QuocHung's Blog

28 thg 4, 2010

DẤU NGOẶC BUỒN

Vào cuối thập niên bốn mươi, ở làng quê tình hình rối ren, trộm cướp nổi lên nhiều nơi. Những chuyến chở nông sản lên Saigon của Ông Ngoại phải tạm ngừng. Để tìm sự an bình cho gia đình, Ba Má tản cư lên Tân Châu sống chung với Mẹ và Ba Khôi ở phòng ngủ (khách sạn) Thanh Phong. Vừa từ quê lên, chưa có việc làm ổn định, Ba được Ba Khôi giới thiệu cùng làm việc dưới tàu Thanh Hương.


Ông Ngoại

Mỗi chiều, Má hoặc Mẹ đưa tôi ra cầu đúc đón những chuyến tàu từ Nam Vang xuôi về. Ngoài Ba và Ba Khôi còn có những ông Tây bồng bế và nựng nịu sau khi dúi vào tay tôi những thanh socolat mà tôi ưa thích. Ngoài việc theo tàu lên, xuống, Ba còn mua hàng vải từ Nam Vang về để Má bán lại cho các sạp vải trong nhà lồng chợ. Lúc ấy, vải ú và vải săn đầm (giống vải ú nhưng canh chỉ to hơn có một mặt láng, mặc nhẹ và mát) đen bán rất chạy, ngoài ra ai còn đặt những mặt hàng khác cũng vẫn được. Đó là những mặt hàng trốn thuế, nhờ có Ba Khôi nên việc vận chuyển hàng về trót lọt. Ở Tân Châu, Má lo việc bán hàng và ghi sổ sách (kế toán). Cuộc sống êm đềm trôi, mọi điều tưởng chừng quá tốt đẹp được một quảng thời gian thì tai hoạ ập đến, tàu Thanh Hương bị chụp.

Lúc Ba Khôi bị bắt dẫn đi mất tích, tại Tân Châu, cả nhà gồm Ông Ngoại, Mẹ, Ba, Má và luôn cả tôi bị dẫn đến trụ sở của Tây, đặt tại thành Ban Tống, để lấy lời khai rồi bị tạm giam vì họ cho là Ba Khôi theo Việt Minh, tổ chức đánh tàu. Họ buộc gia đình phải kêu gọi Ba Khôi ra đầu thú, nếu không cả gia đình sẽ phải ở tù. Lúc ấy, tôi còn nhỏ chỉ ba hay bốn tuổi nên được tha. Họ cho Má bồng tôi ra ngoài, nhờ thế Má chạy, cậy nhờ nhiều người đến can thiệp. Được tin, những người quen biết Ông Ngoại có chức quyền cao cùng đến xin bảo lãnh. Những người dân trong chợ Tân Châu, cả người Hoa lẫn người Việt, không biết làm gì hơn là họ thắp nhang cầu nguyện Phật Trời cho cả gia đình Ông Ngoại tai qua nạn khỏi. Như một bóng đen trùm phủ cả gia đình lúc ấy. Chính ông Ban Xì (trưởng ban đại diện Hoa kiều quận Tân Châu) là bạn của Ông Ngoại không ngần ngại đem cả tính mạng và tài sản ra để bảo lãnh Ông. Nhờ vậy là cả nhà được tại ngoại nhưng bị quản thúc tại gia. Mãi sau nầy khi bọn Tây điều tra biết được Ba Khôi bị Việt Minh giết vì tội theo Tây đến bấy giờ cả nhà mới được xem như là trắng án.

Má và con gái
Trong lúc lâm cảnh nguy nan như thế, mới thấy rõ được tình cảm của bạn bè,của người dân Tân Châu dành cho Ông Ngoại. Xin được nghiêng mình trân trọng hàm ơn trước nghĩa tình sâu đậm đó của Người Tân Châu với cả gia đình tôi.

Tân Châu 26-4-2010
VÂN KHANH

21 thg 4, 2010

CHUYỆN VỀ BA MÁ TÔI

Năm 1945, sau đám cưới, Ba Má tôi về Châu Đốc ở với Nội, một thời gian sau lại về Phú Lâm cùng Ông Bà Ngoại.
Mỗi sáng, cha vợ và chàng rể ngồi uống trà bàn chuyện râm rang bằng tiếng Tàu, Ông Ngoại rất thương Ba vì Ba là người được Ông chọn lựa theo ý nguyện. Mỗi chuyến ghe chài chở lúa xuống Saigon bán, Ông đều cho Ba đi cùng. Thâm tâm Ông là muốn cho Ba theo nghề buôn nông sản, nhưng Ba không mặn mà lắm, bởi Ba không thích những chuyến đi dài ngày trên sông nước. Ba cho rằng sống dưới ghe tù túng, khó chịu làm sao ấy! Không như những ngày sống với Nội, Ba chỉ đọc sách, chơi bóng rổ hay cờ tướng.

Do vậy, để tìm lại chút sở thích cũ ngày nào, thỉnh thoảng Ba đưa Má về Châu Đốc để thăm Ông Bà Nội. Việc đi về giữa Phú Lâm - Châu đốc của Ba Má thường xuyên hơn.

Lần đó, cũng về Phú Lâm, Ba chở Má bằng xe đạp vỏ đặc. Loại xe nầy không có ruột xe, chỉ có vỏ xe, vỏ là một vòng cao su đặc cứng lắp vào niềng xe. Chạy lâu, lực ma sát xuống đường làm vỏ xe nóng lên, giản ra rất dễ tụt khỏi niềng. Khi đó, phải chờ cho vỏ xe nguội, khi nguội nó co lại, lắp chặt vào niềng rồi đi tiếp. Vào thời ấy, xe nầy rất quý hiếm. Lại gặp lúc Nhật đảo chính Pháp. Những cây to ở hai bên đường bị đốn xuống để ngăn chặn không cho xe cộ lưu thông. Trên đường có nhiều chốt kiểm soát. Nhờ có lá cờ nhỏ, cờ Trung Hoa Dân Quốc là phe Đồng minh, Ba mang theo bên mình nên mới được cho qua. Lá cờ nầy có hình ngôi sao trắng mười hai cánh trên nền màu xanh dương. Từ Châu Đốc về Phú Lâm khoảng 32km, mà đi từ sáng sớm đến trưa muộn Ba Má mới tới nhà. Lúc ấy, Má mang thai tôi gần ba tháng mà phải ngồi trên đòn dông xe đạp đi xa đến vậy. Chắc trong bụng Má, tôi cũng rêm mình với chiếc xe đạp quí hiếm một thời ấy!

Ba và các con
Má kể lại: Nhà Ngoại là nơi tôi được sinh ra. Ba đi ghe với Ông Ngoại, đêm đó, khi về đến nhà thì tôi đã mở mắt chào đời. Mẹ ẳm tôi đến bên Ba và nói: Con mầy nè Tệt. Ba mắc cở quay đi, lúc đó Ba còn quá nhỏ mới 21 tuổi. Phải mấy ngày sau, Ba mới hết bở ngở, trìu mến ẳm bồng tôi. Tất cả việc chăm sóc Má con tôi đều do một tay Bà Ngoại. Một hôm, Ngoại bận đi xóm, Má và Mẹ lần đầu tiên tắm cho tôi. Hai chị em ”khiên” tôi để vào thau nước, rồi lôi kéo thế nào mà làm mông tôi xây xướt bị nhiễm trùng (hồi đó gọi là làm độc) mãi lâu sau mới lành và để lại vết sẹo to. Khi tôi sinh đứa con đầu lòng, cả Ngoại, cả Má, cả Mẹ ai cũng nhắc lại chuyện ”khiên” tắm tôi ngày xưa rồi bật cười xoà.

Một đêm, Ba nằm mơ thấy một người đàn bà đứng tuổi đến đuổi Ba đi và nói: Đây không phải nhà của mày, mày phải mau mau đi khỏi nơi đây. Ba cải lại: Đây là nhà ông già vợ tôi, tôi không đi đâu cả. Bà lại xua đuổi thêm một lần nữa. Xong, bà trèo lên cây ổi trồng ở trước sân nhà Ngoại, bẻ 2trái liệng vào người Ba. Hốt hoảng, Ba choàng tỉnh và rất lo sợ, cứ mong trời mau sáng.Ba nghĩ, chắc Ông Ngoại cậy quyền thế chiếm đoạt đất đai của người khác nên họ mới xua đuổi Ba. Đến khi biết đất do Ông Bà Ngoại mua lại, hiện mộ của bà chủ đất vẫn còn ở sau nhà. Cơn ác mộng đêm qua vẫn còn ám ảnh nên Ba xin Ông Ngoại về Châu Đốc.

Má và con gái lớn
Qua ngày hôm sau, sáng sớm thức dậy, tôi cứ khóc mãi, dỗ thế nào cũng không nín. Má ẳm tôi ra trước đường, tôi cứ ngoẹo người, đưa tay chỉ về phía dưới. Thế là Má ẳm tôi đi xuống nhà Ông Năm ( Chỉnh ) chơi và tôi cũng thôi không khóc nữa. Được một lúc, bỗng nghe tiếng máy bay vần vũ trên đầu. Ông Năm thúc hối mọi người xuống trăn sê (hầm trú ẩn). Má cũng ẳm tôi chui vào. Ầm! Ầm! Hai tiếng nổ làm rung chuyển cả hầm tối, ai cũng nghĩ bom bỏ ở gần đâu đây. Tiếng máy bay xa dần rồi im hẳn. Mọi người lục tục lên khỏi hầm. Má vừa ra đường thì thấy người ta từ phía trên chạy đổ xuống, báo tin nhà Ngoại bị đánh bom. Má bồng tôi chạy miết về nhà. Một cảnh tượng hãi hùng trước mắt:nhà sập tan tành, chẳng biết Ông Bà Ngoại ra sao. Hoảng loạn Má lao vào, vừa lúc người ta khiên Bà Ngoại ra, trên đầu bê bết máu. Ngoại được đưa xuống Chợ Vàm, được y tá là Cậu Tư Bốn, bạn thân của Ba Khôi, tận tình chăm sóc. Vết thương không nặng nên mọi người cũng yên tâm. Ông Ngoại đi Tân Châu nửa đường nghe tin vội vã quay về. Ơn Trời, cả nhà mọi người đều bình yên. Một quả bom rơi xuống cạnh cây ổi để lại một hố to. Một quả rơi ngay phòng Ba Má, nếu không về Châu Đốc chắc Ba không còn vì Ba thường ngủ dậy rất trưa. Thế là Ba đã chết hụt một lần ! Và nếu tôi không khóc đòi đi, chuyện gì sẽ xãy ra nào ai biết . . .
Hàng năm, đến ngày Thanh minh Ba đều nhắc nhở đắp mộ, cúng kiến bà chủ đất để tỏ lòng biết ơn người cứu tử.

Tân Châu 20-4-2010
VÂN KHANH


20 thg 4, 2010

Học ở Long Xuyên



Hè năm 1969, học hết lớp đệ tam (lớp 10) thì trường Công lập Tân Châu không mở tiếp lớp đệ nhị (lớp 11) nên học trò trường Công lập phải chuyển qua Trường Thủ Khoa Nghĩa Châu Đốc. Cậu chuyển qua đó học, tuy có nhà cô Tư, cô Út, Chú, bác, bà Nội … nhưng cậu thích ở cùng chung với nhà bà con bên mẹ Mỹ, nằm ở bờ kinh Ông Cò, đâu đít với cầu tiêu máy (Mỹ tên ở nhà là Võ, con chú 9 Văn, cháu nội ông Ký Đại. Năm 1971, Võ rớt tú tài 2 nên đăng vào khóa 4/1971 Thủ Đức cùng với Phong. Còn nhớ tên anh em của nó là:  Võ, Thủy, Tùng, Nghĩa, Dũng, Bình, Nga, …).  
Học được hơn 1 tháng thì nghe tin ở Long Xuyên mở trường công mới tên Chưởng Binh Lễ, đang nhận các học sinh vào, bà Ngoại mới cùng với bác năm Kìa (ba của Hồ Công Phú) lo giấy tờ cho cậu, Võ và Phú chuyển xuống nhập học trường Chưởng Binh Lễ Long Xuyên luôn. Lúc đó, Tân Châu có cậu, Võ, Phú, Phong (con thầy Phu), Tấn (con thầy Truyện ở xóm Quận), bé Sang (con ông 10 Nhã), … vô học đầu tiên lớp đệ nhị trường Chưởng Binh Lễ năm 1969. Mấy tháng đầu ở Long Xuyên cậu ở trọ chung phòng với Phú, sau đó chuyển đến nhà bà ba nhà đèn và ở đó suốt 2 năm học đến đậu tú tài 2 (hè năm 1971) thì lên Sài Gòn học tiếp. 
Hồi đó, chuyện ngoại giao, giấy tờ này nọ đều một tay bà Ngoại, kể cả lần đầu dẫn cậu xuống Long Xuyên trọ học cũng bà Ngoại dẫn đi. Nhờ đó, khi 6 Mai xuống Long Xuyên học sư phạm cũng đỡ lo vì có cậu đi trước, quen nước, quen cái rồi (sau này 7 Hoa cũng xuống học sư phạm Long Xuyên). 
Còn nhớ, khi 6 Mai thực tập ra trường phải vô dạy ở Phum, Sóc trong Xà Tón (huyện Tri Tôn bây giờ), lần đầu cậu phải đi cùng má Sáu vô đó, dưới chân mấy ngọn núi, nhiều người Miên và cũng rất sợ phe CM đóng trong vùng núi (giờ không nhớ là xã nào? Lương Phi hay Tức Dụp gì đó . . ).
Trước đó mấy năm, cũng bà Ngoại dẫn cậu vô vùng Bảy Núi đó để bà Thầy làm bùa cho cái răng con chó mực đeo vào cổ của cậu tránh tai nạn xe cộ. Vì bà Thầy coi số mệnh của bà Ngoại, nói Ngoại có 2 thằng con trai mà thằng nhỏ sẽ bị tại nạn giao thông, phải sên bùa vô răng con chó mực đeo mới tránh khỏi. Về xe máy, năm 1966 ông Ngoại đã mua chiếc Honda 66 là chiếc thứ nhì ở Tân Châu (chiếc kia của chú Dung bán vải). Năm sau 1967 Ngoại bán và dẫn cậu với Xiêng (con ông Chênh lò tương) đi lên Sài Gòn mua 2 chiếc Honda 67 (SS50E) mới trong thùng, chở cậu chạy từ Sài Gòn về Tân Châu, xe này còn đến bây giờ. 
Nói về té xe, đụng xe hồi nhỏ thì cậu với cậu tư bị nhiều lắm không nhớ hết. Như năm 1970, khi chạy xe qua Châu Đốc xem kết quả thi Tú Tài 1 cậu đã đụng người ta bị thương làm Ngoại phải tốn tiền thuốc men cho họ, năm đó kết quả cậu đậu Bình thứ còn cậu tư bị rớt. 
5 Nguyên

17 thg 4, 2010

MẸ VÀ MÁ (Tiếp theo)

Ảnh Mẹ chụp năm 2008

Mẹ tôi lúc ấy, là một thiếu nữ con nhà gia thế lại xinh đẹp có tiếng trong làng.Nhiều gia đình danh giá ngấp nghé xin cưới Mẹ, nhưng đều là người Việt Nam nên Ông Ngoại không bằng lòng. Ông quan niệm người Tàu chỉ gả cho người Tàu thôi.
Thế rồi Mẹ gặp Ba Khôi (Dượng Hai) là một người Việt trí thức, theo Tây học, nhà ở cùng xã, tận ngoài cây số 20, cách nhà Ngoại 5 cây số. Gia đình Ba Khôi khá giả, đông anh chị em, bao nhiêu lần cậy nhờ mai mối đến xin cưới Mẹ là bấy nhiêu lần bị Ông Ngoại khước từ. Bà Ngoại và họ hàng thuyết phục thế nào Ông Ngoại cũng không xiêu lòng. Không thể làm gì khác được. Mẹ đành nghe theo tiếng gọi con tim.

Thuở ấy, ở Tân Châu có tàu Thanh Hương chở hành khách đi Nam Vang và ngược lại. Ba Khôi là Cò tàu nhưng tàu do người Pháp làm ch?. Cuộc sống của Ba Khôi và Mẹ êm đềm hạnh phúc. Tiếc thay, Mẹ chẳng sinh đứa con nào cho Ba Khôi ! Có khi Mẹ ở Nam Vang, khi ở Tân Châu, lúc về Phú Lâm với Ngoại. Ba Khôi là người có học thức, tế nhị, sâu sắc. Sống gần gủi với gia đình bên vợ, lâu dần, Ông Bà Ngoại cũng rất thương quí. Dạo ấy, ở làng quê, tình hình không được an ninh mấy, nhiều đảng phái nổi lên, không theo phe, đảng nào cũng khó mà sống yên ổn. Ban đêm, ai bị bắt dẫn đi thì ngày hôm đó được lấy làm ngày giổ. Đêm xuống, là nỗi kinh hoàng trùm lên thôn xóm, những thanh niên trai trẻ hoang mang, sợ hải ! Một đêm buồn, tàu Thanh Hương trên đường từ Nam Vang về bị”chụp”. Những người Pháp và Ba Khôi bị bắt đi. Chẳng ai biết đi đâu và bị ai bắt. Từ đó đến gần hai năm sau, mỗi khi có người mang thông tin về Ba Khôi đến là Mẹ gửi nào tiền, nào bạc, nào quần áo, nào thuốc men . . . cho Ba Khôi. Dù biết họ làm tiền, nhưng Mẹ vẫn gửi, gửi với hy vọng biết đâu Ba Khôi còn sống. Ngoại xót lòng khi thấy Mẹ vật vã, khóc than, cậy nhờ người nầy, đến kẻ khác đi dò tìm tin tức một cách vô vọng. Năm ấy, Mẹ mới gần ba mươi tuổi. Rồi thời gian cũng làm Mẹ nguôi ngoai, Mẹ lấy việc chăm sóc 4 chị em tôi làm niềm an ủi. Được hơn bảy năm sau, Mẹ chấp nối với người chồng kếø sinh được 3 trai và một gái út. Hiện Mẹ đang sống với vợ chồng của người con cả, Mẹ còn khoẻ mạnh và minh mẫn ở tuổi chín mươi.

Chuyện về Má, Má tôi không đẹp như Mẹ. Nếu Mẹ sống bằng tình cảm thì Má tôi sống bằng lí trí. Thuở nhỏ,khi đang học ở Tân Châu, Má thường thay Ông Ngoại bảo lãnh những người không có giấy thuế thân. Lớn lên, Má là cánh tay đắc lực của Ông Ngoại. Đến tuổi lập gia đình đã có nhiều nơi đến coi mắt Má.Trong số đó, có người làm ở ty Điền Địa Má chấm người nầy. Nhưng để Ông Ngoại vui lòng, Má đã ưng Ba.

Hình Ba chụp 25/12/2001
Ba là con ông chủ tiệm hút á phiện, một người bạn thân của Ông Ngoại ở Châu Đốc. Ba như một công tử nhà giàu, suốt ngày ăn rồi đi chơi chứ chả làm gì. Năm 1945, miền Bắc bị đói kém hoành hành. Ở Phú Lâm, Ông Ngoại tổ chức đám cưới Má thật linh đình. Ông cho người đi hơn ba mươi mấy cây số, xuống tận Hoà Hảo tìm u du kết hoa, che rạp cưới. Lên Tân Châu mướn máy phát điện chạy suốt ba ngày ba đêm. Sau nầy,khi vợ chồng tôi về Phú Lâm dạy học, nhiều người bà con còn nhắc lại sự rình rang của đám cưới Ma ù. Sau một thời gian ng?n ở quê Nội, Ba Má về lại Phú lâm. Cùng với Ông Ngoại, Ba theo ghe chài chở lúa xuống bán ở Saigon, Chợ Lớn. Mỗi chuyến đi có khi mười ngày đến nửa tháng. Khi Má sinh tôi, loạn lạc trộm cướp nổi lên khắp nơi. Ở làng quê khó sống. Ông Ngoại đưa Ba Má tản cư lên Tân Châu và bảy đứa em của tôi lần lượt mở mắt chào đời tại đây.

Tân Châu 15-4-2010

VÂN KHANH
Nhấn vào đây xem ảnh xưa

Anh 2, chị Vân Khanh, tháng 12/2001

15 thg 4, 2010

BA LẦN CHẠY

1. Lần gần nhất là năm 1975, ngày 30/4/1975, lúc 13 giờ tôi và đực Lớn từ nơi trọ học 28/8A Bùi Chu - Nhà Thờ Huyện Sĩ (nhà bà Ba, quen với ông 5 Chỉnh, ba cậu Nghĩa) chạy về Phú Lâm bằng chiếc Honda 67 SS50E , tối ngũ dọc đường, gặp dượng Hai Tằm (chồng dì Mẫu Đơn), sáng 01/5/1975 chở cả ba người về Phú Lâm. Tối hôm đó, quân địa phương còn kháng cự nên phải cùng Ba, Má và các em chạy lên nhà Ngoại trú ẩn cho an toàn.


Trước đó, lúc 9 giờ sáng 30/4, hai anh em cùng với vợ chồng chị ba Đôi - Sóc đã chạy qua cầu chữ Y, định đi đường vòng về Mỹ Tho, nhưng bị binh lính chặn lại không cho đi qua vùng bị tạm chiếm. Hai xe phải quay lại ai về nhà nấy. Mấy tiếng sau, hay tin quốc lộ về miền tây đã thông rồi , hai thằng mới lấy xe chạy về.

2. Lần gần kế là năm 1969, khi Ba má vừa dọn từ Tân Châu về chợ Tân Phú sinh sống bằng nghề buôn bán. Ở đây Ngoại có hai căn nhà đâu đít vuông góc nhau, một căn nhìn ra lộ (sau này bán sinh tố), một căn nhìn ra nhà lồng chợ, má mở tiệm bán hàng gia dụng, đồ nhôm, đồ mũ, ...


Trước đó, chỉ nhớ Má có bán lãnh Mỹ A, trà và chơi Hụi ở Tân Châu, có lần bị quan thuế vây nhà bắt hàng lậu mà không biết hàng gì ? Chắc là tơ lụa bán qua Campuchia.

Một thời gian Ba có hùn với ông Chên (lò tương) mở một xưởng cơ khí sửa chữa máy hiệu Hữu Thành ở gần rạp hát, ngang nhà bác 6 Sương (sát vách phía trên nhà Mẹ). Sau này thì nghỉ, vì nghe nói xưởng ở gần Quan Thuế ghe tàu không dám ghé sửa chữa.

Mới vừa dọn từ Tân Châu về thì phe CM tổ chức đánh đồn số 16 phía dưới chợ, hai bên bắn nhau túa xua nên dân phải di tản đến nơi an toàn, Má và mấy em qua sông xuống Phú Thuận (cây số 20) tạm trú nhà chú Út Vận là em chồng của Mẹ, Ba không chịu đi mà ở lại nhà nên cậu út Dứt dù nhát nhưng bậm gan ở lại cùng với ba.

Hôm sau hai bên vẫn đánh nhau, Má bên kia sông (chợ Tân Phú) khóc lóc, năng nĩ ba di tản, cuối cùng Ba cũng chịu đi - do tôi và cậu út Dứt đi xuồng qua rước ba.

Xuồng để dưới bến nhà cậu Út Quang, khi lên bờ cùng ba và cậu út Dứt dắt xe Honda 67 SS50E xuống thì ai đó đã lấy mất xuồng rồi. Cả ba đi lần lên đến khỏi nhà Ngoại, mượn đại một chiếc xuồng của ai đó dẫn xe 67 xuống và bơi qua sông, nhờ vậy mà xe 67 còn đến giờ.


Mờ sáng hôm sau, cùng Ba núp bên này sông nhìn qua chợ Tân Phú thấy cháy nhà mình, cháy dài lên đến chái bếp của Ngoại thì tắt. Sau này nghe nói cây dừa bên chái bếp ngã đè dập tắt đám cháy, nên nhà Ngoại không cháy, hay là do ông Ngoại thổi tắt ?.

3. Lần thứ 3, không nhớ rõ vì khi đó còn nhỏ, chỉ có mình tôi với bà Ngoại (hay là có cậu Dứt nữa thì không nhớ). Cũng di tản xuống Phú Thuận, sau đó mấy bà cháu đi tắt đường đồng về nhà, dọc đường có máy bay quần trên đầu nên tôi phải lấy cái áo trắng đội đầu với ý nghĩ trẻ con là thấy màu trắng máy bay sẽ không bỏ bom. Còn nhớ, bà Ngoại khát nước, tôi phải bẻ lá cây gáo, vấn lại múc nước đìa cho Ngoại uống. Khi về nhà Ngoại, việc lấy áo trắng đội đầu thành giai thoại, mấy bà con ở xóm nhà Ngoại hay kể về việc này.

Nguyên

14 thg 4, 2010

MẸ VÀ MÁ - Vân Khanh

Bà Ngoại tôi sanh được nhiều lần, có cả trai lẫn gái. Nhưng Ngoại chỉ nuôi được hai người con gái là Dì Hai, chúng tôi gọi là Mẹ và Má - thứ Ba.

Ngoại kể lại: Mẹ rất khó nuôi, thuộc loại con cầu con khẩn, chiều đến chạng vạng là khóc suốt, dỗ thế nào cũng không chịu nín. Nếu lỡ có ai nói nặng lời là Mẹ nhắm mắt đến đôi ba ngày. Phải cầu khẩn, cúng kiến, Mẹ mới chịu mở mắt và thôi khóc. Còn Má thì dễ nuôi hơn nhiều, Ngoại ít cực khổ với Má hơn, luôn cả về sau nầy, khi Mẹ, Má cùng lớn lên cũng thế. Đến tuổi đi học, Mẹ chỉ đi học buổi sáng, buổi chiều Mẹ không chịu đi vì cho là trời nắng, nóng nực. Má thì không như vậy. Thuở ấy, khoảng năm 1930, trường làng chỉ có đến lớp ba. Muốn học lên cao hơn phải lên Tân Châu, quận lị, mới có trường. Với chiếc xe đạp, ngày hai buổi đi về gần ba mươi cây số, Má lên Tân Châu học xong bậc Tiểu học. Còn Mẹ thì ở nhà chơi nên Mẹ chỉ học đến lớp ba trường làng thôi (Mẹ thường căn dặn Má đừng kể cho các con của Mẹ biết chuyện nầy. Có lẽ đến bây giờ các em ấy cũng chưa từng nghe ai kể.)

Càng lớn, Mẹ càng đẹp và là một trong những thiếu nữ đẹp ở trong làng. Khuôn mặt bầu bĩnh, mắt hai mí, tròn, to, đen nhánh. Nước da bánh mật rất ưa nhìn. Mẹ có duyên trong cách ăn nói nhưng rất chân tình, không cầu kì và dễ tin người. Trong làng, những đám cưới, hỏi thường mời cho được Mẹ đi, có mặt Mẹ trong đám như là một vinh dự cho ngày vui trọng đại của họ. Nhiều người để ý Mẹ lắm, điều nầy cũng làm khổ cho Ông Bà Ngoại. Ngoại thường kể: Mẹ tắm cũng phải có người canh chừng bên ngoài nhà tắm. Sợ người ta rình trộm hoặc ăn cắp quần áo để làm bùa ngải (lúc nầy dân trí còn thấp, lại mê tính dị đoan) vì đã có lần bị như vậy. Là một cô gái đẹp, lại con nhà gia thế nên Mẹ muốn gì được nấy. Tiệm vàng Kim Nguyên ở Tân Châu có kiểu hàng nào mới về, nhắn tin cho hay là Mẹ bao xe ngựa lên mua ngay. Khi có Ông Bà Ngoại ở nhà thì xin tiền, còn không thì xúc lúa bán để mua cho được những kiểu nữ trang mới lạ đó. Má chúng tôi không đẹp bằng Mẹ, bù lại, Má học giỏi, biết nhiều, hiểu rộng, tính tình cương trực, sống bằng lí trí nhiều hơn. Má tiếp Ông Bà Ngoại trong việc làm ăn, buôn bán. Má gần gũi và cận kề bên Ông Ngoại nên được Ông tín nhiệm giao nhiều việc quan trọng trong gia đình. Ông Ngoại thường nói: Ông không có con trai, chính Má đã thay thế vị trí ấy nên Ông Ngoại không buồn nữa!

Mẹ và Má chúng tôi, tuy là hai chị em ruột mà từ hình dáng đến tính cách đều chẳng giống nhau chút nào, nếu không muốn nói là khác biệt nhau. Nhưng có một điểm chung duy nhất là cả Mẹ lẫn Má đều rất thương con quý cháu. Đấy, là một truyền thống quý báu trong gia tộc từ bao đời trước lưu lại cho đến ngày nay.
(Còn tiếp)

Tân Châu 13-4-2010
VÂN KHANH

QUÁN QUÊ - PhanVân

Từ tỉnh lỵ Tân Châu, chiếc xe chở khách cà tàng gồng mình chở khách bộ hành leo trên những đoạn đường nham nhở lởm chổm đá theo tỉnh lộ 941 chạy cập theo nhánh nhỏ của sông Tiền hướng về Hòa Hảo thủ phủ của Phật Giáo Hòa Hảo.

Trên suốt chuyến hành trình , xe phải thưởng xuyên dừng để nhận và trả khách, mỗi ngày chỉ có 2 chuyến xe loại 50 chổ ngồi chạy suốt từ Tân Châu đến Hòa Hảo, có công việc cần đi người dân phải đứng đón xa hàng giờ đồng hồ. Nếu có công việc gấp thường người dân có thể phải đón xe lôi thùng (xe pho-lít gắn thêm một cái thùng phía sau chở được thêm khoảng 10 người ), loại xe này rất thông dụng ở cái xứ cù lao này vì nó cơ động, rẻ tiền, giá cả một lần lên xuống cũng rất hợp lý, tùy theo đoạn đường đi xa hay gần, không có giá nhất định và cũng còn phụ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của mỗi bác tài. Xe luôn được mở “máy điều hòa thời tiết” tùy theo mùa mà hành khách được chế độ điều hòa nắng, mưa, gió, bụi giống như bác tài. Cái thú ngồi xe pho-lit là có thể ngắm nhìn tất cả phong cảnh hai bên đường .
Bến xe pho-lít được đặt ở ranh làng, cây số 1 ở phía Tân Châu. Bến cuối cùng của các xe pho-lít là chợ Phú Lâm. Sau quãng đường dài 15km từ Tân Châu đến Phú Lâm, Khi bước xuống xe du khách sẽ bắt gặp một loại hình chợ nông thôn đặt trưng của người dân nông thôn Nam bộ hiền hòa chân chất. Đó là chợ Phú Lâm, từ chợ đi ngược về hướng Tân Châu khoảng 20m nhìn phía bên trong đường sẽ thấy một quán nước. Quán không rộng lắm. Cách bày trí trong quán cũng đơn giản, một quầy pha chế đặt phía bên trái, phía sau là 1 cái bàn dùng để bào nước đá. Bên phải có kê một bàn dài bằng gỗ thao lao phía trong, còn một cái bàn bằng sắt dùng để ăn cơm, buổi tối thì dùng để bán nước cho khách. Trên hai bên tường có vài bước tranh được vẽ trực tiếp lên tường treo trường phái lập thể của Picasso. Phía giữa nhà, một cái tủ kiếng trong đó có trưng bày một số áo cưới cô dâu, được bái trí một cách chuyên nghiệp. Ban ngày quán không hoạt động nên phía sân trước có mái che bằng tôn tráng kẽm được dùng vào việc khác như cho mấy cô bán hàng cá để nhờ xe đi lấy hàng ở cầu tàu hay mấy bác tài xe pho-lít để xe chờ tới lượt để lên đường. Nhưng quán có một thứ đển bán vào ban ngày là rượu nếp than. Loại rượu này được pha chế theo công thức riêng, có vị ngọt cửa nước cốt được chiết suất từ nếp than, vị nồng của rượu đế được chưng cất rất cẩn thận. Rượu nếp than dễ uống, rất tốt cho sức khỏe, nam nữ đều dùng được.
Quán bắt đầu hoạt động từ 6h tối, thức uống của quán báo gồm các loại trái cây và nước đá bào nhuyển bỏ chung vô máy xay là có các loại thức uống hợp khẩu vị với mọi người mà người ta thường gọi là sinh tố. Trong quán cũng có bán kem tươi.
Sau một ngày lao động với ruộng vườn, những đôi nam nữ thanh niên thường hẹn hò đến quán để tâm sự vì quán thoáng mát và âm nhạc hợp thị hiếu người nghe. 
Hình chụp năm nào mà chưa có út Huệ? 1962?

Chủ quán là 2 vợ chồng già người Tàu, người chồng dáng nhỏ người, da sáng, có cặp mắt sáng , tóc chẽ ngôi giữa đã ngã bạc nhưng tính cách rất nhanh nhẹn và lãng tử, ông thường đi chiếc xe gắn máy cổ của những thập niên 50, mặc áo thể thao nhưng ít khi nào chịu kéo dây kéo - đó là phong cách lãng tữ của ông. Người vợ thì trái ngược hoàn toàn với ông, rất ít nói, kín đáo, ít khi lớn tiếng với những người trong nhà, dáng người to cao, dáng vẽ hơi thô, với cái lưng hơi tôm khi gặp tạo cho ta một cảm giác dễ gần thân thiện. Phụ giúp trong nhà là 3 người con gái, cô nào cũng đẹp và dễ mến có thể nói là có hạng ở cái chợ Phú Lâm này, họ lúc nào cũng quanh quẫn bên ông bà .
Thỉnh thoảng tôi cũng được ba mẹ bỏ lên xe gắn máy vượt 15 cây số ghé quán uống sinh tố hoặc ăn kem vào cuối tuần. Tôi rất thích kem ở quán này vì ông chủ quán luôn chiều theo khẩu vị của tôi, Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ tên quán. Quán nỗi tiếng một thời ở chợ Phú Lâm , ghé hỏi ai cũng biết. Quán sinh tố CHÚNG MÌNH. Dù quán đã đóng của từ lâu những tôi vẫn nhớ rất rõ từng chi tiết của quán sinh tố này. Tuổi thơ tôi cũng đã ít nhiều trải qua và lớn lên tại quán này. Ông chủ quán rất thương tôi và tôi cũng rất quí ông vì ông là Ông Ngoại của tôi.
Phan vân

ĐỂ SỬ DỤNG HAY ĐỂ YÊU THƯƠNG.

Trong khi 1 người đàn ông đang đánh bóng chiếc xe của ông ta, thì đứa con trai lớn 6 tuổi của ông ta nhặt lên 1 viên sỏi và vẽ nhiều đường lằn lên phía bên kia cạnh chiếc xe của ông ta.

Trong lúc giận dữ, người đàn ông đó đã nắm lấy bàn tay của đứa con và đánh mạnh nhiều mà không nhận rằng ông ta đang dùng 1 cái cờ lê vặn vít để đánh
Kết quả là trong bệnh viện, đứa con trai của ông ta đã mất đi hết các ngón tay của mình do quá nhiều chỗ gãy.
Khi đứa con trai nhìn thấy đôi mắt bố mình biểu lộ sự đau đớn, đứa bé bèn hỏi: “Bố ơi ! Khi nào các ngón tay của con mới có thể mọc trở lại ?”
Người bố cảm thấy rất đau đớn và không nói được lời nào; ông ta trở lại chiếc xe của mình và đá nó thật nhiều.
Trong khi đang bị lương tâm dằn vặt và đang ngồi đối diện phía hông của chiếc xe đó, ông ta chợt nhìn thấy những vết xước do chính đứa con trai của ông ta đã vẽ rằng: “ Bố ơi ! Con yêu Bố nhiều lắm !”
Và 1 ngày sau đó, người đàn ông đó đã quyết định tự sát….
Cơn giận và Tình yêu không bao giờ có giới hạn; nên xin hãy chọn Tình Yêu để có được 1 cuộc sống tươi đẹp và đáng yêu, và xin hãy nhớ điều này:
Đồ vật thì để sử dùng, còn con người thì để yêu thương.
Vấn đề của thế giới ngày nay thì ngược lại: con người thì để sử dụng, còn đồ vật thì để yêu thương.

Hãy luôn cố nhớ những ý nghĩa này nha:
Hãy cẩn thận với những ý nghĩ của bạn, vì bạn sẽ nói chúng.
Hãy cẩn thận với những lời nói của bạn, vì bạn sẽ thực hiện chúng.
Hãy cẩn thận với những hành động của bạn, vì chúng sẽ là thói quen của bạn.
Hãy cẩn thận với những thói quen của bạn, vì chúng sẽ là cá tính của bạn.
Hãy cẩn thận với những cá tính của bạn, vì chúng sẽ quyết định số mệnh của bạn.

CHÚC BẠN LÀ NGƯỜI LUÔN HẠNH PHÚC!

10 thg 4, 2010

QUÊ NGOẠI TRÊN ĐƯỜNG VỀ

Nguyễn Du viết”Thanh minh trong tiết tháng ba” thế mà năm nay, Thanh minh lại nhằm ngày 21 tháng 2 âm lịch. Bất thường là vậy, nhưng vẫn giữ đúng thông lệ hằng năm, các em tôi từ SaiGon, Long Xuyên cùng tập trung về Tân Châu từ hôm trước, để chuẩn bị đi tảo mộ. Mộ Ông Bà, Ba Má chúng tôi ở Phú Lâm quê Ngoại. Cách Tân Châu khoảng 15 cây số đường bộ.

Hồi xưa, muốn về nhà Ngoại phải đi bằng xe lôi đạp, sau nầy mới có xe hơi. Xe hơi ngày ấy ngắn hơn xe buýt bây giờ. Phía trước là ba hàng ghế ngang, phía sau là hai dãy băng bằng cây, đặt dọc hai bên thân xe. Ngay giữa xe cũng có hai băng ghế cho hành khách ngồi đâu lưng vào nhau. Thuở ấy,chúng tôi còn nhỏ nên thường được xếp ngồi ở đây. Mỗi lần xe thắng gấp hay ngừng đột ngột là bị đẩy về phía trước, dồn cục, va đầu vào nhau. Những khi xe đông khách,ngồi chật chội, ngột ngạt hơi người, khó thở vô cùng.


Hôm nay, chúng tôi rủ nhau cùng đi xe buýt. Ngồi trên xe buýt mát lạnh, có nhạc, có ti vi thoải mái vô cùng. Xã hội tiến bộ, con người cũng được hưởng lợi ích của sự phát triển đó. Xe qua từng vùng kỉ niệm của chúng tôi. Đây, chùa Giồng Thành, ngôi chùa cổ kính, tôn nghiêm, nơi mà Tết Nguyên Đán năm nào chúng tôi cũng đi xe lôi đến để lạy Phật cầu cho Ba Má làm ăn khá, chúng tôi học giỏi. Xe đi một lúc đến cây số 10, ở đấy có nhà người Cậu bà con, thỉnh thoảng Ba Má ghé thăm khi về Ngoại. Mỗi lần như thế, chúng tôi được ăn những trái nhản thơm ngọt, bẻ ở vườn nhà. Đến cây số 14 là gặp ngôi trường khang trang, sạch đẹp ,đó là trường Tiểu học Phú Lâm A, người dân còn gọi trường số 14. Tại nơi nầy, tôi đã về thực tập luyện tay nghề, chuẩn bị làm cô giáo đứng lớp giảng dạy. Đây cũng là ngôi trường mà chồng tôi, năm l962, được bổ nhiệm từ trường Sư Phạm Vĩnh Long về . Ngôi trường cũ với nhiều kỉ niệm thân thương!

Đối diện với trường Tiểu học Phú Lâm A, qua bên kia đường là Chùa thờ Ông Quan Đế, chúng tôi quen gọi là Chùa Ông Ngoại. Vì chính Ông Ngoại chúng tôi là người đứng ra xây dựng ngôi Chùa nầy từ trước năm 1945. Má tôi kể lại: Khi nghe nói, có một pho tượng trôi sông, tắp vào bến ở xóm trên, dù người ta xô ra nhiều lần vẫn tắp mãi vào bờ. Ông Ngoại đến xem. Đó là tượng Ông Quan Đế được làm bằng tre, có lẻ xuất xứ từ bên Tàu. Ông nghĩ, chắc pho tượng này muốn an vị tại đây. Ông bèn cho người đi mua nhang đèn, bộ tam xên, trái cây, bày ra và thành tâm khấn lạy. Rồi cho thỉnh tượng lên, mua đất lập miếu (chùa) thờ. Ngôi chùa ấy nằm cặp bờ sông Cái Vừng. Mặt tiền quay về hướng chợ Tân Châu, vách xây bằng gạch, mái chùa lợp ngói. Chùa không lớn lắm, nhưng rất ấm cúng. Tết năm nào về quê, Ba Má cũng ghé cúng chùa trước rồi mới về nhà Ngoại.

Còn non cây số nữa là đến nhà Ngoại (bây giờ là Phủ Thờ). Tuy tim không đập thình thịch trong lồng ngực, khi xe đò chạy gần đến nhà Ngoại như ngày thơ bé. Nhưng bây giờ, trong lòng cũng có cảm giác xuyến xao. Nhìn kĩ bên đường, xe qua một cua quẹo rồi hai cua quẹo, tôi khều em nói nhỏ: Tới nhà Ngoại rồi kìa. Nó cải lại: chưa đâu, chỉ mới tới nhà dì Út Bé thôi. Cũng vừa lúc ấy, cô nhân viên nhà xe nhắc: Ai xuống trạm bưu điện, xuống xe !. Nhà Ngoại trên trạm một tí. Mấy chị em lục đục khuân đồ đạt đi ngược lên, vừa đi vừa cười tít toát. Nếu không có trạm dừng, chắc mấy chị em ngồi xe tới chợ Tân Phú luôn.

Đọan đường quen thuộc,bao nhiêu lần qua, bao nhiêu lần lại nhưng quê Ngoại trên đường về Thanh minh năm nay, đã làm sống lại những ký ức tuổi thơ của chị em tôi cách nay hơn nưả thế kỉ.

Kỉ niệm Thanh minh 05-4-2010
VÂN KHANH


Xe Follis của hảng Sachs (Đức)


6 thg 4, 2010

CHUYỆN HỌ NGUYỄN

Bà Ngoại gọi Ô Giám là ông Nội
Ông NGUYỄN VĂN GIÁM làm quan Án Sát triều Nguyễn, gặp vợ ở Huế, sinh được 8 người con gồm 2 trai (Hai Biện Kiên, Tư Nhường).

Ông Giám là chủ cuộc đất ở Chợ Tân Phú thuộc xã Phú Lâm, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Con cháu 5 đời của cụ Giám vẫn đang sống ở Phú Lâm.


PHẢ HỆ ĐỒ CHƯA HOÀN CHỈNH NHƯ SAU

+ Cố tổ: Ông NGUYỄN VĂN RẠNG (mộ đá tàng ong sau nhà cậu 3 Nghĩa)

 
+ Con cụ Rạng là ông NGUYỄN VĂN THỌ và bà cũng tên Thọ, chết chôn sau Hội đồng xã chợ Tân Phú
 

+ Con ông Thọ là NGUYỄN VĂN GIÁM, làm quan Án Sát triều Nguyễn, cưới vợ ở Huế (gọi là bà Ba), bà chết chôn ở sau nhà bà 9 Chơi (mộ cổ), không chôn gần Ông Giám vì con gái dành nuôi mẹ . . . . .. (cần tìm hiểu thêm).
 

Ông Giám và bà Ba sinh được 8 người con gồm 2 trai (Hai Biện Kiên, Tư Nhường - là ông Cố) và sáu gái như dưới đây:

1. Con thứ 2: HAI BIỆN KIÊN có vợ là bà Đặng Thị Hiền
Có các con sau:
- Con đầu: Mẹ hay là ba của cậu sáu Nô.
- Con thứ 3: NGUYỄN KIM LONG (Tự là 3 Vua) Có con là , …Út Quy
- Con thứ 4:
- Con thứ 5: Bà Năm Anh (chồng tên Kháng) và có 2 con anh 4 Tằng -đã ở Mỹ- với chị 2 Nẳng). Kháng chết, lấy chồng sau tên Phán Đệ quê ở Vịnh Đồn (quận Tân Châu) mà làm việc ở Sung Chen (Kampuchia).
Chị 2 Nẳng có chồng tên Kỉnh là Trưởng ty Quan Thuế Tân Châu, có 2 người con tên Yến và Thanh khá giả đang sống ở SàiGòn
- Con thứ 6: Bà Sáu Trâm là má của dì 2 Mẫu Đơn, Cậu 5 Trai., . .

2. Con thứ 3: NGUYỄN THỊ KIỀU (có chồng ở Bù Húc) ngụ tại xã Phú Lâm
Con bà Kiều là ông Ba Tưu ở sau đất nhà Ngoại (chết) và ông sáu Xom ở sau nhà cậu út Dứt (chết), Con Út: Bị bệnh tâm thần.

3. Con thứ 4: NGUYỄN VĂN NHƯỜNG - có vợ là bà BÙI THỊ BÈ.

Vì là con trai thứ 4, không được quản lý đất hương hỏa nên bỏ đi làm ăn giang hồ xa xứ, mua bán trâu bò nên chắc là giỏi võ, Dắt vợ con đến Bạc Liêu định nhờ em gái thứ 9 giúp đỡ làm ăn, nhưng chết ở đó năm 35 tuổi. Chôn chồng ở Bạc Liêu xong bà Tư (BÈ) - dắt con từ bạc Liêu về xã Phú Lâm ở chung đất với ông 7 UYÊN một thời gian (7 Uyên là ba ông 6 Khánh. Ông 7 Uyên là cháu gọi ông Giám bằng Cậu, vì vậy anh em ông 6 Khánh thân với Ngoại)– sau đó là ở chỗ nhà ông 5 (cậu 3 Nghĩa) … (phải tìm hiểu tiếp . . .)

Ông tư Nhường và bà Bè sinh ra 5 người con (ngụ ở xã Phú Lâm) là:
3.1. Nguyễn-Thị-THẢNH (1900-1988) có chồng là Trương Kim Hố (1895 -1955)
Có 2 con là Ngọc Công (1920- ) và Ngọc Hương (1924-2000)
3.2. Nguyễn-Thị-XƯA, không con nên Xin cậu 2 Dư làm con nuôi
3.3. Nguyễn-Văn-Trân: Có Hai con là Nguyễn Hoàng và Nguyễn Uông (chết)
3.4. Nguyễn-Văn-Chỉnh (1905-1960). Có 5 con là:
Nguyễn Thị Yến (chết) - Nguyễn Hoàng Nghĩa (chết) - Nguyễn Hữu Đức
(chết) - Nguyễn Hồng Thu - Nguyễn Hồng Loan
3.5. Bà Sáu Xuân: Nhà nghèo nên cho người quen ở Bạc Liêu làm con nuôi đến nay
-------------------------------------


4. Con thứ 5: Bà TÝ chồng là Đặng Văn MẬU : Có 2 con là bà Hai Chiếu và bà tư Thững (ở Châu Đốc)

5. Con thứ 6: Nữ đã chết hồi nhỏ

6. Con thứ 7: tên TIỀU (Gái) ngụ tại xã Phú Lâm, không có con. Gặp và có chồng quê ở Quảng Ngải vô Nam. Cất nhà ở cây Me (kế Ông 7 Uyên) xã Phú Lâm.

7. Con thứ 8 : Nguyễn Thị LÃM (Gái) : Chồng là Trương Yêm người Triều Châu, nhà bán tạp hóa lớn, kêu là bà 8 Tiệm . Có con gái thứ tư lấy chồng tên Từ Hải Thọ (thầy giáo)
Có con gái thứ sáu có chồng là 3 Đởm làm sở hoạ đồ Cần Giuộc

8. Con thứ 9 (con út ông Giám): Nữ ngụ ở Bạc Liêu: Có đứa con trai tên là Hai Sẽn.





MỘT SỐ HÌNH ẢNH DO CHỊ KHANH CẤT GIỮ
Chị Khanh - Hằng và 2 người giúp việc
Ngoại, Mẹ, Má và các con
Gia đình lúc chưa có út Huệ
Mới có 5 chị em thôi!
Ba và 2 con trai
Hằng - Sĩ - Nguyên

2 thg 4, 2010

BÀ NGOẠI , MỘT TẤM LÒNG BAO LA

Kỉ niệm lần giổ thứ 22 của Bà Ngoại.

Ngoại và anh chị Hai


Thời gian trôi qua, chị em tôi lớn dần theo ngày tháng bằng hạt cơm của Ngoại. Chúng tôi càng đông thì Ngoại càng vui vì được nhiều con cháu hơn là gánh nặng phải cưu mang. Ngoại lên thăm chúng tôi thường xuyên hơn.

Ngoại nói, lúc nào Ngoại có một gói quần áo luôn để sẵn trong tủ, khi nghe các cháu có chuyện thì đi ngay, khỏi mất thời gian soạn đồ. Không như Má tôi, có chút việc gì Mẹ cũng nhắn Ngoại lên. Lúc ấy, chúng tôi còn quá nhỏ, chưa biết gì, thấy Ngoại lên thường càng thích, vì được Ngoại cho thêm tiền ăn quà bánh.Tôi còn nhớ, Ngoại xếp tiền làm tư theo thứ tự lớn nhỏ rồi gói bằng miếng giấy dầu cho đừng bị ướt, bên ngoài còn quấn sợi dây thung bỏ vào áo túi rôì cài kim tây lại, lần nào gặp chúng tôi , Ngoại đều cho tiền, khi thì năm cắc lúc thì một đồng.
Có lần đứa em (con của Mẹ), thấy Ngoại đang nằm nghĩ trưa, nó len lén lấy mền đắp ngang bụng Ngoại, chui vào giả bộ ngủ, rồi mò mẫm gói tiền của Ngoại, chôm được 1 đồng nó tuồn ngay. Ngoại hay, nhưng vờ như không biết cho đến lúc nó tự khai ra . Ngoại cười. Nụ cười thích thú, bao dung, độ lượng. Ngoài ra, hàng tháng Ngoại còn đều đặn gửi tiền lên Saigon để nuôi hai cháu gọi bằng cô (con của Ông Năm) ăn học cho đến khi đỗ đạt thành tài. Bây giờ nghĩ lại thương Ngoại biết bao! Một đời Ngoại nhọc nhằn vì cháu vì con.
Hồi chưa có than đước, người ta phải dùng củi nấu nướng. Để tiết kiệm, Ngoại mướn người ta đốn những cây me nước sau vườn nhà, cưa đoạn thành củi, chất xuống ghe chèo tay chở lên tận nhà cho con. Những việc nặng nhọc như hạ cây, cưa, đốn, chẻ củi, Ngoại đều mướn người làm. Còn sắp củi lên cự Ngoại tự làm lấy vì Ngoại cho là việc nhẹ. Nghe nói lại, có khi Ngoại làm ráng đến khuya, quên cả cơm nước. Nghe thế, Má nóng ruột. Khóc! năn nỉ Ngoại bớt việc để giữ gìn sức khoẻ nhưng Ngoại vẫn thế. Có lẻ tính tiết kiệm, cần cù đã ăn sâu vào Ngoại từ thuở thiếu thời chăng ?
Hơn mười đứa cháu của Ngoại lớn dần, thì sức khoẻ của Ngoại cũng giảm đi. Căn nhà cũ, cũng theo thời gian mà xuống cấp. Đã đến lúc phải chỉnh trang lại và cũng để cho gọn gàng, ấm cúng hơn.. Từ việc dở đi ngôi nhà lầu cũ kĩ, cây ván hư hao, đến việc xây lại căn nhà tường khang trang ấm cúng. Vẫn chỉ một mình Ngoại, chỉ một mình Ngoại với bao công việc bộn bề. Có lẻ nhờ đã quen cai quản cơ nghiệp từ trước, cùng với bản tính cần cù chịu thương, chịu khó nên việc gì Ngoại cũng làm được, cũng vượt qua. Khoảng năm l963, ngôi nhà hoàn thành,cũng trên phần đất cũ nhưng lùi sâu vào phía sau hơn.
Lúc nhỏ, nhìn một cách bình thường mọi việc xãy ra, coi như nó tự nhiên như thế. Bây giờ, có thời gian chiêm nghiệm lại mới thấy tấm lòng của Ngoại thật bao la như biển trời lay láng, có nói thế nào cũng không diễn đạt được hết những ân sâu. Xin Ngoại nhận cho, lòng tôn kính thiêng liêng dù có một chút muộn màng của tất cả chúng con.


Vân Khanh - Tân Châu 30-3-2010

Trịnh Công Sơn

Diễm của những ngày xưa

Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường đại học văn khoa ở Huế.

Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não. Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế người còn gái ấy đi qua nhòa nhạt trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt.

Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường.

Từ balcon nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận. Thời buổi ấy những người con gái Huế chưa hề dùng đến phương tiện có máy nổ và có tốc độ chóng mặt như bây giờ. Trừ những người ở quá xa phải đi xe đạp, còn lại đa số cứ đến trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung. Đi để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm thầm trong lòng, mình là một nhan sắc. Nhan sắc cho nhiều người hoặc chỉ cho một người thì có quan trọng gì đâu. Những bước chân ấy từ mọi phía đổ về những ngôi trường với những cái tên quen thuộc, đôi khi lại quá cũ kỹ.

Đi để được những con mắt chung quanh nhìn ngắm nhưng đồng thời cũng tự mình có thì giờ nhìn ngắm trời đất, sông nước và hoa lá thiên nhiên. Long não, bàng, phượng đỏ, muối, mù u và một giòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn thanh khiết. Huế nhờ vậy không bao giờ cạn nguồn thi hứng. Thành cổ, đền đài, lăng tẩm khiến con người dễ có một hoài niệm man mác về quá khứ hơn và một phần nào cũng cứu rỗi cho con người ta khỏi vành đai tục lụy. Và từ đó Huế đã hình thành cho riêng mình một không gian riêng, một thế giới riêng. Từ đó con người bỗng đâm ra mơ mộng và ước mơ những cõi trời đất như không có thực.

Nhưng thật sự thực và mơ là gì? Thật ra, nói cho cùng, cái này chỉ là ảo ảnh của điều kia. Và với những ảo ảnh đó đã có một thời, khá dài lâu, những con người lớn lên trong thành phố nhỏ nhắn đó đã dệt gấm theo hoa những giấc mơ, giấc mộng của mình. Đó cũng là thời gian mà mỗi sớm tinh mơ, mỗi chiều, mỗi tối, tiếng chuông Linh Mụ vang xa trong không gian, chuyền đi trên dòng sông để đến với từng căn nhà khép hờ hay đang đóng kín cửa.

Thời gian trôi đi ở đây lặng lẽ quá. Lặng lẽ đến độ người không còn cảm giác về thời gian. Một thứ thời gian không bóng hình, không màu sắc. Chỉ có cái chết của những người già, vào mùa đông giá rét, mới làm sực tỉnh và bổng chốc nhận ra tiếng nói thì thầm của lăng miếu, bia mộ ở những vùng đồi núi chung quanh.

Trong không gian tĩnh mịch và mơ màng đó, thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng liêu trai, người con gái ấy vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến trường. Đi đến trường mà đôi lúc dường như đi đến một nơi vô định. Định hướng mà không định hướng bởi vì những bước chân ngày nào ấy dường như đang phiêu bồng trên một đám mây hoang lạc của giấc mơ.

Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn. Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi.

Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là Diễm của những ngày xưa.

* Trịnh Công Sơn


1 thg 4, 2010

Nguồn gốc của Trò chơi Trí Uẩn

Bài trên Dam Thanh Son's Blog (http://damtson.wordpress.com)
Chắc nhiều người lớn lên ở Việt Nam những năm sau 1975 còn nhớ “Trò chơi Trí Uẩn”.

Tôi nhớ bố tôi mua bộ trò chơi này ở Bách hóa Tổng hợp ở Hà Nội. Bộ này gồm có 7 miếng gỗ và một quyển sách nhỏ, mỗi trang in 1-2 hình, tổng cộng có 100 hình. Những hình này kiểu như silhouette, người chơi phải xếp 7 miếng gỗ lại để thành những hình đó. Ở bìa sách ghi “Trò chơi Trí Uẩn – Bảy miếng nghìn hình”. Tôi nhớ mình vẫn thắc mắc còn 900 hình kia đâu. Dưới mỗi trang là 1-2 câu thơ, làm thành một bài thơ rất dài, bắt đầu là :

“Sử vàng nước Việt Nam ta
Viết bằng lưỡi kiếm chói lòa chiến công (hình thanh kiếm)
Hai nghìn năm trước, bà Trưng
Cưỡi voi ra trận lẫy lừng trời Nam (hình người cưỡi voi)
Năm ba mươi, trống Nghệ An
Xua tan đêm tối, giang san ửng hồng (hình như là hình cái trống)
Thu về, cách mạng thành công (hình như có một hình gì đó ở đây)
Búa liềm chung sức đồng lòng tiến lên (hình búa liềm)…”

Mỗi hình được gán với một số điểm nhất định, hình nào dễ là 5-10 điểm, hình khó có thể tới 500 điểm. Số điểm này, theo giải thích trong sách, là số phút trung bình để giải ra hình đó.

Tôi nhớ có hai hình khó, mỗi hình 500 điểm ở trên cùng một trang sách, đó là chân dung nhìn nghiêng của Marx và Lenin (câu thơ ở dưới: “Sáng ngời Đảng Mác Lê-nin dẫn đường”).

Bộ đồ chơi này gây ấn tượng rất mạnh với tôi. Lúc lớn lên không có mấy ai chơi trò này nữa, và bộ đồ chơi này ở nhà tôi cũng đã thất lạc từ lâu, nhưng tôi vẫn nhớ như in cách xếp 7 miếng gỗ của Trò chơi Trí Uẩn thành một hình chữ nhật, tỷ lệ 4×5. Đó là cách xếp trong hộp lúc mới mua về:

Nhưng nguồn gốc của trò chơi Trí Uẩn là ở đâu? Từ trước đến nay tôi chỉ tìm được trò Tangram là có vẻ gần với trò chơi Trí Uẩn nhất. Tangram cũng có 7 miếng, nhưng hình dạng các miếng khác so với Trí Uẩn.

Gần đây tìm hiểu về Tangram trên mạng tôi tình cờ tìm được website sau đây: Tangram and Anchor Stone puzzles

Các bạn vào website trên và nhìn ảnh Puzzle No. 10, “Kreuzspiel”, và sẽ thấy nó giống hệt bộ trò chơi Trí Uẩn. Theo tác giả website này thì những bộ này được một hãng của Đức sản xuất cuối thế kỷ 19. Nếu như vậy thì chắc là ông Trí Uẩn lấy bộ này để làm ra những hình trong bộ trò chơi của mình.

Tôi hoàn toàn không có ý định hạ thấp uy tín của ông Trí Uẩn — trái lại, tôi chắc là những hình như búa liềm, Marx hay Lenin không thể có trong bộ trò chơi của Đức sản xuất cuối thế kỷ 19 kia, và chắc phần lớn các hình trong số 100 hình tôi xếp hồi bé là do ông Trí Uẩn nghĩ ra. Nhưng tôi nghĩ, ta cũng nên xác định cho đúng lịch sử của trò chơi này: người ta đã chơi nó từ trước đây rất lâu.

Trò chơi Trí Uẩn đã được xuất bản lại ở Việt Nam (google “Trò chơi Trí Uẩn” là ra). Bộ này với tên “Lucky Puzzle” có bán ở một website ở Canada (bằng nhựa), và ở Nhật (bằng gỗ).
--------------------

Đàm Thanh Sơn sinh năm 1969 tại Hà Nội giữa lửa đạn chiến tranh, trong một gia đình trí thức nhiều đời. Cha anh là giáo sư dược học Đàm Trung Bảo; mẹ là phó giáo sư, tiến sĩ sinh hoá Nguyễn Thị Hảo; chú ruột là giáo sư vật lý Đàm Trung Đồn. Chịu ảnh hưởng của chú, ngay từ thuở nhỏ, Sơn đã nuôi mơ ước học toán thật giỏi để về sau trở thành một nhà vật lý lý thuyết xuất sắc.

Khi mới lên lớp 2 (tương đương lớp 3 hiện nay) Trường cấp 1-2 Bà Triệu, Sơn đã làm được những bài toán khó của lớp 10 (nay là lớp 12). Nhận được báo cáo của trường, Sở Giáo dục Hà Nội liền cử người đến kiểm tra, xác nhận Sơn quả thật có năng khiếu đặc biệt về môn toán, do đó, đi đến một quyết định đặc cách đúng đắn: cho phép Sơn học nhảy.

Lên cấp 3, Sơn được tuyển vào học ở Khối phổ thông chuyên toán Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. 15 tuổi, Sơn giành Huy chương vàng toán quốc tế với số điểm tuyệt đối tại Prague (CH Czech).

Sang Liên Xô, Sơn vào học Khoa Vật lý Đại học Lomonosov, tốt nghiệp bằng đỏ, được chuyển tiếp viết luận án tiến sĩ. Ra trường, Sơn vào làm việc tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Matxcơva. Liên Xô sụp đổ, thấy Sơn rất có triển vọng, giáo sư viện trưởng Valery Rubakov khuyên Sơn nên sang Mỹ để có điều kiện phát triển tài năng tốt hơn.

Những năm đầu đến Mỹ, anh làm việc tại Đại học Columbia, New York, trong nhóm nghiên cứu của giáo sư Chung-Dao Lee (Lý Chính Đạo), nhà bác học người Mỹ gốc Hoa, từng đoạt Giải thưởng Nobel về vật lý năm 1957. Mấy năm sau, anh chuyển đến Đại học Washington ở Seattle bên bờ Thái Bình Dương, nơi khí hậu ấm áp, phù hợp hơn với một người vốn sinh ra ở vùng nhiệt đới như anh.

Đàm Thanh Sơn được giáo sư Trần Thanh Vân mời dự Gặp gỡ Việt Nam lần thứ nhất về vật lý hạt cơ bản và vật lý thiên văn, được tổ chức tại Hà Nôi cuối năm 1993, khi anh sắp bảo vệ luận án tiến sĩ. Những lần Gặp gỡ Việt Nam về sau, anh thường được mời tham gia Ban Chương trình cùng các nhà vật lý hàng đầu trên thế giới.
-----------------
Đàm Thanh Sơn - Tài năng trẻ xuất sắc trong làng vật lý thế giới

(Dân trí)- Thành công của GS Đàm Thanh Sơn chứng tỏ: Bộ óc người Việt không những có thể hiểu được những vấn đề tinh tế nhất, hiện đại nhất của khoa học hiện đại, mà còn đủ sức tự mình khám phá cái mới độc đáo, miễn là được làm việc trong môi trường tiên tiến nhất.

Từng đoạt huy chương vàng Olympic toán quốc tế năm 1984 tại Prague (CH Czech) với số điểm tuyệt đối 42/42 khi mới 15 tuổi, bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Lomonosov (LB Nga) năm 25 tuổi, Đàm Thanh Sơn hiện là giáo sư Đại học Washington ở Seattle (Mỹ).

Cách đây chưa lâu, anh cùng cộng sự công bố một công trình về lỗ đen trong không - thời gian 10 chiều trên tạp chí vật lý Mỹ hàng đầu Physical Review Letters gây tiếng vang thế giới.

Các tạp chí thông tin khoa học có ảnh hưởng rộng như New Scientist (tháng 4/2005), Physics Today (tháng 5/2005) đều cho biết: Khám phá khoa học này, nếu được thực nghiệm hoàn toàn kiểm chứng, thì sẽ dẫn đến một định luật mới có tính phổ quát trong vật lý học.

Công việc thầm lặng của nhà khoa học trẻ

Công việc âm thầm của nhà khoa học khác với công việc của người mẫu hay diễn viên luôn phô bày dưới ánh đèn sân khấu chói loá; cũng chẳng giống công việc của anh nhà báo hay chị dẫn chương trình truyền hình, tên họ, bút danh luôn hiện rõ trước mắt công chúng.

Nhà khoa học thường công bố công trình của mình trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế - hầu hết bằng tiếng Anh - chỉ những chuyên gia thuộc ngành hẹp ấy mới mong đọc hiểu! Chứ bạn đọc bình thường thì chẳng mấy ai "ngó ngàng" tới thứ ấn phẩm "kỳ bí" kia. Cho nên có nhiều nhà khoa học rất giỏi, rất nổi tiếng trong giới chuyên môn hẹp, nhưng dư luận xã hội rộng rãi chẳng hề chú ý tới.

Ngược lại, không ít người được cả xã hội biết tiếng - do xuất hiện đều đều trên báo, đài với danh xưng rất kêu - nhưng không hề được giới chuyên môn "tâm phục, khẩu phục"!

Đàm Thanh Sơn thuộc nhóm người thứ nhất. Tuy không phải là một chuyên gia vật lý lý thuyết, nhưng vào dịp đầu xuân 2008, tôi vẫn cảm thấy muốn viết đôi điều về công trình có tính khám phá, rất tinh tế, "cao siêu" của Đàm Thanh Sơn, sao cho lột tả được phần nào bản chất của công trình ấy, mà không "thô kệch hoá", nhằm làm cho bạn đọc chú ý nhiều hơn tới công việc thầm lặng của nhà vật lý trẻ tuổi này cũng như của giới khoa học nói chung...

Kết hợp hai lý thuyết nền tảng

Những ai đã học qua chương trình vật lý đại cương đều biết rõ: Trong tự nhiên chỉ có 4 tương tác cơ bản (hay còn gọi là 4 lực cơ bản) là tương tác hấp dẫn, tương tác điện từ, tương tác mạnh và tương tác yếu.

Lý thuyết tương đối rộng của Albert Einstein mô tả rất hay, rất chính xác tương tác hấp dẫn trong thế giới vô cùng lớn của vũ trụ. Còn lý thuyết lượng tử thì lại mô tả rất thành công ba loại tương điện từ, mạnh và yếu trong thế giới vô cùng nhỏ của nguyên tử.

Nhưng, điều đáng tiếc là dường như hai lý thuyết ấy không "ăn nhập" gì với nhau, mà chỉ tồn tại "bất đắc dĩ" bên cạnh nhau theo kiểu "đồng sàng dị mộng"! Làm thế nào để kết hợp hai lý thuyết nền tảng của vật lý học hiện đại đó trong một lý thuyết chung, thống nhất cả 4 lực (4 loại tương tác) thành một lực duy nhất?

Với tham vọng xây dựng thành công lý thuyết đại thống nhất (grand unification theory, GUT), không ít nhà vật lý sử dụng một công cụ toán học gọi là lý thuyết dây (string theory). Theo lý thuyết dây thì các hạt cơ bản của vật chất (như proton, neutron, electron,...) không phải là những điểm như nhiều người quan niệm, mà là những dao động khác nhau của một vật thể gọi là dây (string). Nét đặc sắc của lý thuyết dây là nó hàm chứa được cả lý thuyết tương đối rộng của Einstein, do đó, có thể thống nhất 4 tương tác, kể cả tương tác hấp dẫn. Và, như vậy, xác nhận tường minh được câu danh ngôn của A. Einstein: "Chúa không chơi trò xúc xắc!"

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đối với lý thuyết dây là chưa từng có một bằng chứng thực nghiệm nào chứng tỏ nó liên quan tới thực tại vật lý! Theo trải nghiệm của những người bình thường thì không gian chỉ có 3 chiều. Nếu gắn thêm 1 chiều của thời gian, thì không-thời gian cũng chỉ có 4 chiều. Nhưng, theo lý thuyết dây, thì không-thời gian có tới 10 chiều hoặc nhiều hơn nữa! Do lý thuyết này dự đoán rằng các chiều phụ đã cuộn tròn lại trong một mặt cầu có bán kính bằng một phần triệu tỷ tỷ tỷ (10-33) centimét! Cố nhiên, con người không sao nhận biết được cái mặt cầu "kỳ bí" kia. Bởi lẽ để thăm dò các chiều phụ cuộn tròn lại trong mặt cầu ấy, theo tính toán, cần phải xây dựng được một cỗ máy gia tốc có đường dẫn hạt dài bằng đường kính của cả dải Ngân Hà, tức là dài khoảng 100 nghìn... năm ánh sáng! Cố nhiên, một cỗ máy gia tốc khổng lồ đến cỡ ấy thì làm sao cái Trái đất bé xíu của chúng ta có thể "dung nạp" nổi?!

Xoá “đám mây mù” toán học dầy đặc

Vậy lý thuyết dây có ứng dụng thiết thực gì không? Hay chỉ là một thứ "trò chơi xa xỉ" của trí tưởng tượng toán học thuần tuý?

Năm 1997, Juan Maldacena, ở Đại học Harvard (Mỹ), bỗng đưa ra một giả thuyết mang tính cách mạng, theo đó, lý thuyết dây trong không-thời gian cong 10 chiều tương đương với lý thuyết trường lượng tử trong không-thời gian 4 chiều. Sở dĩ có sự tương đương đó là vì lý thuyết trường 4 chiều tồn tại trên một màng mỏng (membrane) nhúng trong không-thời gian 10 chiều!

Sử dụng thành tựu mới nhất của lý thuyết dây, những tính toán của Đàm Thanh Sơn đã tiên đoán đúng kết quả một thí nghiệm quan trọng của các nhà vật lý làm việc tại Máy gia tốc iôn nặng tương đối tính của Phòng thí nghiệm Quốc gia Brookhaven. Nhóm Brookhaven tuyên bố rằng có nhiều bằng chứng cho thấy trạng thái plasma quark-gluon đã được tạo ra, tuy nhiên, vật chất mà họ nhận được không phải ở thể khí như tiên đoán theo sắc động lực học lượng tử (quantum chromodynamics, QCD) - hiện vẫn được coi là chuẩn - mà lạ lùng thay lại ở... thể lỏng!

Đàm Thanh Sơn và cộng sự tiên đoán được rằng, nếu những plasma đó là có thật, thì chúng ắt phải ở thể lỏng gần như lý tưởng, với độ nhớt gần bằng 0. Điều thú vị là tính toán của Đàm Thanh Sơn và cộng sự khi sử dụng lý thuyết dây trùng khớp với kết quả thí nghiệm của Brookhaven - một cộng đồng vật lý thực nghiệm khổng lồ gồm 2.200 nhà bác học và kỹ sư. Như vậy là đã có bằng chứng cho thấy lý thuyết dây phù hợp với thực tại vật lý, chứ chẳng phải chỉ là một mớ suy luận quá ư phức tạp bị bao phủ bởi những đám mây mù toán học dày đặc!

Thành công của giáo sư Đàm Thanh Sơn ở Đại học Washington chứng tỏ: Bộ óc người Việt Nam ta không những có thể hiểu được những vấn đề tinh tế nhất, phức tạp nhất của khoa học hiện đại, mà còn đủ sức tự mình khám phá cái mới độc đáo, miễn là được làm việc trong môi trường khoa học tiên tiến nhất.

-----------------
Dân trí ghi thêm: Vào mùa hè tới, tại Hà Nội, sẽ diễn ra Olympic Vật lý quốc tế 2008 (viết tắt theo tiếng Anh là IPhO 2008), thu hút học sinh từ khoảng 100 nước và vùng lãnh thổ đến dự thi.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân được cử làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chuẩn bị và tổ chức kỳ thi. Nhà vật lý Mỹ J. Friedman, Giải thưởng Nobel, nhận lời mời làm Cố vấn cho kỳ thi.

Ba giáo sư vật lý người Việt Nam ở nước ngoài được mời tham gia Ban Tổ chức: Trần Thanh Vân, Trương Nguyễn Trân và Đàm Thanh Sơn. Trong ba vị ấy, anh Sơn là trẻ nhất.