Học là gì và để làm gì?
(TT&VH) - “Hàng năm, mỗi khi trên trời có những đám mây bàng bạc là tôi lại bâng khuâng nhớ buổi tựu trường”, câu văn của Thanh Tịnh (tôi ghi theo trí nhớ, có thể không đúng nguyên văn). Hôm nay, mỗi khi trên trời có những “đám mây bàng bạc”, người Việt mình từ già đến trẻ, không bâng khuâng nhớ buổi tựu trường mà đăm đắm âu lo.
Người có học lo âu vì cảm thấy nền giáo dục chưa vượt qua cửa ngõ cải cách, dù đã làm đi làm lại nhiều lần, tiêu tốn hàng tỷ đô la, mà vẫn như đang loay hoay tìm đường trong khi các thế hệ lần lượt qua đi nhanh như vó câu qua cửa sổ, như nước chảy qua cầu. Rất nhiều học sinh, sinh viên ra trường có chất lượng của một thứ bán thành phẩm cần được đào tạo lại, gọt giũa lại.
Người nghèo hay kẻ ít học mải lo cơm áo thì không quan tâm đến chất lượng giáo dục mà lo chạy chợ hay cày sâu cuốc bẫm nuôi con ăn học với hàng đống lo toan cơm áo gạo tiền, đóng góp các khoản.
Người giàu thì lo đôn đáo chạy tiền (kể cả tham nhũng), mong con chóng lớn cho trôi cái cấp cơ sở trong nước để tống chúng ra nước ngoài du học, dù biết chắc rằng chúng sẽ ở lại phục vụ nước người ta nếu thành tài, công lao mình nuôi dưỡng bao năm đút thêm được một thìa cơm đã mừng húm, cuối cùng chưa làm được gì cho Tổ Quốc đã bị người ta nẫng tay trên sử dụng.
Người già lo con cháu “nhất đại bất như nhất đại” (mỗi đời một tệ), tiếc cho trẻ con bị thiệt thòi không được hưởng một nền giáo dục như mình. Thật khó nhắm mắt xuôi tay khi thấy con không hơn cha, làm sao gọi là nhà có phúc!
Lớp trẻ thì lo một năm học cực khổ quá đi cày với những chiếc cặp sách nặng như cùm, với những giờ học thêm (đã bị cấm nhưng được biến tướng như kỳ nhông vẫn tồn tại khắp nơi), lo vượt qua các bài tập khó quá cỡ (ví dụ: cháu tôi, một học sinh lớp sáu phải làm bài “em hãy điểm qua những vụ bạo hành trẻ em trong năm 2008”), đến ông nó là nhà báo cũng bó tay! Lo làm sao qua những kỳ thi gian nan như đánh giặc, ông bà bố mẹ mất ăn mất ngủ hàng tháng trời thấp thỏm lo âu!
Người ta bàn cãi đã quá nhiều về giáo dục, đã quá nhiều tự hào về truyền thống hiếu học của dân ta, truyền thống học giỏi của học sinh ta. Tôi giật mình và muốn thắc mắc: học là gì nhỉ? Thực ra, học, dù học giỏi nhất thiên hạ đi nữa, chỉ là mới biết được những gì người ta đã nghĩ ra, đã biết mà thôi. Sáng tạo ra được gì, nghĩ ra điều gì, làm ra cái gì cho nhân loại mới là quan trọng chứ! Hỏi nước ta có truyền thống hiếu học nhưng đơn giản như cái xe đạp, cái máy khâu cũng không do người mình nghĩ ra! Bao nhiêu học sinh đạt giải quốc tế toán lý đi đâu cả rồi? Phải chăng không ít các em gọi là học giỏi ấy đang làm thuê cho mấy hãng nước ngoài mà giám đốc là những thằng bạn cũ học dốt hơn họ?
Học để biết, biết để sáng tạo chứ không phải để qua các kỳ thi. Sáng tạo không phải để kiếm cơm mà để phục vụ đất nước và nhân loại một cách thiết thực. Nếu ai cũng nghĩ như vậy thì có lẽ giáo dục đã có một bộ mặt mới.
Nguyễn Quang Thân