QuocHung's Blog

10 thg 4, 2010

QUÊ NGOẠI TRÊN ĐƯỜNG VỀ

Nguyễn Du viết”Thanh minh trong tiết tháng ba” thế mà năm nay, Thanh minh lại nhằm ngày 21 tháng 2 âm lịch. Bất thường là vậy, nhưng vẫn giữ đúng thông lệ hằng năm, các em tôi từ SaiGon, Long Xuyên cùng tập trung về Tân Châu từ hôm trước, để chuẩn bị đi tảo mộ. Mộ Ông Bà, Ba Má chúng tôi ở Phú Lâm quê Ngoại. Cách Tân Châu khoảng 15 cây số đường bộ.

Hồi xưa, muốn về nhà Ngoại phải đi bằng xe lôi đạp, sau nầy mới có xe hơi. Xe hơi ngày ấy ngắn hơn xe buýt bây giờ. Phía trước là ba hàng ghế ngang, phía sau là hai dãy băng bằng cây, đặt dọc hai bên thân xe. Ngay giữa xe cũng có hai băng ghế cho hành khách ngồi đâu lưng vào nhau. Thuở ấy,chúng tôi còn nhỏ nên thường được xếp ngồi ở đây. Mỗi lần xe thắng gấp hay ngừng đột ngột là bị đẩy về phía trước, dồn cục, va đầu vào nhau. Những khi xe đông khách,ngồi chật chội, ngột ngạt hơi người, khó thở vô cùng.


Hôm nay, chúng tôi rủ nhau cùng đi xe buýt. Ngồi trên xe buýt mát lạnh, có nhạc, có ti vi thoải mái vô cùng. Xã hội tiến bộ, con người cũng được hưởng lợi ích của sự phát triển đó. Xe qua từng vùng kỉ niệm của chúng tôi. Đây, chùa Giồng Thành, ngôi chùa cổ kính, tôn nghiêm, nơi mà Tết Nguyên Đán năm nào chúng tôi cũng đi xe lôi đến để lạy Phật cầu cho Ba Má làm ăn khá, chúng tôi học giỏi. Xe đi một lúc đến cây số 10, ở đấy có nhà người Cậu bà con, thỉnh thoảng Ba Má ghé thăm khi về Ngoại. Mỗi lần như thế, chúng tôi được ăn những trái nhản thơm ngọt, bẻ ở vườn nhà. Đến cây số 14 là gặp ngôi trường khang trang, sạch đẹp ,đó là trường Tiểu học Phú Lâm A, người dân còn gọi trường số 14. Tại nơi nầy, tôi đã về thực tập luyện tay nghề, chuẩn bị làm cô giáo đứng lớp giảng dạy. Đây cũng là ngôi trường mà chồng tôi, năm l962, được bổ nhiệm từ trường Sư Phạm Vĩnh Long về . Ngôi trường cũ với nhiều kỉ niệm thân thương!

Đối diện với trường Tiểu học Phú Lâm A, qua bên kia đường là Chùa thờ Ông Quan Đế, chúng tôi quen gọi là Chùa Ông Ngoại. Vì chính Ông Ngoại chúng tôi là người đứng ra xây dựng ngôi Chùa nầy từ trước năm 1945. Má tôi kể lại: Khi nghe nói, có một pho tượng trôi sông, tắp vào bến ở xóm trên, dù người ta xô ra nhiều lần vẫn tắp mãi vào bờ. Ông Ngoại đến xem. Đó là tượng Ông Quan Đế được làm bằng tre, có lẻ xuất xứ từ bên Tàu. Ông nghĩ, chắc pho tượng này muốn an vị tại đây. Ông bèn cho người đi mua nhang đèn, bộ tam xên, trái cây, bày ra và thành tâm khấn lạy. Rồi cho thỉnh tượng lên, mua đất lập miếu (chùa) thờ. Ngôi chùa ấy nằm cặp bờ sông Cái Vừng. Mặt tiền quay về hướng chợ Tân Châu, vách xây bằng gạch, mái chùa lợp ngói. Chùa không lớn lắm, nhưng rất ấm cúng. Tết năm nào về quê, Ba Má cũng ghé cúng chùa trước rồi mới về nhà Ngoại.

Còn non cây số nữa là đến nhà Ngoại (bây giờ là Phủ Thờ). Tuy tim không đập thình thịch trong lồng ngực, khi xe đò chạy gần đến nhà Ngoại như ngày thơ bé. Nhưng bây giờ, trong lòng cũng có cảm giác xuyến xao. Nhìn kĩ bên đường, xe qua một cua quẹo rồi hai cua quẹo, tôi khều em nói nhỏ: Tới nhà Ngoại rồi kìa. Nó cải lại: chưa đâu, chỉ mới tới nhà dì Út Bé thôi. Cũng vừa lúc ấy, cô nhân viên nhà xe nhắc: Ai xuống trạm bưu điện, xuống xe !. Nhà Ngoại trên trạm một tí. Mấy chị em lục đục khuân đồ đạt đi ngược lên, vừa đi vừa cười tít toát. Nếu không có trạm dừng, chắc mấy chị em ngồi xe tới chợ Tân Phú luôn.

Đọan đường quen thuộc,bao nhiêu lần qua, bao nhiêu lần lại nhưng quê Ngoại trên đường về Thanh minh năm nay, đã làm sống lại những ký ức tuổi thơ của chị em tôi cách nay hơn nưả thế kỉ.

Kỉ niệm Thanh minh 05-4-2010
VÂN KHANH


Xe Follis của hảng Sachs (Đức)