Ông Ngoại và chuyến đi xa.
Mẹ đứng cạnh mộ ông Ngoại (Dì hai Dực) năm 2002 |
Lúc ấy, khoảng năm 1954, tôi vừa lên tám tuổi đang học lớp Tư (lớp Hai bây giờ) trường Nữ tiểu học Tân Châu. Tôi học với cô Khởi, cô đẹp và dạy nghiêm lắm nên học sinh chúng tôi rất kính và sợ cô. Cô sống dưới ghe, đậu bên bờ kinh Vĩnh An trước cổng trường Nữ. Tôi đi qua đi lại rất nhiều lần, lấy hết can đảm mới dám bước xuống ghe. Khác với khi ở lớp, chẳng những cô cho phép nghỉ học mà còn âu yếm đưa bàn tay dịu dàng vuốt tóc, an ủi tôi và gửi lời chia buồn cùng Ba Má. Trên đường về nhà, tôi như muốn bay bổng vì chẳng những làm xong một việc mà với tôi lúc ấy là vô cùng khó khăn mà còn nhận được cử chỉ yêu thương trìu mến của cô.
Về đến nhà Ngoại, xe vừa ngừng, Mẹ tôi lao xuống vừa khóc vừa kể lể: Vì phải lên Tân Châu dự lễ thôi nôi của thằng em thứ Năm của tôi nên Mẹ không kịp gặp Ông Ngoại trước khi ông mất. Còn Ba Má thì lo dìu dắt bốn chị em tôi vào nhà. Tôi thấy ông Ngoại như đang nằm ngủ trong chiếc mùng nhỏ trên bộ ngựa đặt ở giữa nhà. Trong trí óc non nớt của tôi lúc ấy,không hiểu tại sao mà ai ai cũng sụt sùi kề lể nhiều đến thế? Mãi cho đến khi thấy người ta đặt Ông vào quan tài đóng nắp lại, tôi mới biết là tôi sẽ không được gặp Ông nữa, tôi đã mất Ông rồi…Tôi hốt hoảng gào to lên “Ông Ngoại ơi, Ông Ngoại ơi…”Mọi người ai nấy đều nức nở…
Đám tang Ông được cử hành long trọng theo phong tục của người Hoa. Có nhạc lễ, trống kèn (dàn Tiều) người đi phúng điếu và đưa đám rất đông. Vì Ông Ngoại không có con trai nên tôi được xếp ngồi trên chiếc kiệu dành cho cháu đích tôn. Một người bà con đi kèm để chăm sóc cho tôi và tôi đã khóc sướt mướt từng hồi theo lời kể của người ấy dành cho Ông.
Theo lời kể của bà Ngoại: Trưa hôm ấy,ngày mùng 5 tháng 3 âl, sau khi ăn cơm xong , theo thói quen, Ông Ngoại đến nằm ngủ trên chiếc ghế xích đu. Bà Ngoai ngồi cạnh bên may vá. Chập lâu sau đó, có người hàng xóm đến mời khui hụi. Bà Ngoại bèn lay Ông dậy để nhờ viết giấy thì mới hay Ông đã mất tự hồi nào. Ông Ngoại tôi đã ra đi một cách nhẹ nhàng, thanh thản để lại bao tiếc nuối thương buồn!
Ngày còn sinh tiền, Ông Ngoại là người con rễ rất mực hiếu thảo, hêt lòng thương yêu, kính trọng mẹ vợ (tức là Bà Cố của tôi ). Ngoài ba mươi tuổi, Bà Cố đã góa bụa, Bà ở vậy thờ chồng, nuôi đàn con dại cho đên ngày khôn lớn nên người . Trong câu chuyện hàng ngày, Ông thường căn dặn: Nếu Ông có qua đời trước Bà Cố, thì nhớ cho Ông để tang Bà, bày tỏ lòng thương kính sự trung trinh tiết liệt ấy. Và Bà Ngoại tôi đã làm y theo lời trăn trối của Ông .Trước khi liệm Ông vào áo quan , Bà Ngoại trịnh trọng đến bên chiếc mâm có đặt mãnh khăn tang , với lòng thành kính,hai tay nâng khăn lên ngang mày khấn vái rồi nhẹ nhàng quấn quanh vầng trán rộng của Ông. Ngày ấy còn quá nhỏ, tôi chỉ biết khóc thương Ông thôi. Bây giờ, trong tôi luôn dâng cao lên sự cảm phục và lòng tôn kính thiêng liêng mỗi khi nhớ về Ông.
Ông Ngoại tôi qua đời ở tuổi sáu mươi. Hơn bốn mươi năm trên đất khách, với hai bàn tay trắng cùng sự cần cù,nhẫn nại, Ông với Bà Ngoại đã làm nên sự nghiệp. Bản tính trung thực,tấm lòng nhân hậu, cùng sự hiếu thảo tuyệt vời là những gương sáng ông để lại cho con cháu noi theo.
D.T.Vân Khanh