TTO = Kẹt cứng các cửa ngõ Sài Gòn - Kỳ 1: Xa lộ siêu ùn tắt
Xa lộ Hà Nội - một trong những cửa ngõ vào TP.HCM quan trọng nhất - đang trở thành nỗi ám ảnh với cánh tài xế và nhiều người đi đường. Tất cả đều ngán ngẩm nạn kẹt xe hàng giờ đồng hồ, người và xe ken đặc, chen nhau nhích từng chút trong cảnh khói xe đen ngòm nhả mùi nồng nặc, ngột ngạt.
1. “Có nhà mà không được về nhà. Có vợ mà không được về với vợ. Thiệt không ai khổ như đời tài xế. Tụi tui phải ăn ngủ trên xe, chờ hàng về chạy cho lẹ chứ kẹt xe là ăn cám” - Nguyễn Ngọc Sơn, một tài xế trẻ chạy xe container vào cảng Cát Lái, than thở. Nhà ở đường Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức) nhưng suốt một tuần nay Sơn vẫn chưa được về nhà. Anh vừa cưới vợ một tháng. “Kẹt từ Cát Lái kẹt ra, kẹt từ ngã tư RMK kẹt... về nhà” - Sơn tếu táo nói.
Theo nhiều tài xế, kẹt xe trên xa lộ Hà Nội chủ yếu do đường hẹp, có nhiều đoạn nút cổ chai, trong khi lưu lượng xe qua lại rất lớn (lượng xe container vào cảng Cát Lái lên tới 12.000-13.000 chiếc mỗi ngày). Những điểm kẹt xe kinh hoàng là ngã tư RMK và ngã ba Cát Lái. Một tuần kẹt 4-5 ngày, từ thứ tư đến thứ bảy. Đó là thời điểm hàng về và hàng xuất rất nhiều. “Giờ giấc kẹt xe vô chừng lắm, tùy vào thời điểm tàu vào ăn hàng ở cảng Cát Lái. Nhưng thường là kẹt tầm 11g-12g trưa, 4g-6g chiều và từ 10g đêm, khi xe container vào TP. Mấy bữa trước, tui đi từ ngã tư RMK qua cầu Rạch Chiếc chỉ mấy chục mét nhưng “bò” hơn một giờ” - anh Ngô Văn Tín, lái xe container ở bãi gần ngã tư Bình Thái, cho biết.
Theo cánh tài xế, trước đây nếu một ngày xe container chạy được 5-6 chuyến (mỗi chuyến được trả 100.000 đồng) thì bây giờ họ chỉ chạy được 1-2 chuyến. Thu nhập giảm tới 2/3. Đó là chưa kể vô số nỗi khổ khác xảy ra xung quanh câu chuyện kẹt xe. Tài xế xe tải Nguyễn Thông tức tối kể: “Tui mới mua chiếc điện thoại 1,7 triệu đồng, xài chưa được một tuần, hôm bữa kẹt xe 3-4 giờ, mệt quá ngủ quên, bọn trộm cắp ở ngã ba Tân Vạn leo lên cabin cuỗm mất. Nhiều người sáng nhận lương chưa kịp đưa cho vợ thì tối kẹt xe, ngủ quên bị dân đạo chích lấy hết”.
2 Gần 11g, xa lộ Hà Nội, đoạn ngã tư Thủ Đức, ken đặc xe container và các loại xe tải, xe khách, xe du lịch. Rất nhiều ôtô và xe máy luồn lách đổ dồn vào những con đường nhỏ hai bên. Các đường nhỏ như đường số 2, đường Đoàn Hữu Trưng, đường số 8... (P.An Phú, Q.2) đều bị hư hỏng nặng, ổ gà lồi lõm, vũng sình lầy lội. Cô Phan Thị Mây - một người dân ở đường Đoàn Hữu Trưng - cho biết: “Ngoài xa lộ kẹt thì trong này xe to xe nhỏ kéo nhau vào chạy, băm nát cả đường. Chúng tôi rất khổ sở khi phải sống chung với tiếng xe chạy ầm ầm, khói bụi mịt mù cả ngày lẫn đêm”.
Người dân trên đường Nguyễn Xiển (xã Quyết Thắng, Dĩ An, Bình Dương) cũng phải sống chung với kẹt xe bằng cách làm cửa kính và đóng cửa suốt ngày đêm. “Cứ tầm 8g-12g là kẹt xe từ ngoài ngã ba Tân Vạn, vậy là xe cộ đổ vào đây, khiến cả con đường này cũng kẹt cứng. Khói bụi, ồn ào, xe chạy loạn xạ, tai nạn liên tục xảy ra. Bây giờ con đường này không còn là đường Nguyễn Xiển nữa mà là đường “liểng xiểng” mất rồi” - ông Bùi Duy Độ, một người dân ở đây, than thở.
Các vị trí khoanh vòng trên hình là những điểm “siêu ùn tắc” trên xa lộ Hà Nội - Đồ họa: NHƯ KHANH
3 Bảng phân công lịch trực của Đội cảnh sát giao thông Rạch Chiếc luôn dày đặc với các ca trực 24/24 giờ. Mỗi người phải đảm nhiệm hai ca trực, gồm một ca ngày và một ca đêm. Ngã ba Cát Lái là chốt nóng nhất về tình trạng kẹt xe nên những ca trực ở đây đầy gian nan.
Gần nửa đêm, đại úy Lê Văn Chung (Đội cảnh sát giao thông Rạch Chiếc) và thượng sĩ Nguyễn Thành Danh (thuộc tiểu đoàn 1, trung đoàn cảnh sát cơ động đóng quân tại Thủ Đức) vẫn toát mồ hôi hột chạy tới chạy lui trong đám khói bụi dày đặc để gỡ lối thoát cho dòng xe đang ùn lại. “Suốt 16 năm làm ở đây, tôi chưa thấy lúc nào căng thẳng như thời gian gần đây. Kẹt xe cả mấy tiếng đồng hồ, có khi kẹt luôn cả ngày, có những ca trực suốt bốn giờ anh em không được ngồi nghỉ một giây” - đại úy Lê Văn Chung vừa nói vừa ho sù sụ trong khói bụi.
Trung tá Phạm Văn Tuyến, đội phó Đội cảnh sát giao thông Rạch Chiếc, nói: “20 năm làm nghề cảnh sát giao thông tới giờ tôi mới thấy cảnh kẹt xe lâu tới mức tài xế phải tắt máy xe ngủ hàng loạt. Hết kẹt thì họ đã ngủ say. Anh em cảnh sát giao thông phải chạy xe dọc đường, đập cửa cabin gọi từng tài xế dậy”.
4 Gần 17g. Giao thông ở vòng xoay ngã ba Vũng Tàu như bị chặn đứng lại. Bóng những chiếc áo vàng như bị nuốt chửng giữa cơ man xe và người. “Con gái tui đi làm trên Sài Gòn, mỗi lần đi làm về là bị kẹt từ cầu Sài Gòn tới tận nhà. Nhà tui ở gần cầu Đồng Nai nhưng do kẹt dữ quá, thay vì chỉ cần chạy qua cầu Đồng Nai rồi ôm theo vòng xuyến chạy ngược lại về hướng cầu chút xíu là tới nhà thì mấy ổng (cảnh sát giao thông) không cho mà bắt phải chạy thẳng lên cả trăm mét, có khi chạy tuốt lên ngã tư bồn nước, ngã tư Tam Hiệp mấy cây số mới chạy vòng lại về nhà” - ông Đinh Văn Kính, một người dân ở ngã ba Vũng Tàu, phàn nàn.
“Kẹt xe thì chỉ có cánh xe ôm là ngon lành thôi. Còn mấy ông taxi mỗi lần kẹt xe là đói mốc meo. Chạy xe ôm có 2km mà tới 20.000 đồng người ta vẫn đi ào ào, trong khi taxi có 8.000 đồng/km thì hổng ai thèm rớ. Cũng vì kẹt xe mà thằng Tú chạy taxi ở đây hai lần “được” làm... ông đỡ đẻ đó.
Đang chở bà bầu tới Bệnh viện Từ Dũ thì bị kẹt xe gần hai giờ. Nó toát cả mồ hôi khi người phụ nữ chuyển dạ trên xe, gào khóc quá chừng. Lần đầu tiên đỡ đẻ, nó lính quýnh mãi mới đưa đứa nhỏ ra rồi chạy tới Bệnh viện Từ Dũ cắt rốn” - anh Tài, một tài xế taxi ở ngã tư Thủ Đức, kể.