Quảng cáo sai sự thật: Người tiêu dùng chịu thiệt
Quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm mục đích phục vụ doanh nghiệp bán hàng, làm dịch vụ… và phục vụ người dân nắm bắt thị trường, tiêu dùng hợp lý. Rất tiếc là, gần đây vì nhiều động cơ khác nhau, một số quảng cáo không đúng quy định của Pháp lệnh Quảng cáo vẫn được vài đài, báo thực hiện, gây thiệt hại đối với người tiêu dùng.
Khoản 4, điều 5 về "Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quảng cáo" của Pháp lệnh Quảng cáo (PLQC) do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, ghi rõ: "Nghiêm cấm các hành vi quảng cáo gian dối". Còn mục a, khoản1, điều 15 về "Điều kiện đối với quảng cáo hoạt động kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ" của PLQC có quy định: "Quảng cáo hàng hóa thuộc danh mục phải kiểm tra về chất lượng hoặc thuộc danh mục phải có chứng nhận chất lượng phải có giấy chứng nhận của cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa…". Như vậy, một thông tin quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng phải đúng luật, sản phẩm quảng cáo phải bảo đảm chất lượng.
Sản phẩm RD-Tiền mất, tật mang. |
Cuối tháng 10/2009 sau khi có quảng cáo trên truyền hình về vòng titan Phật Quan Âm có tác dụng chữa bệnh giúp tránh được các bức xạ gây hại, nhất là với những người thường xuyên tiếp xúc với máy tính, điện thoại di động và điều hoà huyết áp, tại rất nhiều tỉnh thành của Việt Nam đã nổi lên cơn sốt "vòng titan Phật Quan Âm" có chứa 99,99% hợp kim titan-germanium và đã được hãng SGS của Thụy Sỹ kiểm định, chứng nhận có tác dụng tăng khả năng lưu thông máu, chống bức xạ, chống mệt mỏi, cải thiện sức khoẻ với giá bán là 999.000 đồng/1 bộ sản phẩm. Kết quả quảng cáo đã khiến hàng vạn người bị lừa một cách đau đớn vì qua giám định của Viện Khoa học mỏ và Luyện kim đã cho thấy: Sản phẩm chứa một khối lượng rất lớn nguyên tố sắt - 71,31%. Titan chỉ chiếm 2,8% và không tìm thấy nguyên tố germanium.
Sản phẩm cao ngựa của một công ty bị luật pháp "sờ gáy". |
Trong phóng sự "Chất lượng sữa tươi: bát nháo do... quảng cáo", tác giả Việt Hoa đã chứng minh: Báo, đài thi nhau quảng cáo đủ các sữa tươi hay sữa thanh trùng, sữa tiệt trùng, sữa hoàn nguyên… khiến cho nhiều người có cảm nghĩ đất nước ta là cường quốc chăn nuôi bò sữa. Trên thực tế, đàn bò sữa của Việt
Vì rằng, sữa bột nhập về không phải là hàng xịn, bởi bột sữa hoàn nguyên thường chứa chất béo từ sữa bò nguyên chất (AMF -anhydrous milk fat) có giá trị dinh dưỡng cao với hàng loạt khoáng chất rất có lợi cho cơ thể như canxi, sắt, vitamin A, B, potassium, các nguyên tố vi lượng...
Giá nhập khẩu 1kg loại bột này lên tới 50.000 đồng, khiến cho nhà sản xuất không có khả năng thu lợi cao, nên họ đã "phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật" bằng cách nhập sữa bột không chứa AMF với giá rẻ hơn và sau đó cho dầu thực vật (chủ yếu là dầu cọ) trộn vào để đảm bảo độ béo như quảng cáo rồi tung ra thị trường với lời quảng cáo "sữa bò tươi nguyên chất", "tinh khiết từ thiên nhiên", "sữa tươi 100%", "sữa tươi tiệt trùng"...
Điều này khiến bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Người tiêu dùng nữ (Vinastas)- đã phải đặt câu hỏi: Các loại sản phẩm sữa tươi nội trên thị trường, còn chưa biết liệu có đảm bảo đầy đủ các nguồn dinh dưỡng cần thiết như thông tin được các nhà sản xuất cung cấp hay không. Và với tỷ lệ dầu thực vật cho vào nhằm qua mặt cơ quan chức năng kiểm tra về chỉ tiêu đủ độ béo... thì ai sẽ đảm bảo cho con em chúng ta không bị ảnh hưởng về thể chất và trí tuệ nếu dùng nhiều những loại "sữa tươi" như thế này?
Năm 2009 trong Nghị định 21/2006/NĐ-CP đã có những quy định nghiêm ngặt về chế độ quảng cáo sữa cho trẻ sơ sinh, nhằm bắt các nhà sản xuất phải cung cấp cho đối tượng này các loại sữa có chất lượng tương đương hoặc tốt hơn sữa mẹ... Tuy vậy, qua kiểm tra đã cho thấy: Hơn 20% sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ và 54% sản phẩm bình bú, núm vú giả được kiểm tra ghi nhãn chưa đầy đủ nội dung theo quy định; 8/8 sản phẩm của Công ty Mama sữa non ghi nhãn không phù hợp nội dung nhãn dự thảo trong hồ sơ công bố (công dụng, thành phần).
Trước đó, rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã tham gia quảng cáo sản phẩm cao ngựa bạch, ngựa kim, ngựa màu, cao mèo của Công ty Chu Việt như một thần dược, cho dù mãi sau này các sản phẩm trên mới được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cấp giấy chứng nhận cho phép lưu hành.
Sau khi sản phẩm này, do quảng cáo đã hút hồn một lượng lớn khách hàng, mới bị Thanh tra Bộ Y tế làm rõ: Giữa giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm và hàng hóa bán cho người tiêu dùng không giống nhau. Cụ thể: Sản phẩm cao ngựa bạch có chỉ tiêu về nhiễm vi khuẩn bacillus Careus cao gấp 9 lần so với tiêu chuẩn cho phép; cao ngựa màu có hàm lượng đạm không đạt so với tiêu chuẩn công bố (Hồ sơ đăng ký nghi trên 80% nhưng kết quả kiểm nghiệm chỉ đạt 67,71%); chỉ tiêu hàm lượng đạm cũng không thống nhất giữa các phần trong hồ sơ, lúc thì trên 80%, lúc lại hơn 78%; Trong cao ngựa kim, chỉ tiêu hàm lượng phốt pho ghi là 0,073% = 730ppm, nhưng kết quả kiểm nghiệm lại có con số cao gấp nhiều lần - 362mg/kg.
Còn rất nhiều ví dụ tương tự như thế diễn ra hằng ngày khiến cho phương tiện truyền thông nhà nước đáng lẽ như "người gác đền" vô cùng nghiêm khắc cho người tiêu dùng lại trở thành người "cầm đèn chạy trước cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm" khiến cho người mua hàng chạy theo quảng cáo của nhà đài mà bị lâm vào cảnh tiền mất, tật mang.
Có một thời gian, quảng cáo trên TV về các phòng khám, chữa bệnh và bốc thuốc của các bác sỹ đông y Trung Quốc chiếm một thời lượng phát sóng khá lớn khiến cho người ta có cảm tưởng các phòng khám trên với đơn thuốc "bí truyền và huyền diệu" đang ngự trị thị trường Việt Nam.
Vòng titan - trò lừa bịp ngoạn mục. |
Điều này đã buộc Sở Y tế Hà Nội tiến hành 3 đợt thanh tra các phòng khám này trong năm 2009. Đến hết tháng 11, Sở đã phát hiện những sai phạm phổ biến tại đây như: Chưa thực hiện niêm yết tên thuốc trong y bạ bằng 2 thứ tiếng, sử dụng thuốc chưa được cấp phép, bán thuốc giá cao hơn giá niêm yết, bác sỹ hành nghề chưa được cấp phép…
Thực tế cho thấy, người mua hàng chỉ có khả năng trở thành nhà tiêu dùng thông thái khi họ nhận được đầy đủ thông tin được đăng ký với Nhà nước về một sản phẩm đang được phép lưu hành trên thị trường để có sự lựa chọn đúng đắn và thích hợp với hoàn cảnh của mình. Song khi mà nhà sản xuất (làm ăn bất chính) có xu hướng bưng bít thông tin về sản phẩm của mình, còn nhà quảng cáo "dễ dãi và cả tin" thì người tiêu dùng khó tránh khỏi thiệt thòi.
Còn các tổ chức "phi chính phủ" và tư nhân tự quảng cáo thì sao? Tháng 2/2010, thông qua các chương trình quảng cáo trên mạng, người đi xe máy ở thành phố Hồ Chí Minh rộ lên phong trào sắm mũ bảo hiểm bằng hơi do Công ty Vi Thy thiết kế, sản xuất chỉ có trọng lượng bằng 60% mũ truyền thống và đặc biệt là loại mũ mới này có thể gấp lại nhét ở bất cứ nơi nào.
Mũ đi xe đạp quảng cáo thành mũ đi xe máy. |
Thực tế cho thấy, hai chỉ tiêu cơ bản của loại mũ mới này là đó là độ bền đâm xuyên và kết cấu mũ chưa đạt chất lượng theo quy định nên mũ chỉ phù hợp với người đi xe đạp. Sự can thiệp kịp thời của các cơ quan có trách nhiệm mới giúp cho người đi xe máy không phải trả giá.
Cho tới nay, đã có một số phương tiện thông tin đại chúng bị khách hàng đệ đơn kiện. Nhưng chỉ có nhà thuê quảng cáo "giơ đầu chịu báng". Điều này nếu cứ lặp đi lặp lại, chắc chắn người tiêu dùng không thể chấp nhận được.
Từ những sự việc trên, đã có người đưa ra câu hỏi: Quảng cáo của một số cơ quan thông tin đại chúng mục đích chính vì ai? Mong rằng các nhà sản xuất và một số cơ quan thông tin đại chúng thể hiện đầy đủ lương tâm và trách nhiệm đối với người dân khi trả lời câu hỏi này.
Việt Hà |
http://www.baomoi.com/Home/KinhTe/cand.com.vn/Quang-cao-sai-su-that-Nguoi-tieu-dung-chiu-thiet/4745062.epi (13:05:00 22/08/2010, cập nhật cách đây 40 phút)