Tính hiệu quả của mô tả
Trong mô tả một hiện tượng, một sự vật hay một hệ thống nào đó, tính hiệu quả của một mô tả có thể được định nghĩa bằng so sánh độ dài của mô tả đó và độ dài của mô tả ngắn nhất có thể có trong số tất cả các mô tả khả dĩ.
Thí dụ đo tính hiệu quả bằng hệ số "độ dài của mô tả ngắn nhất"/"độ dài của mô tả được xét". Khi đó hệ số càng gần 1, mô tả càng hiệu quả, hệ số càng nhỏ tính hiệu quả càng kém. Đôi khi ta không biết, không tính được độ dài của mô tả ngắn nhất, chúng ta vẫn có thể so sánh độ dài của những mô tả mà chúng ta biết được (tức là chỉ biết một số chứ không phải tất cả các mô tả) và tìm ra mô tả ngắn nhất trong số đó.
Đấy là một ước lượng (một cận trên) của độ dài tối thiểu và mô tả có độ dài đó là mô tả hiệu quả nhất trong số các mô tả mà chúng ta khảo sát. Và biết được ngần ấy nhiều khi cũng rất hữu ích rồi. Các loại vấn đề như thế có nhiều ứng dụng trong tin học, viễn thông và nay lan sang cả kinh tế và xã hội học!
Hãy xét các hiện tượng xã hội mà chúng ta cần mô tả bằng cách nào đó. Thí dụ gọi U là tập hợp của tất cả những việc mà công dân của một nước có thể làm; D là tập hợp tất cả những việc mà công dân được phép làm; C là tập hợp các việc bị cấm. Có ba cách tư duy khác nhau.
1) Cách thứ nhất: quy định C và định nghĩa D = U-C (D là tập bù của C), tức là người dân có thể làm tất cả những việc họ có thể làm (U) trừ những việc bị (luật pháp) cấm (C).
2) Cách thứ hai: quy định D, thí dụ bằng cách liệt kê những việc mà công dân được phép làm. Đây là kiểu tư duy "dân chỉ được làm những việc mà chính quyền cho phép".
3) Cách thứ ba: đồng thời quy định cả D lẫn C bằng mô tả nào đó, thí dụ liệt kê; tức là vừa "cho phép" vừa "cấm".
Vấn đề hóc búa ở đây là không ai có thể liệt kê tất cả các việc mà người dân có thể làm (U), vì giả như có thể thì xã hội sẽ chết, không thể phát triển được nữa. Con người luôn nghĩ ra những việc mới, sản phẩm mới, công nghệ mới, cách làm mới. Ta có thể định nghĩa chính xác tập hợp U bằng cách nêu tính chất của các thành tố của nó là "việc con người có thể làm", nhưng không thể xác định tất cả các thành phần của nó, chúng biến đổi theo thời gian.
Trong một xã hội bình thường, các việc bị cấm thường do các giá trị văn hoá, đạo đức quy định, và vì thế chúng tương đối ổn định, dễ xác định và quan trọng nhất là số lượng của chúng không nhiều ở nên có thể mô tả tương đối chính xác và hiệu quả. Thí dụ, giết người, cướp của, trộm cắp, buôn bán ma tuý... là những việc bị cấm trong hầu hết các nước, theo các nền văn hoá khác nhau; uống rượu bị cấm ở các nước theo đạo Hồi. Số các việc hay hành vi bị cấm thường không nhiều và khá ổn định, nên việc mô tả chúng (C) khá hiệu quả.
Cách tư duy thịnh hành, áp đảo của các nước dân chủ, phát triển, giàu có là cách tư duy thứ nhất. Luật pháp về cơ bản chỉ quy định một số không nhiều các việc cấm mà công dân nếu làm sẽ bị coi là vi phạm pháp luật và bị trừng trị. Do số lượng các việc trong C không nhiều và chúng tương đối ổn định, nên việc mô tả C dễ dàng, tương đối chính xác và hiệu quả; vì thế người dân dễ nhớ, dễ tránh, tức là việc thi hành dễ hơn (tinh thần thượng tôn pháp luật cao).
Cách tư duy thịnh hành, áp đảo của các chế độ chuyên chế, phi dân chủ là cách thứ hai. Do dân chỉ được làm những việc được quy định trong D, nên trên thực tế các việc còn lại, trong U-D, là bị cấm. Dẫu có kéo dài danh mục các thành phần của D đến đâu, thì U-D vẫn rất khó xác định và có thể vô cùng nhiều, vì thế hiệu quả mô tả rất kém. Cách mô tả này nếu muốn hữu hiệu thì D phải ít, đặc trưng cho chế độ toàn trị, mất tự do, nô lệ.
Cách tư duy thứ ba, vừa quy định cả D lẫn C, dẫn đến mâu thuẫn. Có những việc không bị cấm nhưng vẫn không được làm, tức là thực chất vẫn bị cấm. Nói cách khác cách tư duy này thực chất vẫn là cách tư duy thứ hai.
Lưu ý rằng chúng ta nói về tư duy thịnh hành, áp đảo, thí dụ, nếu tuyệt đại bộ phận luật được xây dựng theo một kiểu tư duy nào đó. Luôn có ngoại lệ, nhưng đã là ngoại lệ thì phải rất ít, chứ không thể thịnh hành hay áp đảo.
Và cuộc sống phức tạp hơn mọi lý thuyết, chính vì thế, nếu xét về hình thức, thì hình mẫu thứ 3 lại thường được dùng (nhưng chỉ cho các trường hợp ngoại lệ) và hình mẫu thịnh hành, áp đảo là hình mẫu tư duy theo kiểu 1 hoặc 2.
Thực tế cuộc sống bình thường cho thấy C có thể được mô tả hữu hiệu hơn do có ít thành tố, tức là tính hiệu quả mô tả của C gần 1, còn liệt kê hay xác định D, những việc (nên) được phép làm, khó hơn nhiều, tính hiệu quả mô tả của nó rất thấp. Nói cách khác cách tư duy thứ nhất ưu việt hơn hẳn.
Sự trì trệ của nhiều nước trong quá khứ xa và quá khứ gần phần nào có thể được giải thích bằng tư duy thịnh hành của nhà cầm quyền theo lối thứ hai, đôi khi theo lối thứ ba. Người dân thiếu tự do, không phát huy hết năng lực nội tại của mình và luôn luôn cảm thấy bị ức chế gây ra nhiều căn bệnh xã hội trầm kha, kinh tế trì trệ, văn hoá không phát triển, con người chưa được coi trọng đúng mức.
Hơn 20 năm đổi mới, chúng ta đã dần từ bỏ cách tư duy thứ 2 hoặc thứ 3 và cách tư duy thứ nhất ngày càng phổ biến. Thí dụ, đấy là tư duy của Luật Doanh nghiệp và các luật kinh tế khác đã làm thay đổi đáng kể bức tranh kinh tế của nước ta trong những năm qua. Bản thân Luật Khoa học Công nghệ về cơ bản cũng theo tư duy tiến bộ đó.
Tuy nhiên, một số tàn dư của quá khứ vẫn còn. Tư duy về một số nội dung của Quyết định 97/2009/QĐ-TTg về việc ban hành Danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học công nghệ, là một ví dụ. Đổi mới tư duy, kích tư duy xem ra là việc khó, nhưng đấy là nguồn năng lượng vô tận duy nhất của chúng ta để chấn hưng đất nước.
Nguyễn Quang A
Lao Động Cuối tuần số 32 Ngày 09/08/2009 Lúc 7:17 AM, 09/08/2009