QuocHung's Blog
31 thg 3, 2010
BÀ NGOẠI ĐI XÓM
Mỗi chiều, sau khi cơm nước, thắp nhang ông bà và bàn thờ ông Thiên xong; bà Ngoại dẫn tụi tôi đi xóm chơi. Khi thì xuống nhà ông Năm (em của ngoại) thăm bà Cố đang ở đó, khi thì ghé bà Bà sáu Trâm, nhà cậu tư Trừ, . . . đến tối mịt mới về.
Đi đêm, trời tối như mực, phải có ánh lửa làm hiệu để khỏi va đụng nhau nên phải đốt mây cây nhang hoặc cầm đèn hột vịt, khi về tới nhà, nhang thừa thì cắm ở bàn thờ ông Thiên.
Bàn thờ ông Thiên giờ cũng còn y cũ tuy đã sửa nền mấy lần, nhà Ngoại cũng như xưa, chỉ có xây tường lên thay cho cánh én gổ đã bị mối ăn mục vào năm 2002.
Sửa nhà Ngoại năm 2002 |
Mấy chị tôi ai còn nhớ thì kể cho mấy em nghe đi, còn mấy em năm, sáu, bảy, út có gì thì kể nghe với chứ!
Võ Nguyên
29 thg 3, 2010
BÀ NGOẠI VÀ CHỊ EM TÔI
Thuở ấy, ở quê chưa có nhà máy xay lúa. Muốn có gạo ăn , người ta phải xay lúa bằng cối xay tay, phải sàng sẩy rồi đem gạo lức đổ vào cối, dùng chày giã cho tróc bớt vỏ cám ra mới ăn được. Tất cả mọi thứ đều làm bằng tay .
Ngoại cũng qua những công đoạn vất vả như thế, xong đâu đấy, Ngoại cho vào bao, gửi xe lên cho Má và Mẹ tôi. Gia đình tôi đông, nên Ngoại cho bao gạo lớn hơn. Thời gian dần trôi, chị em chúng tôi lớn lên từ những hạt gạo, hạt cơm của Ngoại. Ngoài gạo, Ngoại còn gửi lên nhiều thứ khác nữa, mùa nào thức nấy.
Phía sau nhà Ngoại là một vườn chuối lớn, vì thế chúng tôi được ăn chuối thường xuyên, có khi còn ăn cả chuối khô nữa. Những khi chuối chín nhiều quá, Ngoại ép ra rồi đem phơi nắng thành chuối khô. Chuối khô vừa ngọt lại vừa thơm. Chị em chúng tôi rất thích. Hồi nhỏ, khi về quê, Ngoại thường lột những bẹ chuối cho chúng tôi giả làm củi chẻ chơi. Có khi chẻ đầy một thúng giạ, Ngoại phải đem xuống sông đổ đi.
Đến mùa dưa hấu, trong bao gạo gửi lên không thể thiếu những quả dưa hấu nho nhỏ . Dù nhỏ nhưng ruột đỏ mà ngọt lịm. Chị em chúng tôi mê lắm. Có lần , Ngoại gởi lên một trái mít to tướng. Ngoại nghe Má nói đứa em gái thứ ba của tôi rất khoái loại trái nầy. Mùi thơm toả ngát cả gian nhà khi Má mang ra xẻ và chia từng múi, từng múi vàng ươm cho chúng tôi. Nhưng cái phần tuyệt nhất không phải là múi mà là sơ mít. Cái sơ mít ngắt vội rồi len lén cho vào mồm nhai ngấu nghiến. Thật không gì bằng!
Bà Ba (em của Ngoại) cũng góp phần vào bằng những cây mía. Theo sở thích của chúng tôi, Bà gửi lên những bó mía thân ốm mỏng mảnh. Đến nay, tôi vẫn còn nhớ cảm giác đưa khúc mía nhỏ vừa miệng mình, cắn gẫy một cái rốp, hai hàm răng nghiến lại, nước mía ngọt lịm chảy ra. Ôi, tuyệt làm sao! Khi Bà cho mía lớn chị em tôi đều chê vì nó không vừa miệng.
Đến khi Má tôi sinh đứa em thứ Năm được vài tuổi thì Mẹ tôi sinh đứa con đầu lòng. Bấy giờ, Ngoại lên nhà Mẹ nhiều hơn là ở với chúng tôi. Có lần tôi ”cà nanh” sao Ngoại không ở nhà mình mà cứ ở nhà Mẹ hoài. Má tôi ôn tồn giải thích: “Mẹ goá chồng từ khi mới ngoài hai mươi, lại chưa có con, nên Mẹ thương chị em con lắm (Chính vì sự thương yêu thái quá đó dẫn đến vài chuyện không hay còn mãi đến nay); bây giờ Mẹ mới có con, Má không giúp được thì Bà Ngoại lên tiếp Mẹ, con không nên cà nanh xấu lắm”. Nghe Má nói thế tôi mới hết tủi thân. Những lần Ngoại lên, chúng tôi thường dắt nhau xuống nhà Mẹ để thăm Ngoại. Lần nào Ngoại cũng cho tiền mấy đứa để ăn quà. Có tiền, chúng tôi kéo nhau mua, khi thì chuối nướng, khi thì mía ghim (không ngon bằng mía Bà Ba cho đâu).
Nhớ lần được tin thi đậu vào Đệ Thất (lớp 6 bây giờ) trường Trung học Thủ Khoa Nghĩa ở Châu Đốc, còn Tân Châu lúc ấy chưa có trường công lập. Tôi chạy xuống nhà Mẹ, xin Ngoại 10 đồng, đi qua Châu Đốc dò kết quả để được chính mắt đọc tên mình trong danh sách trúng tuyển. Thuở ấy, con cái tự biết lo hơn bây giờ. Chắc do quá phấn khích nên vừa đi tôi vừa cười. Nhìn ai cũng cười, như muốn khoe và chia xẻ niềm vui to lớn cùng mọi người. Sợ người ta nói mình khùng, tôi cố nín, nhưng không sao nín được, cứ cười mãi...
Đứa em thứ ba của tôi là gái, đứa thứ tư và thứ năm là hai đứa con trai đầu nên được cả nhà cưng chiều lắm. Ngoại sợ tụi nó khỉ bị Ba đánh đòn đau, nên lần nào lên, Ngoại cũng đem theo một bó roi bằng ruột tre. Roi ruột tre đánh ít đau hơn, có đánh gảy roi, chờ đi lấy roi khác thì đã bớt giận rồi, chắc thôi không đánh nữa. Ngoại tâm lý ghê!
Tình thương Ngoại dành cho chị em chúng tôi là vô bờ bến. Ghi lại những kỉ niệm xưa như một nén nhang lòng dành cho Ngoại trong lần giổ thứ 22 này.
Tân Châu 26-3-2010
24 thg 3, 2010
Hạnh phúc kỳ lạ làm sao !
Lại có những người coi hạnh phúc của người khác là hạnh phúc của mình. Vì thế, họ đi khắp nơi để đem lại niềm vui cho mọi người hay đơn giản chỉ là những người xung quanh và những người họ yêu thương.
Tuy nhiên bên cạnh đó, còn rất nhiều, rất nhiều người mất cả nửa đời người để đi kiếm tìm hạnh phúc để rồi thứ họ coi là hạnh phúc kia thực ra chỉ là một thứ vô nghĩa, xa vời. Lúc ấy, họ gục ngã, chán chường và tuyệt vọng nhưng cũng có những người dũng cảm đứng dậy và tỉnh táo làm lại vì tìm kiếm hạnh phúc không bao giờ là muộn cả.
Tôi cũng vậy, nhiều khi cứ mong ước những thứ vĩ đại, quá cao mà chẳng để làm gì, rồi khi nhìn lại thấy mình đã đánh mất quá nhiều thứ xung quanh mình, những thứ đáng thuộc về mình, những thứ có thể đem lại hạnh phúc thực sự.
Và tôi cảm thấy vui vì dường như mình đã tìm thấy hạnh phúc giản dị của mình,nó không quá xa vời và quá mơ mộng như mình nghĩ .
Hạnh phúc không phải là phải có nhiều bạn, chỉ cần có một người bạn có thể hiểu mình, và mình cũng hiểu họ để chia sẻ, có thể nói ra với nhau tất cả mà không hề tính toán.
Hạnh phúc là có khi có thể sống thật với con người của mình, sống theo trái tim của mình chứ không phải núp dưới một tấm mặt nạ nào. Có thể khóc khi buồn - buồn thật sự và có thể cười khi vui, dù chỉ là một niềm vui nhỏ.
Hạnh phúc là mỗi buổi sáng thức dậy là một ngày mới với những dự định mới, không vương vấn chuyện hôm qua và cũng chẳng phải lo nghĩ chuyện ngày mai! Hãy sống tốt ngày hôm nay bạn nhé!
Hạnh phúc là cảm thấy vui khi những người xung quanh mình hạnh phúc và điều đó sẽ lại càng tuyệt vời hơn khi chính mình là người mang đến điều đó cho họ.
Hạnh phúc là khi ta biết cách để đứng dậy, cách để quên đi nỗi đau, biết tiến lên phía trước một cách lạc quan! Hãy vui lên vì hạnh phúc đang nằm trong tầm tay của mỗi người và quan trọng là bạn có nắm giữ được nó hay không?
Hạnh phúc là những khi buồn nhất, tuyệt vọng nhất rồi bất chợt nhận ra cuộc đời này thật đáng sống, thật đáng để chúng ta lạc quan.
Hạnh phúc là khi có một người để nghĩ tới, để nhớ và để có động lực hoàn thiện bản thân, hoàn thiện con người mình.
Hạnh phúc là khi phát hiện ra rằng có người đang nhớ tới mình, đang nghĩ về mình, dù chỉ một chút mà thôi …
Nói đến hạnh phúc tôi lại chợt nhớ đến hai câu chuyện mà thầy giáo tôi đã từng kể …
Câu chuyện thứ nhất nói về hạnh phúc:
Một hôm nọ , cún con hỏi cún mẹ : “Mẹ ơi , hạnh phúc ở đâu hả mẹ ?”
“Hạnh phúc ở ngay cái đuôi của con đó.” Cún mẹ đáp . “Vậy hả mẹ !”
Cún con nghe vậy thì cảm thấy rất phấn khích, nó không ngờ hạnh phúc mà người lớn hay nói đến lại gần đến vậy, ngay phía sau lưng mình thôi. Thế là nó cố quay người lại, cố gắng dùng mõm để cắn lấy chiếc đuôi của mình, nhưng nào có được! Cái đuôi quá xa và nó cứ thế quay vòng vòng một chỗ trông rất buồn cười và ngộ nghĩnh. Được một lúc, nó quay sang hỏi mẹ :
“Sao con không thể nào mà túm lấy được hạnh phúc hả mẹ?”
Cún mẹ cười và đáp :
“Thế đấy con ạ, con đừng bao giờ cố gắng chạy theo hạnh phúc mà hãy cứ sống tốt đi đã, khi ấy hạnh phúc sẽ tự động mà chạy theo con.”
Cún con dường như đã hiểu ra, nó lại tung tăng chạy nhảy khắp nơi, với chiếc đuôi ve vẩy phía sau mình.
Vì thế, đừng bao giờ nghĩ mình phải sống sao để có thể có được hạnh phúc đây mà thay vào đó hãy cứ sống đi, vì hạnh phúc ở ngay phía sau lưng bạn mà thôi!
Câu chuyện thứ hai nói về hạnh phúc:
“Từ cái thuở con người mới xuất hiện trên trái đất, có một bầy quỷ luôn có dã tâm hại con người và muốn nhấn chìm con người trong nỗi đau khổ, sầu muộn. Ban đầu, chúng gây ra biết bao thiên tai, dịch bệnh ở khắp nơi nhưng con người vẫn sống tốt, vẫn biết cách để vượt qua.
Một hôm ,chúng quyết định họp nhau lại và bàn tính mưu kế , chúng quyết định phải trộm lấy hạnh phúc của con người và đem giấu ở một nơi mà họ sẽ không bao giờ tìm thấy… nhưng quan trọng là giấu ở đâu mới được?
Một con quỷ to lớn với vẻ mặt vô cùng độc ác lên tiếng: “Ta hãy đem giấu nó lên đỉnh của ngọn núi cao nhất thế giới!”
Cả đàn nhao nhao: ”Không được! Núi dù có cao đến đâu thì con người vẫ trèo lên được!”
“Vậy ta hãy dìm nó xuống tận cùng của đại dương sâu thẳm” - một con quỷ khác lên tiếng.
Lại một lần nữa cả đàn nhao nhao phản đối .
Đến lúc này, con quỷ có lẽ là lớn tuổi nhấ t- con quỷ đầu đàn mới lên tiếng: “Ta hãy đem giấu nó vào chính tận sâu bên trong con người!”
“Nhưng như vậy thì họ có thể tìm thấy nó một cách dễ dàng” - Bầy quỷ lại nhao nhao.
Con quỷ già mỉm cười một cách nham hiểm : “Cứ làm theo cách của ta, rồi các ngươi sẽ thấy!”
Cuối cúng bầy quỷ cũng chấp nhận làm theo, tất nhiên, con người không biết điều đó và họ dành cả đời để đi kiếm tìm hạnh phúc của mình mà không hề biết rằng nó ở trong chính bản thân của họ vậy!”
Thế đấy, nhiều khi hạnh phúc ở rất gần, ở ngay xung quanh ta mà ta không nhận ra.
Dương Châu
23 thg 3, 2010
Ký tên trên thư yêu cầu National Geographic Society gỡ bỏ tên China
Dự án ký tên trên thư yêu cầu National Geographic Society gỡ bỏ tên China trên quần đảo Hoàng sa do Nguyen Thai Hoc foundation phát động (Removal of the label “China” at the Paracel Island).
Danh sách từ 9991 đến 10000 đều có họ Dương:
Nhà mới.
Ngôi nhà được mua khi nó còn trên dự án và bằng lương tháng của các con. Nhà xây xong thì tiền cũng trả đủ. Chọn được ngày tốt để dọn về nhà mới, tôi vội lên thành phố..Nhìn ngôi nhà đơn sơ nhưng cũng khá đầy đủ với tủ, giường, bàn ghế lòng tôi ấm áp vô cùng! Tất cả mọi thứ đều do các con sắm sửa và sắp xếp ngăn nắp, tôi không còn việc gì phải bận tâm.
Nhà mới tuy xa nhưng không khí thoáng đãng và bình yên. Ở giữa lòng thành phố ồn ào, sôi động có được một nơi ở yên ắng như thế cũng khá lắm rồi.
Cảnh từ ban công nhà |
Hồi đó, khi bằng các con tôi bây giờ tôi đâu phải lo chuyện tiền bạc, nhà cửa. Tất cả đã có ông bà, cha mẹ lo toan. Bây giờ thấy con trẻ khôn lớn, trưởng thành tôi vui lắm. Giá mà mẹ tôi còn sống, mẹ mừng phải biết...
Lúc còn sinh thời, khi nghe cháu đi thành phố học, mẹ tôi đau đáu nỗi lo: lo nơi ăn chốn ở, lo cháu không ai chăm sóc lúc ốm đau...và mẹ tôi lo lắng mọi bề!
Giờ thấy các cháu đã an cư, tuy không bằng ai nhưng đã phần nào ổn định, chắc là ở nơi xa đó, mẹ tôi yên lòng lắm!
D.Thúy Hằng.
Sân trước |
21 thg 3, 2010
BÀ NGOẠI VÀ TUỔI THƠ TÔI
(Kỉ niệm lần giổ thứ 22 của Bà Ngoại 19-3 âl)
Ông Ngoại mất khi Bà ngoại mới ngoài năm mươi tuổi. Má và Mẹ (Dì Hai) tôi đều ở xa, chỉ một mình Bà trong ngôi nhà trống vắng cùng với nỗi cô đơn, hiu quạnh. Vậy nên, thỉnh thoảng Ngoại thường lên thăm chị em tôi và dắt tôi về quê để ”hủ hỉ” với Bà.
Thuở ấy, ở quê Ngoại còn rất “quê”. Đường làng nhỏ hẹp, nhà nhà đều đốt đèn dầu, muốn đi chợ phải vượt qua mấy mươi cây số bằng xe đạp hoặc xe lôi. Nên lần nào về Ngoại, ngoài quần áo, Má còn chuẩn bị bánh, kẹo để mang theo. Có lần ở với Ngoại lâu quá, ăn hết cả bánh kẹo. Buổi trưa, Ngoại cho ăn cơm nguội với đường thẻ hoặc muối hột. Ngoại thường kể lại: Những lần ăn như thế, tôi đều kêu lên: ”Ngoại ơi! ăn cơm nguội khô queo, khô quẻo, khô quèo con nuốt mà nó hổng chịu chạy”.
Mỗi sáng Ngoại thường dắt tôi đi bộ khoảng bốn, năm trăm mét để xuống nhà Ông Năm (em của Bà Ngoại). Ở đó, có Bà Cố tôi. Trong lúc Ngoại chăm sóc Bà Cố, tôi chơi với các Dì và Cậu, con của Ông Năm, có Cậu Tư trạc bằng tuổi tôi nên tôi rất thích, tôi thường theo các Cậu coi thả diều, trèo cây bắt tổ chim và tắm sông vào những buổi trưa hè oi bức.Các Cậu bắt chuồn chuồn cho cắn rún để tôi mau biết lội. Chuồn chuồn cắn đau điếng mà tôi có lội được đâu, mãi đến bây giờ tôi cũng chưa biết lội.
Có lần, ngủ trưa dậy, nhìn quanh quất, chẳng thấy Ngoại đâu. Sợ quá, tôi khóc thét lên, vẫn không thấy Ngoại. Tôi gào to: ”Ngoại ơi! Ngoại bỏ con” gào đến khản cả cổ họng, mồ hôi dầm dề như tắm. Trong nỗi sợ hải tột cùng đến hoảng loạn đó, Ngoại từ ngoài cửa tất tả chạy vào, ôm chầm lấy tôi, vỗ về âu yếm. Nằm trong lòng Ngoại, tôi cảm thấy thật bình yên nhưng cứ tức tưởi từng hồi, từng hồi.Tay vừa vuốt tóc tôi, dỗ dành Ngoại vừa nói: ”Ngoại đâu có bỏ con, Ngoại lên xóm trên có chút việc, nghe người ta cho hay con khóc, Ngoại chạy vội về, vấp chúi nhủi muốn té mấy lần. ”Nghe thế, tôi thương Ngoại lắm, tôi ôm chặt Ngoại hơn và chồm lên hôn vào má nhăn nheo của Ngoại và nói: ”Ngoại đừng bỏ con nghe Ngoại,con sợ lắm”. Ngoại gật đầu và trìu mến mắng yêu: Mẹ mày.
Rồi tôi phải về để đi học. Đêm đầu tiên về nhà, tôi nhớ Ngoại vô cùng.Vừa nhắm mắt là tôi thấy Ngoại mặc quần đen và áo túi trắng. Áo của Ngoại túi lớn lắm, tôi hỏi sao may túi lớn vậy? Ngoại nói là để đựng tiền cho” bầy trẻ” tụi con. Ngoại đứng cạnh lu nước cao gần ngang ngực tôi, Ngoại thường múc nước ở đây để pha cho tôi tắm. Bên cạnh lu nước là một cái giàn hành, hẹ và mấy cây cải ta. Hình ảnh Ngoại cứ chập chờn trong đầu tôi suốt mấy đêm liền. Tôi nghĩ nếu không phải đi học, tôi sẽ ở với Ngoại luôn chứ Ngoại ở một mình buồn lắm!
Ngày tháng dần trôi, tôi lớn thêm vài tuổi nữa. Đường về nhà Ngoại bây giờ đã có xe hơi. Tôi và đứa em gái thứ ba thường về Ngoại bằng xe nầy. Hai chị em ngồi trên xe mà lòng hồi hộp mãi. Còn cách nhà Ngoại chừng cây số là trống ngực đánh liên hồi cứ nhấp nha nhấp nhổm nhìn hai bên đường, sợ xe chạy huốt nhà Ngoại (Lở bị vậy thì đi bộ trở lại có sao đâu) Thế mà lần nào cũng vậy, còn cách nhà Ngoại chừng vài chục mét là em tôi đã giật chuông cho xe ngừng lại. Có lần xe ngừng cách nhà Ngoại tới gần trăm thước, hai chị em mắc cở, giả bộ chỉnh sửa đồ đạt, chờ cho xe chạy khuất mới đi bộ về nhà Ngoại. Cho đến nay, khi nào đi xe buýt về nhà Ngoại hai chị em cũng nhắc chuyện ấy mà cười khúc khích.
Bây giờ, mỗi lần về nhà Ngoại là những chuyện xưa ùa về làm sống lại trong tôi những kỉ niệm buồn, vui bên bà Ngoại trong những ngày thơ bé đã trôi qua.
Tân Châu 20-3-2010
20 thg 3, 2010
Tin từ Email Thanh Hùng & Hoa
19 thg 3, 2010
Tác giả Màu tím hoa sim đã ra đi…
Trong lúc chờ đợi con cái về đông đủ, bà Nhu, vợ ông và các con ở quê đã khâm liệm đặt ông vào quan tài yên nghỉ vào lúc 23g cùng ngày.
Sau khi con cháu đã đông đủ, gia đình làm lễ phát tang lúc 1g30 phút sáng ngày 19.3.2010. Lễ động quan diễn ra vào 15g 30 phút chiều cùng ngày và đưa ông về nghĩa trang của xã Nga Lĩnh, nơi yên nghỉ cuối cùng của ông.
Nhà thơ Hữu Loan, tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Loan, quê làng Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông đậu tú tài nhưng về quê mở trường dạy học và hoạt động phong trào Mặt trận Bình dân. Năm 1943 , ông gây dựng phong trào Việt Minh. Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông làm Phó chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa huyện Nga Sơn. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông được cử làm Uỷ viên Văn hóa trong Uỷ ban hành chính lâm thời tỉnh Thanh Hóa, phụ trách các ty: Giáo dục, Thông tin, Thương chính và Công chính. Kháng chiến chống Pháp, ông thuộc Đại đoàn 304. Sau năm 1954, ông làm việc tại báo Văn Nghệ.
Bài thơ Đèo cả mở đầu sự nghiệp thi văn của ông đã vang danh khắp chiến trường kháng chiến chống Pháp. Tiếp đó, người vợ đầu tiên Nguyễn Thị Ninh mất (1949) và ông nghe tin dữ khi đang trên đường hành quân khiến ông đã viết lên những vần thơ bất hủ Màu tím hoa sim đi sâu vào lòng người cho đến tận bây giờ, và có lẽ cũng là mãi mãi.
Lấy người vợ thứ hai vào năm 1954, bà Nguyễn Thị Nhu, ông tiếp tục làm ở báo Văn Nghệ cho đến khi bị đi tù với nỗi oan nghiệt dính vào nghiệp văn chương. Ra tù, ông trở về quê đục đá kiếm sống nuôi 10 người con và sống với những ký ức vừa đẹp đẽ vừa đau thương cho đến ngày hôm nay, bên cạnh người vợ tần tảo, thủy chung.
Xin thắp một nén hương thiêng vĩnh biệt linh hồn người thi sĩ đáng kính.
Ngân Hà (SGTT)
18 thg 3, 2010
Gỡ biển 'Gia đình văn hóa' !
Những tấm biển Gia đình văn hóa treo trước cửa các gia đình trên phạm vi cả nước có thể sẽ phải gỡ bỏ để tránh gây lãng phí, phô trương, bệnh thành tích trong việc thực hiện một chủ trương của Nhà nước.
Ngày 15/3, Bộ VH-TT-DL gửi công văn 785/BVHTTDL-VHCS tới các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu không treo biển Gia đình văn hóa. Trước đó, Văn phòng Chính phủ có công văn 1313/VPCP-TCCV thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ VH-TT-DL chủ trì, kiểm tra, đánh giá việc gắn biển Gia đình văn hóa (GĐVH) tại một số địa phương, báo cáo Thủ tướng trước 15/3.
Bộ không quy định
Ý kiến chỉ đạo này xuất phát từ phản ánh của báo chí rằng nhiều địa phương thay vì cấp chứng nhận GĐVH thì cấp tràn lan biển GĐVH, thậm chí có địa phương như quận Hà Đông, Hà Nội có tới gần 100% gia đình được gắn biển, với chi phí khoảng 3 tỷ đồng. Nhiều người cho rằng việc gắn biển tràn lan như vậy là không thực chất, mang tính hình thức, phô trương, lãng phí, thậm chí có thể gây mâu thuẫn vì việc bình chọn chưa khách quan và ồ ạt…
Theo ông Trần Minh Chính, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT-DL, sau khi nhận được thông tin từ báo chí và yêu cầu của Thủ tướng, Bộ tiến hành kiểm tra, làm việc với Phòng văn hóa, UBND quận Hà Đông, thấy rằng việc gắn biển GĐVH tại đây không có trong quy định hiện hành. Do đó, Bộ gửi công văn cho Sở VH-TT-DL các tỉnh, thành phố yêu cầu “có văn bản chấn chỉnh việc làm này và không thực hiện việc treo biển GĐVH. Những đơn vị đã làm phải có văn bản báo cáo bộ trước ngày 30/3/2010”.
“Việc gắn biển GĐVH tại quận Hà Đông tuy không vi phạm quy định về việc công nhận GĐVH, nhưng xét trên nhiều góc độ thì không nên”, ông Trần Minh Chính nói và cho biết theo văn bản của Bộ, những biển đã treo ở các địa phương sẽ được gỡ xuống. Ông Tô Văn Động, phát ngôn viên của Bộ VH-TT-DL, cho biết xây dựng GĐVH là chủ trương của Nhà nước và đã được nêu trong một số văn bản pháp lý. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ là “phê phán gay gắt bệnh thành tích trong việc thực hiện”.
Chỉ nên cấp chứng chỉ
Ông Nguyễn Quang Lê, Phó giám đốc TT Văn hóa văn minh, Viện nghiên cứu văn hóa, cho rằng việc gắn biển GĐVH là “phản cảm và không nên”. Việc bình xét GĐVH phải căn cứ theo tiêu chuẩn văn hóa của chính quyền hay cơ quan quản lý văn hóa, chứ không thể bình xét một cách chung chung, tùy tiện.
“Đứng về góc độ chuyên môn hay nghiên cứu thì việc gắn biển không hay ho gì. Chính vì vậy, cách tốt nhất là gỡ bỏ biển và thay vào đó là trao giấy chứng nhận”, ông Lê nói.
Theo ông Phạm Văn An, Thường trực văn phòng Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tuy việc gắn biển GĐVH không sai, nhưng làm một cách ồ ạt là không nên và quá lãng phí. Ông Trần Minh Chính (Cục Văn hóa cơ sở) cũng cho biết: trước đây, theo các quy định về thi đua khen thưởng, GĐVH được thưởng 50.000 đồng, nghe có vẻ ít nhưng với tỷ lệ 80% gia đình được công nhận GĐVH thì con số đó rất lớn.
Ngay cả cấp giấy chứng nhận hằng năm cũng khá tốn kém, vì giấy in phải đẹp, trang trọng. “Chỉ mỗi việc nghĩ xem công nhận thế nào cho phù hợp, ít tốn kém cũng khiến chúng tôi rất vất vả. Cuối cùng chúng tôi đưa ra phương án, ba năm liền được công nhận GĐVH thì được cấp giấy chứng nhận, còn hai năm đầu thì ghi vào sổ vàng”, ông Trần Minh Chính nói.
Chiếc bằng khen có khung kính ba năm cấp một lần treo trong nhà, theo ông Chính, vừa lịch sự vừa tiện ích. “Tiện ích ở chỗ, bất cứ khi nào không còn “danh hiệu” sẽ hạ xuống một cách dễ dàng. Còn khi đã gắn biển rồi lại tháo ra sẽ có vấn đề”, ông Chính nói.
Trước việc tháo biển, ông Nguyễn Quang Lê lưu ý nên giải quyết một cách thận trọng, bởi thực tế cuộc sống khá phức tạp, “nếu không khéo sẽ gây ra tác động không tốt”.
Thanh Ngọc.
http://www.baodatviet.vn/Home/vanhoa/Ca-nuoc-go-bien-Gia-dinh-van-hoa/20103/84677.datviet
15 thg 3, 2010
Nhớ về em.
Chụp ở Xiêm Rệp, Campuchia năm 2004 |
Tôi có một chị và sáu em nhỏ. Hồi đó, gia đình nào cũng đông con. Vậy nên, dù có người giúp việc nhà tôi vẫn phải phụ mẹ trông em. Ngoài những buổi đi học, về đến nhà là tôi phải bế em đi chơi. Khi thì ở hành lang nhà, lúc ở sân chùa ông. Tôi với em, cùng những đứa bạn trong xóm, cũng phải giữ em như tôi, la cà khắp chốn với đủ các trò: nào đánh chuyền, nhảy dây, trốn tìm ... Đủ cả ... Đang chơi, mà em khóc thì chị được phép nghỉ để dỗ em, sau đó mới chơi tiếp. Cứ thế cho đến lúc em khóc đòi mẹ, hai chị em mới về nhà.
Tuy bận bịu như thế, nhưng tôi cũng học rất giỏi vì tôi biết cố gắng sắp xếp thời gian học trước khi bế em đi chơi. Học giỏi là thế, nhưng thi thì lại trượt. Điều này làm cho thầy cô ngỡ ngàng còn ba mẹ tôi chẳng những không rầy la mà còn động viên, an ủi làm cho tôi vừa buồn vừa ray rứt!
Chụp ở phi trường TSN - đưa Kim đi Singapore |
Được tin báo đến đồn để lãnh con về, ba tôi giận lắm. Ba tôi nghĩ, dù sao chúng cũng là trẻ con, lại là chỗ quen biết mà làm khó dễ như thế nên ba tôi nhất quyết không đi. Vậy là má tôi phải nhờ chú Tư ở cạnh nhà đi đón hai em tôi về. Đến nhà, tôi thấy đứa nhỏ vì sợ quá bây giờ đã nín còn thằng anh nước mắt đằm đìa...
Bây giờ, đi đâu mà thấy những áp phích trên tường, tôi luôn nhớ lại câu chuyện thời thơ ấu.
Tặng Nguyên
D.Thúy Hằng
13 thg 3, 2010
Ông Ngoại và chuyến đi xa.
Mẹ đứng cạnh mộ ông Ngoại (Dì hai Dực) năm 2002 |
Lúc ấy, khoảng năm 1954, tôi vừa lên tám tuổi đang học lớp Tư (lớp Hai bây giờ) trường Nữ tiểu học Tân Châu. Tôi học với cô Khởi, cô đẹp và dạy nghiêm lắm nên học sinh chúng tôi rất kính và sợ cô. Cô sống dưới ghe, đậu bên bờ kinh Vĩnh An trước cổng trường Nữ. Tôi đi qua đi lại rất nhiều lần, lấy hết can đảm mới dám bước xuống ghe. Khác với khi ở lớp, chẳng những cô cho phép nghỉ học mà còn âu yếm đưa bàn tay dịu dàng vuốt tóc, an ủi tôi và gửi lời chia buồn cùng Ba Má. Trên đường về nhà, tôi như muốn bay bổng vì chẳng những làm xong một việc mà với tôi lúc ấy là vô cùng khó khăn mà còn nhận được cử chỉ yêu thương trìu mến của cô.
Về đến nhà Ngoại, xe vừa ngừng, Mẹ tôi lao xuống vừa khóc vừa kể lể: Vì phải lên Tân Châu dự lễ thôi nôi của thằng em thứ Năm của tôi nên Mẹ không kịp gặp Ông Ngoại trước khi ông mất. Còn Ba Má thì lo dìu dắt bốn chị em tôi vào nhà. Tôi thấy ông Ngoại như đang nằm ngủ trong chiếc mùng nhỏ trên bộ ngựa đặt ở giữa nhà. Trong trí óc non nớt của tôi lúc ấy,không hiểu tại sao mà ai ai cũng sụt sùi kề lể nhiều đến thế? Mãi cho đến khi thấy người ta đặt Ông vào quan tài đóng nắp lại, tôi mới biết là tôi sẽ không được gặp Ông nữa, tôi đã mất Ông rồi…Tôi hốt hoảng gào to lên “Ông Ngoại ơi, Ông Ngoại ơi…”Mọi người ai nấy đều nức nở…
Đám tang Ông được cử hành long trọng theo phong tục của người Hoa. Có nhạc lễ, trống kèn (dàn Tiều) người đi phúng điếu và đưa đám rất đông. Vì Ông Ngoại không có con trai nên tôi được xếp ngồi trên chiếc kiệu dành cho cháu đích tôn. Một người bà con đi kèm để chăm sóc cho tôi và tôi đã khóc sướt mướt từng hồi theo lời kể của người ấy dành cho Ông.
Theo lời kể của bà Ngoại: Trưa hôm ấy,ngày mùng 5 tháng 3 âl, sau khi ăn cơm xong , theo thói quen, Ông Ngoại đến nằm ngủ trên chiếc ghế xích đu. Bà Ngoai ngồi cạnh bên may vá. Chập lâu sau đó, có người hàng xóm đến mời khui hụi. Bà Ngoại bèn lay Ông dậy để nhờ viết giấy thì mới hay Ông đã mất tự hồi nào. Ông Ngoại tôi đã ra đi một cách nhẹ nhàng, thanh thản để lại bao tiếc nuối thương buồn!
Ngày còn sinh tiền, Ông Ngoại là người con rễ rất mực hiếu thảo, hêt lòng thương yêu, kính trọng mẹ vợ (tức là Bà Cố của tôi ). Ngoài ba mươi tuổi, Bà Cố đã góa bụa, Bà ở vậy thờ chồng, nuôi đàn con dại cho đên ngày khôn lớn nên người . Trong câu chuyện hàng ngày, Ông thường căn dặn: Nếu Ông có qua đời trước Bà Cố, thì nhớ cho Ông để tang Bà, bày tỏ lòng thương kính sự trung trinh tiết liệt ấy. Và Bà Ngoại tôi đã làm y theo lời trăn trối của Ông .Trước khi liệm Ông vào áo quan , Bà Ngoại trịnh trọng đến bên chiếc mâm có đặt mãnh khăn tang , với lòng thành kính,hai tay nâng khăn lên ngang mày khấn vái rồi nhẹ nhàng quấn quanh vầng trán rộng của Ông. Ngày ấy còn quá nhỏ, tôi chỉ biết khóc thương Ông thôi. Bây giờ, trong tôi luôn dâng cao lên sự cảm phục và lòng tôn kính thiêng liêng mỗi khi nhớ về Ông.
Ông Ngoại tôi qua đời ở tuổi sáu mươi. Hơn bốn mươi năm trên đất khách, với hai bàn tay trắng cùng sự cần cù,nhẫn nại, Ông với Bà Ngoại đã làm nên sự nghiệp. Bản tính trung thực,tấm lòng nhân hậu, cùng sự hiếu thảo tuyệt vời là những gương sáng ông để lại cho con cháu noi theo.
D.T.Vân Khanh
Dân chúng Mỹ sẽ vặn đồng hồ nhanh hơn 1 tiếng vào Chủ nhật 14-3
Đây là sự thay đổi giờ để tiết kiệm năng lượng bằng cách để cho buổi tối sáng sủa hơn nhờ ánh sáng ban ngày. Giờ mới được đổi vào lúc 2 giờ sáng, và kéo dài cho tới khoảng Chủ nhật đầu tiên của tháng 11. Bang Arizona ở tây nam nước Mỹ không áp dụng sự thay đổi này.
Nhiều nước trên thế giới đều cho áp dụng phương thức đổi giờ , nhưng họ đổi muộn hơn trong tháng này. 14 năm trước, Liên Hiệp châu Âu đã cho áp dụng giờ mùa hè như vậy trên toàn thể các quốc gia hội viên của liên hiệp, kéo dài từ tháng Ba cho tới tháng 10.
Ý tưởng này phát xuất từ Thế Chiến Thứ Nhất để tiết kiệm năng lượng dành cho chiến tranh.
Bang Hawaii và những phần lãnh thổ khác của Hoa Kỳ như Puerto Rico, quần đảo Virgin, đảo Guam và Samoa không áp dụng giờ giấc này. Thời giờ mặt trời chiếu sáng trong ngày tại những nơi gần sát xích đạo không thay đổi bao nhiêu, vì thế thay đổi giờ là chuyện không cần thiết.
12 thg 3, 2010
Bài của PhanVân trên Tân-Châu
Bài này PhanVân viết cách nay hai tuần, được ủng hộ nhiều trong diễn đàn Tân Châu; hai hôm sau, Ban điều hành trang web Trung học Tân Châu đưa lên trang chủ tại website http://tan-chau.com
11 thg 3, 2010
Một bài viết nhân ngày 8/3 có phản hồi hay
Chúc mừng độc giả nữ vào blog HM hôm nay và tất cả phái đẹp nhân ngày 8-3. Entry vui này giúp các chị xả stress và phái mạnh đọc đừng giận HM .
Xin gửi tâm tình này tới các bậc nam nhi tự hào đẻ con trai hay tụ tập. Đôi lúc, các vị no mồi, chán rượu bia, quay sang chế giễu bạn đẻ toàn con gái, bắt họ ngồi chiếu dưới.
Mong các vị nhìn lại bản thân. Biết đâu, chính mình đang làm thân trâu ngựa chỉ vì có thằng chống gậy. Trong khi người có con gái lên làm tổng thống Mỹ.
Chuyện muôn thưở
Bàn chuyện đẻ con, chọn trai hay gái đây? Đó là câu hỏi của vài trăm năm trước luôn có câu trả lời định sẵn. Cho đến vài thế kỷ sau ở vùng châu Á có văn hóa trọng nam khinh nữ này vẫn thế.
Anh bạn có hai con gái, suốt ngày thở dài. Có hôm uống say ở đâu về, lão lè nhè “Rõ chán, trong nhà toàn bươm bướm bay”. Vợ nước mắt ngắn dài, than cho số không đẻ nổi con trai. Có biết đâu, đẻ ra toàn bướm là do lão ấy yếu, cô vợ có tội tình chi.
Nhưng thật lạ, người đời đã rút ra kết luận, có con gái, bạn sống như người. Lúc bé, con gái ngoan hơn con trai, hát hò đáng yêu, lớn lên rất quí bố mẹ, quan tâm đến người thân, anh em ruột thịt. Nếu ốm đau, con gái chạy thường chạy về đầu tiên lo cơm cháo, đổ bô cho mẹ già. Mỗi tội lúc cha mẹ về già thường đau khổ, lúc chết không có đứa đội nùn rơm.
Tuy thế, có con trai, nhiều bậc phụ huynh lúc sống khổ như…(các bạn tự điền vào ). Con trai thường ngỗ nghịch, phá hoại. Có gia đình rồi thì “nhất vợ nhì trời”, bố mẹ ít khi được nhờ vả. Lúc gần đất xa trời, nó cũng ở tận đẩu tận đâu. Được cái may, lúc chết thì bạn như một con người chỉ vì có đứa…chống gậy.
Chọn sống khổ và chết sướng hay lúc ra bãi tha ma buồn vài phút nhưng cả cuộc đời sống như tiên là tùy bạn. Ham đẻ lắm con trai, vài chục năm nữa, lại như Trung Quốc, thừa ra hàng đống, ế vợ, vài triệu có dư. Như bây giờ, đàn ông phía Bắc tràn sang Việt Nam nháo nhào tìm vợ. Mấy chục năm nữa, trai Việt Nam ta tấn công sang Lào cưới vợ… Mường chưa chắc đã đắt.
Bên phương Tây, đi tranh cử tổng thống, lên giới thiệu gia đình trên sân khấu, có mấy đứa con gái xinh đẹp, bắt mắt hơn nhiều so với mấy ông con trai ngờ nghệch, mặt đần thối.
Mấy đời tổng thống Mỹ gần đây đẻ ra toàn “vịt trời”. Bill Clinton có công chúa Chelsea, Bush con có hai tố nữ, Obama có hai bé gái xinh tuyệt vời. Có lẽ đám “bươm bướm” này giúp bố chúng “bay” lên làm tổng thống cũng nên.
Có tiền cho con “nào” đi học?
Theo thống kê của UN và WB năm 2008, trên thế giới cứ khoảng 100 con trai thất học thì có tới 122 nữ không học hành gì. Ở một số quốc gia, tỷ lệ này khác biệt khá lớn. Ví dụ với 100 bé trai không tới trường thì ở Yemen có 270 bé gái không học hành, con số này ở Irag là 316, và khủng khiếp hơn là Ấn độ có tới 426 bé gái như thế. Điều này nói lên sự phân biệt nam nữ trong giáo dục vẫn còn dai dẳng.
Giả sử bạn có một trai, một gái, nhưng tiền chỉ đủ cho một đứa đi học. Dân châu Á sẽ chọn luôn đứa con trai để đứa chống gậy có…bằng cấp. Người thông minh sẽ xét đứa nào có khả năng cứu sống gia đình để chọn gửi đi học.
Nhưng có người hỏi, hai đứa giỏi ngang nhau, nên chọn ai đây? Vì tương lai của đất nước, của dòng tộc, nếu phải chọn một, nên đầu tư cho con gái đi học, trừ phi bạn muốn người đội nùn rơm có bằng… Tiến sỹ.
Vì sao? Đàn bà sẽ đẻ ra… nhân loại, từ tổng thống, bộ trưởng, dân thường đến người hành khất. Người mẹ dốt nát thì nuôi con theo kiểu ít chữ nên “con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Người ta đã thống kê, phụ nữ được học hành thì vai trò sẽ tăng lên trong gia đình, xã hội, kể cả các vị trí lãnh đạo quan trọng.
Thông thường, con trai có học, lấy được vợ ít chữ, cũng ít đọc sách dần đi, vì người đàn ông thành đạt và chân chính phải biết nghe lời…vợ. Đôi khi, con cái trong nhà phó mặc cho cô vợ chả học hành gì, lão chồng giám đốc suốt ngày karaoke, nhảy đầm, bồ bịch ngoài phố vì “phải lo công chuyện quan trọng”, và hạnh phúc dễ tan.
Con gái có học biết cách tránh thai, hiểu cơ cấu hoạt động của bao cao su, tránh được HIV/AIDS, thuộc chu kỳ nữ giới. Đọc sách rồi sẽ không bị bọn con trai lừa đảo thì thầm rằng, hôn môi thì có thai, nhưng thả “của nợ kia vào” không việc gì.
Phụ nữ có học vấn nuôi con theo khoa học, biết cách dậy dỗ, cho ăn uống, dùng thuốc với tầm hiểu biết. Những người mẹ ấy nuôi con dễ thành đạt hơn là một ông giáo sư cưới bà nông dân mù chữ, tối đi ngủ vẫn còn con đỉa bám trên đùi.
Dành cho các đấng nam nhi
Người ta đã đúc kết, gia tài của người đàn ông có ba thứ quan trọng. Không phải tiền tài, địa vị, không phải dáng đẹp trai hay có tài lẻ, mấy cái villa trong Ciputra hay căn hộ cao cấp ở Tp HCM.
Gia tài đó là cô vợ hiền và đảm, cô con gái xinh và thông minh, và một…tủ sách.
Người vợ có học để ý đến tủ sách của chồng, dậy được con thông minh và thành đạt. Có hiểu biết nên các bà đoán lúc nào “đỉnh”, dễ đẻ con xinh. Sự học hành làm nên thương hiệu của người phụ nữ hiền và đảm. Tủ sách giúp cho tri thức của bạn, gia đình bạn và xa hơn nữa là tri thức của nhân loại.
Ai đó nói rằng, đàn ông chúng ta chỉ là thứ cây cảnh trang trí trong nhà. Thiếu bàn tay chăm bón của người phụ nữ, cây sẽ héo tàn. Một hôm nào đó, cô osin sẽ đem ra vứt ngoài bãi rác.
Vì thế, các bậc nam nhi hãy về ngắm gia tài của mình trong nhà. Nếu thiếu một trong ba nghĩa là đang thiếu trầm trọng.
Tôi cho anh bạn nói trên có hai con gái xem bài báo này. Anh cười méo mó “Bác không đi uống bia rượu nên không biết. Đứa nào có con gái, chúng nó bắt ngồi chiếu dưới. Nếu bài báo này lên trang mà các bạn đọc và cho lên ngồi cùng, em hứa sẽ tự hào về đàn bươm bướm bay trong nhà”.
Hy vọng entry này giúp các đấng nam nhi có con trai hiểu thêm thế nào là “sống như người và chết cũng như người”.
Hiệu Minh. 8-3-2010
Bài đăng trên Tuần Việt nam
===================
Lời phản hồi của Lucky:
Cảm ơn bác Hiệu Minh dành lời hay cho phái nữ ngày hôm nay.
Nếu được ví , Lucky sẽ ví người phụ nữ như cái xăm , đàn ông như cái lốp . Cái xăm nằm trong cái lốp , cùng chuyển động trong quỹ đạo của trục quay.
Cái lốp va chạm đủ thứ bên ngoài để thực hiện nghĩa vụ và hưỡng quyền lợi của kẻ ở bên ngoài . Đôi khi trên đường đời tấp nập , mãi chuyển động theo 1 quỹ đạo với em xăm cũ mèn , lốp thấy sự nhàm chán ,bằng nhìn sang các xăm mới đang trưng bày trong tủ kính gọi là ” hàng “cao cấp , đôi khi trưng hẳn ở vỉa hè gọi là ” hàng ” lang thang , lốp muốn mình có cái xăm mới ấy , thế là sinh chuyện.
Xăm mềm mại , nằm trong cái lốp cứng rắn ấy , phải chịu tác động mạnh , hổ trợ lực và áp suất cho lốp . Xăm phải ằn mình mõi lần lốp va phải đá hay thậm chí bị “thủng “bởi cái chỉ đáng bằng cái “đinh gỉ “bên ngoài . Xăm rất căm chịu , dù vất vả mấy xăm cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình trong cái lốp .
Tuy nhiên xăm -lốp phải cùng loại , nếu không , xăm loại A gắn với lốp dạng B , không chóng thì chày cũng hỏng . Xăm – lốp phải biết san sẽ , giúp đở và trên hết phải hiểu nhau , nếu không cũng đứt . Xăm -lốp luôn vận động , phối hợp nhịp nhàng để vòng quay được êm ái ,dễ chịu . Xã hội không thể phát triển khi xăm -lốp cứ nằm ì ra đấy , hay xăm đình công kiểu xăm, lốp ăn vạ kiểu lốp !
Ngày nay tiến bộ , xăm và lớp dần xóa khoảng cách bởi vành đúc ra đời , dành riêng cho xe không xăm . Xe bánh đúc ra đời ngày càng nhiều , vai trò xã hội của xăm và lốp cũng không còn quá khác . Nay lốp không còn ” độc quyền ” bên ngoài nữa , xăm cũng biết phô diễn khả năng của mình với thế giới bên ngoài thay vì cứ e ấp , ẩn mình trong cái lớp cũ mèn …
Ngày 8/3 , gởi lời chúc mừng đến các” xăm” trong xã hội Hồi Giáo ! Mong một ngày nào đó , các ” xăm ” này sẽ có đầy đủ quyền làm xăm như các ” xăm” ở thế giới phương Tây .
------------
* hieuminh Says:
March 8, 2010 at 8:28 pm | Reply
So sánh xăm lốp thật thú vị. Chưa từng thấy ai bàn hay như thê.
------------
* Đàm Sơn Toại Says:
March 9, 2010 at 12:07 am | Reply
Vẫn biết mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng mang săm và lốp ra so sánh với vợ và chồng như bạn Lucky đã làm thì lại là một thành công. Mượn săm lốp để nói về chức năng của mỗi người và sự ảnh hưởng của môi trường xã hội đến cuộc sống vợ chồng, bạn Lucky đã cho một góc nhìn rất “thú vị” (từ của bác Hiệu Minh).
Có nhiều điều băn khoăn, nhưng tôi chỉ hỏi Lucky một câu nhé: cái bơm được so sánh với ai hoặc là cái gì nhỉ?
:)
Chúc mừng Lucky mồng 9-3!
8 thg 3, 2010
Em tôi
Với bà tôi một tay em chăm sóc đỡ đần. Thấy anh chị ai cũng có gia đình riêng, để cha mẹ già quạnh quẽ một mình em không đành lòng. Vì vậy, dù đang dạy ở trường huyện em vẫn xin chuyển về quê để gần gũi hôm sớm và phụ giúp cha mẹ. Và cũng vì vậy mà em không hề nghĩ đến hạnh phúc riêng tư. Em từ chối tất cả. Mẹ tôi nhiều lần khuyên nhủ em cũng chỉ vừa cười vừa hứa hẹn.
Rồi năm tháng qua đi, tuổi xuân lặng lẽ, em vẫn không hề phiền muộn. Em sống vô tư, chan hòa và bình thản.
Bây giờ cha mẹ đã qua đời em lại sống vui vầy cùng các cháu. Những đứa cháu của em, dù đã tốt nghiệp đại học, dù đã trưởng thành nhưng khi về bên em, chúng vẫn là những đứa trẻ vẫn cần lắm sự chăm sóc vỗ về của em.
Bao mùa xuân qua, bao độ mai tàn, Em tôi vẫn như ngày nào, vẫn hồn nhiên trong sáng. Em vẫn yêu đời, yêu cuộc sống tự do, không một chút chạnh lòng. Em tôi là vậy đó.....
D.Thúy Hằng
Click vào đây xem hết Album
4 thg 3, 2010
Ngoại tôi (Phần 3) - D.T.Vân Khanh
NGÔI NHÀ CỦA NGOẠI
Nhà Ngoại năm 2002 đang sửa lại |
Đêm ấy, cạnh nhà Ngoại, tiếng kêu khóc, tiếng đánh đập, tiếng van xin vọng lại. Biết nhà bên cướp đang khảo người lấy của . Ông Ngoại bình tỉnh, lặng lẻ đi vội vào phòng của Má . Một thoáng sau, ông ôm trong lòng một gói to đùng màu trắng , Ông chạy, chạy miết lên xóm trên , hướng nhà ông Hương Sư trong làng đễ tránh.
Bà Ngoại đứng sau bên phải |
Về sau, nghe kể lại, bọn cướp tiếc rẻ vô cùng, vì không chuyển sang đánh cướp nhà ông Ngoại để ông ôm gói vàng lớn chạy đi. Thật ra , gói ấy đâu phải là vàng hay tiền gì mà trong bọc đó là đứa cháu ngoại cưng của ông, là chính tôi đấy. Ông sợ bọn họ bắt tôi để làm con tin rồi khống chế gia đình buộc mang tiền đến chuộc. Vì mới có đứa cháu ngoại đầu tiên nên ông thương tôi lắm. Rồi cũng từ đấy, ông đưa Ba Má tôi tản cư lên chợ Tân Châu ở cho yên ổn. Riêng ông bà Ngoại vẫn ở lại Phú Lâm, thỉnh thoảng ông bà thay phiên nhau lên thăm cháu.
Nhiều lần được theo bà Ngoại về quê, lần nào cũng vậy, Má soạn cho một bọc quần áo cùng ít bánh kẹo và đồ ăn khô cho ông Ngoại. Hai bà cháu dẫn bộ ra bến xe lôi ở đầu đường, lên ngồi ở băng sau. Phải chờ thêm hai người nữa cho đủ cuốc, người chạy xe mới chịu đi. Có khi chờ lâu quá, sợ nắng cháu, Ngoại cho thêm tiền bao nguyên chuyến để được đi sớm hơn. Xe đi chầm chậm, tôi thích thú nhìn ngắm hai bên đường rồi hỏi Ngoại đủ chuyện. Nhờ vậy mà tôi biết được vạt đất đổ cao dọc theo hai bên đường được gọi là bờ quai, khi đi ngang qua “văn phòng”của đạo PGHH tôi biết dở nón cúi đầu ai thấy cũng khen ngoan. Điều tôi sợ nhất là đi xe bị khát nước, khát khô cả họng, cứ luôn miệng hối chú xe lôi chạy nhanh để tới nhà uống nước. Tôi đâu biết chú còn mệt và khát nước hơn cả mình. Không biết trong các em tôi có đứa nào được đi xe lôi đạp như tôi hay không vì sau nầy đã có xe hơi, rồi xe gắn máy ( FOLLIS ) kéo thùng.
Đi khoảng hơn một tiếng đồng hồ thì tới nhà. Đây là ngôi nhà thứ hai của Ngoại. Nhà trước kia bị Tây đánh bom nhầm sập mất rồi. Nhà nầy có lầu, lợp ngói đỏ, chung quanh vách đóng bằng cây căm xe rất dầy. Phía trước nhà là một khoảng sân rộng tráng xi măng , có chừa hai ô tròn trồng cây thiên tuế. Giữa hai cây đó, cặp đôn gốm sứ mà chiều nào Ngoại cũng dắt tôi ra đó ngồi chơi. Bước vào sâu hơn thì tới ngạch cửa rộng, chia ra làm ba ô, trên mỗi ô dựng nhiều cây song thật lớn và cao mà tôi thường ôm lắc thử nhưng nó vẫn đứng im không hề động đậy. Kế đến là hàng ba rộng lắm. Ngoại thường cho xay lúa, giả gạo ở đấy. Những khi hát máy, người hàng xóm tụ đến nơi này ngồi nghe chật luôn cả hàng ba, có khi còn kéo dài ra tận ngoài sân.
Đến cửa, nhìn lên thấy tấm bảng hình chữ nhật bằng gỗ sơn đỏ với hai chữ YẾN THANH màu đen được khắc lõm vào. Bên trong nhà, hai hàng cột tròn,chia nhà làm ba gian. Trươc mỗi cây cột là tấm liễn bằng gỗ mun, nổi bậc lên chữ hàng chữ Tàu với ánh nhũ vàng. Tôi hỏi, ông Ngoại có đọc và giải nghĩa cho nghe nhưng tôi chỉ nhớ được tấm biển lụa trắng bóng, lộng trong khung kiếng một cách trang trọng, treo trên cao mà các đồng hương người Hoa thêu tặng cho Ông bốn chữ TẠO PHÚC BAN DÂN, chữ màu xanh dương được thêu sắc sảo .Giữa nhà là cái bàn dài với hai hàng ghế dựa. Hai bộ ngựa gõ dầy cả tấc để hai bên, trong cùng là hai tủ đứng to cao màu nâu sậm. Đầu bộ ngựa bên phải, có đặt cái ghế xích đu bằng mây, lưng ghế đan thành những hoa văn rất đẹp.Tôi thích ghế nầy lắm, lần nào về là tôi leo lên đó nhún nhảy. Có lần tôi nhún hay đến nồi làm cho ghế lật, quăng tôi va đầu xuống gạch, trán u một cục, Ngoại phải luộc trứng gà lăn mấy ngày sau mới xẹp.
Trên vách ngang ở giữa nhà có hình ngôi sao trắng mười hai cánh nổi bật trên nền xanh dương. Phía trên ngôi sao ấy có treo một khung gỗ đen hình bầu dục với chữ TRƯƠNG YẾN NGUYÊN óng ánh màu vàng . Trong buồng là những bồ lúa to và thang lầu tối om.Tôi chỉ dám lên lầu khi có ông bà Ngoại vì với tôi lúc ấy các nấc thang và tay vịn vừa cao vừa trống, nhìn xuống bên dưới rất dễ sợ. Lên lầu, nhìn thấy ngay bộ ngựa gõ nhỏ có cái gối ống rất cứng để ông nằm thư giản. Trên cái bàn ở đầu bộ ngựa, bình trà nhỏ bằng trái cam với các chung nhỏ xíu màu nâu đỏ, đặt trên chiếc khay gỗ. Tôi không uống được nước trà của ông, cái thứ nước sóng sánh màu vàng trông rất đẹp mắt mà chát tê bó cả đầu lưỡi. Giữa lầu là khoảng trống hình lục giác bao bọc bởi lan can bằng cây, nhìn xuống thấy tận dưới đất nên không bao giờ tôi dám đến gần. Trên vách phía dưới, Ngoại treo nào nong, nia, sàng, sẩy rồi thúng giạ, thúng giê, rổ quảo. Ngoài ra còn có cái thùng to có quai hai bên dùng để đong lúa gọi là cái táo. Chắc con cháu ngày nay ít biết những dụng cụ nầy mà chỉ thấy qua hình ảnh hoặc sách báo.
Nói đến nhà Ngoại phải nói đến tắc kè. Nhìn những chấm đỏ đen trên mình nó tôi sợ lắm.Tắc kè hay bò trên vách, những khi ngủ với Ngoại tôi đều đòi nằm giữa. Vậy mà lần nào nó kêu tôi đều đếm “hên, xui, may, rủi”. Mãi đến tận bây giờ tôi vẫn đếm khi nghe tiếng tắc kè kêu. Có những thói quen hình thành từ nhỏ sẽ theo ta đi suốt cuộc đời. Điều này rất cần nên suy gẫm để dạy dỗ con cháu sau nầy.
7 Thanh Hùng chụp năm 2008 |