờ giấy của cô gái : " Tôi thấy anh thật dễ mến , mình làm quen được không ? " , các mảnh giấy tiếp theo cũng những dòng tương tự : " Mình đi xem phim được không ? " ....
Cứ thế bà mẹ chàng trai mở hết chồng đĩa nhạc và bật khóc .............

- Bạn hãy bỏ qua phút giây bẽn lẽn ban đầu để mạnh dạn nói với người mình thương yêu 1 câu rằng : I love You .

- Bạn hãy luôn nhớ rằng bạn chỉ có 1 cuộc sống để sống , do đó hãy luôn sống như chưa bao giờ được sống và yêu như chưa bao giờ được yêu .

- Hạnh phúc sẽ đến với người nào biết nắm bắt cơ hội và sẽ không bao giờ đến với kẻ đến sau dù chỉ 1 phút .
=================PHAN VÂN============