QuocHung's Blog

28 thg 7, 2010

Những bến sông

Có biết bao bến sông. Có bến sông buồn, có bến sông vui. Có bến sông gần, có bến sông xa. Có bến sông chờ … Mỗi bến sông dường như có tâm trạng riêng, nỗi niềm riêng, có uẩn khúc riêng, số phận riêng… Và, cuộc đời mỗi người đàn bà cũng vậy, giống như một bến sông.

Những bến sông có tên được con người bồi đắp. Và những bến sông vô danh, tình cờ mà được sinh thành. Dù có danh, vô danh, những bến sông làm nên nét duyên thầm không thể thiếu của những dòng sông.


Bến sông đầu tiên tuổi thơ tôi gặp là bến sông đầu vàm kênh Vĩnh An, Một bến sông gần, chỉ vài nhịp mái chèo đã qua đến bên kia bờ. Một bãi cát trãi dài mà nơi ấy, chúng tôi, lũ trẻ 10-13 tuổi ngây thơ ,vô tư, nghịch ngọm nô đùa vui chơi. Xa một chút là chiếc Cầu Sắt đang soi mình xuống dòng kênh xanh như cô gái quê rạng ngời tuổi đôi mươi. Ai muốn nhanh qua chợ thì đi đò ngang, ai muốn thư thả thì đi vòng qua Cầu Sắt .
Mỗi khi về quê cúng giỗ ông bà ở Long Thuận, tôi biết thêm một vài bến sông lớn hơn chút. Cách nhau 1km dọc theo dòng sông là có một bến đò ngang, Ấn tượng tuổi thơ của tôi vẫn là bến đò cây số 6. Hai bờ sông cách nhau khoảng 100m, dù có mưa dầm hay nắng trưa hè gay gắt như đổ lửa, dù mùa nước nổi sông nước chảy cuộn, dữ dội mang đầy phù sa hay những ngày hè dòng sông trong vắt hiền hòa với chiếc xuồng ba lá mỏng manh. Hai vợ chồng người đưa đò, trong bộ bà ba đen, tóc búi cao. Anh chồng nét mặt rắn rỏi, đứng vững chắc phía sau mắt đăm đăm tập trung phía trước tay nhịp nhàng đưa chiếc xuồng phăng phăng sẻ dòng nước. Chị vợ phía trước, gương mặt hiền từ phúc hậu ẩn hiện bên dưới chiếc nón lá, chiếc khăn choàng, nhẹ nhàng, khéo léo đưa mái chèo chỉnh hướng chiếc xuồng nhỏ đi về đúng hướng, cập bến sông an toàn, êm ái .
Lớn lên, được đi xa hơn, qua phà Châu Giang, phà Cồn tiên. Phương tiện di chuyển có lớn hơn. Lưu lương khánh và xe cộ nhiều hơn, thấp thoáng lẫn trong đám đông khách bộ hành có những tấm khăn choàng đầu, mang che mặt, thoát lên sự khắt khe, cố hữu và huyền bí của những cô gái Chăm .

Có một bến sông tôi đã ngỡ ngàng và thích thú, bến sông nhỏ một miền quê. Bến sông nhỏ, và con phà – “bạn tình” của nó, cũng nhỏ. Nhỏ đến nỗi, mỗi chuyến qua sông, con phà chỉ chở được một chiếc ô tô. Ai đó, đã thú vị đặt tên là con phà “Chung thuỷ”.
http://mp3.zing.vn/mp3/nghe-bai-hat/Ben-Song-Cho-Manh-Quynh.IWZ97FE9.html
Đi học SaiGon, được đi qua những chiếc phà lớn nhất ĐBSCL, vượt qua nhánh sông rông nhánh của dòng Mê Kông. Phà Mỹ Thuận, phà Cần Thơ, phà Vàm Cống … trên mỗi chuyến phà, mỗi cảm xúc khác nhau. Hình ảnh Người phụ nữ miền Nam, chất phát, chịu thương, chịu khó, lo lắng, chăm sóc cho gia đình được thể hiện rõ nét. Theo những chiếc xe xếp hàng rồng rắn chờ qua phà, những cánh tay mang đủ thứ thực phẩm, nước suối lạnh, bắp nấu, bưởi, xoài, bành mì và có cả vé số đưa lên bên ngoài cửa xe kèm theo những chiếc nón lá nhàu nát phía dưới khuôn mặt cháy đen vì dãi nắng dầm mưa kiếm chút ít tiền trang trãi cuộc sống gia đình.

Bến Quê. Năm tháng qua đi, cuộc sống ngày càng thay đổi. Những bến sông xưa cũ tôi gặp giờ cũng đổi thay nhiều. Có những gương mặt bến sông thoáng nét phôi pha. Bởi mưa gió của thời gian hay mưa gió trần gian? Có những bến sông, con phà quê vẫn mặn nồng, quấn quýt. Và cũng có những bến sông, con phà cỗi ngày nào đã hoá thân thành chiếc cầu bê tong, cầu treo hiện đại vắt mình trên sóng nước. Người đi xuôi ngược, tấp nập thuận tiện hơn. Ai cũng mừng, đỡ phải lo tai nạn sông nước, phải chen chúc đợi chờ.

Tôi đã có dịp trở lại cầu Mỹ Thuận. Giờ, cách bến phà cũ khoảng 1,5km, là một cây cầu treo bê tông vươn dài. Đứng từ bến sông nhìn lên, cây cầu hiên ngang, mạnh mẽ, vững chải và ngạo nghễ. Như hối hả nối những bờ vui. Bên cây cầu, bến sông trông mới “cũ kỹ”, “nhàm chán” làm sao. Tôi như đọc thấy trên gương mặt bến sông, sự nhẫn nại chen nỗi đau xa cách, lạ lẫm, của ngay cả khi “họ” vẫn ngày ngày nhìn thấy nhau, trông thấy nhau, vẫn sống cạnh nhau.

Ngày ngày, chỉ có đám đứa trẻ vô tư nô đùa trên bến sông. Những người đàn bà giặt giũ, thở than với nhau về phận đàn bà, về kiếp nhân sinh. Gương mặt bến sông lặng lẽ lắng nghe, như mỉm cười, suy ngẫm. Và rồi vào đến một ngày, cây cầu bỗng giật mình chợt nhận ra, ai cũng chỉ vội vã đi qua thật nhanh dưới cái nắng chói chang, thiêu đốt. Người ta lại tìm đến bến sông, như tìm thấy ở nơi đó cảm giác dịu mát, trong lành, yên ả, thanh bình. Cây đa bến sông lại cúi mình lặng lẽ toả bóng mát, lặng lẽ chở che. Hoá ra, dù năm tháng phôi pha, dù vật đổi sao dời, dù mưa nắng khôn lường, bến sông vẫn chính là linh hồn, là nơi trú ngụ yên lành của dòng sông.

Và đời mỗi người đàn bà cũng vậy, là một bến sông.

Bỏ thuyền, bỏ bến, bỏ dòng sông,
Cô lái đò xưa, đi lấy chồng.

Vắng bóng cô em từ dạo ấy,
Để buồn cho lữ khách bên sông
PhanVân