QuocHung's Blog

25 thg 10, 2010

Đất hiếm là gì ?

Gần đây, tình trạng Trung Quốc độc quyền về xuất khẩu đất hiếm và hạn chế xuất khẩu khiến nhiều nước gặp khó. Vậy đất hiếm là gì, sao lại quý thế? Việt Nam có tiềm năng về đất hiếm?

1.000 năm nữa mới hết đất hiếm
PGS.TS Nguyễn Xuân Cự, bộ môn Thổ nhưỡng và Môi trường Đất, ĐHTN, ĐHQGHN cho biết: đất hiếm là những nguyên tố hiếm và đặc biệt có trong lòng đất.
PGS.TS Nguyễn Khắc Vinh, Tổng hội  Địa chất Việt Nam giải thích thêm: Đất hiếm (rare earth) là nhóm nguyên tố hiếm có hàm lượng ít trong vỏ Trái đất và rất khó tách ra từng nguyên tố riêng biệt. Trong nhóm nguyên tố đất hiếm có những nguyên tố có hàm lượng trong vỏ Trái đất còn cao hơn cả bạc và chì.
Nhóm nguyên tố đất hiếm gồm 17 nguyên tố chia làm hai nhóm.
+ Nhóm nặng gồm 10 nguyên tố: Dysprosium (Dy), Erbium (Er), Europium (Eu), Gadolinium (Gd), Holmium (Ho), Lutetium(Lu). Terbium (Tb), Thulium (Tm), Ytterbium (Yb), Yttrium (Y).
+ Nhóm nhẹ gồm 07 nguyên tố: Cerium (Ce), Lathanium (La), Neodymium(Nd), Praseodymium (Pr), Promethium (Pm), Samarium (Sm) và Scandium (Sc).
Trong vỏ Trái đất có hơn 10 khoáng vật chứa nguyên tố đất hiếm, trong đó có ý nghĩa là nguồn chính của đất hiếm là các khoáng vất BASTNAESITE (Ce, La,  Y...) , CO3(f,OH)3 và MONAZITE (Ce, La, Nd, Th, Y...) (PO4, SiO4)3.

Các nước có trữ lượng đất hiếm đáng kể là:
+ Trung Quốc (27 triệu tấn chiếm 30,6% của thế giới), 
+ Mỹ (13 triệu tấn chiếm 14,70%),
+ Australia (5,2 % triệu tấn),
+ Ấn Độ (1,1 triệu tấn)...
Có 4 nước khai thác đất hiếm  đáng kể là: Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Malaysia... Trung Quốc là nước khai thác đất hiếm nhiều nhất thế giới.  Từ năm 2005 đến nay sản lượng khai thác hàng năm là 120.000 tấn đất hiếm.
Đất hiếm được sử dụng nhiều trong các ngành công nghệ cao như công nghệ thực phẩm, y tế, đánh bóng thuỷ tinh, sứ gốm, máy tính, màn hình tivi màu, chiếu sáng, ô tô thân thiện với môi trường, nam châm, pin, xúc tác lọc hoá dầu, tên lửa, radar...

Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng đất hiếm không quá cao. Mỗi năm toàn thế giới chỉ sử dụng có 125.000 tấn. Toàn thế giới có tổng tài nguyên đất hiếm là 150 triệu tấn, trong đó trữ lượng là 99 triệu tấn. Sản lượng khai thác hàng năm là 120.000 tấn. Nếu tính cả nhu cầu tăng hàng năm là 5% thì thế giới vẫn còn có thể khai thác đất hiếm đến gần một 1.000 năm nữa.
Đòi hỏi công nghệ cao
ThS Phạm Quang Tú, Viện Tư  vấn Phát triển cho biết, Việt Nam là nước có tiềm năng về đất hiếm.
Các chuyên gia cho Việt Nam có tài nguyên dự báo đạt trên 10 triệu tấn và  trữ lượng gần 1 triệu tấn. Kết quả nghiên cứu từ năm 1958 đến nay đã phát hiện được nhiều điểm tụ khoáng đất hiếm ở Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Đông Pao ( tỉnh Lai Châu), Muờng Hum (Lao Cai) và Yên Phú (Yên Bái)...
Việt Nam cũng có tiến hành khai thác đất hiếm nhưng ở quy mô nhỏ  (khai thác nhỏ cỡ vài chục tấn quặng bastnaesit ở Đông Pao và vài 1.000 tấn quặng monazit có hàm lượng 35 - 45% R203 ở sa khoáng ven biển miền Trung)... Việt Nam đã nghiên cứu sử dụng đất hiếm trong chế tạo nam châm vĩnh cửu, biến tính thép, chế tạo hợp kim gang, thuỷ tinh, bột màu...
Thời gian gần đây có  rất nhiều nước như đang hướng sự chú ý về Việt Nam, nhất là khi Trung Quốc quyết định ngừng xuất khẩu vào năm 2012.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Khắc Vinh cũng cảnh báo thêm, đất hiếm là các nguyên tố  rất độc (có nhiều nguyên tố có tính phóng xạ). Vì thế, nếu khai thác không đảm bảo sẽ gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, để khai thác, tuyển và chế biến đất hiếm đòi hỏi phải có quy trình công nghệ rất cao... Đặc biệt, là nhu cầu thế giới không cao. Vì thế, việc khai thác đất hiếm cần phải được nghiên cứu một cách thấu đáo.
Giá tinh quặng bastnaesite năm 2008 là 8,82 USD/kg, nhưng chế biến sâu thành sản phẩm hàng hoá giá đất hiếm rất cao. Kim loại  đất hiếm tinh khiết 99,99% giá khoảng 221.000 USD/kg Europium, 145.000 USD/kg Terbium ...