QuocHung's Blog

29 thg 3, 2010

BÀ NGOẠI VÀ CHỊ EM TÔI

Thuở ấy, ở quê chưa có nhà máy xay lúa. Muốn có gạo ăn , người ta phải xay lúa bằng cối xay tay, phải sàng sẩy rồi đem gạo lức đổ vào cối, dùng chày giã cho tróc bớt vỏ cám ra mới ăn được. Tất cả mọi thứ đều làm bằng tay .

Ngoại cũng qua những công đoạn vất vả như thế, xong đâu đấy, Ngoại cho vào bao, gửi xe lên cho Má và Mẹ tôi. Gia đình tôi đông, nên Ngoại cho bao gạo lớn hơn. Thời gian dần trôi, chị em chúng tôi lớn lên từ những hạt gạo, hạt cơm của Ngoại. Ngoài gạo, Ngoại còn gửi lên nhiều thứ khác nữa, mùa nào thức nấy.
Phía sau nhà Ngoại là một vườn chuối lớn, vì thế chúng tôi được ăn chuối thường xuyên, có khi còn ăn cả chuối khô nữa. Những khi chuối chín nhiều quá, Ngoại ép ra rồi đem phơi nắng thành chuối khô. Chuối khô vừa ngọt lại vừa thơm. Chị em chúng tôi rất thích. Hồi nhỏ, khi về quê, Ngoại thường lột những bẹ chuối cho chúng tôi giả làm củi chẻ chơi. Có khi chẻ đầy một thúng giạ, Ngoại phải đem xuống sông đổ đi.
Đến mùa dưa hấu, trong bao gạo gửi lên không thể thiếu những quả dưa hấu nho nhỏ . Dù nhỏ nhưng ruột đỏ mà ngọt lịm. Chị em chúng tôi mê lắm. Có lần , Ngoại gởi lên một trái mít to tướng. Ngoại nghe Má nói đứa em gái thứ ba của tôi rất khoái loại trái nầy. Mùi thơm toả ngát cả gian nhà khi Má mang ra xẻ và chia từng múi, từng múi vàng ươm cho chúng tôi. Nhưng cái phần tuyệt nhất không phải là múi mà là sơ mít. Cái sơ mít ngắt vội rồi len lén cho vào mồm nhai ngấu nghiến. Thật không gì bằng!
Bà Ba (em của Ngoại) cũng góp phần vào bằng những cây mía. Theo sở thích của chúng tôi, Bà gửi lên những bó mía thân ốm mỏng mảnh. Đến nay, tôi vẫn còn nhớ cảm giác đưa khúc mía nhỏ vừa miệng mình, cắn gẫy một cái rốp, hai hàm răng nghiến lại, nước mía ngọt lịm chảy ra. Ôi, tuyệt làm sao! Khi Bà cho mía lớn chị em tôi đều chê vì nó không vừa miệng.
Đến khi Má tôi sinh đứa em thứ Năm được vài tuổi thì Mẹ tôi sinh đứa con đầu lòng. Bấy giờ, Ngoại lên nhà Mẹ nhiều hơn là ở với chúng tôi. Có lần tôi ”cà nanh” sao Ngoại không ở nhà mình mà cứ ở nhà Mẹ hoài. Má tôi ôn tồn giải thích: “Mẹ goá chồng từ khi mới ngoài hai mươi, lại chưa có con, nên Mẹ thương chị em con lắm (Chính vì sự thương yêu thái quá đó dẫn đến vài chuyện không hay còn mãi đến nay); bây giờ Mẹ mới có con, Má không giúp được thì Bà Ngoại lên tiếp Mẹ, con không nên cà nanh xấu lắm”. Nghe Má nói thế tôi mới hết tủi thân. Những lần Ngoại lên, chúng tôi thường dắt nhau xuống nhà Mẹ để thăm Ngoại. Lần nào Ngoại cũng cho tiền mấy đứa để ăn quà. Có tiền, chúng tôi kéo nhau mua, khi thì chuối nướng, khi thì mía ghim (không ngon bằng mía Bà Ba cho đâu).
Nhớ lần được tin thi đậu vào Đệ Thất (lớp 6 bây giờ) trường Trung học Thủ Khoa Nghĩa ở Châu Đốc, còn Tân Châu lúc ấy chưa có trường công lập. Tôi chạy xuống nhà Mẹ, xin Ngoại 10 đồng, đi qua Châu Đốc dò kết quả để được chính mắt đọc tên mình trong danh sách trúng tuyển. Thuở ấy, con cái tự biết lo hơn bây giờ. Chắc do quá phấn khích nên vừa đi tôi vừa cười. Nhìn ai cũng cười, như muốn khoe và chia xẻ niềm vui to lớn cùng mọi người. Sợ người ta nói mình khùng, tôi cố nín, nhưng không sao nín được, cứ cười mãi...
Đứa em thứ ba của tôi là gái, đứa thứ tư và thứ năm là hai đứa con trai đầu nên được cả nhà cưng chiều lắm. Ngoại sợ tụi nó khỉ bị Ba đánh đòn đau, nên lần nào lên, Ngoại cũng đem theo một bó roi bằng ruột tre. Roi ruột tre đánh ít đau hơn, có đánh gảy roi, chờ đi lấy roi khác thì đã bớt giận rồi, chắc thôi không đánh nữa. Ngoại tâm lý ghê!
Tình thương Ngoại dành cho chị em chúng tôi là vô bờ bến. Ghi lại những kỉ niệm xưa như một nén nhang lòng dành cho Ngoại trong lần giổ thứ 22 này.

Tân Châu 26-3-2010