QuocHung's Blog

17 thg 8, 2009

Dương Trung Quốc : Thiên nhiên nước ta giàu hay nghèo?

Đã một thời, học trò trên ghế nhà trường nghêu ngao lời giảng của thầy: "Nước ta rừng vàng, biển bạc, nhân dân cần cù". Rồi lại một thời người ta phê phán rằng dạy học trò như vậy là không đúng mà phải học nước Nhật Bản luôn dạy cho trẻ biết rằng nước mình nghèo để nuôi và giữ lấy cái chí phấn đấu và cái đức tiết kiệm.

Thú thực đến nay tôi cũng không biết tài nguyên là nước ta giàu hay nghèo. Nhưng điều chắc chắn là thiên nhiên nước ta không nghèo. Tây đánh rồi chiếm nước ta trước tiên vì thấy cái mỏ than ở bên bờ biển gần cảng nước sâu, từ đó có thể thâm nhâp vào vùng Tây Nam Trung Quốc và 2 vựa thóc ở hai đầu quốc gia cùng cả một dải bờ phơi lưng ra biển cả, ngay kề con đường hảng hải quốc tế mà một thời được ví là "con đường tơ lụa xanh".

- Cái mỏ than ấy khai thác đến nay vẫn chưa hết, sắp hết thì lại phát hiện cả một vùng than khổng lồ nằm ngay dưới lòng đồng bằng Bắc Bộ rộng lớn. Còn hai vựa lúa thì cuối thế kỷ XIX đã xuất khẩu gạo; còn đến nửa cuối thể kỷ XX chỉ cần biết "cởi trói" khỏi cách làm ăn tập thể thiếu dân chủ và khoa học của thời "cải tạo xã hội chủ nghĩa" là đã đứng vào "top" các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Từ cái cây cà-phê do mấy cố đạo mang từ phương xa đến trồng ngoài vườn để có thức uống theo tập quán, Tây đã nhận thấy cái chất đất màu mỡ để mở mang đồn điền, nhất là sau khi đặt chân được lên vùng đất đỏ badan Tây Nguyên, để giờ đây hội nhập với kinh tế thế giới Việt Nam đã là Á quân của thị trường sản xuất hạt cà-phê. Với một số loài cây công nghiệp khác như cao-su, tiêu, điều... không ai dám bảo rằng đất nước ta cằn cỗi.

Rồi chiến tranh vừa kết thúc, nền kinh tế bị tàn phá nặng nề cần khôi phục thì cũng là lúc, nhờ phúc ấm của tổ tiên, đất nước Việt Nam lại khơi được nguồn dầu khí từ ngoài thềm lục địa, hút lên bồi bổ suốt mấy chục năm qua mà mỗi năm cứ đọc báo cáo về nguồn thu cho ngân sách mới giật mình tự hỏi rằng nếu nước mình không có dầu khí thì lấy gì mà sống, vì cho đến nay nó vẫn chiếm một tỉ trọng rất cao.

Rồi đất đai, vẫn là những thửa đất ấy, công sức biết bao đời ông cha ta khai phá và gìn giữ giỏi giang đến mức "chỉ có thêm không có bớt" từ mạn trung du phía Bắc mở cõi đến tận đồng bằng cực nam của Tổ quốc. Giờ đây chỉ cần chuyển đổi công năng và quyền sử dụng nó đã trở thành vàng thành bạc theo đúng nghĩa đen của giá trị. Thử hỏi, đến nay có ai làm giàu, từ quan đến dân mà không dính đất cát, có địa phương nào không giàu lên nhờ dự án liên quan đến đất?

Và nếu xem du lịch là một thế mạnh thì Việt Nam hoàn toàn tự tin mà nói rằng thiên nhiên của ta rất đẹp, giàu tiềm năng... Thiên hạ khen là điều có thật. Tôi đã gặp mấy nhà đầu tư giàu có Trung Đông sang ta với ý tưởng làm một thành phố quốc tế tiêu cả trăm tỉ đô. Họ bảo, nước chúng tôi dầu sắp cạn rồi, vốn liếng nhiều nhưng phải tính đến sự chuyển đổi sang nghề làm đô thị sinh thái cho tương lai.

Trên đất nước họ, giữa sa mạc họ xây cao ốc, giữa biển cả họ đắp đảo xây cả khu đô thị sang trọng. Hỏi rằng sang Việt Nam có gì đặc sắc, họ cầm cái compa đặt tại một điểm ở miền Trung quay một vòng mà rằng: thấy chưa cái vị trí của Việt Nam, và chỉ vào cả dải bờ biển mà nói rằng khó kiếm đâu vùng biển đẹp và còn "hoang dã" (hiểu là chưa được đầu tư bài bản) như ở Việt Nam này...

Rồi nữa, người ta chứng minh là sắp tới, ta sẽ thành cường quốc sản xuất nhôm với những mỏ bôxít phủ khắp cao nguyên Trung phần. Những mỏ kim loại còn ủ trong đất, các mỏ đá quý đang phát lộ. Đọc trên báo chí thấy các nhà khoa học nước ngoài nói và hỏi các đồng nghiệp ở trong nước đều trả lời, rằng nước ta đa dạng sinh học vào bậc nhất thiên hạ. Bom đạn, chất độc da cam, nạn phá rừng, săn bắt động vật hoang dã trầm trọng như vậy mà vẫn còn được đánh giá như vậy.

Lên Tam Đảo, thấy người nước ngoài vác vợt, dăng đèn bắt côn trùng về làm tiêu bản, hỏi ra thì họ bảo đấy là cái kho của nhiều loài quý hiếm... Rồi một thời phát hiện sao la, nhiều loại động vật hiếm hoi còn sót lại trên thế giới còn len lủi trong thâm sơn cùng cốc nước ta. Tôi quen một nhà sinh học nổi tiếng, ông và đồng nghiệp lập quỹ gen của các loài vi sinh vật nói rằng riêng cái lĩnh vực này thì ta dám nhận là giàu có. Chỉ có điều muốn phát hiện để công bố phải hợp tác với các bạn Nhật. Hỏi vì sao, thì được trả lời rằng có bạn làm đồng tác giả thì việc công bố mới có tiếng vang.

Rồi các khu sinh thái, sinh quyển, đa dạng sinh học ở Việt Nam được quốc tế công nhận. Ngay vịnh Hạ Long không chỉ trở thành Di sản nhân loại vì cảnh đẹp mà còn nhân đôi nhờ tính độc đáo về địa chất, địa mạo, vân vân và vân vân... Đấy là chưa kể đến biển cả còn biết bao nhiêu điều chưa biết đến...

Thế thì không thể coi thên nhiên nước ta là nghèo. Chỉ có điều dân ta ngày nay có còn cần cù không thì phải bàn. Đúng là trong truyền thống nếu dân ta không cần cù thì làm sao có cái cơ đồ mà ngày nay chúng ta đang thừa kế. Nhưng còn phải kể đến ngày xưa có ông Lê Quý Đôn, đọc sách rồi đi khắp thiên hạ ghi chép tài nguyên của đất nước, có ông Tuệ Tĩnh và Hải Thượng đi tìm cây thuốc chép lại cho đời sau, có các Chúa Nguyễn sai người vượt biển cả ra đảo xa ghi chép và nhặt nhạnh đến cả các đồ vớt lên từ những con tàu đắm để quan sát, kiểm kê những nguồn lợi có thể thu về cho vương triều và cho cả tương lai... Trong thời đại kinh tế tri thức này dường như sự cần cù là chưa đủ.

Thời các cụ chỉ có cách ghi chép và truyền khẩu để ngày nay ta còn những "Dư địa chí" của Nguyễn Trãi. "Nam dược thần hiệu" của Tuệ Tĩnh, "Vân Đài loại ngữ", "Phủ biên tạp lục" của Lê Quý Đôn hay địa chí của quốc sử quán các đời v.v...

Thời Tây qua, họ hiện đại hơn và để có thể khai thác căn bản hơn, họ lập những bảo tàng liên quan đến thiên nhiên, tài nguyên của thuộc địa. Từ rất sớm họ đã lập những bộ sưu tập rồi trở thành Bảo tàng Địa chất ở Hà Nội (từ cuối thế kỷ XIX); Bảo tàng Tài nguyên biển, Hải dương học ở Nha Trang (từ nửa đầu thế kỷ XX); rồi khởi động bộ sưu tập tiêu bản các loại thú, loài cây trong khuôn viên Đại học Đông Dương...

Còn với công chúng, thì một trong những công trình được quan tâm sớm nhất trong thiết chế quy hoạch đô thị lớn là các vườn bách thảo, bách thú ở Hà Nội và Sài Gòn. Ví như, vườn Bách thảo (Thảo Cầm Viên) ở Sài Gòn được lập từ năm 1863, chỉ 1 năm sau khi Pháp chiếm được 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ và năm 1877 bộ sách "Thảo mộc địa phương chí Nam Kỳ" (Flore Forestière de la Cochinchine) đã ra mắt tập đầu.

Điều đáng nói, là nước ta từ khi độc lập, thống nhất rồi đổi mới cũng đã có vài chục năm hoà bình và phát triển mà đất nước ta, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội chúng ta vẫn chưa làm thêm một cái gì đáng kể mang lại cho người dân những công cụ để nhận biết về tiềm năng tự nhiên của đất nước. Cả 2 thành phố với lãnh thổ và dân cư lớn lên gấp nhiều lần, đến nay vẫn chưa có được những vườn bách thảo hay bách thú tương xứng, trong khi không gian của nó không những bị thu hẹp mà ngày càng nghèo nàn về bộ sưu tập. Các bảo tàng về địa chất hay hải dương học mà người Pháp để lại vẫn được duy trì nhưng về căn bản vẫn chưa tương xứng với những gì ta đáng có.

Mới đây, tiếp cận với bộ hồ sơ về việc xây "Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam" càng thấy cám cảnh. Các nhà lãnh đạo từ thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã quan tâm, từ năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định... nhưng đến nay qua 4 lần thay đổi, dự án Bảo tàng vẫn chưa... cắm được đất.

Từ Xuân Đỉnh rồi chuyển qua Mỹ Đình rồi Đại Mỗ (Từ Liêm) đến cuối năm 2008 đẩy lên gần ngã ba Hoà Lạc-Tân Mai. Những tưởng đã "an cư" thì lại được biết đất này chính quyền đã cấp dự án cho doanh nghiệp xây khu đô thị... Thế là Bảo tàng Thiên nhiên vẫn còn nằm trên giấy. Cái câu hỏi mông lung: Thiên nhiên nước ta giàu hay nghèo dường như người dân vẫn vô phương hiểu được...

Theo LĐCT (DƯƠNG TRUNG QUỐC)