Nghĩ về LŨ miền Trung
Đúng là cái xứ khổ trăm bề. Năm nào cũng nghe bị bảo lũ tàn phá. mà càng ngày càng dồn dập, càng nặng nề hơn. Năm sau nặng hơn năm trước.
Lúc trước thì thường nghe là bão, lâu lâu mới nghe lũ. Nhưng khoảng 5 năm gần đây thì nghe bão lũ liên miên. Chắc chắn là có liên quan đến thủy điện.
Khoa và Cúc có suy nghi sao không tổ chức cho dân tránh bão lũ? Bài sau đây cho thấy ý kiến của 2 mẹ con đã được TP Đà Nẵng làm rồi !
Sao cứ để dân tự bơi? |
Nước lũ trước chưa rút, lũ sau đã tràn về. Lần trước địa phương bị sự tàn phá ghê gớm của lũ là Quảng Bình, lần này thêm Hà Tĩnh, Nghệ An. Còn lần tới...?
Chỉ biết kịch bản lặp lại: người dân chạy lũ tứ tung, kẻ chậm chân thì leo lên cây, lên mái nhà... kêu cứu! Trực thăng, xuồng cứu hộ đâu có nhiều. Thế là đói khát, là chết người...
Chẳng lẽ cứ tiếp tục thụ động chờ lũ đến rồi lại chạy, lại đói khát... mà không có giải pháp tích cực phòng ngừa?
Còn nhớ khu vực phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng vốn là vùng trũng, thường xuyên bị ngập sâu. Thế nhưng cơn lũ lớn năm 2007 đã không gây thiệt hại đáng kể cho bà con chỉ vì địa phương đã chủ động phòng ngừa bằng cách xây nhà tránh lũ. Được biết, từ ngày 11 đến 13-11-2007 lũ lên đến “cao trình” 2,3 m, thế nhưng hơn 100 nhân khẩu ở đây vẫn yên tâm vì họ chạy đến nhà tránh lũ.
Đó là căn nhà hai tầng khá kiên cố, có diện tích sử dụng khoảng 500 m2. Tầng trên có nhà vệ sinh, bếp và bồn chứa khoảng 1.000 lít nước. Khi lũ lên, canô chở gạo, mì tôm đến tận chân cầu thang nhà. Đây là căn nhà được xây vào cuối năm 2006 từ vốn của Quỹ phòng chống thiên tai Luxembourg - Hà Lan với kinh phí 563 triệu đồng, trong đó bà con góp 20 triệu đồng.
Sau trận lũ 2007 ngôi nhà này trở nên nổi tiếng, được nhiều nơi đến học tập chỉ bởi cả miền Trung chưa có cái nào. Sở Thủy sản Nông lâm Đà Nẵng lập dự án xây dựng thêm hai ngôi nhà khác với kinh phí khoảng 700 triệu đồng/nhà. Học Đà Nẵng, gần đây Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung đã và đang xin kinh phí của doanh nghiệp để nhân rộng. Hiện quỹ đã hỗ trợ xây dựng được chín căn nhà tránh lũ có tổng giá trị 17,5 tỉ đồng ở miền Trung. Đến nay, quỹ đã có danh sách 400 điểm cần xây dựng nhà tránh lũ, trong đó có 32 căn tại những khu vực cấp thiết nhất cần đầu tư ngay.
Như vậy, xuất phát từ nhu cầu tự thân của nhân dân, từ sáng kiến của các tổ chức xã hội và lòng hảo tâm của doanh nghiệp đã có một số nơi người dân chủ động hơn trước lũ, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Đáng tiếc là ở 32 khu vực cấp thiết nói trên mới có dự án, thiết kế kiến trúc và dự toán, không kịp có nhà cứu dân trong đợt lũ chồng lũ năm nay.
Dẫu ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, các bộ, ngành còn bận nhiều việc nhưng sinh mạng của những người dân vùng rốn lũ phải được xem là quan trọng hơn cả. Phải chủ động phòng chống ngay từ khi lũ chưa tới.