Nguyễn Minh Nhị viết về Bô Xít
TÔI KIẾN NGHỊ
—
Từ khi có thông tin về khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, rồi dồn dập các ý kíến phản biện, phản đối với tất cả tâm huyết và thái độ xây dựng của những người có đại công với Tổ quốc, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và rất nhiều bậc trí giả đầy trách nhiệm với đất nước, đứng đầu là giáo sư Nguyễn Huệ Chi. Danh sách người kiến nghị mổi lúc dài ra. Tôi chưa ký vào vì nghĩ rằng có mấy ngàn chữ ký thêm nửa và thêm bao nhiêu tên tuổi lớn hơn nửa (hơn tôi) cũng không thể làm tăng thêm tính thuyết phục vốn có của sự việc mà thật lòng thì ai cũng biết. Còn nói nếu những phân tách của kiến nghị thiếu tính thuyết phục, không lay chuyển được “quyết tâm lớn” thì nó lại là ngoài tính khoa học và thái độ trách nhiệm của chủ trương.
Mấy hôm nay, thông tin và hình ảnh về thảm hoạ bùn đỏ tại cơ sở khai thác bô-xít-luyện nhôm ở Hunggari làm dấy lên nỗi bất an trong lòng của những người quan tâm về hai dự án khai thác bô-xít Tây Nguyên, không chỉ mấy ngàn người đã ký tên “Thỉnh nguyện thư”lần trước. Tôi và gia đình luôn nhắc trong các bửa ăn, mổi sáng đọc báo ta rất kỷ. Bởi vì hai nơi khai thác bô-xít ở ngay trên đầu mấy chục triệu dân Nam bộ, nhất là Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh, nơi không chỉ có đồng bào, đồng chí mà còn có con, cháu là máu thịt của tôi. Ngủ ngon sao được?!. Nghe ông đại diện cho chủ đầu tư nói cứng tôi không tin. Có ai chịu trách nhiệm về chủ trương và hành động của mình từng gây thiệt hại cho đảng cho dân mà bị trừng phạt hồi nào đâu. Cho dù ông có lấy cái mạng của ông ra bảo đảm!. Bởi một cái mạng của ông làm sao bằng hàng chục triệu cái mạng và một đời của ông làm sao dài bằng di hoạ từ bùn đỏ chứa các hoá chất xử lý trong quá trình tuyển quặng để lại dài lâu trong môi trường và trong cơ thể con người đến mấy thế hệ?. Thảm trạng chất độc trong thuốc khai hoang mà Mỹ rãi xuống Việt Nam phải hàng chục năm sau mới lộ diện về sự tàn phá của nó, cấp số nhân. Chánh phủ và chánh khách Mỹ có người còn chưa dũng cảm nhận trách nhiệm, nhưng dân Mỹ cảm thấy văn hoá của mình bị ô nhiễm mà sự giàu có của nước Mỹ chưa chắc đủ tẩy hết vết nhơ điôxin nầy trước con mắt nhân loại. Bởi vì nó còn di truyền thêm nhiều thế hệ nửa cho dân Việt Nam mà không ai nói trước được.
Trở lại vụ bùn đỏ ở Hungagri và công trình đang xây dựng hai nhà máy tuyển alumin ở trên “nóc nhà” mình tôi thật sự hồi hộp. Dòng sông Đanúp dẫn các chất kim loại nặng qua mấy quốc gia cùng chia sẽ, cả Châu Âu họ giàu và có trách nhiệm chung tay cứu lấy dòng sông. Ở Việt Nam, ta làm chắc chỉ có ta chịu ô nhiễm và ta tự cứu lấy ta. Nhưng ai là người cụ thể chịu trách nhiệm có tính chánh danh?, còn tiền để khắc phục tất nhiên là tiền dân. Bỡi DÂN THƯỜNG mà!. Từ mấy lo sợ nêu trên tôi kiến nghị!./.
Long xuyên, ngày 12/10/2010.
NGUYỄN MINH NHỊ
–------------------------------------------------------------------------Ông Nguyễn Minh Nhị, từng là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tỉnh An Giang. Mời đọc thêm những bài viết của ông: + Trò chuyện với ông Nguyễn Minh Nhị – chủ tịch tỉnh “lúa” An Giang: “Có giỏi mới dám ra biển lớn” (Tuổi trẻ, 22/1/2004); + Khâm phục ông Nguyễn Minh Nhị (Tuổi trẻ); + Giá lúa nằm ngoài hạt gạo (TBKTSG, 3/3/2010); + Vì sao nông dân nghèo bị đẩy ra ngoài lề? (SGTT, 23/9/2010) ; + Đừng cố “chạy” cho đủ 19 tiêu chí (Nông nghiệp VN, 4/10/2010); + Cảnh báo hiện tượng “đồng bóng” trong thông tin (TBKTSG, 8/10/2010); + Từ đổi mới đến đổi thay (TVN); + Đọc sách: Dấu ấn xưa Nam Bộ (Văn chương Việt).
Vợ ông Nguyễn Minh Nhị, bà Nguyễn Liêm Minh, cán bộ hưu trí, cũng đã cùng ông gửi thông báo ký tên vào bản Kiến nghị về dự án khai thác bauxit ở Tây Nguyên.
Ảnh: Ông Nguyễn Minh Nhị, cựu chủ tịch UBND tỉnh An Giang.
Nguồn: AnhBS
=======================
Đây là vấn đề nóng từ năm ngoái, chờ mãi mới có người của tỉnh AG lên tiếng, cũng có thông tin là GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, cựu CT Nước Nguyễn Thị Bình và GS Ngô Bảo Châu cũng ký tên vào văn bản kiến nghị dừng dự án khái thác bôxit.
5Nguyên.