QuocHung's Blog

26 thg 2, 2010

Ngoại tôi (Phần 2) - D.T.Vân Khanh

HAI MẢNH ĐỜI KHỐN KHÓ
 Ông Ngoại tôi người Triều Châu ở bên Tàu. Ông theo người chị ruột (bà Cô tôi ) sang lập nghiệp ở Cần Ché (Campuchia)


Đến khi bà Cô tôi lập gia đình, vừa phải làm dâu nhà chồng vừa phải nuôi em. Để tránh cảnh khó xử cho chị, ông Ngoại tôi đi theo người bà con họ về Việt Nam sinh sống (ở bên Tàu người cùng họ ở chung một làng) . Lìa bỏ quê hương là một nỗi đau, xa rời người thân còn đau gấp bội! Bà Cô tôi buồn lắm khi ông Ngoại tôi ra đi. Nghe kể, sau nầy bà ăn trường chay và tu tại gia cho đến khi qua đời.

Có lẽ do duyên số đẩy đưa, ông Ngoại tôi vào làm công cùng một nhà với bà Ngoại . Thế là hai mảnh đời khốn khó lại kết hợp cùng nhau. Tôi không biết ở Bạc Liêu có ai bà con không mà ông bà Ngoại tôi cũng lại đưa nhau về đấy buôn bán tạp hóa mà hồi ấy gọi là bán hàng xén. Cho đến khi Ngoại tôi có thai gần sinh Dì Hai (chúng tôi gọi là mẹ) thì ông bà Ngoại tôi mới đưa nhau về Phú Lâm lập nghiệp luôn tại đây.

Ngày đó, giao thông chưa được mở mang . Từ Bạc Liêu về Phú Lâm, ông bà Ngoại phải đi bằng ghe chèo tay. Vượt đoạn đường dài như thế biết bao gian khó. Còn chừng ba cây số nữa đến nhà thì bà Ngoại bất ngờ chuyển dạ. Vì là đứa con đầu lòng nên ông bà Ngoại lo sợ vô cùng lỡ sinh trên ghe rồi biết làm sao! Cả ông lẫn bà thi nhau khấn vái thần linh phò hộ cho về đến nhà hãy sinh nở. Có lẽ lời khẩn cầu được chấp nhận nên dì Hai tôi được sinh tại nhà.

Hình chụp Dì hai trước nhà
Dì hai và các cháu
Cuộc sống tha hương đã rèn thêm cho ông bản lĩnh cùng với tính cần cù, chịu thương chịu khó của bà đã làm nên một cơ nghiệp sau nầy. Đất đai Ngoại mua nhiều lắm, nhà thì mở tiệm buôn lớn. Tuy giàu có như thế nhưng đến ngày mùa bà Ngoại vẫn vào đồng trông coi việc gieo sạ. Việc đất đai, đồng áng thì bà Ngoại quản lí cả. Phần ông lo việc bán buôn và xã hội. Ông được bầu làm Phó ban Hoa Kiều nên ông thường lên Tân Châu làm việc. Lúc đó, thời Pháp thuộc mỗi người dân phải đóng thuế thân . Ông thường đứng ra bảo lãnh cho những người không có tiền đóng để họ được đi lại tự do. Đôi khi không có ông Ngoại, người ta phải vào tận trường Má đang học để nhờ Má thay mặt cho ông Ngoại bảo lãnh dùm.

Bà Ngoại sinh được 5, 6 lần có cả trai lẫn gái nhưng chỉ nuôi được hai người con gái là Mẹ và Má tôi. Tôi nhớ có một nhà văn đã nói “khi người chồng thành công trên thương trường thì lúc đó người vợ thất bại trong tình yêu”. Thêm vào đó quan niệm trọng nam khinh nữ của người Trung Hoa. Lấy lí do tìm con trai nối giỏi, ông Ngoại cưới thêm vợ nhỏ. Bà Ngoại ghen, buồn đến sinh bệnh… Nhưng rồi mọi việc rồi cũng trôi qua vì chuyện “trai năm thê bảy thiếp” thời ấy cũng là chuyện bình thường. Ngoại lại chăm cho chuyện mùa màng đất cát như xưa và cai quản tất cả mọi việc trong nhà khiến bà Ngoại nhỏ ghen ngược trở lại vì bà không có chút quyền hành và không được ông Ngoại trân trọng. Một thời gian sau, bà nhỏ bỏ nhà ra đi cùng với đứa con gái nhỏ của bà. Bà Ngoại có cho người đi tìm nhiều lần nhưng không gặp được bà.

Tuy nhà có của ăn của để như thế, bà Ngoại vẫn buộc Mẹ và Má tôi phải vào đồng khi thì gom lúa, hái đậu hoặc bẻ bắp. Có lẻ Ngoại muốn cho các con biết sự nhọc nhằn để có được hạt gạo, trái bắp mà ăn . Cách dạy con của Ngoại đáng để con cháu chúng tôi học tập. Má tôi kể lại, có một lần Mẹ không muốn vào đồng vì sợ bị nắng ăn nên Mẹ cầm một cây dài vừa quất vào đám đậu xanh vừa quát: ”Cho mầy có trái nè, cho mầy có trái nè”. Không hiểu vì sao đám đậu chỗ ấy lại có trái nhiều hơn những chỗ khác nên còn phải bẻ lâu hơn.


D.T.Vân Khanh (Còn tiếp)



  HÌNH CHỤP ĐẤT ĐAI CỦA NGOẠI

Cháu Cố trai và cháu Sơ gái của Ngoại

Cháu Ngoại gái, và 2 cháu cố trai
Trước đây đất này là ruộng, sau 1975 lên líp lập vườn. Cháu cố tên Khoa.
Chụp xuống: Đường Cộ ngang trước sở đất Ngoại mua có 2 Ninja cầm chổi
Quay lại chụp lên:  2 Mặc Rô đang làm dáng giữ xe ở đường Cộ