QuocHung's Blog

4 thg 3, 2010

Ngoại tôi (Phần 3) - D.T.Vân Khanh

NGÔI NHÀ CỦA NGOẠI

Nhà Ngoại năm 2002 đang sửa lại
Khoảng thập niên bốn mươi của thế kỉ trước, miền tây Nam Bộ lúc ấy chưa mấy an ninh, trộm cướp hay nổi lên khuấy phá, nên những nhà khá giả họ thường tìm cách chôn giấu vàng bạc của cải. Nhà cửa phải làm thật chắc chắn để tránh trộm, chứ cướp viếng thì đành chịu bó tay. Khi màn đêm buông xuống, bóng tối lại mang theo cả nỗi lo cho những người có tiền có của.


Đêm ấy, cạnh nhà Ngoại, tiếng kêu khóc, tiếng đánh đập, tiếng van xin vọng lại. Biết nhà bên cướp đang khảo người lấy của . Ông Ngoại bình tỉnh, lặng lẻ đi vội vào phòng của Má . Một thoáng sau, ông ôm trong lòng một gói to đùng màu trắng , Ông chạy, chạy miết lên xóm trên , hướng nhà ông Hương Sư trong làng đễ tránh.

Bà Ngoại đứng sau bên phải

Về sau, nghe kể lại, bọn cướp tiếc rẻ vô cùng, vì không chuyển sang đánh cướp nhà ông Ngoại để ông ôm gói vàng lớn chạy đi. Thật ra , gói ấy đâu phải là vàng hay tiền gì mà trong bọc đó là đứa cháu ngoại cưng của ông, là chính tôi đấy. Ông sợ bọn họ bắt tôi để làm con tin rồi khống chế gia đình buộc mang tiền đến chuộc. Vì mới có đứa cháu ngoại đầu tiên nên ông thương tôi lắm. Rồi cũng từ đấy, ông đưa Ba Má tôi tản cư lên chợ Tân Châu ở cho yên ổn. Riêng ông bà Ngoại vẫn ở lại Phú Lâm, thỉnh thoảng ông bà thay phiên nhau lên thăm cháu.
Nhiều lần được theo bà Ngoại về quê, lần nào cũng vậy, Má soạn cho một bọc quần áo cùng ít bánh kẹo và đồ ăn khô cho ông Ngoại. Hai bà cháu dẫn bộ ra bến xe lôi ở đầu đường, lên ngồi ở băng sau. Phải chờ thêm hai người nữa cho đủ cuốc, người chạy xe mới chịu đi. Có khi chờ lâu quá, sợ nắng cháu, Ngoại cho thêm tiền bao nguyên chuyến để được đi sớm hơn. Xe đi chầm chậm, tôi thích thú nhìn ngắm hai bên đường rồi hỏi Ngoại đủ chuyện. Nhờ vậy mà tôi biết được vạt đất đổ cao dọc theo hai bên đường được gọi là bờ quai, khi đi ngang qua “văn phòng”của đạo PGHH tôi biết dở nón cúi đầu ai thấy cũng khen ngoan. Điều tôi sợ nhất là đi xe bị khát nước, khát khô cả họng, cứ luôn miệng hối chú xe lôi chạy nhanh để tới nhà uống nước. Tôi đâu biết chú còn mệt và khát nước hơn cả mình. Không biết trong các em tôi có đứa nào được đi xe lôi đạp như tôi hay không vì sau nầy đã có xe hơi, rồi xe gắn máy ( FOLLIS ) kéo thùng.




Đi khoảng hơn một tiếng đồng hồ thì tới nhà. Đây là ngôi nhà thứ hai của Ngoại. Nhà trước kia bị Tây đánh bom nhầm sập mất rồi. Nhà nầy có lầu, lợp ngói đỏ, chung quanh vách đóng bằng cây căm xe rất dầy. Phía trước nhà là một khoảng sân rộng tráng xi măng , có chừa hai ô tròn trồng cây thiên tuế. Giữa hai cây đó, cặp đôn gốm sứ mà chiều nào Ngoại cũng dắt tôi ra đó ngồi chơi. Bước vào sâu hơn thì tới ngạch cửa rộng, chia ra làm ba ô, trên mỗi ô dựng nhiều cây song thật lớn và cao mà tôi thường ôm lắc thử nhưng nó vẫn đứng im không hề động đậy. Kế đến là hàng ba rộng lắm. Ngoại thường cho xay lúa, giả gạo ở đấy. Những khi hát máy, người hàng xóm tụ đến nơi này ngồi nghe chật luôn cả hàng ba, có khi còn kéo dài ra tận ngoài sân.

Đến cửa, nhìn lên thấy tấm bảng hình chữ nhật bằng gỗ sơn đỏ với hai chữ YẾN THANH màu đen được khắc lõm vào. Bên trong nhà, hai hàng cột tròn,chia nhà làm ba gian. Trươc mỗi cây cột là tấm liễn bằng gỗ mun, nổi bậc lên chữ hàng chữ Tàu với ánh nhũ vàng. Tôi hỏi, ông Ngoại có đọc và giải nghĩa cho nghe nhưng tôi chỉ nhớ được tấm biển lụa trắng bóng, lộng trong khung kiếng một cách trang trọng, treo trên cao mà các đồng hương người Hoa thêu tặng cho Ông bốn chữ TẠO PHÚC BAN DÂN, chữ màu xanh dương được thêu sắc sảo .Giữa nhà là cái bàn dài với hai hàng ghế dựa. Hai bộ ngựa gõ dầy cả tấc để hai bên, trong cùng là hai tủ đứng to cao màu nâu sậm. Đầu bộ ngựa bên phải, có đặt cái ghế xích đu bằng mây, lưng ghế đan thành những hoa văn rất đẹp.Tôi thích ghế nầy lắm, lần nào về là tôi leo lên đó nhún nhảy. Có lần tôi nhún hay đến nồi làm cho ghế lật, quăng tôi va đầu xuống gạch, trán u một cục, Ngoại phải luộc trứng gà lăn mấy ngày sau mới xẹp.

Trên vách ngang ở giữa nhà có hình ngôi sao trắng mười hai cánh nổi bật trên nền xanh dương. Phía trên ngôi sao ấy có treo một khung gỗ đen hình bầu dục với chữ TRƯƠNG YẾN NGUYÊN óng ánh màu vàng . Trong buồng là những bồ lúa to và thang lầu tối om.Tôi chỉ dám lên lầu khi có ông bà Ngoại vì với tôi lúc ấy các nấc thang và tay vịn vừa cao vừa trống, nhìn xuống bên dưới rất dễ sợ. Lên lầu, nhìn thấy ngay bộ ngựa gõ nhỏ có cái gối ống rất cứng để ông nằm thư giản. Trên cái bàn ở đầu bộ ngựa, bình trà nhỏ bằng trái cam với các chung nhỏ xíu màu nâu đỏ, đặt trên chiếc khay gỗ. Tôi không uống được nước trà của ông, cái thứ nước sóng sánh màu vàng trông rất đẹp mắt mà chát tê bó cả đầu lưỡi. Giữa lầu là khoảng trống hình lục giác bao bọc bởi lan can bằng cây, nhìn xuống thấy tận dưới đất nên không bao giờ tôi dám đến gần. Trên vách phía dưới, Ngoại treo nào nong, nia, sàng, sẩy rồi thúng giạ, thúng giê, rổ quảo. Ngoài ra còn có cái thùng to có quai hai bên dùng để đong lúa gọi là cái táo. Chắc con cháu ngày nay ít biết những dụng cụ nầy mà chỉ thấy qua hình ảnh hoặc sách báo.

Nói đến nhà Ngoại phải nói đến tắc kè. Nhìn những chấm đỏ đen trên mình nó tôi sợ lắm.Tắc kè hay bò trên vách, những khi ngủ với Ngoại tôi đều đòi nằm giữa. Vậy mà lần nào nó kêu tôi đều đếm “hên, xui, may, rủi”. Mãi đến tận bây giờ tôi vẫn đếm khi nghe tiếng tắc kè kêu. Có những thói quen hình thành từ nhỏ sẽ theo ta đi suốt cuộc đời. Điều này rất cần nên suy gẫm để dạy dỗ con cháu sau nầy.
7 Thanh Hùng chụp năm 2008