QuocHung's Blog

19 thg 8, 2009

Đừng đặt dấu chấm hết cho sông mẹ Mekong

Chúng ta cũng cần sự ủng hộ của quốc tế để bảo vệ sự toàn vẹn sinh thái trên những con sông hoang dã cuối cùng. Hãy bắt đầu từ sông Mekong.
TuanVietNam xin giới thiệu bài viết của nhà báo, nhà tư vấn môi trường Fred Pearce trên tờ Yale Environment 360 về hiểm họa này. Ông là tác giả của nhiều đầu sách viết về môi trường trong đó có cuốn "Khi những dòng sông cạn dòng".


Sông Mekong bao đời nay đã chảy tự do, và là bầu sữa nuôi sống hàng chục triệu người dân Đông Nam Á. Thế nhưng, tổ hợp tám đập thủy điện mà Trung Quốc hiện đang xây dựng trên con sông dài 2800 dặm này sẽ cản trở dòng chảy tự nhiên và đe dọa làm khô kiệt bầu sữa ấy.

Những con tàu của hải quân Mỹ xuôi ngược trên sông giờ đã lùi vào dĩ vãng. Đồng bằng sông Mekong của ngày hôm nay thật yên bình. Vĩnh Long, nơi từng diễn ra những trận đánh ác liệt giữa quân giải phóng và Mỹ, giờ trở thành điểm du lịch lý tưởng. Với những khách du lịch phương Tây tìm đến các vùng xa xôi, hẻo lánh của đồng bằng rộng lớn này, có lẽ thứ nguy hiểm nhất là những chiếc máy ảnh và trận phục kích duy nhất là của những thương lái ở chợ nổi Cần Thơ.
Là một đất nước với nền kinh tế đang hiện đại hóa và phát triển nhanh, Việt Nam cũng như các nước láng giếng uống chung dòng nước Mekong không quên sự no ấm hiện thời một phần chính là nhờ con sông này. Thế nhưng, nghịch lý thay, giữa thời buổi thanh bình và thịnh vượng ấy, một trong những con sông nguyên sơ còn sót lại trên thế giới lại bị đe doạ.

Gần nửa thế kỷ chiến tranh và loạn lạc ở Đông Nam Á đã phủ bụi lên bản kế hoạch xây dựng tổ hợp đập thủy điện khổng lồ, bảo vệ con sông này trước những người kỹ sư xây dựng. Nhưng giờ đây, tất cả đang thay đổi. Hàng chục triệu người dân của khu vực này có lý do để lo sợ về những hậu quả nhãn tiền, bởi chẳng bao lâu nữa họ sẽ phải tận mắt chứng kiến bầu sữa nuôi dưỡng họ bị rút kiệt.

Tháng 10 năm 2008, các kỹ sư Trung Quốc đã hoàn thành xong công trình đập Tiểu Loan ở thượng lưu sông Mekong, thuộc tỉnh phía Nam xa xôi Vân Nam. Với chiều cao 292 m, ngang bằng với tháp Eiffel, hiện Tiểu Loan là con đập cao nhất thế giới. Từ mùa hè năm nay, đập sẽ bắt đầu thực hiện nhiệm vụ chặn đứng dòng lũ lớn đổ về từ dãy núi Himalaya và giữ lại lượng nước từ những cơn mưa lớn và tuyết tan trong hồ chứa dài 105 dặm. Đập sẽ chính thức sản xuất điện vào năm sau và dòng điện sẽ vươn tới tận những thành phố xa xôi như Thượng Hải cách đó 1.200 dặm về phía Đông.

Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ xây dựng tổng cộng tám con đập trên sông Mekong. Nếu đúng như dự kiến, đến năm 2014, các kỹ sư sẽ hoàn thành đập Nọa Trát Độ, con đập có chiều cao khiêm tốn hơn nhưng công suất hồ chứa lại lớn hơn nhiều so với đập Tiểu Loan. Vậy là, số phận của sông Mekong đã được định đoạt: Mekong sẽ trở thành tháp nước và tổ hợp nhà máy thủy điện mới của Trung Quốc.
Tổ hợp tám đập này có khả năng giữ lại một nửa lưu lượng của sông Mekong khi sông rời Trung Quốc và chảy xuôi dòng xuống Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Trong tương lai, những đợt lũ hàng năm sẽ được xả thường xuyên khi các turbine đi vào hoạt động. Khi đó, mực nước trên sông sẽ dâng và hạ theo ý thích bất chợt của các kỹ sư hơn là tự nhiên.
Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cuối tháng 5 vừa qua đã cảnh báo: tổ hợp tám đập này sẽ đe dọa đến sự sống còn và nguồn tài nguyên thiên nhiên của con sông. Chế độ trị thuỷ mới sẽ làm biến đổi chu kỳ lũ lụt hàng năm và phá hủy những hệ sinh thái đang sống nhờ dòng sông này.

Aviva Imhof, người phụ trách chiến dịch của Mạng lưới sông ngòi quốc tế, cho biết những con đập này sẽ gây thiệt hại nặng nề cho vùng hạ lưu. “Trung Quốc đang hành động thiếu trách nhiệm”, Imhof nhận định. “Hệ thống đập của đất nước này sẽ tàn phá hệ sinh thái của vùng hạ lưu sông Mekong cũng như vùng hồ Tonle Sap. Chúng gióng lên hồi chuông báo tử cho những ngư trường hiện đang nuôi sống hơn 60 triệu người.”
Hầu hết các chuyên gia ở các nước thuộc khu vực hạ lưu đều e dè khi chỉ trích chính sách của Trung Quốc. Tuy nhiên, tháng trước, giáo sư Ngô Đình Tuấn của Đại học Thủy lợi Hà Nội đã rất thẳng thắn khi trao đổi với các phóng viên trong nước: “Nếu Trung Quốc xây đập để sản xuất điện, tác động đầu tiên sẽ là sự sụt giảm đáng kể các tài nguyên nước. Đây là điều rất nguy hại đối với những người dân sống ở khu vực hạ lưu.”

Từ bao đời nay, sông Mekong là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá đối với con người và tự nhiên của khu vực Đông Nam Á. Tầm quan trọng của nó có thể sánh ngang với những khu rừng nhiệt đới Amazon. Con sông dài 2800 dặm này là ngư trường lớn thứ hai trên đất liền của thế giới, và là trụ cột chính của nền kinh tế khu vực trong hàng ngàn năm nay. Nó giúp người Campuchia, một trong những dân tộc nghèo nhất, trở thành những người có nguồn thực phẩm dồi dào nhất trên thế giới. Đây là kết quả trực tiếp của những cơn lũ mùa hè. Cụ thể, nó bắt nguồn từ một trong những đặc trưng của lũ sông Mekong - tạo ra dòng chảy ngược trên nhánh sông Tonle Sap.
Mặc dù chỉ là một phụ lưu ở Campuchia, nhưng Tonle Sap được coi là trái tim của cả hệ thống sông Mekong với nhiệm vụ điều hòa lưu lượng. Tuy nhiên, theo Mukand Babel, tác giả bản báo cáo của Liên hợp quốc và là thành viên Viện Công nghệ Châu Á ở Bangkok, Thái Lan, đây lại là một trong những điểm yếu nhất của hệ thống sông Mekong. Các con đập của Trung Quốc có thể nắm quyền kiểm soát trái tim này.

Suốt bảy tháng trong năm, sông Tonle Sap chảy từ một hồ nước ở miền trung Campuchia và hòa vào dòng sông chính phía trước cung điện hoàng gia ở Phnom Penh. Nhưng từ tháng 6 tới tháng 11, dòng chạy đó lại đổi hướng. Nguyên nhân của hiện tượng này là do những cơn lũ mùa hè làm tăng lưu lượng nước của sông Mekong tới 50 lần.

Lưu lượng nước quá lớn khiến dòng sông chính không thể chứa hết. Vì vậy, lượng nước này chảy ngược khoảng 125 dặm về hồ Tonle Sap rồi tràn ra những khu rừng xung quanh. Vào cao điểm của mùa mưa, dòng chảy ngược này hấp thụ 1/5 lượng nước của sông Mekong, khiến sông nhánh Tonle Sap bé nhỏ bỗng chốc trở thành một trong những dòng sông lớn nhất thế giới.
Trong suốt mùa lũ, những khu rừng ngập nước quanh hồ Tonle Sap trở thành “thiên đường” của ngành thủy sản sông Mekong. Dưới làn nước đầy phù sa len lỏi quanh những gốc cây là hàng tỷ con cá con đang lớn lên từng ngày. Rừng ngập nước Tonle Sap là một trong những hệ sinh thái dồi dào nhất hành tinh. Tháng 11 hàng năm, khi lũ lắng xuống, dòng Tonle Sap lại đổi chiều, chảy ra khỏi hồ và kéo theo hàng đoàn cá. Để kỷ niệm sự kiện này, từ thế kỷ 12, mỗi năm người Campuchia đều tổ chức một lễ hội nước rất lớn ở Phnom Penh. Trong những tháng sau đó, lũ cá sẽ ngược xuôi hàng trăm dặm trên sông Mekong, trở thành nguồn thực phẩm cho hàng trăm triệu người. 2/3 lượng cá trên sông Mekong bắt đầu cuộc đời của chúng từ hồ Tonle Sap.

Sản phẩm độc đáo nhất của ngành thủy sản sông Mekong là loại cá da trơn khổng lồ. Một con cá da trơn trưởng thành có thể dài tới 3 mét và nặng 1/3 tấn. Số lượng cá đang giảm dần, nhưng nhiều con vẫn đang ẩn mình dưới những hố sâu dưới đáy sông (có những hố sâu tới hơn 1 km) và thỉnh thoảng lại xuất hiện trong lưới của những ngư dân trên sông Tonle Sap.
Sự sống kỳ diệu của dòng sông hiển hiện trước những ngôi đền Angkor Wat tôn nghiêm. Angkor Wat, di tích của một nền văn minh rực rỡ cổ xưa cách đây 1000 năm, nằm ở bờ bắc hồ Tonle Sap, bên rìa những khu rừng ngập nước. Chính nghề cá trên sông Mekong đã duy trì nền văn minh này.

Sông Mekong khiến người ta nhớ về những dòng sông “nguyên thủy” ở thời mà hệ thống đập thủy điện còn chưa ra đời. 2/3 những dòng sông ngày nay, bao gồm hầu hết những dòng sông lớn nhất, đều có đập ngăn nước trên dòng chính. Trung Quốc đã xây đập trên những dòng sông lớn của Châu Á khởi nguồn từ Tây Tạng, bao gồm sông Hoàng Hà và sông Dương Tử. Hiện nay hai dòng sông này đã bị đập Tam Hiệp chặn lại.
Khi bị “thuần hóa”, những dòng sông trở nên nghèo nàn hơn về sản vật, nhưng sông Mekong là một ngoại lệ. Không dòng sông nào trên trái đất có dòng chảy linh hoạt như vậy. Về đa dạng sinh học và trữ lượng thủy sản, sông Mekong chỉ đứng sau sông Amazon. Không có dặm bờ sông Mekong nào mà không có người đánh cá. Khoảng 60 triệu người sống nhờ dòng sông này, trong đó có 3/4 dân số Campuchia, nơi - theo nhận định của Oxfam – “ngành thủy sản đóng góp rất lớn cho kinh tế và an ninh lương thực hơn bất cứ quốc gia nào khác”.

Tác động của các đập do Trung Quốc xây sẽ phụ thuộc vào cách vận hành nó. Nhưng theo quan trắc của những nhà thủy văn phương Tây, những con đập này sẽ làm giảm 1/4 lưu lượng nước ở hạ lưu sông Mekong, đủ để làm giảm một nửa lượng nước lũ ở Phnom Penh. Các nhà thủy văn đang tranh cãi liệu việc này có đặt dấu chấm hết cho dòng chảy ngược của Tonle Sap hay không. Tuy nhiên, chắc chắn là nó sẽ làm giảm lượng nước của các khu rừng ngập nước với nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với ngành thủy sản Mekong.

Trung Quốc chặn dòng chảy của sông mà không hề bàn thảo trước với các nước láng giềng. Năm 1995, Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan đã thành lập Ủy ban Sông Mekong như một diễn đàn để bàn luận về tương lai của dòng sông này. Trung Quốc chưa bao giờ tham gia và cũng chưa bao giờ đưa việc xây đập ra để bàn bạc với ủy ban này.
Trung Quốc không phải là “ông lớn” duy nhất của các dòng sông trên thế giới. Hãy hỏi người Iraq về việc xây đập của Thổ Nhĩ Kỳ trên sông Tigris và Euphrates, hay hỏi người Mexico về việc xây đập của Mỹ trên sông Colorado. Chúng ta rất cần pháp luật quốc tế bảo vệ những nước khu vực hạ lưu sông. Đây là điều Liên Hiệp Quốc đã nhất trí một thập kỷ trước nhưng chưa bao giờ thực hiện. Hơn nữa, chúng ta cũng cần sự ủng hộ của quốc tế để bảo vệ sự toàn vẹn sinh thái trên những con sông hoang dã cuối cùng. Hãy bắt đầu từ sông Mekong.

Dịch từ Yale Environment 360