QuocHung's Blog

18 thg 3, 2010

Gỡ biển 'Gia đình văn hóa' !

Những tấm biển Gia đình văn hóa treo trước cửa các gia đình trên phạm vi cả nước có thể sẽ phải gỡ bỏ để tránh gây lãng phí, phô trương, bệnh thành tích trong việc thực hiện một chủ trương của Nhà nước.

Ngày 15/3, Bộ VH-TT-DL gửi công văn 785/BVHTTDL-VHCS tới các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu không treo biển Gia đình văn hóa. Trước đó, Văn phòng Chính phủ có công văn 1313/VPCP-TCCV thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ VH-TT-DL chủ trì, kiểm tra, đánh giá việc gắn biển Gia đình văn hóa (GĐVH) tại một số địa phương, báo cáo Thủ tướng trước 15/3.

Bộ không quy định


Ý kiến chỉ đạo này xuất phát từ phản ánh của báo chí rằng nhiều địa phương thay vì cấp chứng nhận GĐVH thì cấp tràn lan biển GĐVH, thậm chí có địa phương như quận Hà Đông, Hà Nội có tới gần 100% gia đình được gắn biển, với chi phí khoảng 3 tỷ đồng. Nhiều người cho rằng việc gắn biển tràn lan như vậy là không thực chất, mang tính hình thức, phô trương, lãng phí, thậm chí có thể gây mâu thuẫn vì việc bình chọn chưa khách quan và ồ ạt…

Theo ông Trần Minh Chính, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT-DL, sau khi nhận được thông tin từ báo chí và yêu cầu của Thủ tướng, Bộ tiến hành kiểm tra, làm việc với Phòng văn hóa, UBND quận Hà Đông, thấy rằng việc gắn biển GĐVH tại đây không có trong quy định hiện hành. Do đó, Bộ gửi công văn cho Sở VH-TT-DL các tỉnh, thành phố yêu cầu “có văn bản chấn chỉnh việc làm này và không thực hiện việc treo biển GĐVH. Những đơn vị đã làm phải có văn bản báo cáo bộ trước ngày 30/3/2010”.

“Việc gắn biển GĐVH tại quận Hà Đông tuy không vi phạm quy định về việc công nhận GĐVH, nhưng xét trên nhiều góc độ thì không nên”, ông Trần Minh Chính nói và cho biết theo văn bản của Bộ, những biển đã treo ở các địa phương sẽ được gỡ xuống. Ông Tô Văn Động, phát ngôn viên của Bộ VH-TT-DL, cho biết xây dựng GĐVH là chủ trương của Nhà nước và đã được nêu trong một số văn bản pháp lý. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ là “phê phán gay gắt bệnh thành tích trong việc thực hiện”.

Chỉ nên cấp chứng chỉ
Ông Nguyễn Quang Lê, Phó giám đốc TT Văn hóa văn minh, Viện nghiên cứu văn hóa, cho rằng việc gắn biển GĐVH là “phản cảm và không nên”. Việc bình xét GĐVH phải căn cứ theo tiêu chuẩn văn hóa của chính quyền hay cơ quan quản lý văn hóa, chứ không thể bình xét một cách chung chung, tùy tiện.

“Đứng về góc độ chuyên môn hay nghiên cứu thì việc gắn biển không hay ho gì. Chính vì vậy, cách tốt nhất là gỡ bỏ biển và thay vào đó là trao giấy chứng nhận”, ông Lê nói.

Theo ông Phạm Văn An, Thường trực văn phòng Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tuy việc gắn biển GĐVH không sai, nhưng làm một cách ồ ạt là không nên và quá lãng phí. Ông Trần Minh Chính (Cục Văn hóa cơ sở) cũng cho biết: trước đây, theo các quy định về thi đua khen thưởng, GĐVH được thưởng 50.000 đồng, nghe có vẻ ít nhưng với tỷ lệ 80% gia đình được công nhận GĐVH thì con số đó rất lớn.

Ngay cả cấp giấy chứng nhận hằng năm cũng khá tốn kém, vì giấy in phải đẹp, trang trọng. “Chỉ mỗi việc nghĩ xem công nhận thế nào cho phù hợp, ít tốn kém cũng khiến chúng tôi rất vất vả. Cuối cùng chúng tôi đưa ra phương án, ba năm liền được công nhận GĐVH thì được cấp giấy chứng nhận, còn hai năm đầu thì ghi vào sổ vàng”, ông Trần Minh Chính nói.

Chiếc bằng khen có khung kính ba năm cấp một lần treo trong nhà, theo ông Chính, vừa lịch sự vừa tiện ích. “Tiện ích ở chỗ, bất cứ khi nào không còn “danh hiệu” sẽ hạ xuống một cách dễ dàng. Còn khi đã gắn biển rồi lại tháo ra sẽ có vấn đề”, ông Chính nói.

Trước việc tháo biển, ông Nguyễn Quang Lê lưu ý nên giải quyết một cách thận trọng, bởi thực tế cuộc sống khá phức tạp, “nếu không khéo sẽ gây ra tác động không tốt”.
Thanh Ngọc.

http://www.baodatviet.vn/Home/vanhoa/Ca-nuoc-go-bien-Gia-dinh-van-hoa/20103/84677.datviet