QuocHung's Blog

4 thg 2, 2010

Bài thơ "Màu Tím Hoa Sim" của Hữu Loan

Thời đi học mình thích nhất bài phổ nhạc này của Phạm Duy, nay thấy trên mạng có nguyên văn bài thơ và tâm sự của tác giả nên đưa lên để nhớ.
Quốc Nguyên
Ảnh Hữu Loan và bà Phạm Thị Nhu (vợ HL)


Màu Tím Hoa Sim


Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng đang xanh
Tôi người vệ quốc quân xa gia đình
Yêu nàng như yêu người người em gái.
Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
Đôi giày đinh bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
Bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Lỡ khi mình không về thì thương người vợ chờ bé bỏng chiều quê..
Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người gái nhỏ hậu phương.
Tôi về không gặp nàng
Má ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
Thành bình hương tàn lạnh vây quanh
Tóc nàng xanh xanh ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
Không được nghe nhau nói
Không được nhìn nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
Áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa một mình đèn khuya bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo ngày xưa...
Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường Đông Bắc
Biết tin em gái mất
Trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu vàng cỏ vàng chân mộ chí
Chiều hành quân qua những đồi sim
Những đồi sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
Tím chiều hoang biền biệt
Nhìn áo rách vai tôi hát trong màu hoa
(áo anh sứt chỉ đường tà
 Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu...)



Bài của (TNTT&GT) 07/02:

Hữu Loan là người ẩn tướng. Thoạt nhìn, rất khó đoán định nội lực của con người vừa có dáng tiên phong đạo cốt vừa có vẻ một tiều phu núi xanh này. Thì đúng, Hữu Loan đã từng làm công việc nặng hơn việc một tiều phu: ông thồ xe chở đá độ nhật và nuôi cả gia đình trong thời gian khổ và đau đớn. 
 
Nhưng ông lại vốn là một “ông tú” thời Tây, là người am tường Hán học, và là một nhà thơ có “số má” ở nước mình. Chỉ một bài thơ “Màu tím hoa sim” Hữu Loan đã chinh phục được người đọc thơ rất nhiều thế hệ, chinh phục cả người ngoài Bắc lẫn trong Nam.

Góp vào cho sự quảng bá bài thơ bất tử ấy là hai ca khúc phổ thơ, một của Phạm Duy, một của Dũng Chinh. Bài Phạm Duy phổ có vẻ “bác học” hơn, còn bài Dũng Chinh bình dân hơn (bolero). Nhưng cả hai bài đều phổ biến rất rộng trong nhân gian. Tôi chính thức gặp và chơi với Hữu Loan mới từ năm 1988, khi ông và vài người bạn văn nghệ đi từ Lâm Đồng xuống Quy Nhơn. Sau đó, tới năm 1989, tôi về Quảng Ngãi và gặp Hữu Loan đang “ngao du sơn thủy” ở quê tôi. Thế là cùng dắt díu nhau đi đọc thơ và nói chuyện thơ ở các huyện, các trường PTTH. Hữu Loan có giọng đọc thơ rất ấm và đặc chất... Thanh Hóa. Nhưng đọc thơ có vẻ không phải “nghề” của ông, chẳng qua gặp lúc đò giang thì thế thôi.

Chơi với Hữu Loan, thích nhất là nghe ông trò chuyện. Từ chuyện xa tới chuyện gần, từ chuyện kinh Dịch tới thơ Đỗ Phủ. Trong lòng nhà thơ già này là cả một kho kiến thức, luôn được ông nghiền ngẫm và uẩn súc nên là những kiến thức của sự trải nghiệm chứ không phải kiến thức kinh viện. Đó là kiến thức đẫm chất đời. Hữu Loan ung dung và khiêm nhường, giọng khẽ mà vang. Người như thế, phùng thời có khi làm tới chức tể tướng chứ chả chơi! Nhưng Hữu Loan chỉ là nhà thơ nơi xóm mạc, gần như hai phần ba đời ông ở quê Nga Sơn, Thanh Hóa. Ông sinh năm 1916, bằng tuổi Xuân Diệu và Hàn Mặc Tử, nhưng vẫn còn tại thế. Ông có lẽ là nhà thơ Việt Nam cao tuổi nhất hiện còn sống (Nguyễn Viết Lãm thua ông 3 tuổi). Tôi có lần hỏi đùa ông, hồi ấy khoảng năm 1990, rằng nếu bây giờ bọn đàn em mời ông đi uống bia... ôm, ông có đi không? Hữu Loan cười rất ngây thơ, không ra phản đối cũng không ra đồng ý.

Hồi đại hội 5 Hội nhà văn 1995, Hữu Loan lần đầu tiên xuất hiện tại một đại hội chính thức của Hội nhà văn sau gần 40 năm vắng bóng. Thôi thì tay bắt mặt mừng, anh em các thế hệ nhà văn xúm xít quanh ông. Hữu Loan liên tục được mời... uống bia. Khi ngồi bên Mỹ Dạ, trông Hữu Loan rất tươi tỉnh. Không ai nghĩ ông già này đã trải qua những tháng năm ghê gớm thế nào! Giọng vẫn chân chất, nhỏ nhẹ. Với giọng nói đó, người ta có thể vượt qua những tháng ngày nặng nề nhất. Bây giờ mỗi khi nghĩ và nhớ tới Hữu Loan, lại cảm thấy như nghìn trùng xa cách, dù Thanh Hóa nằm ngay trên quốc lộ 1. Bởi ngay lúc ở cạnh Hữu Loan, vẫn có cảm giác “Hữu Loan thiên lý”. Ông xa xôi như hình bóng một tiên ông, lại gần gũi như một người nông dân vừa xong buổi cày. Thiên lý ấy lại gần trong gang tấc.
Nhật Chung










Lời tự thuật của tác giả