QuocHung's Blog

12 thg 7, 2010

Một ký ức buồn


Khoảng giữa năm 1968, Ba Má bàn nhau về chợ Tân Phú mở tiệm tạp hoá tại căn phố của Ngoại để vừa buôn bán lại tiện việc chăm sóc bà Ngoại lúc tuổi cao sức yếu. Bấy lâu nay Ngoại chỉ sống vò vỏ một mình trong ngôi nhà rộng lớn, cách chợ khoảng nửa cây số.



Ngoài thằng em thứ năm đang học ở Long Xuyên, còn bảy chị em ở lại Tân Châu. Vợ chồng tôi là giáo viên trường Tiểu Học Cộng Đồng Long Phú E . Đứa em gái thứ ba dạy tại trường Nữ Tiểu Học Tân Châu. Thằng em thứ tư làm lính kiển ở quận. Bốn đứa em gái nhỏ còn đi học, chúng tôi thay Ba Má dìu dẫn nhau trong cuộc sống. Chiều thứ bảy, chị em đưa nhau về với Ba Má để ăn bửa cơm đoàn tụ. Đến sáng thứ hai, trở lên Tân Châu đi học lại. Chuyến trở lên nầy mang theo nào cá, nào thịt, nào rau củ quả, lỉnh kỉnh đồ “tiếp tế “.

Ba Má về chợ Tân Phú buôn bán được chừng hơn ba tháng thì một lần, chiến sự tràn về miền quê yên bình ấy. Cả nhà cùng xóm giềng phải sang qua bên kia sông (làng Phú Thuận , Hồng Ngự ) lánh nạn. Đứng bên nầy sông, đau đớn, Ba Má nhìn sang bên kia, xóm làng, ngôi chợ chìm trong mịt mùng lửa khói. Ở đó, có tất cả tài sản chắt chiu từ mấy mươi năm của Ba Má, có nhà cửa của bà con họ tộc, phút chốc đã biến thành tro bụi. Từ chiếc ghe chài to, chở đầy hàng hoá về mở tiệm. Nay, Ba Má trở về lại Tân Châu, sau lần khổ nạn đó, với một túi nhỏ cùng mấy đồng tiền xu cháy xém! Ba Má đã trắng tay chỉ còn lại đàn con tám đứa. Một cảnh tượng quá đau lòng! Bằng nghị lực phi thường, bằng tấm lòng thương con bao la, Ba Má đã vượt lên và làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng. ”Trong loạn lạc mà cả nhà đều bình an, mạnh khoẻ là phúc đức rồi, còn người thì còn của”, Ba nói như vừa an ủi Má như vừa tự động viên mình, hãy mạnh mẽ đứng lên sau biến cố lớn.

Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè ở Tân Châu và Châu Đốc, căn nhà cháy sập đã được dựng lên. Lần nầy thì trương bảng quán sinh tố CM, căn phòng được bày biện khá mới mẻ. Ánh sáng màu được bố trí hài hoà rọi lên tường có những hình vẽ các loại nhạc cụ theo kiểu lập thể. Quán chỉ chơi toàn những bài hát, ca ngợi hoà bình, phản đối chiến tranh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Một quán nước đặc biệt ở miền quê thời ấy! Do vậy, quán thu hút rất đông thanh niên nam nữ và cả những người lớn tuổi cũng tìm đến. Thứ bảy, chủ nhật các em về, đứa phụ tiếp Ba Má, đứa đem trầu cau, bánh trái lên cho Ngoại nên Ngoại vui và bớt phần cô quạnh.

Còn Ba, từ một người quen sống nhàn nhã cũng tìm tòi ra tận miền Nam Trung bộ để học nghề làm kem, làm sinh tố bọc. Ba lắp ráp và tự vận hành máy móc để sản xuất. Nhìn Ba Má vất vả trong tuổi xế chiều, mọi người trong gia đình đều ngầm nhớ nhau cố gắng sống thật tốt để bù đắp lại những mất mát về vật chất. Các em học rất giỏi, đứa đậu Tú Tài hạng bình thứ, đứa đậu thủ khoa khi thi vào trường Trung học công lập Tân Châu. Còn Ngoại, tuổi già có con cháu bên cạnh cũng thêm phấn chấn. Nhưng nhà Ngoại cách xa nhà Ba Ma, nên mỗi đêm, khách tan, dọn dẹp quán xong, Má phải đi bộ lên ngủ với Ngoại, sáng sớm lại đi bộ trở về. Dù có người giúp việc, nhưng khi neo người thì Ba phải chạy xe mang cơm và đồ ăn trưa cho Ngoại. Cho dù đó là bổn phận của Ba Má đối với Ngoại mà đó cũng là cách Ba Má giáo dục chúng tôi.

Bây giờ nhìn lại, mấy chị em chúng tôi đều đã trưởng thành, có nhà cửa, con cháu đề huề. Tuy Ba Má đã khuất bóng nhưng lúc nào chúng tôi cũng cảm thấy như Ba Má vẫn thật gần bên cạnh và luôn là tấm gương sáng để các chị em tôi soi rọi lại mình trong cuộc sống, cố gắng sống thật tốt trong tình thương yêu, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau. Đó, cũng là cách để chúng tôi đáp đền công ơn Ba Má và giáo dục con cháu sau nầy.

Tân Châu 11-7-2010
VÂN KHANH