QuocHung's Blog

22 thg 10, 2010

Phố cũ bây giờ


Thương tặng Dạ Lý và bạn láng giềng cũ.
Nơi tôi ở ngày đó, là con phố bên vàm kinh chợ huyện . Địa danh, tên đất cũng là tên chợ, tên huyện, tên thị xã mà cứ mỗi mùa nước nổi bắt đầu lên  cao trên sông Tiền, là ngày ngày được nhắc đến nơi mục Dự báo thuỷ văn : Tân Châu.  Vâng, Tân Châu, quê tôi đó!

Dòng kinh quê tôi được đào từ thời vua Thiệu Trị do Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương và Đốc bộ Nguyễn Công Nhàn, vâng lệnh vua thực hiện. Bên tả vàm kinh có dựng tấm bia, trên viết chũ Hán ”Vĩnh An Hà - Thiệu Trị đệ ngũ – Kiết nhựt tạo“. Tấm bia nầy đã bị đất lỡ, rơi chìm xuống lòng kinh, mất vào lúc nào chẳng ai hay biết. Dòng kinh Vĩnh An  ra đời vào năm 1845, lớn hơn tôi cả trăm tuổi. Từ vàm kinh thân yêu đó, vào sâu khoảng độ 2 cây số, dòng nước trong xanh ngày nào, bây giờ là vạt cát nâu khô, bất động, xa trông như  vết sẹo dài nham nhở giữa lòng phố chợ. Nhìn mà nghe đau cùng dòng kinh đã mang nhiều kỉ niệm với những cư dân bên đôi bờ một thời gắn bó. Mất rồi những ngôi nhà sàn cất trên những cọc cao mảnh khảnh, lung linh in bóng  xuống mặt nước đèn đêm, làm đẹp một góc phố, nay cũng chỉ là cát và cát. Những hạt cát buồn trên một dòng kinh chết! Dòng Vĩnh An đã trở thành con kinh không có đầu. Có con gì mất đầu mà sống nổi với thời gian, huống chi là con kinh ? Buồn thay!
Nhắc đến con kinh mà quên chiếc cầu bắc qua” đôi bờ thương nhớ“ là một điều thiếu sót vô cùng!
 Chiếc cầu ấy, cũng biến đổi dần theo thời cuộc lẫn thời gian. Từ chiếc cầu sắt, ngày đêm đưa đón bao nhiêu người qua, xe lại, đổi thành cầu cây hồi nào cũng không ai còn nhớ nỗi. Đến bây giờ, chiếc cầu sắt hay cầu cây cũng chẳng còn nữa. Chiếc cầu chỉ trong hoài niệm, trong kí ức người Tân Châu, nhất là những người sống cạnh vàm kênh Vĩnh An với bao chuyện buồn vui cùng chiếc cầu sắt. Chỗ của chiếc cầu, bây giờ, là con đường lởm chởm đất đá nham nhở. Mỗi khi phải ngang qua đây, hẳn không ai tránh  khỏi nghẹn lòng. Cầu sắt ơi ! Ta luôn nhớ mi, nhớ những ngày qua cầu đi học, qua cầu đi dạy, qua cầu …  Cầu sắt ơi ! Chẵng bao giờ còn gặp lại.
Một đầu cầu gác trên đường Nguyễn Công Nhàn, con đường nằm bên hữu ngạn dòng kênh. Từ đầu cầu, chỗ tiệmViệt Quang, đứng nhìn ra phía sông Tiền, dãy phố  giờ đây đã ngắn lại. Ngôi nhà thật to ở đầu doi, người ta hay gọi là” thành  Ban Tống “- một thời được xem là biểu tượng của chợ Tân Châu, bởi đi đường sông, xa hàng cây số đã nhìn thấy vẽ uy nghi, sang trọng của nó – đã cùng nhiều con đường, dãy phố, tất cả đều chìm xuống đáy sông sâu. Đi dọc đoạn đường nầy, một cảm giác lạ lẫm đến không ngờ. Những cửa tiệm thân quen lại khó nhận ra, những người hàng xóm cũ , chỉ còn dăm ba người cao tuổi. Phần  đông đã theo con cháu đến khu chợ mới – Khu Trung tâm thương mại - mở tiệm buôn bán hoặc dời đến sinh sống tại các khu dân cư mới thành lập. Chợ Tân Châu ngày ấy thật sung túc, bây giờ trở thành “chợ cũ” đìu hiu, buồn vắng!
 Phố cũ bây giờ là vậy! Vẫn biết ”biển cả hoá cồn dâu” là chuyện tự nhiên của tạo hoá nhưng sao vẫn nghe man mác buồn, một cái gì đó tiếc nuối len nhẹ vào lòng. Nhưng có một điều chắc chắn là tình  cảm dành cho những người láng giềng và con phố cũ vẫn như ngày nào, vẫn sống mãi trong trái tim tôi!
         
                 Tân Châu  20 -10 -2010
                    VÂN  KHANH