Đệ nhất bảo tỷ Hoàng đế chi bảo
Chiều ngày 30/8/1945, trên nền Đài Lầu Ngũ Phụng Ngọ Môn, trước mặt hơn 5 vạn dân thành Huế đang sục sôi khí thế cách mạng, vị Hoàng đế cuối cùng là Bảo Đại đã trao bộ ấn kiếm tượng trưng quyền lực vương triều cho đại diện chính quyền cách mạng.
Sau này, đã có nhiều ý kiến cho rằng chiếc ấn đó là Đệ nhất bảo tỷ Hoàng đế chi bảo và cùng với nó là chiếc kiếm báu truyền từ đời Gia Long.
Thay mặt Chính phủ Cách mạng, ông Trần Huy Liệu và nhà thơ Cù Huy Cận đã tiếp nhận ấn kiếm và gắn huy hiệu công dân nước Việt Nam DCCH cho cựu hoàng. Bộ ấn kiếm này ngay ngày hôm sau được đem ra Hà Nội để kịp có mặt trong Lễ Độc lập vào ngày 2/9/1945.
Ấn cùng kiếm quý
Chiếc ấn Đệ nhất bảo tỷ Hoàng đế chi bảo, mà về mãi sau này, nhà thơ Huy Cận từng thốt lên với hậu sinh trong đó có người viết bài này rằng khi ông Trần Huy Liệu nhận từ tay ông Bảo Đại trao lại cho ông Huy Cận, nhà thơ đã suýt ngã vì chiếc ấn nặng quá, dễ hơn một yến (10 kg) chứ không ít!
Nhà thơ Huy Cận có lẽ đã không lầm?
Trong số những tài liệu tin cậy hiện có đã biên rõ về chiếc ấn ấy như sau: ấn Hoàng đế chi bảo được đúc bằng vàng ròng vào ngày mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4 (tức ngày 15/3/1823). Đây là chiếc bảo ấn lớn và đẹp nhất của triều Nguyễn. Ấn hình vuông, quai ấn là một con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn thẳng về phía trước. Đỉnh đầu rồng khắc hình chữ vương; kỳ (vây lưng) dựng đứng; đuôi cũng dựng đứng, vây đuôi uốn cong về phía trước; 4 chân rồng đúc rõ 5 móng, tư thế chống chân xuống mặt ấn rất vững vàng.
Mặt dưới của ấn khắc 4 chữ triện Hoàng đế chi bảo. Mặt trên của ấn, phía hai bên quai khắc nổi hai dòng chữ Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo (đúc vào giờ tốt ngày mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4); Thập thành hoàng kim, trọng nhị bách thập lạng cửu tiền nhị phân (đúc bằng vàng, trọng lượng 280 lạng 9 chỉ 2 phân). Như vậy chiếc ấn suýt soát 281 lượng vàng, nếu tính 27 lượng tương đương 1kg, thì chiếc ấn này nặng khoảng 10,7kg.
Về việc đúc chiếc bảo ấn này, sách Đại Nam thực lục (tập VI, bản dịch của Viện Sử học, Nxb KHXH-1963, trang 146) có ghi “Ngày Giáp Thìn đúc ấn Hoàng Đế chi bảo núm làm rồng cuốn hai tầng, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân, làm bằng vàng 10 tuổi, nặng 280 lượng 9 đồng 2 phân”.
Hoàng đế chi bảo được chế tác (đúc) vào thời vua Minh Mạng, thời mà nước Việt mình lãnh thổ cương vực được mở rộng dài nhất được đổi quốc hiệu là Đại Nam. Vận nước hanh thông triều đình thì thịnh. Riêng vua thì chính phi, thứ phi cung tần mỹ nữ chưa rõ số nhưng khiêm tốn thôi, 142 người con cả thảy, trong đó 74 trai, 68 gái!
Theo quy định của triều Nguyễn, ấn Hoàng đế chi bảo chỉ dùng khi “gặp khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ cũng là các cáo dụ thân huân, đi tuần thú các nơi để xem xét các địa phương, mọi điển lễ long trọng ấy, và ban sắc, thư cho ngoại quốc”.
Nếu đúng chiếc ấn mà Bảo Đại trao cho ông Trần Huy Liệu là Hoàng đế chi bảo thì kể từ khi đúc ra đến khi trao cho chính quyền Cách mạng, ấn Hoàng đế chi bảo đã có 122 tuổi.
Ấn Khâm văn chi tỷ, thời Minh Mệnh năm thứ 8 (1827) trọng lượng 137 lạng vàng 10 Ảnh: TL
Đang ở đâu?
Chiếc ấn quý cùng thanh bảo kiếm ấy chắc chắn sẽ nằm trong kho báu nhà Nguyễn mà chính quyền mới có trách nhiệm bảo quản giữ gìn như vừa nói ở phần trên! Nhưng hóa ra chúng có một thân phận khá lạ lùng...
Bấn bíu bộn bề với vô số công việc thời điểm mới giành được chính quyền nhưng chính thể mới đã chu tất nhiều thứ trong đó có việc bảo quản giữ gìn kho báu nhà Nguyễn (sẽ nói ở phần sau). Nhưng có thể phải phân tán những báu vật ấy ở những địa điểm kín đáo khác nhau, có thể phải nhờ những cơ sở tin cẩn giữ hộ, thời điểm Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, kho báu nhà Nguyễn từ Hà Nội được chuyển đến nơi an toàn một cách khẩn trương, nhưng sau đó bộ ấn kiếm đã bị bỏ quên tại một ngôi chùa ở mạn ngoại thành!
Có ý kiến khẳng định không phải quên nhưng ngôi chùa trong vùng địch không phải về để lấy một cách dễ dàng đành đợi thời điểm thuận tiện như đợi đến ngày hòa bình chả hạn? Một điều ít ai ngờ là cuối những năm 50, quân Pháp đã triệt hạ cái làng ngoại thành ấy phá chùa lấy gạch xây bốt. Thế là phát lộ ra bộ ấn kiếm báu!
Khó lòng chống trả được sự phản công của quân ta trên các chiến trường, dưới sự đạo diễn của Pháp, một chính phủ bù nhìn mới được vội vã nặn ra hòng cứu vãn cục diện lẫn tình thế sa lầy ở chiến trường Đông Dương mà quốc trưởng chính phủ ấy không ai khác chính là công dân Vĩnh Thụy, hoàng đế Bảo Đại một thời! Ngày 3/3/1952, quân Pháp đã tổ chức rùm beng một cái lễ trao ấn kiếm.
Người nhận bộ ấn kiếm ấy là quốc trưởng chính phủ bù nhìn Bảo Đại thay vì vị thế Đại Nam Hoàng Đế! (Hiện Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế còn lưu giữ tấm ảnh ghi lại sự kiện này). Để lưu giữ chắc chắn các báu vật trong Hoàng tộc, ông Bảo Đại đưa bộ ấn kiếm ấy cho bà thứ phi Mộng Điệp mang sang bên Pháp trao cho hoàng hậu Nam Phương và hoàng tử Bảo Long. Bộ ấn kiếm yên hàn được đến thời điểm năm 1963 bà Nam Phương mất.
Mặc dù được giữ cẩn mật tại nhà băng Châu Âu (Union des Banques Européennes) nhưng bộ ấn kiếm ấy đã không yên bởi mâu thuẫn dẫn đến kiện cáo giữa hai cha con ông Bảo Đại. Bởi ai cũng muốn sở hữu thứ quốc bảo ấy nên họ phải nhờ đến tòa án. Tòa phán, ấn thì cha giữ còn kiếm báu Gia Long thì con cầm. Nghe nói vì túng tiền hay lý do chi đó, vị hoàng tử này đã bán mất bộ kiếm báu còn chiếc ấn không rõ có phải là Hoàng đế chi bảo không, nhưng số phận cũng hẩm hiu không kém. Không phải châu về hợp phố mà lại về tay người đẹp Monique Baudot, người vợ mà ông Bảo Đại cưới năm 1982!
Theo Xuân Ba (VNN)