Chiếc xe đạp nhỏ.
Vào năm tôi học lớp 3, ba má dời về ở trên lầu nhà số 24 đường Nguyễn Công Nhàn,Tân Châu. Đấy là một trong những nhà của ông Bang Tống cho thuê. Cách nhà tôi một căn là nhà của bác tư Tôn chuyên sửa và bán xe đạp. Ngoài ra, bác còn có rất nhiều xe đạp nhỏ cho mướn. Mỗi chiều, những đứa trẻ trạc tuổi tôi thường mướn xe chạy vòng vòng khắp nẻo chợ. Đứng trên lầu, nhìn những chiếc xe nhỏ từ nhà bác tư dắt ra, tôi thích lắm, muốn được như các bạn.
Một hôm, tôi mạnh dạn, lấy tiền để dành của Ngoại cho, đến mướn xe. Biết là con của người hàng xóm, bác gái lựa cho chiếc xe mới. Tôi cẩn thận dắt chiếc xe đạp ra cửa. Ôi! sao khó quá, xe hết nghiêng bên nầy, chỉnh lại thì ngã bên kia. Ban đầu, hai tay tôi cầm chắc vào ghi đông, xe quẹo qua quẹo lại. Theo bác tư chỉ, một tay tôi vịnh ghi đông, tay kia tôi vịnh yên xe, thế là dắt xe ra. Chưa đến nhà, tôi đã ơi ới gọi, nhờ ba tập xe.
Ba hướng dẫn tôi, trước tiên phải ngồi ngay ngắn trên yên xe, mắt nhìn phía trước, lưng thẳng. Hai tay giữ chặt tay lái, chân phải để lên bàn đạp, chân trái chống cho xe khỏi ngã. Rồi ba đẩy xe tới trước, vì là xe líp liền nên chân tôi tự động đạp theo vòng quay của bàn đạp,còn tay thì lạng quạng bẻ ghi đông qua lại.
Suốt buổi chiều hôm ấy, tôi chỉ biết cầm lái, còn ba đẩy và chạy bộ theo tôi suốt dọc nẻo đường. Đến khi trả xe nhìn chiếc áo thun ba lỗ của ba đã ướt đẫm mồ hôi, tôi thương ba vô cùng! Nhớ có lần ba kể, hồi còn nhỏ, lúc ở Châu Đốc, mỗi chiều, ba công kênh tôi ra sân bóng rổ để ba luyện tập. Đến nơi, khi thì tôi vui vẻ ngồi bên ngoài sân cho ba vào nhập cuộc, khi thì ba thả xuống, tôi lại co hai chân lên. Thế là ba đành ở bên ngoài làm khán giả vì đứa con gái cưng trở chứng. Bây giờ, ngẫm lại mới cảm nhận rằng: Tuy không nói ra nhưng tình thương ba dành cho tôi là vô bờ bến, vô điều kiện mà tôi đáp lại có được là bao. Tôi tự thấy như mình thật nhiều lỗi với Người, lại càng thắm thía hơn câu “nước mắt chảy xuôi” mà người ta thường nói.
Ba đi Sàigòn, việc tập xe được giao lại cho chị giúp việc. Không như ba tập, tôi bị té nhiều lần, trầy cả hai đầu gối. Có lần đau quá, định quát chị, chợt nhớ bài Đức dục vừa học “bổn phận đối với người giúp việc” nên tôi không dám la chị mà chỉ biềt khóc. Đó là hiệu quả của môn Đức dục ngày xưa là thế.
Ba đi Sàigòn, việc tập xe được giao lại cho chị giúp việc. Không như ba tập, tôi bị té nhiều lần, trầy cả hai đầu gối. Có lần đau quá, định quát chị, chợt nhớ bài Đức dục vừa học “bổn phận đối với người giúp việc” nên tôi không dám la chị mà chỉ biềt khóc. Đó là hiệu quả của môn Đức dục ngày xưa là thế.
Mấy hôm sau, đi học về, tôi mừng không sao kể xiết khi thấy chiếc xe đạp nhỏ màu đỏ tươi có kẻ viền trắng xinh ơi là xinh đang dựng ở trong nhà. Hai bánh xe tròn to, vỏ màu trắng nổi bật cái sườn đỏ tươi với cặp vè bằng nhôm sáng loáng. Chiếc xe có đầy đủ đồ phụ tùng như đèn, chuông, thắng, cây chỏi, bọc sên và có cả boọc ba ga. Điều làm tôi thích nhất là xe có 2 bánh phụ phía sau, nhờ thế mà tôi không bị té khi tập xe nữa. Chiếc xe nầy ba mua đắt tiền lắm, hình như là 120 hay 1200 đồng tôi không nhớ rõ. Sau nầy, ba còn làm thêm một yên dài bằng gỗ ở phía trước để tôi chở được 3 đứa em cùng lúc, hai đứa ngồi trên yên gỗ phía trước, một đứa ngồi sau boọc ba ga. Mỗi chiều, khi cơm nước xong là tôi chở các em đi chơi.
Chiếc xe đạp đỏ, đã gắn liền với tám chị em chúng tôi. Ngoài ra còn thêm gần mười đứa cháu cũng từng sử dụng chiếc xe này. Có lẻ hiện nó đang nghỉ dưỡng ở nhà Út Huệ tại Tân Châu. Không biết nó có còn sức lực để làm tiếp nhiệm vụ dìu dẫn bước đầu cho những đứa trẻ muốn lên ngựa sắt nữa không, dù nó đã trải qua bao lần thay vỏ ruột, đổi màu sơn /.
Tân Châu 25-6-2010
VÂN KHANH