Chiếc nôi sắt và con ngựa gỗ
Ngày xưa, Ba mua chiếc xe đạp nhỏ. Chiếc xe nầy đã lưu truyền từ tám chị em tôi rồi đến các cháu nhỏ. Sang đến thế hệ chúng tôi thì có cái nôi sắt và con ngựa gỗ.
Khi tôi có mang lần đầu được tầm sáu tháng, hai vợ chồng từ Tân Châu qua Châu Đốc tìm mua chiếc nôi cho con. Tôi nhớ, hình như chúng tôi mua chiếc nôi đó ở tầng trệt của khách sạn An Biên thời ấy, tôi quên hiệu tiệm rồi.
Cái nôi rộng khoảng sáu tấc, dài một mét. Mặt dưới là lớp lưới sắt có lổ nhỏ li ti, chung quanh thành nôi cao độ bốn tấc được chắn bởi những thanh sắt nhỏ đứng song song chung quanh thành. Mặt bên có thể bật mở ra, hạ xuống tiện cho việc đặt em bé vào. Nôi được đặt trên giá đỡ làm bằng hai cọng sắt ống uốn cong ở giữa cao hơn thành nôi làm thành bốn chân và cái khung hình chữ nhật để đặt nôi lên trên cũng bằng sắt. Mỗi khi cần dỗ bé ngủ, chỉ cần mắc nôi lên hai cái móc ở hai đầu giá đở nôi đung đưa, đung đưa, bé sẽ dần dần đi vào giấc ngủ. Cái nôi được sơn màu rất bắt mắt. Ngoài ra nó còn có thêm phụ kiện là tấm nệm mousse và cái mùng lưới hoa nhỏ rất dễ thương, một gối nằm và hai gối ôm nhỏ xíu. Đó là chỗ nằm êm ái đầu đời của ba đứa con tôi và những đứa cháu - con của các em tôi -khi vừa mở mắt chào đời. Tôi nhớ lần đầu, từ Phú Lâm Bà Ngoại lên thăm gặp cháu cố, ban đêm ngủ trong nôi sát cạnh giường mẹ, Ngoại không vừa lòng, buộc phải đem cháu vào giường ngủ với mẹ và Ngoại nói: “Trẻ con phải ngủ bên mẹ mới đủ hơi ấm và ngon giấc, có vậy nó mới mau lớn “.Không biết có phải nhờ vậy không mà tôi tuy không mập mạp gì mà cả ba đứa con đều “sổ sữa”quá chừng.
Đến lúc con tôi hơn một tuổi, ba nó học ở Thủ Đức, được nghỉ phép Tết. Từ Sàigòn, anh mua con ngựa gỗ mang về cho con. Con ngựa nầy xinh hơn những con ngựa bán ở Tân Châu lúc bấy giờ. Đầu to, mình mập mạp, bốn chân đứng chắc chắn trên đế làm bằng ống sắt to bằng ngón tay cái, uốn thành khung hình chữ nhật cong cong ở bốn góc. Cái khung dài khoảng tám tấc được bẻ vênh lên hai đầu để bé ngồi trên yên dễ bật lên phía trước rồi ngả bật về phía sau. Toàn thân ngựa phủ màu sơn trắng ngà, bờm tô màu đỏ sậm, nhạt dần từ trên xuống dưới, sợi dây cương xanh dương buông thỏng vòng cung nối dính lên chỗ hai tay nắm nơi bé ghì chặt khi ngồi xẩy ngựa. Phía sau chiếc yên gỗ có làm thêm cái lưng dựa để khi ngựa bật lên bé không bị tuột khỏi yên. Hai bên bụng ngựa gắn chặt hai thanh sắt dẹp để gác chân. Khi lên lưng ngựa, thế ngồi của bé trông oai phong lắm lắm, nhất là lúc cho ngựa phi, vó cất càng cao càng được nhiều người vỗ tay cổ vũ. Tôi nhớ có lần phấn khích quá, thằng bé con lớn của tôi đã phi đến lật ngựa, u trán, khiến hai vợ chồng giận nhau đến mấy hôm! Sau nầy, ông ngoại lấy ruột xe bao quanh đế, để các cháu không bị “ngã ngựa”dù có hưng phấn đến mấy cũng chẳng sao. Ông thường kiểm tra yên ngựa và bắt vít chắc chắn để đảm bảo an toàn cho các cháu của Ông.
Mỗi khi làm xong nhiệm vụ, chiếc nôi sắt và con ngựa gỗ được đưa lên gác xép nghỉ ngơi. Đến khi trong gia đình có cháu bé sắp chào đời thì cả hai lại được đưa xuống, chỉnh trang lại, tiếp tục công việc của mình. Cứ thế nó đi từ nhà nầy đến nhà khác của mấy chị em tôi ở Tân Châu, hình như nó cũng có xuống Long Xuyên rồi vòng về Tân Phú nữa.Và Má tôi cũng từng ấy lần đi như thế, Má đến bên chúng tôi mang theo tình thương bao la của một người mẹ, một người bà. Má đã chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, nấu từng nồi xông cho chị em tôi trong những lần “vượt cạn”. Má nắn bóp tay chân, hơ mắt, mũi, bụng, ngực, cho từng đứa cháu, theo cách của người xưa để cho cháu mình được mạnh khoẻ, ăn nhiều, chóng lớn. Quả vậy, đến giờ phút nầy chín đứa cháu của Má đã qua đại học, hai đứa đang học nước ngoài bằng tiền học bổng. Ở trên cao, mong Ba Má hài lòng về những thành quả nhỏ bé mà các con cháu đạt được bằng nổ lực của mỗi đứa chúng con!
Những kỉ niệm vui buồn về Ba Má đã khắc đậm trong tim của từng đứa con, đứa cháu! Nhắc đến chiếc nôi sắt và con ngựa gỗ, là nhắc đến hình ảnh của Ba Má cặm cụi, chắt chiu bên từng đứa cháu khi chúng vừa mở mắt chào đời cho đến ngày khôn lớn !
Tân Châu 01 - 8 - 2010