QuocHung's Blog

21 thg 4, 2010

CHUYỆN VỀ BA MÁ TÔI

Năm 1945, sau đám cưới, Ba Má tôi về Châu Đốc ở với Nội, một thời gian sau lại về Phú Lâm cùng Ông Bà Ngoại.
Mỗi sáng, cha vợ và chàng rể ngồi uống trà bàn chuyện râm rang bằng tiếng Tàu, Ông Ngoại rất thương Ba vì Ba là người được Ông chọn lựa theo ý nguyện. Mỗi chuyến ghe chài chở lúa xuống Saigon bán, Ông đều cho Ba đi cùng. Thâm tâm Ông là muốn cho Ba theo nghề buôn nông sản, nhưng Ba không mặn mà lắm, bởi Ba không thích những chuyến đi dài ngày trên sông nước. Ba cho rằng sống dưới ghe tù túng, khó chịu làm sao ấy! Không như những ngày sống với Nội, Ba chỉ đọc sách, chơi bóng rổ hay cờ tướng.

Do vậy, để tìm lại chút sở thích cũ ngày nào, thỉnh thoảng Ba đưa Má về Châu Đốc để thăm Ông Bà Nội. Việc đi về giữa Phú Lâm - Châu đốc của Ba Má thường xuyên hơn.

Lần đó, cũng về Phú Lâm, Ba chở Má bằng xe đạp vỏ đặc. Loại xe nầy không có ruột xe, chỉ có vỏ xe, vỏ là một vòng cao su đặc cứng lắp vào niềng xe. Chạy lâu, lực ma sát xuống đường làm vỏ xe nóng lên, giản ra rất dễ tụt khỏi niềng. Khi đó, phải chờ cho vỏ xe nguội, khi nguội nó co lại, lắp chặt vào niềng rồi đi tiếp. Vào thời ấy, xe nầy rất quý hiếm. Lại gặp lúc Nhật đảo chính Pháp. Những cây to ở hai bên đường bị đốn xuống để ngăn chặn không cho xe cộ lưu thông. Trên đường có nhiều chốt kiểm soát. Nhờ có lá cờ nhỏ, cờ Trung Hoa Dân Quốc là phe Đồng minh, Ba mang theo bên mình nên mới được cho qua. Lá cờ nầy có hình ngôi sao trắng mười hai cánh trên nền màu xanh dương. Từ Châu Đốc về Phú Lâm khoảng 32km, mà đi từ sáng sớm đến trưa muộn Ba Má mới tới nhà. Lúc ấy, Má mang thai tôi gần ba tháng mà phải ngồi trên đòn dông xe đạp đi xa đến vậy. Chắc trong bụng Má, tôi cũng rêm mình với chiếc xe đạp quí hiếm một thời ấy!

Ba và các con
Má kể lại: Nhà Ngoại là nơi tôi được sinh ra. Ba đi ghe với Ông Ngoại, đêm đó, khi về đến nhà thì tôi đã mở mắt chào đời. Mẹ ẳm tôi đến bên Ba và nói: Con mầy nè Tệt. Ba mắc cở quay đi, lúc đó Ba còn quá nhỏ mới 21 tuổi. Phải mấy ngày sau, Ba mới hết bở ngở, trìu mến ẳm bồng tôi. Tất cả việc chăm sóc Má con tôi đều do một tay Bà Ngoại. Một hôm, Ngoại bận đi xóm, Má và Mẹ lần đầu tiên tắm cho tôi. Hai chị em ”khiên” tôi để vào thau nước, rồi lôi kéo thế nào mà làm mông tôi xây xướt bị nhiễm trùng (hồi đó gọi là làm độc) mãi lâu sau mới lành và để lại vết sẹo to. Khi tôi sinh đứa con đầu lòng, cả Ngoại, cả Má, cả Mẹ ai cũng nhắc lại chuyện ”khiên” tắm tôi ngày xưa rồi bật cười xoà.

Một đêm, Ba nằm mơ thấy một người đàn bà đứng tuổi đến đuổi Ba đi và nói: Đây không phải nhà của mày, mày phải mau mau đi khỏi nơi đây. Ba cải lại: Đây là nhà ông già vợ tôi, tôi không đi đâu cả. Bà lại xua đuổi thêm một lần nữa. Xong, bà trèo lên cây ổi trồng ở trước sân nhà Ngoại, bẻ 2trái liệng vào người Ba. Hốt hoảng, Ba choàng tỉnh và rất lo sợ, cứ mong trời mau sáng.Ba nghĩ, chắc Ông Ngoại cậy quyền thế chiếm đoạt đất đai của người khác nên họ mới xua đuổi Ba. Đến khi biết đất do Ông Bà Ngoại mua lại, hiện mộ của bà chủ đất vẫn còn ở sau nhà. Cơn ác mộng đêm qua vẫn còn ám ảnh nên Ba xin Ông Ngoại về Châu Đốc.

Má và con gái lớn
Qua ngày hôm sau, sáng sớm thức dậy, tôi cứ khóc mãi, dỗ thế nào cũng không nín. Má ẳm tôi ra trước đường, tôi cứ ngoẹo người, đưa tay chỉ về phía dưới. Thế là Má ẳm tôi đi xuống nhà Ông Năm ( Chỉnh ) chơi và tôi cũng thôi không khóc nữa. Được một lúc, bỗng nghe tiếng máy bay vần vũ trên đầu. Ông Năm thúc hối mọi người xuống trăn sê (hầm trú ẩn). Má cũng ẳm tôi chui vào. Ầm! Ầm! Hai tiếng nổ làm rung chuyển cả hầm tối, ai cũng nghĩ bom bỏ ở gần đâu đây. Tiếng máy bay xa dần rồi im hẳn. Mọi người lục tục lên khỏi hầm. Má vừa ra đường thì thấy người ta từ phía trên chạy đổ xuống, báo tin nhà Ngoại bị đánh bom. Má bồng tôi chạy miết về nhà. Một cảnh tượng hãi hùng trước mắt:nhà sập tan tành, chẳng biết Ông Bà Ngoại ra sao. Hoảng loạn Má lao vào, vừa lúc người ta khiên Bà Ngoại ra, trên đầu bê bết máu. Ngoại được đưa xuống Chợ Vàm, được y tá là Cậu Tư Bốn, bạn thân của Ba Khôi, tận tình chăm sóc. Vết thương không nặng nên mọi người cũng yên tâm. Ông Ngoại đi Tân Châu nửa đường nghe tin vội vã quay về. Ơn Trời, cả nhà mọi người đều bình yên. Một quả bom rơi xuống cạnh cây ổi để lại một hố to. Một quả rơi ngay phòng Ba Má, nếu không về Châu Đốc chắc Ba không còn vì Ba thường ngủ dậy rất trưa. Thế là Ba đã chết hụt một lần ! Và nếu tôi không khóc đòi đi, chuyện gì sẽ xãy ra nào ai biết . . .
Hàng năm, đến ngày Thanh minh Ba đều nhắc nhở đắp mộ, cúng kiến bà chủ đất để tỏ lòng biết ơn người cứu tử.

Tân Châu 20-4-2010
VÂN KHANH