QuocHung's Blog

27 thg 8, 2009

Sưu tầm về HÔN

Trăng cao quá & Hôn má

Không biết độc giả cảm giác thế nào khi hôn lần đầu? Blog HM làm chuyện đó toát mồ hôi vì không biết bắt đầu…từ đâu. Chuyện tưởng đơn giản, nhưng đi sâu vào “chuyên môn” thấy khó ra trò. Ở đây không bàn về cái hôn tình tứ trong công viên, nhà nghỉ mà chuyện hôn má…xã giao.


Blog HM đi nhiều nên thấy cần viết một entry về cheek kissing. Xem bạn bè Latin hôn má nhau mình rất thèm, làm sao học được cái “chút chút” tưởng chừng đơn giản này.



Viết thế thôi, Blog HM không biết làm thế nào và vô cùng kỵ chuyện ôm hôn. Bây giờ đang cúm lợn H1N1, càng nên tránh, kể cả bắt tay. Cúi gập lưng chào như anh Nhật lùn hóa hay, thà đau cột sống còn hơn vào nằm khoa Nhiệt đới của Bệnh viện Bạch Mai. Tuy thế, khi cần xã giao thì mình cũng nên biết bắt đầu như thế nào.

Vài tuần trước, VTV đưa tin một vị lãnh đạo của ta đón khách từ Bắc Âu tới. Không hiểu hai người đã quen nhau từ trước hay chỉ là phép xã giao thông thường mà chủ ta ôm chầm lấy bà Bộ trưởng, hôn rối rít lên mặt khách. Không hiểu bà có ngượng không, nhưng khán giả màn ảnh nhỏ tủi thay cho lễ tân “lúa nước”.

Dân Việt Nam rất thạo xe ôm, bia ôm, karaoke ôm, internet ôm, café ôm, gặt lúa ôm, nhưng không biết về ngoại giao…ôm. Nói chung, khoản hôn hít, dân ta rất kém, dù trong bóng tối hay công viên, từ trẻ đến già chả kém bất kỳ một tài tử điện ảnh Pháp, Ý hay Mỹ nào.

Anh bạn kể, lần đầu tiên được một bạn nữ Brasil đưa má hôn. Thay vì đưa môi gần vào má, nhưng không chạm hẳn vào da thịt và “chụt gió” một cái, bố nhà ta cứ đưa cả đôi môi ướt đẫm nước…bọt lên bất kể chỗ nào với được trên mặt khách, hai tay ôm lấy eo bạn nữ, ghì chặt bộ ngực đồ sộ của nàng vào người mình, cho rằng như thế mới tình cảm.

Sau này bị góp ý, anh ngượng chín người. Bây giờ, dù đi tây tầu rất nhiều, mỗi lần ai đó chìa má hôn, anh rụng rời hết cả chân tay, hồn vía lên mây và lại hôn…bừa bãi.

Hôn má là thói quen của dân Latin, Nam Âu, Địa Trung Hải, Cận Đông. Dân Mỹ, Canada, Á hay Bắc Âu thì không thích kiểu chào thân ái này. Dân Bắc Âu xem VTV sẽ rất lạ, tại sao vị nhà ta cứ ôm chầm lấy bà Bộ Trưởng nước họ, trong khi dân Anam nhà mình, nam nữ thụ thụ bất thân.

Hỏi cách hôn má và ôm thân mật thế nào ư, xin các bạn đọc entry này và góp ý. Ai có cao kiến gì, xin ghi vào để chia sẻ tri thức…“hôn”.

“Giao thiệp” kiểu này đại loại, hai đối tượng (nam-nữ, nữ-nữ, nhưng nam-nam thì không nên, họ tưởng gay), chìa má chạm vào nhau, hoặc một bên dùng môi chạm nhẹ vào má đối tác, “chút” nhẹ một cái, đừng to quá, họ lại tưởng mình muốn…làm tình.

Động tác hôn đó có thể nhắc lại vài lần, nhưng không thể chùn chụt mãi được. Hôn má đi kèm theo ôm cũng có, và đôi khi cũng không cần…ôm. Nếu phải ôm thì nhè nhẹ thôi, đừng ôm chầm lấy người ta như vị lãnh đạo nọ kéo bà Bộ trưởng nước người vào lòng. Mạnh nhẹ, ngắn dài, tùy thuộc vào sự thân quen, cung bậc văn hóa, từng vùng, từng quốc gia.

Dân Mỹ trong thành phố mới hôn nhau, về quê thì đừng cố ôm mà ăn tát. Đàn ông, đàn bà hôn má nhau chỉ khi thân quen.

Dân Latin không quen nhau cũng có thể chìa má cho bạn. Với Argentina, Uruguay, hai đàn ông có thể hôn má nhau để chào hỏi. Gặp dân Colombia thì chớ nên, vì cánh đàn ông vùng đó chỉ thích chìa tay.

Sang Ba Lan quí tộc rất mệt. Giơ tay bắt thì phụ nữ lại úp mu bàn tay, ý nói, xin ông hãy cúi xuống hôn đi (proszę pana, całować ręku). Đặt môi thế nào để tránh khi hôn xong, quí bà vội quay đi tìm giấy lau tay vì bạn đã…nhổ bọt vào đó.

Trai làng ra thành phố, cái gì cũng lạ lẫm, từ nhà cao tầng đến thang máy rồi nhà vệ sinh có bệ ngồi. Thấy bồn rửa mặt thì cứ cãi lấy được, đó là chỗ đi tiểu, vì ngang tầm của các bố ấy kéo…khóa quần. Trong lavabo thấy vũng nước đọng lại cho là chỗ giặt khăn tay để rửa mặt.

Dân ta hội nhập quốc tế cũng giống trai làng ra tỉnh với nhiều khái niệm hay giá trị bị đảo lộn. Kinh tế vi mô rồi vĩ mô dễ bị loạn, toàn cầu hóa cứ tưởng ngon xơi. Đầu tư nước ngoài sang nịnh vài câu “các bạn sắp thành rồng, hổ” nghe sướng tai, bán cả tài nguyên, sông hồ với giá rẻ như cho.

Đôi lúc nhầm lẫn, có giá trị nhân loại đáng học thì bỏ qua, cái người ta quên rồi thì mình cứ ra sức tìm hiểu, chẳng qua vì thiếu thông tin sau lũy tre làng.

Sang nước người gặp bạn, nhớ vài câu ngoại ngữ chào đã khó, học cách bắt tay, ôm vai, hôn hít hóa ra còn khó hơn. Cư dân nền văn minh lúa nước sông Hồng bốn ngàn năm không bảo nhau, dễ rơi vào tình trạng bác lãnh đạo chào khách phương xa làm khán giả VTV toát mồ hôi vì nụ hôn đầu đời.

Chuyện vui về đôi nam nữ ngồi tâm sự, ngắm trăng. Chàng đọc thơ “Trăng hôm nay cao quá” thì nàng phụ họa “Trăng muốn hôn vào má”. Việc gì xảy ra có thể đoán được. Thấy cá cắn câu, chàng đọc tiếp “Trăng hôm nay cao tít” thì bỗng bốp, một cái tát nảy lửa. Hôn không đúng chỗ, đúng lúc dễ bị ăn chưởng.

Trong xã giao, không ai tát bạn cả. Người ta tránh lần sau giơ má cho bạn hôn mới thực sự đau hơn cả cái tát.

Theo Blog HM

24 thg 8, 2009

Đinh Kỳ Thanh : NHỮNG THÀNH PHỐ BẤT LỊCH SỰ NHẤT TRÊN THẾ GIỚI!

Vừa qua báo Hồng Công South China Morning Star Post có đăng bài bình luận về kết quả cuộc điều tra của các phóng viên tạp chí Reader’s Digest (Mỹ) coi thử thành phố nào “lịch sự” nhất trên thế giới. Họ đã tiến hành khoảng 2000 cuộc trắc nghiệm tại nhiều thành phố lớn ở 35 nước khác nhau. Có 3 hình thức “thử” như sau:
_ Thả một tờ giấy xuống đường phố lúc đông người qua lại nhất coi thử có ai “lịch sự” cúi xuống lượm dùm để bỏ vô thùng rác không.
_ Coi thử những người bán hàng có biết cách “lịch sự”ngỏ lời cám ơn các khách hàng khi giao dịch không.
_ Coi thử ở nơi công cộng có nhiều người “lịch sự” biết đỡ dùm cánh cửa tự động cho người đi sau ra vào an toàn không.


Theo suy nghĩ của nhiều người ắt các thành phố lịch sự nhất phải thuộc về các nước có truyền thống văn minh lâu đời ở phương Tây như Anh, Pháp, Đức… Thế nhưng kết quả thật bất ngờ: thành phố được xếp dẫn đầu “lịch sự nhất thế giới” lại là New York của Hoa Kỳ. Tiếp liền sau, là các thành phố Zurich (Thụy Sĩ), rồi Toronto (Canada), xếp hạng 4 là các thành phố Berlin (Đức), Sao Paulo (Brasil) và Zagreb (Croatia). Hạng thứ 7 là các thành phố Auckland (New Zealand) và Warsaw (Ba Lan), hạng 9 là Mexico City, hạng 10 là Stockholm (Thụy Điển), hạng 11 có 3 thành phố là Budapest (Hungary) và Vienna (áo), xếp thứ 15 mới là các thành phố London (Anh), Paris (Pháp), Lisbon (Bồ Đào Nha) và Buenos Aires (Argentina) và Johannesburg (Nam Phi)…

Còn các thành phố bất lịch sự nhất thế giới thì dẫn đầu là Bombay (Ân độ), tiếp đó là Bucarest (Romania). Trong số 11 thành phố tồi tệ nhất thế giới có tới 8 thành phố nổi tiếng ở châu A được coi là những trung tâm thu hút đông đảo khách du lịch như Bangkok, Hongkong, Taipei, Seoul, Singapore và Kuala Lumpur...

Một người dân ở thủ đô của nước Nga là thành phố Mát-xcơ-va nổi tiếng khi được hỏi vì sao bạn không giữ dùm cánh cửa tự động khỏi bật vào người đi sau mình đã thản nhiên trả lời : “Tôi đâu phải là người giữ cửa! Nếu không muốn cánh cửa táng vào mặt thì tốt nhất là hãy bước nhanh chân lên!”. Còn ở London hay Paris ngay trong các siêu thị nổi tiếng nhân viên bán hàng vẫn quên cất tiếng “cám ơn” các Thượng đế của mình và thậm chí còn liệng gói hàng rớt bịch trên quầy ngay trước mặt khách mà chẳng biết một lời xin lỗi.

Được hỏi vì sao người New York lại lịch sự nhiều như vậy, Thị trưởng thành phố này cho rằng: “ Từ sau vụ máy bay của bọn khủng bố lao vào Tòa tháp đôi nổi tiếng của Trung Tâm Thương mại thế giới, gây ra cú sốc kinh hoàng cho dân Hoa Kỳ dường như dân thành phố này biết xích lại gần nhau hơn, trân trọng nhau hơn và biết đối xử với nhau tử tế hơn. Có lẽ chính nhờ sự đối phó với tệ khủng bố, con người càng biết sống lịch sự…”

Không biết nếu tiến hành trắc nghiệm như thế ở các thành phố của ta thì kết quả sẽ như thế nào khi các phóng viên sẽ rơi vào các cảnh phải đi “xe dù”, ăn “cơm tù” trong “quán nhốt” hoặc phải xếp hàng dài trong các quán bán hàng điểm tâm nổi tiếng như “phở quát”, “miến chửi” nổi tiếng từng trừng mắt mắng khách xin thêm tí ớt hay miếng chanh : “xin đ… gì lắm thế!” hoặc “sao lúc nãy không hỏi lấy luôn một lần, bây giờ có bà cũng đ… cho, không ăn thì bước ngay nhé!”

Viết tới dòng này, tôi lại nhớ tới cái giai thoại về nhạc sĩ tài danh nổi tiếng Nguyễn Xuân Khoát sống tại Hà Nội. Lúc cụ nghệ sĩ tóc bạc trắng này đi bộ dưới lòng đường (vì vỉa hè ngưới ta bán hàng và để xe chật cứng không còn chỗ chen chân) thì bị hai thanh niên chạy xe máy quá nhanh hất ngã. Hai thanh niên dừng xe lại không phải để nâng đỡ cụ già mà là để chửi “ thằng già kia mù hay sao mà đi như thế! Có muốn các ông mày cho về chầu cụ tổ sớm không?”. Và thế là cụ nhạc sĩ tài danh này đã lập cập quỳ ngay xuống đất vái dài: “ Thôi cụ già xin vái lậy các ông trẻ, cụ già biết lỗi nhiều lắm ạ!”

Chính người viết này cũng đã từng trót lỡ lời chê một tấm áo sơmi mua tại thương xá Tax ở góc đường Nguyễn Huệ (TP.HCM) là chất liệu vải không tốt và bị cô bán hàng nguýt dài đầy khinh thị : “Này, tiền nào của nấy! Muốn tốt muốn sang thì mua áo Pierre Cardin hay Louis Vouillton hàng hiệu kia kìa! Khéo không lại khóc thét lên vì giá của nó nha!”

Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh của chúng tôi còn biết bao nơi nổi tiếng bán hàng kiểu “chặt chém” và biết bao điểm dịch vụ “trời thần” sao các nhân viên trắc nghiệm của Reader’s Digest không đặt chân tới nhỉ?! Dám các thành phố của chúng tôi cũng chẳng thua kém gì Bombay, Bucarest, Bangkok, Hongkong hoặc Seoul, Taipei hay Singapore và Kuala Lumpur đâu, bởi lẽ dân chúng tôi cũng có tới “bốn ngàn năm văn hiến” chớ bộ!

19 thg 8, 2009

Nhà khoa học - điệp viên Nguyễn Đình Ngọc

- Trong lịch sử trăm năm giành lại nền độc lập và thống nhất đất nước, nhiều nhà khoa học thành đạt đã gác bỏ sự nghiệp, vinh hoa ở xứ người về nước dấn thân vào sự nghiệp lớn lao của dân tộc. Nhà khoa học, nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc cũng là một trường hợp như vậy.

Trong cuộc đời làm báo, tôi có may mắn tiếp xúc với ông, một con người có cuộc đời sôi nổi, phong phú, một thời gian dài hoạt động trong lòng đối phương.

Ngày ấy, trong nhiều cuộc họp báo, hội thảo khoa học tôi đều thấy ông ngồi trên đoàn chủ tịch. Ông dáng nhỏ nhắn, trắng trẻo, có đôi mày đậm xếch ngược của võ tướng thời xưa, chỉ càng làm gương mặt ông toát lên vẻ hiền từ, sáng láng. Bao giờ cũng thấy ông mặc bộ quân phục xanh bạc mầu, đầu đội mũ mềm, đeo cặp kính trắng có cái dây vòng sau gáy, những người quen biết ông đều bảo, ông giản dị đến xuềnh xoàng, đi đâu cũng chỉ vận mỗi bộ cánh như thế.

Đó là Tiến sĩ khoa học, nguyên Giáo sư của nhiều đại học ở Sài Gòn, Cần Thơ… trước và sau năm 1975. Là điệp báo viên ở Sài gòn từ 1966 đến năm 1975, sau 1975 là Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Khoa học Viễn thông - Tin học, Bộ Công an, Phó ban chỉ đạo quốc gia về Công nghệ thông tin; Phó chủ tịch Hội Điện tử - Viễn thông; Phó chủ tịch Hội Tin học Việt Nam; thành viên sáng lập Đại học Thăng Long. Ông sinh ngày 13/8/1932, mất ngày 2/5/2006; chào đời và trút hơi thở cuối cùng đều tại Hà Nội.

Tôi nhiều lần chủ ý tiếp cận ông, nhưng vẫn chỉ là những cuộc trao đổi ngắn về nội dung của cuộc hội thảo cụ thể nào đó, ông luôn tỏ ra bận rộn, khiêm nhường. Thế rồi một hôm, có người bạn cho tôi xem công trình nghiên cứu mới của ông, đề tài nhánh của Chương trình cấp nhà nước mang mã số KX.06.

Cái tên của đề tài đã gây sự chú ý, bởi nó nửa khoa học tự nhiên, nửa khoa học xã hội: “Khoa học công nghệ với các giá trị văn hoá”. Tâm điểm hấp dẫn của công trình “hai nửa” này là ở chỗ, từ một công thức thuần tuý lý thuyết trong vật lý hiện đại - Thuyết Tương đối của A. Einstein, tác giả đã vận dụng vào hoàn cảnh nước ta để tìm lời giải chung nhất cho bài toán chính trị - xã hội phức tạp, là muốn thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, từ một nước chậm phát triển trở thành phát triển.

Xin trích một đoạn thú vị nhất của đề tài, mà tin chắc những ai ngoại đạo về toán - lý như tôi vẫn có thể hiểu.

Trong vật lý, biểu thức nổi tiếng của nhà vật lý vĩ đại Albert Einstein, mô tả mối liên hệ giữa khối lượng m của một vật thể với năng lượng E mà vật thể này có thể giải phóng như sau:

E = m x c2 , với c là vận tốc ánh sáng.

Vận dụng vào lĩnh vực chính trị xã hội, nhà khoa học Nguyễn Đình Ngọc mô tả mối liên hệ giữa các “đại lượng” phi vật thể dưới dạng biểu thức tương tự như sau:

Kiến thức = Khối lượng dữ kiện x (Tốc độ xử lý)2

Tri thức = Khối lượng kiến thức x (Tốc độ mô phỏng)2

Quyết thức = Khối lượng kiến thức x (Tốc độ mô phỏng-Dự báo-Lựa chọn)2.

Các biểu thức trên đã cho thấy, kiến thức hay tri thức đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành những quyết thức, hay nói cụ thể hơn là các quyết sách, các chủ trương đường lối… Nhà khoa học Nguyễn Đình Ngọc cho rằng: “Ông cha ta xưa kia đã nói biết thì sống, tức cũng là đề cao vai trò của Quyết thức trong những trường hợp sống còn của dân tộc”.

Có thể mở rộng ra tầm quan trọng của vấn đề dân trí đối với xã hội, với đất nước. Như ông Ngọc đã nhấn mạnh: “Dân trí phải được chú ý ngay từ bây giờ, từ những công dân tí hon bước vào lớp mẫu giáo…”

Sau khi đọc kỹ công trình, tôi viết một bài báo ngắn “Từ Kiến thức đến Quyết thức”. Rồi một hôm, tôi nhận được cú điện thoại ông mời đến gặp tại trụ sở Ban chỉ đạo về công nghệ thông tin. Trong cuộc nói chuyện khá cởi mở, thân tình hôm đó, tôi mới hiểu vì sao ông giác ngộ yêu nước và cách mạng từ rất sớm và trong bất kỳ hoàn cảnh nào ông vẫn kiên trì, liên tục học tập nâng cao hiểu biết.

Ông sinh ra trong một gia đình trí thức ở Hà Nội, có bốn anh em, ông là con cả. Cha ông, bác sĩ Nguyễn Đình Diệp giàu lòng yêu nước, trước năm 1945 đã bị thực dân Pháp bắt tù đày ở nhà tù Sơn La. Bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, bác sĩ Diệp là Quân y xá trưởng tỉnh Phúc Yên.

Cuối năm 1947, trong một trận càn, bác sĩ Diệp cùng cậu bé Ngọc lúc đó mới 15 tuổi bị bắt. Giặc áp giải đến Đáp Cầu, Bắc Ninh thì tách cha con ra và từ đó ông không bao giờ còn được gặp lại cha mình nữa. Lúc chia tay người cha chỉ dặn con mỗi câu: “Con hãy cố học và giúp người khác học, dân mình khổ trước hết vì giặc dốt đấy”.

Nhiều năm sau đó Nguyễn Đình Ngọc luôn trăn trở về lời cha dặn. Đó là điều tâm huyết nhất của cha, một trí thức trải kiếp nô lệ, từng thấy dân mình chìm đắm trong ngu dốt, lạc hậu. Điều này cũng giải thích vì sao, trong công trình nghiên cứu của ông, quyết thức nâng cao dân trí trở thành điểm mấu chốt, được đề cao đến vậy!

Năm 1953, ông được tổ chức đưa ra nước ngoài học tập. Gần 10 năm sống, học tập tại Paris, Pháp, ông đã giành được các bằng cấp, đều thuộc loại xuất sắc, như: kỹ sư khí tượng; kỹ sư viễn thông; kỹ sư đóng tàu; tiến sĩ địa vật lý; tiến sĩ toán học. Về nước tháng 2 năm 1966, ông được chính quyền Sài Gòn bổ nhiệm vào vị trí giáo sư Đại học Khoa học Sài Gòn.

Ít ai ngờ rằng, ông còn nằm trong tổ chức điệp báo ông với bí danh “Diệp Sơn” (ghép tên cha và em trai đã mất).

Mãi đến sau ngày nước nhà thống nhất, cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo mới được hé lộ, họ có những “vỏ bọc” thật khác nhau. Chẳng hạn: nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn là ký giả; nhà tình báo Vũ Bằng là nhà văn; nhà tình báo Đức Phương là nhà buôn…

Với Nguyễn Đình Ngọc, ông chọn nghề giáo sư đại học, song đó không hoàn toàn là “cái vỏ”, ông là nhà khoa học thứ thiệt, có kiến thức uyên thâm, đa dạng, càng có lợi hơn trong thực thi nhiệm vụ điệp viên.

Trong buổi trò chuyện giữa chúng tôi hôm đó, trả lời cho câu hỏi, sao phải học nhiều bằng đến vậy, ông kể một chuyện của năm 1970.

Thấy tướng tá Sài Gòn rộ lên việc tìm hiểu tình hình khí tượng thuỷ văn vùng tây bắc Sài Gòn, cho người đến tham khảo ông với tư cách chuyên gia khí tượng từng tu nghiệp ở nước ngoài, ông đã suy ra, sẽ có một cuộc hành quân lớn với nhiều trực thăng vào khu vực ấy, chủ yếu nhắm tới Tây Ninh và vùng giáp biên giới Campuchia, có cơ quan đầu não của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam. Nhận định, rồi tổng hợp các động thái khác của đối phương, ông chuyển tin đi ngay về căn cứ… Vào năm 1980 trong chuyến công tác với đoàn Quốc hội sang Campu chia, tôi nghe một vị lãnh đạo cao cấp trong đoàn kể lại, vào thời điểm ấy ông cùng nhiều vị Trung ương cục đã thoát hiểm do được điệp báo ta báo trước kịp thời.

Chắc hẳn còn có những tin tức tình báo hệ trọng mà ông không kể hết. Chẳng hạn, cuối tháng 4/1975, do phân tích tình hình thời cuộc kịp thời, chuẩn xác, ông là một trong những người đi đến kết luận: Mỹ sẽ buông tay không can thiệp trở lại. Những nguồn tình báo như vậy đã góp phần giúp lãnh đạo có căn cứ thúc đẩy cuộc tổng tiến công thần tốc vào hang ổ cuối cùng của chế độ Sài Gòn.

Sau ngày giải phóng, ông ra công khai, làm việc trong Bộ Công an, có điều kiện sử dụng khả năng chuyên môn đa dạng của mình cho công tác quản lý và nghiên cứu khoa học… Ông được trở lại với niềm đam mê làm khoa học. Đúng như GS Hoàng Xuân Sính, người có nhiều năm quen biết GS Nguyễn Đình Ngọc từ hồi còn ở bên Pháp, khi ông qua đời đã viết: “Anh làm khoa học như để bõ cơn thèm, vì đã không được toàn tâm toàn ý cho nó do bận làm tình báo một thời gian dài. Anh sinh ra để làm khoa học, đó là ham thích duy nhất của đời anh…”.

Người ta nói, con người, từ cổ chí kim, có ba đam mê: quyền lực, tiền bạc và phụ nữ. Nguyễn Đình Ngọc thoát khỏi cái vòng kim cô đó, nhưng lại mắc phải cái đam mê của các nhà khoa học thực sự, đó là sự say mê khám phá. Chính nhờ niềm đam mê đó nhân loại đã từ bóng đen dốt nát đến với ánh sáng hiểu biết tuyệt vời.

Nhà khoa học yêu nước, nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc may mắn theo đuổi niềm đam mê ấy đến tận những năm tháng cuối đời.

• Phạm Quang Đẩu
http://vietnamnet.vn/khoahoc/2009/08/864161/

Đừng đặt dấu chấm hết cho sông mẹ Mekong

Chúng ta cũng cần sự ủng hộ của quốc tế để bảo vệ sự toàn vẹn sinh thái trên những con sông hoang dã cuối cùng. Hãy bắt đầu từ sông Mekong.
TuanVietNam xin giới thiệu bài viết của nhà báo, nhà tư vấn môi trường Fred Pearce trên tờ Yale Environment 360 về hiểm họa này. Ông là tác giả của nhiều đầu sách viết về môi trường trong đó có cuốn "Khi những dòng sông cạn dòng".


Sông Mekong bao đời nay đã chảy tự do, và là bầu sữa nuôi sống hàng chục triệu người dân Đông Nam Á. Thế nhưng, tổ hợp tám đập thủy điện mà Trung Quốc hiện đang xây dựng trên con sông dài 2800 dặm này sẽ cản trở dòng chảy tự nhiên và đe dọa làm khô kiệt bầu sữa ấy.

Những con tàu của hải quân Mỹ xuôi ngược trên sông giờ đã lùi vào dĩ vãng. Đồng bằng sông Mekong của ngày hôm nay thật yên bình. Vĩnh Long, nơi từng diễn ra những trận đánh ác liệt giữa quân giải phóng và Mỹ, giờ trở thành điểm du lịch lý tưởng. Với những khách du lịch phương Tây tìm đến các vùng xa xôi, hẻo lánh của đồng bằng rộng lớn này, có lẽ thứ nguy hiểm nhất là những chiếc máy ảnh và trận phục kích duy nhất là của những thương lái ở chợ nổi Cần Thơ.
Là một đất nước với nền kinh tế đang hiện đại hóa và phát triển nhanh, Việt Nam cũng như các nước láng giếng uống chung dòng nước Mekong không quên sự no ấm hiện thời một phần chính là nhờ con sông này. Thế nhưng, nghịch lý thay, giữa thời buổi thanh bình và thịnh vượng ấy, một trong những con sông nguyên sơ còn sót lại trên thế giới lại bị đe doạ.

Gần nửa thế kỷ chiến tranh và loạn lạc ở Đông Nam Á đã phủ bụi lên bản kế hoạch xây dựng tổ hợp đập thủy điện khổng lồ, bảo vệ con sông này trước những người kỹ sư xây dựng. Nhưng giờ đây, tất cả đang thay đổi. Hàng chục triệu người dân của khu vực này có lý do để lo sợ về những hậu quả nhãn tiền, bởi chẳng bao lâu nữa họ sẽ phải tận mắt chứng kiến bầu sữa nuôi dưỡng họ bị rút kiệt.

Tháng 10 năm 2008, các kỹ sư Trung Quốc đã hoàn thành xong công trình đập Tiểu Loan ở thượng lưu sông Mekong, thuộc tỉnh phía Nam xa xôi Vân Nam. Với chiều cao 292 m, ngang bằng với tháp Eiffel, hiện Tiểu Loan là con đập cao nhất thế giới. Từ mùa hè năm nay, đập sẽ bắt đầu thực hiện nhiệm vụ chặn đứng dòng lũ lớn đổ về từ dãy núi Himalaya và giữ lại lượng nước từ những cơn mưa lớn và tuyết tan trong hồ chứa dài 105 dặm. Đập sẽ chính thức sản xuất điện vào năm sau và dòng điện sẽ vươn tới tận những thành phố xa xôi như Thượng Hải cách đó 1.200 dặm về phía Đông.

Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ xây dựng tổng cộng tám con đập trên sông Mekong. Nếu đúng như dự kiến, đến năm 2014, các kỹ sư sẽ hoàn thành đập Nọa Trát Độ, con đập có chiều cao khiêm tốn hơn nhưng công suất hồ chứa lại lớn hơn nhiều so với đập Tiểu Loan. Vậy là, số phận của sông Mekong đã được định đoạt: Mekong sẽ trở thành tháp nước và tổ hợp nhà máy thủy điện mới của Trung Quốc.
Tổ hợp tám đập này có khả năng giữ lại một nửa lưu lượng của sông Mekong khi sông rời Trung Quốc và chảy xuôi dòng xuống Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Trong tương lai, những đợt lũ hàng năm sẽ được xả thường xuyên khi các turbine đi vào hoạt động. Khi đó, mực nước trên sông sẽ dâng và hạ theo ý thích bất chợt của các kỹ sư hơn là tự nhiên.
Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cuối tháng 5 vừa qua đã cảnh báo: tổ hợp tám đập này sẽ đe dọa đến sự sống còn và nguồn tài nguyên thiên nhiên của con sông. Chế độ trị thuỷ mới sẽ làm biến đổi chu kỳ lũ lụt hàng năm và phá hủy những hệ sinh thái đang sống nhờ dòng sông này.

Aviva Imhof, người phụ trách chiến dịch của Mạng lưới sông ngòi quốc tế, cho biết những con đập này sẽ gây thiệt hại nặng nề cho vùng hạ lưu. “Trung Quốc đang hành động thiếu trách nhiệm”, Imhof nhận định. “Hệ thống đập của đất nước này sẽ tàn phá hệ sinh thái của vùng hạ lưu sông Mekong cũng như vùng hồ Tonle Sap. Chúng gióng lên hồi chuông báo tử cho những ngư trường hiện đang nuôi sống hơn 60 triệu người.”
Hầu hết các chuyên gia ở các nước thuộc khu vực hạ lưu đều e dè khi chỉ trích chính sách của Trung Quốc. Tuy nhiên, tháng trước, giáo sư Ngô Đình Tuấn của Đại học Thủy lợi Hà Nội đã rất thẳng thắn khi trao đổi với các phóng viên trong nước: “Nếu Trung Quốc xây đập để sản xuất điện, tác động đầu tiên sẽ là sự sụt giảm đáng kể các tài nguyên nước. Đây là điều rất nguy hại đối với những người dân sống ở khu vực hạ lưu.”

Từ bao đời nay, sông Mekong là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá đối với con người và tự nhiên của khu vực Đông Nam Á. Tầm quan trọng của nó có thể sánh ngang với những khu rừng nhiệt đới Amazon. Con sông dài 2800 dặm này là ngư trường lớn thứ hai trên đất liền của thế giới, và là trụ cột chính của nền kinh tế khu vực trong hàng ngàn năm nay. Nó giúp người Campuchia, một trong những dân tộc nghèo nhất, trở thành những người có nguồn thực phẩm dồi dào nhất trên thế giới. Đây là kết quả trực tiếp của những cơn lũ mùa hè. Cụ thể, nó bắt nguồn từ một trong những đặc trưng của lũ sông Mekong - tạo ra dòng chảy ngược trên nhánh sông Tonle Sap.
Mặc dù chỉ là một phụ lưu ở Campuchia, nhưng Tonle Sap được coi là trái tim của cả hệ thống sông Mekong với nhiệm vụ điều hòa lưu lượng. Tuy nhiên, theo Mukand Babel, tác giả bản báo cáo của Liên hợp quốc và là thành viên Viện Công nghệ Châu Á ở Bangkok, Thái Lan, đây lại là một trong những điểm yếu nhất của hệ thống sông Mekong. Các con đập của Trung Quốc có thể nắm quyền kiểm soát trái tim này.

Suốt bảy tháng trong năm, sông Tonle Sap chảy từ một hồ nước ở miền trung Campuchia và hòa vào dòng sông chính phía trước cung điện hoàng gia ở Phnom Penh. Nhưng từ tháng 6 tới tháng 11, dòng chạy đó lại đổi hướng. Nguyên nhân của hiện tượng này là do những cơn lũ mùa hè làm tăng lưu lượng nước của sông Mekong tới 50 lần.

Lưu lượng nước quá lớn khiến dòng sông chính không thể chứa hết. Vì vậy, lượng nước này chảy ngược khoảng 125 dặm về hồ Tonle Sap rồi tràn ra những khu rừng xung quanh. Vào cao điểm của mùa mưa, dòng chảy ngược này hấp thụ 1/5 lượng nước của sông Mekong, khiến sông nhánh Tonle Sap bé nhỏ bỗng chốc trở thành một trong những dòng sông lớn nhất thế giới.
Trong suốt mùa lũ, những khu rừng ngập nước quanh hồ Tonle Sap trở thành “thiên đường” của ngành thủy sản sông Mekong. Dưới làn nước đầy phù sa len lỏi quanh những gốc cây là hàng tỷ con cá con đang lớn lên từng ngày. Rừng ngập nước Tonle Sap là một trong những hệ sinh thái dồi dào nhất hành tinh. Tháng 11 hàng năm, khi lũ lắng xuống, dòng Tonle Sap lại đổi chiều, chảy ra khỏi hồ và kéo theo hàng đoàn cá. Để kỷ niệm sự kiện này, từ thế kỷ 12, mỗi năm người Campuchia đều tổ chức một lễ hội nước rất lớn ở Phnom Penh. Trong những tháng sau đó, lũ cá sẽ ngược xuôi hàng trăm dặm trên sông Mekong, trở thành nguồn thực phẩm cho hàng trăm triệu người. 2/3 lượng cá trên sông Mekong bắt đầu cuộc đời của chúng từ hồ Tonle Sap.

Sản phẩm độc đáo nhất của ngành thủy sản sông Mekong là loại cá da trơn khổng lồ. Một con cá da trơn trưởng thành có thể dài tới 3 mét và nặng 1/3 tấn. Số lượng cá đang giảm dần, nhưng nhiều con vẫn đang ẩn mình dưới những hố sâu dưới đáy sông (có những hố sâu tới hơn 1 km) và thỉnh thoảng lại xuất hiện trong lưới của những ngư dân trên sông Tonle Sap.
Sự sống kỳ diệu của dòng sông hiển hiện trước những ngôi đền Angkor Wat tôn nghiêm. Angkor Wat, di tích của một nền văn minh rực rỡ cổ xưa cách đây 1000 năm, nằm ở bờ bắc hồ Tonle Sap, bên rìa những khu rừng ngập nước. Chính nghề cá trên sông Mekong đã duy trì nền văn minh này.

Sông Mekong khiến người ta nhớ về những dòng sông “nguyên thủy” ở thời mà hệ thống đập thủy điện còn chưa ra đời. 2/3 những dòng sông ngày nay, bao gồm hầu hết những dòng sông lớn nhất, đều có đập ngăn nước trên dòng chính. Trung Quốc đã xây đập trên những dòng sông lớn của Châu Á khởi nguồn từ Tây Tạng, bao gồm sông Hoàng Hà và sông Dương Tử. Hiện nay hai dòng sông này đã bị đập Tam Hiệp chặn lại.
Khi bị “thuần hóa”, những dòng sông trở nên nghèo nàn hơn về sản vật, nhưng sông Mekong là một ngoại lệ. Không dòng sông nào trên trái đất có dòng chảy linh hoạt như vậy. Về đa dạng sinh học và trữ lượng thủy sản, sông Mekong chỉ đứng sau sông Amazon. Không có dặm bờ sông Mekong nào mà không có người đánh cá. Khoảng 60 triệu người sống nhờ dòng sông này, trong đó có 3/4 dân số Campuchia, nơi - theo nhận định của Oxfam – “ngành thủy sản đóng góp rất lớn cho kinh tế và an ninh lương thực hơn bất cứ quốc gia nào khác”.

Tác động của các đập do Trung Quốc xây sẽ phụ thuộc vào cách vận hành nó. Nhưng theo quan trắc của những nhà thủy văn phương Tây, những con đập này sẽ làm giảm 1/4 lưu lượng nước ở hạ lưu sông Mekong, đủ để làm giảm một nửa lượng nước lũ ở Phnom Penh. Các nhà thủy văn đang tranh cãi liệu việc này có đặt dấu chấm hết cho dòng chảy ngược của Tonle Sap hay không. Tuy nhiên, chắc chắn là nó sẽ làm giảm lượng nước của các khu rừng ngập nước với nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với ngành thủy sản Mekong.

Trung Quốc chặn dòng chảy của sông mà không hề bàn thảo trước với các nước láng giềng. Năm 1995, Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan đã thành lập Ủy ban Sông Mekong như một diễn đàn để bàn luận về tương lai của dòng sông này. Trung Quốc chưa bao giờ tham gia và cũng chưa bao giờ đưa việc xây đập ra để bàn bạc với ủy ban này.
Trung Quốc không phải là “ông lớn” duy nhất của các dòng sông trên thế giới. Hãy hỏi người Iraq về việc xây đập của Thổ Nhĩ Kỳ trên sông Tigris và Euphrates, hay hỏi người Mexico về việc xây đập của Mỹ trên sông Colorado. Chúng ta rất cần pháp luật quốc tế bảo vệ những nước khu vực hạ lưu sông. Đây là điều Liên Hiệp Quốc đã nhất trí một thập kỷ trước nhưng chưa bao giờ thực hiện. Hơn nữa, chúng ta cũng cần sự ủng hộ của quốc tế để bảo vệ sự toàn vẹn sinh thái trên những con sông hoang dã cuối cùng. Hãy bắt đầu từ sông Mekong.

Dịch từ Yale Environment 360

18 thg 8, 2009

Để cứu sông Mekong

Trên công luận gần đây cả trong và ngoài nước có nhiều thông tin báo động lo lắng về việc các nước thượng lưu sông Mekong, đặc biệt là Trung Quốc đã và đang xúc tiến việc xây dựng 1 loạt các đập thủy điện sẽ tác động lớn đến các nước ở hạ lưu.

Xây đập thủy điện trên sông

Sông Mekong là một trong mười con sông lớn nhất thế giới, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng có chiều dài hơn 4.800 km, diện tích lưu vực 795.000 km2, lưu lượng dòng chảy trung bình hàng năm khoảng 15.000 m3/s và tổng lượng dòng chảy hàng năm 475 tỷ m3 tại châu thổ, chảy qua lãnh thổ của 6 quốc gia là Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Click vào để xem hình
.

Đây là nơi sinh sống của trên 65 triệu người và có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế của các nước ven sông. Lưu vực sông Mekongcó tiềm năng thuỷ điện rất lớn và phát triển thuỷ điện ở khu vực này có khả năng sẽ tăng lên đáng kể trong những thập kỷ tới.

Sông Lancang (thượng nguồn Mekong) trên địa phận tỉnh Vân Nam của Trung Quốc có tiềm năng thuỷ điện rất lớn. Quy hoạch bậc thang thuỷ điện trong lưu vực sông Lancang được bắt đầu tiến hành từ những năm 1980, có 25 bậc thang trên dòng chính với tổng công suất lắp máy là 25.870 MW và 120 trạm thuỷ điện trên các dòng nhánh với tổng công suất lắp máy là 2.600 MW.

Hiện nay, có 8 công trình thủy điện chính trên sông Lan Thương đã và đang xây dựng gồm: Đập thủy điện Cống Quả Kiều cao 105 m, theo kế hoạch trữ nước vào tháng 6/2011. Đập thủy điện Tiểu Loan (Xiaowan) cao 292 m, công suất 4.200 MW sẽ đưa vào hoạt động tháng 10/2009. Đây là đập lớn thứ 2 sau đập Tam Hiệp khổng lồ trên sông Dương Tử.

Dưới đó là đập Mãn Loan (Man Wan) cao 132 m, dung tích 920 triệu m3, công suất 1.500 MW hoàn thành 1993.

Đập Đại Triều Sơn (Dachaoshan) cao 118 m, dung tích 940 triệu m3, công suất 1.350 MW hoàn thành cuối năm 2003.

Tiếp đó là đập Cảnh Hồng (Jinghong) cao 108 m, công suất 1.500 MW hoàn thành 2009. Ngoài ra, còn 3 đập khác đang trong quá trình xây dựng là Nọa Trát Độ (Nouzhadu), đập Cảm Lâm và đập Mãnh Tống nằm ở đoạn hạ lưu sông Lan Thương.

Ngoài ra, Lào có kế hoạch nghiên cứu xây dựng 23 đập thủy điện, trong đó có đập Ban Koun công suất lớn nhất khoảng 2000 MW.

Thái Lan ngoài 2 con đập Sakamen 1 và 3, đã có kế hoạch tái khởi động xây dựng các đập trên sông Mekongdự kiến công suất 4.000 MW. Phía Campuchia cũng nghiên cứu 2 đập thủy điện là Sambor và Stung Treng có công suất khoảng 3.600 MW.

Lợi và hại

Có 2 xu thế quan điểm về xây dựng các đập thủy điện trên sông Mekong. Những người ủng hộ cho là con người ngày càng đông, kinh tế ngày càng phát triển, mọi nhu cầu cho con người và cho phát triển kinh tế đều cần nước, do đó phải xây dựng đập thủy điện là loại năng lượng sạch, tái tạo được, đập có tác dụng để trữ nước, phát điện, cắt lũ và điều tiết nước trong mùa khô cho hạ lưu.

Những người phản đối xây đập thủy điện, ngày càng gia tăng, lên án mạnh mẽ đập thủy điện làm ngập đất, rừng, dân cư phải di dời, làm thay đổi chế độ dòng chảy, và môi trường sinh thái. Xét về dòng chảy mùa kiệt, mùa lũ và tổng lượng nước năm lưư vực sông Lancang tính đến biên giới Trung Quốc chiếm khoảng 1/4, 1/5 và 1/6 lần dòng chảy mùa kiệt, mùa lũ và tổng lượng nước năm sông Mekongtại Kratie.

Như vậy việc khai thác sử dụng tiềm năng thuỷ điện lưu vực sông Lancang chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến lượng nước, lượng điện, nông nghiệp, thuỷ sản, giao thông thuỷ và môi trường sinh thái vùng hạ lưu sông Mê Công, nhất là đối với các nước Lào, Thái Lan, Campuchia và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Các đập thủy điện ở Trung Quốc và các hồ chứa ở Thái Lan, Lào và Campuchia sẽ làm chậm tốc độ dòng chảy thiên nhiên của sông, làm bồi lắng một lượng phù sa lớn tại hồ, thay đổi động lực dòng chảy gây sói lở các đoạn sông hạ lưu, đập chắn đường đi cho chu trình sinh sản đồng thời cũng làm thay đổi chế độ phù du, dinh dưỡng sông ảnh hưởng đế chu trình sinh sản và sinh trưởng của các loài cá, tác động đến sinh kế của người dân ven sông.

Xin lưu ý riêng lượng phù sa từ thượng nguồn Trung Quốc chiếm khoảng 40% tổng lượng phù sa của sông Mê Công. ĐBSCL hàng năm người dân vẫn mong lũ về (còn gọi là mùa nước nổi) để khai thác thủy sản, vệ sinh đồng ruộng, lấy phù sa. Chỉ riêng các tỉnh trong vùng ven biên giới Việt Nam-Campuchia, mùa nước nổi hàng năm cũng thu nhập khoảng 4.500 tỷ đồng.

Nhận định về các kế hoạch khai thác sông Mekong của Trung Quốc, Tyson Roberts thuộc Viện Nghiên Cứu Nhiệt Ðới Smithsonian (Mỹ) đã phát biểu: “Xây các đập thủy điện, khai thông thủy lộ, với tàu bè thương mại quá tải sẽ giết chết dòng sông. Các bước khai thác của Trung Quốc sẽ làm suy thoái hệ sinh thái, gây ô nhiễm tệ hại, khiến con sông Mekong đang chết dần, cũng giống như con sông Dương Tử và các con sông lớn khác của Trung Quốc.”

Do những phản đối xây đập ngày càng nhiều, khiến cho các tổ chức quốc tế như ngân hàng thế giới (WB), ngân hàng phát triển Á Châu (ADB) cũng lo ngại vì xây đập hồ chứa cần rất nhiều tiền mà phần lớn các nước đang phát triển muốn thực hiện, thì phải đi vay.

Một Ủy ban thế giới về Đập có tên là “World Commission on Dams” đã được thành lập năm 1998 để nghiên cứu và đưa ra các đánh giá về tác động tiêu cực của đập và đưa ra các khuyến cáo cần thiết. Sau 4 năm nghiên cứu hàng nghìn đập trên thế giới (có 2 đập ở Việt Nam) ), Ủy ban thế giới về Đập đã đưa ra 7 nguyên tắc chiến lược khi xây dựng đập cần thực hiện là:

(1) Cần có sự chấp nhận của công chúng;
(2) Cần đánh giá toàn diện các phương án khác nhau có thể;
(3) Đánh giá về tác động của các đập hiện có;
(4) Bảo đảm bền vững cho con sông và sinh kế cho người dân;
(5) Công nhận quyền và chia sẻ lợi ích;
(6) Đảm bảo tuân thủ (pháp lý quốc tế, khu vực, quốc gia, quy trình…)
và (7) Sử dụng các sông vì mục đích hòa bình, phát triển và an ninh.

Vùng hạ du sẽ chịu ảnh hưởng lớn

Đất nước ta đang đi vào con đường hội nhập, đòi hỏi phải có chiến lược phát triển chủ động, bền vững, trước mắt cũng như lâu dài. Để phát triển kinh tế - xã hội đúng hướng đòi hỏi phải xây dựng chiến lược phát triển các ngành, các lĩnh vực, trong đó có chiến lược quản lý tài nguyên nước và lưu vực sông.

ĐBSCL chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Sản lượng nông nghiệp của ĐBSCL chiếm trên 50% cả nước, riêng lương thực xuất khẩu 90%, cây ăn trái và thuỷ sản khoảng 70% so với cả nước lại nằm hạ nguồn sông Mekongcho nên mọi tác động ở thượng nguồn như xây đập, lấy nước phát triển nông nghiệp đều ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến nước ta.

Lưu vực sông Mekong hiện nay và trong tương lai giữ một vai trò quan trọng không chỉ trong phát triển kinh tế của mỗi quốc gia ven sông mà còn cả trong phát triển hợp tác kinh tế và chính trị trong khu vực. Nhu cầu khai thác và sử dụng tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực sông Mekong tại các nước ven sông sẽ ngày càng lớn và chắc chắn sẽ tăng đáng kể trong tương lai.

Do đó việc sử dụng công bằng, hợp lý, phát triển bền vững và bảo vệ nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan đã và đang trở thành một nhu cầu cấp thiết. Quản lý tổng hợp tài nguyên nước và quản lý tổng hợp lưu vực sông là hướng đi phù hợp với xu thế chung của thế giới hiện nay.

Quản lý tổng hợp tài nguyên nước và quản lý tổng hợp lưu vực sông bao gồm 3 nội dung chính là phát triển (quy hoạch và xây dựng công trình), quản lý (phân bổ, giải quyết tranh chấp, quản lý ô nhiễm...) và bảo vệ (bảo vệ rừng, quản lý phân bón, thuốc trừ sâu, cơ cấu mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ dải ven bờ...).

Điều đáng lo nhất là các nước hạ lưu không ai nắm được cụ thể quy trình vận hành của các nhà máy thủy điện của Trung Quốc. Theo tôi biết, phía Trung Quốc chỉ có thông báo một số thông tin từ 2 trạm thủy văn về mùa lũ, không có số liệu về mùa khô cho nên muốn tính toán, kiểm tra lại quy trình vận hành là rất khó khăn, nan giản.

Một số nhà khoa học cũng lưu ý để tránh tình trạng cực đoan, các nước cần tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin, đối thoại, minh chứng trên luận cứ khách quan và khoa học để làm sao tác động về lợi của các công trình đập thủy điện và đập dâng là lớn nhất và thiệt hại là ít nhất.

Cần thái độ hợp tác rõ ràng

Trong xu thế hội nhập của thế giới, việc khai thác sử dụng nguồn nước sông Mekong là quyền lợi chung của tất cả các nước trong lưu vực. Cần quan tâm, thúc đẩy việc xây dựng cơ sở pháp lý của hợp tác quốc tế trong việc khai thác sử dụng các lưu vực sông quốc tế và quảng bá các nguyên tắc này nhằm thiết lập một hệ thống quốc gia cho các hoạt động khai thác nguồn nước; theo dõi việc sử dụng nguồn nước sông quốc tế trong lãnh thổ Việt Nam cả về số lượng và chất lượng cụ thể là 2 trạm chính ở Tân Châu và Châu Đốc; quảng bá kinh nghiệm của Việt Nam trong các diễn đàn quốc tế nhằm nâng cao uy tín của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề cần thương lượng.

Vấn đề thiết thực nhất là cần cập nhật các thông tin, số liệu cơ bản, tiến hành nghiên cứu tổng hợp đánh giá về tác động của các đập thủy điện và các đập dâng của các nước thượng lưu kể cả của Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Campuchia cùng với tác động của biến đổi khí hậu , nước biển dâng ảnh hưởng đến ĐBSCL.

Việc các nước ở thượng lưu sông Mekong tiến hành xây dựng các đập thủy điện để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế là xu thế không thể đảo ngược. Sông Mekong là sông quốc tế nên rất cần có tiếng nói chung của các tổ chức quốc tế và các nhà khoa học để minh chứng cho các lập luận về nguyên tắc chia sẻ nguồn nước.

Hay nói cách khác con sông Mekong có thể quanh co nhưng thái độ hợp tác của các nước ven sông phải rõ ràng, minh bạch vì quyền lợi chung của cả lưu vực.

Ngoài việc tăng cường hợp tác hoạt động qua khuôn khổ 4 nước hạ du của Ủy hội sông Mekong (MRC) cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành của Việt Nam qua các chương trình hợp tác song phương và đặc biệt là Sáng kiến tiểu vùng Mekongmở rộng (GMS) có đầy đủ cả 6 thành viên Mê Công.

Trong tương lai, thế giới sẽ phải đối phó với cuộc khủng hoảng về nước, không hẳn chỉ vì thiếu lượng nước để dùng, mà còn vì chất lượng nước tồi tệ đến mức không sử dụng được. Ban đầu là con người không thể uống được, kế đến là không thể nuôi trồng thủy sản và tiếp nữa là không thể tưới tiêu.

Câu ta thán nổi tiếng của người phương Tây “Water, water everywhere, not a drop to drink” (Nước, nước ở mọi nơi, nhưng không một giọt uống được) nếu không có các biện pháp đối phó thích hợp thì chẳng bao lâu sẽ trở thành hiện thực ở vùng Châu thổ sông Mêkông!

Nguồn nước sông Mekong ngày càng quý hiếm. Để chủ động trong khai thác nguồn nước sông Mekong một cách vững bền, quan điểm của chúng ta là các chương trình, kế hoạch phải được xây dựng từ Tầm nhìn phát triển của ĐBSCL là "Quản lý thiên tai một cách hiệu quả, sử dụng tài nguyên một cách khôn ngoan, vì một ĐBSCL kinh tế ổn định và thịnh vượng, môi trường đa dạng và bền vững".

Xin mượn lời giáo sư Kader Asmal, Bộ trưởng Giáo dục Nam Phi, Chủ tịch Ủy ban thế giới về đập để kết luận cho bài viết này: "Có lẽ bạn nhìn thấy một công trình bằng bê tông nhẵn nhụi, có hình dạng prabol, dường như nó phát điện-nguồn điện rẻ tiền chạy qua tuốc bin ở dưới đáy. Các kỹ sư tôn thờ nó, các nhà sinh thái nguyền rủa nó, các bộ lạc thổ dân bị mất nền văn hóa vì nó. Ngành đánh cá địa phương đổ xô vào sau khi công trình hoàn thành, nhưng lũ lụt lại giảm bớt. Con đập không làm ô nhiễm không khí và nguồn nước còn cung cấp cho các đô thị lân cận, biến đất cằn thành đất canh tác mầu mỡ, con người và động vật phải di dời, nhưng lợi nhuận kinh tế mang lại thực sự có giá trị. Con đập chính là hiện thân tham vọng của các chính khách, nhưng khi họ tiếp cận các kế hoạch đầy tham vọng trên, những người e sợ dương cao khẩu hiệu như “hãy cứu con sông thân yêu của chúng ta”.
http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/7518/index.aspx
* TS. Tô Văn Trường

TTO: Kẹt cứng các cửa ngõ TP.HCM - Kỳ 2: Nhích từng tí ở cửa ngõ miền Tây

Hơn một tháng qua, trên quốc lộ 1A, đoạn từ xã Mỹ Lệ (Long An) đến bến xe miền Tây (TP.HCM) và ngược lại, mỗi ngày có hàng chục ngàn chuyến xe tải, xe khách, container... nối đuôi nhau nhích “từng centimet” vượt qua đoạn đường này.

Chiều 12-8, chúng tôi đi thực tế trên đoạn đường này theo chiều từ Long An lên TP.HCM và ngược lại, xe hơi đủ các loại nối khít đuôi nhau rồi ùn lại ngã tư Quán Chuối, nơi giao nhau giữa quốc lộ 1A với đường Bùi Thanh Khiết và Tân Quý Tây (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Tài xế xe tải Minh Hoàng, chỉ tay vào một rừng xe đang bí rị, bức xúc: “Mỗi ngày kẹt hai cữ, sáng - chiều đều đều, cuối tuần thì khỏi nói, xe lớn xe nhỏ nối đuôi nhau chết đứng, không thể nhúc nhích”.

Nỗi lòng tài xế

Tài xế Hoàng cũng như các tài xế khác ngồi gà gật ngủ chờ qua giờ kẹt xe ở ngã tư Quán Chuối. Gần một giờ mà xe của anh mới bò được chừng 500m. Tài xế Hoàng vò đầu: “Tui vận chuyển trái cây từ Cao Lãnh lên Sài Gòn, gặp kẹt xe như thế này là tiêu”.

Theo anh Hoàng, tình trạng ách tắc giao thông chủ yếu vào buổi sáng (từ 7g-9g) và buổi chiều tối (từ 17g-20g). Nguyên nhân do công trình thi công thuộc dự án cải tạo hệ thống thoát nước, đường và vỉa hè đang dựng rào chắn khiến đoạn quốc lộ 1A này bị thắt cổ chai. “Kẹt xe, trễ hẹn giao hàng, trái cây lại bị héo nên mấy chuyến rồi tôi phải bù đến vài triệu đồng cho chủ thuê chở hàng” - anh Hoàng buồn rầu nói.

Kế xe anh Hoàng, Minh Tân - tài xế xe tải của một công ty TNHH ở An Giang - than thở: “Tôi mới nhận lái thử việc, vậy mà chở me chua và bông gòn sấy vào TP.HCM bị trễ liên tục. Sáng nay tôi rút kinh nghiệm đi trước vài giờ nhưng cũng vướng kẹt xe. Kiểu này tháng sau tôi bị đuổi việc là cái chắc!”.

Ở chiều từ hướng TP ra, hàng dài xe cũng nối đuôi nhau kẹt cứng. Anh Võ Huy Tâm, tài xế xe chất lượng cao chuyên chở du khách nước ngoài, bức xúc: “Tôi hành nghề đã hơn chục năm, chưa bao giờ thấy tình trạng kẹt xe ngán ngẩm như thời gian gần đây”.

Anh Tâm kể cách đây gần tháng có nhóm du khách Hàn Quốc yêu cầu anh chạy để có mặt tại Mỹ Tho (Tiền Giang) đúng 10g30. Anh cho xe chạy sớm, nhưng do kẹt xe nên để vượt qua đoạn đường từ ngã tư Quán Chuối đến chợ Bình Chánh (chỉ khoảng 1km) phải mất hơn hai giờ. Hôm đó xe tới được Mỹ Tho đã gần 13g, mặt mày các du khách sù sụ bực tức.

Chiều 6-8, tuyến quốc lộ 1A, đoạn chợ Bình Chánh - Vườn Chuối - ngã tư Hoàng Đạo Thúy diễn ra kẹt xe từ 17g30-19g30. Có ít nhất bốn xe cứu thương di chuyển từ hướng miền Tây lên bị kẹt cứng. Vợ chồng anh Thanh Hùng - chủ tiệm cơm tại C5/3, ấp 3, xã Tân Túc, huyện Bình Chánh - kể: “Tuần trước có một xe cứu thương mắc kẹt nhiều giờ liền. Tài xế đành lấn sang lề trái, chạy ngược chiều trước sự ngơ ngác của nhiều người qua lại”. Còn anh Thiện, chủ quán phở Quỳnh (C4/26A, xã Tân Túc, huyện Bình Chánh), cho biết thường xuyên chứng kiến xe của lực lượng cảnh sát giao thông đi làm nhiệm vụ nhưng đành bất lực vì bị kẹt cứng giữa một rừng xe lớn nhỏ.

Dân than

Cô giáo Lê Thị Thu (quê Gò Đen, Long An) mỗi ngày đều phải vào TP.HCM để dạy học ở Trường trung cấp nghề Vạn Tường (Q.10) than vãn: “Ngày nào tôi cũng phải điên đầu “bò” qua đoạn đường này. Khi thoát được đám bùng nhùng kẹt xe thì áo quần đã lấm lem bùn đất hết trơn. Chắc từ tuần sau tôi phải thuê hoặc ở nhờ nhà người thân tại TP thôi”.

Anh Tài - một người chạy xe ôm lâu năm ở đoạn đường này - chỉ tay về phía đoàn xe đang bị kẹt giải thích: “Trước làm đường, dựng rào chắn ở bên trái thì kẹt xe hướng TP.HCM ra. Giờ dựng rào chắn ở bên phải, làn xe vào TP.HCM bị ứ đọng”. Nhiều xe tải đã tìm cách “mở lối thoát”, rẽ vô các đường ngắn vòng qua Chợ Đệm và thoát ra đường Bùi Thanh Khiết, khiến nơi đây trở nên lầy lội.

Anh Thiện kể lể: “Ế ẩm lắm! Mấy tháng nay tôi phải bấm bụng chi trả tiền nong cho hơn chục nhân viên, trong khi doanh thu giảm đến 70%. Một loạt quán xá, cửa tiệm bị hàng rào công trình chắn lối như thế, buôn bán sao được”. Cô Hôm (nhà số C9/13, quốc lộ 1A) nói trước đây buổi sáng bán bún, trưa bán cơm, vợ chồng sống không đến nỗi, nhưng cả tháng qua cô đành đóng cửa quán. Hiện nay thu nhập của cả gia đình chỉ trông chờ vào tủ thuốc lá bán cho công nhân thi công đào đường.

Công trình trên quốc lộ 1A đoạn cửa ngõ TP ở khu vực huyện Bình Chánh không chỉ gây ách tắc giao thông mà còn làm nhiều người sống “bám” khúc lề đường bị cắt thu nhập. “Đường với sá, không biết bao giờ mới xong để cho dân nhờ...” - một người dân than thở.

Theo TTO

Sắp hoàn thành công trình lắp đặt cống


Ông Võ Hoàng Việt Tuấn, phó giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 4, cho biết công trình thi công lắp đặt cống thoát nước trên quốc lộ 1A đoạn từ huyện Bình Chánh đến giáp ranh tỉnh Long An có tổng chiều dài khoảng 12km.

Đến nay, gói thầu số 1 và số 4 đã hoàn thành 95-100%, gồm lắp đặt cống thoát nước và làm vỉa hè. Riêng gói thầu số 2 và số 3 đang thi công phía bên trái tuyến đường dài 4km, dự kiến hoàn thành vào tháng 10-2009.

Khi công trình lắp đặt cống hoàn thành thì kẹt xe ở đoạn Bình Chánh - Long An sẽ giảm nhiều. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nói ngân sách mới cấp cho công trình 40 tỉ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án là 150 tỉ đồng. Hiện các nhà thầu đang thiếu vốn trầm trọng, nếu không được ngân sách cấp vốn tiếp có khả năng tiến độ công trình chậm so với kế hoạch.

N.Ẩn

TTO = Kẹt cứng các cửa ngõ Sài Gòn - Kỳ 1: Xa lộ siêu ùn tắt

Xa lộ Hà Nội - một trong những cửa ngõ vào TP.HCM quan trọng nhất - đang trở thành nỗi ám ảnh với cánh tài xế và nhiều người đi đường. Tất cả đều ngán ngẩm nạn kẹt xe hàng giờ đồng hồ, người và xe ken đặc, chen nhau nhích từng chút trong cảnh khói xe đen ngòm nhả mùi nồng nặc, ngột ngạt.

1. “Có nhà mà không được về nhà. Có vợ mà không được về với vợ. Thiệt không ai khổ như đời tài xế. Tụi tui phải ăn ngủ trên xe, chờ hàng về chạy cho lẹ chứ kẹt xe là ăn cám” - Nguyễn Ngọc Sơn, một tài xế trẻ chạy xe container vào cảng Cát Lái, than thở. Nhà ở đường Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức) nhưng suốt một tuần nay Sơn vẫn chưa được về nhà. Anh vừa cưới vợ một tháng. “Kẹt từ Cát Lái kẹt ra, kẹt từ ngã tư RMK kẹt... về nhà” - Sơn tếu táo nói.

Theo nhiều tài xế, kẹt xe trên xa lộ Hà Nội chủ yếu do đường hẹp, có nhiều đoạn nút cổ chai, trong khi lưu lượng xe qua lại rất lớn (lượng xe container vào cảng Cát Lái lên tới 12.000-13.000 chiếc mỗi ngày). Những điểm kẹt xe kinh hoàng là ngã tư RMK và ngã ba Cát Lái. Một tuần kẹt 4-5 ngày, từ thứ tư đến thứ bảy. Đó là thời điểm hàng về và hàng xuất rất nhiều. “Giờ giấc kẹt xe vô chừng lắm, tùy vào thời điểm tàu vào ăn hàng ở cảng Cát Lái. Nhưng thường là kẹt tầm 11g-12g trưa, 4g-6g chiều và từ 10g đêm, khi xe container vào TP. Mấy bữa trước, tui đi từ ngã tư RMK qua cầu Rạch Chiếc chỉ mấy chục mét nhưng “bò” hơn một giờ” - anh Ngô Văn Tín, lái xe container ở bãi gần ngã tư Bình Thái, cho biết.

Theo cánh tài xế, trước đây nếu một ngày xe container chạy được 5-6 chuyến (mỗi chuyến được trả 100.000 đồng) thì bây giờ họ chỉ chạy được 1-2 chuyến. Thu nhập giảm tới 2/3. Đó là chưa kể vô số nỗi khổ khác xảy ra xung quanh câu chuyện kẹt xe. Tài xế xe tải Nguyễn Thông tức tối kể: “Tui mới mua chiếc điện thoại 1,7 triệu đồng, xài chưa được một tuần, hôm bữa kẹt xe 3-4 giờ, mệt quá ngủ quên, bọn trộm cắp ở ngã ba Tân Vạn leo lên cabin cuỗm mất. Nhiều người sáng nhận lương chưa kịp đưa cho vợ thì tối kẹt xe, ngủ quên bị dân đạo chích lấy hết”.

2 Gần 11g, xa lộ Hà Nội, đoạn ngã tư Thủ Đức, ken đặc xe container và các loại xe tải, xe khách, xe du lịch. Rất nhiều ôtô và xe máy luồn lách đổ dồn vào những con đường nhỏ hai bên. Các đường nhỏ như đường số 2, đường Đoàn Hữu Trưng, đường số 8... (P.An Phú, Q.2) đều bị hư hỏng nặng, ổ gà lồi lõm, vũng sình lầy lội. Cô Phan Thị Mây - một người dân ở đường Đoàn Hữu Trưng - cho biết: “Ngoài xa lộ kẹt thì trong này xe to xe nhỏ kéo nhau vào chạy, băm nát cả đường. Chúng tôi rất khổ sở khi phải sống chung với tiếng xe chạy ầm ầm, khói bụi mịt mù cả ngày lẫn đêm”.

Người dân trên đường Nguyễn Xiển (xã Quyết Thắng, Dĩ An, Bình Dương) cũng phải sống chung với kẹt xe bằng cách làm cửa kính và đóng cửa suốt ngày đêm. “Cứ tầm 8g-12g là kẹt xe từ ngoài ngã ba Tân Vạn, vậy là xe cộ đổ vào đây, khiến cả con đường này cũng kẹt cứng. Khói bụi, ồn ào, xe chạy loạn xạ, tai nạn liên tục xảy ra. Bây giờ con đường này không còn là đường Nguyễn Xiển nữa mà là đường “liểng xiểng” mất rồi” - ông Bùi Duy Độ, một người dân ở đây, than thở.

Các vị trí khoanh vòng trên hình là những điểm “siêu ùn tắc” trên xa lộ Hà Nội - Đồ họa: NHƯ KHANH

3 Bảng phân công lịch trực của Đội cảnh sát giao thông Rạch Chiếc luôn dày đặc với các ca trực 24/24 giờ. Mỗi người phải đảm nhiệm hai ca trực, gồm một ca ngày và một ca đêm. Ngã ba Cát Lái là chốt nóng nhất về tình trạng kẹt xe nên những ca trực ở đây đầy gian nan.

Gần nửa đêm, đại úy Lê Văn Chung (Đội cảnh sát giao thông Rạch Chiếc) và thượng sĩ Nguyễn Thành Danh (thuộc tiểu đoàn 1, trung đoàn cảnh sát cơ động đóng quân tại Thủ Đức) vẫn toát mồ hôi hột chạy tới chạy lui trong đám khói bụi dày đặc để gỡ lối thoát cho dòng xe đang ùn lại. “Suốt 16 năm làm ở đây, tôi chưa thấy lúc nào căng thẳng như thời gian gần đây. Kẹt xe cả mấy tiếng đồng hồ, có khi kẹt luôn cả ngày, có những ca trực suốt bốn giờ anh em không được ngồi nghỉ một giây” - đại úy Lê Văn Chung vừa nói vừa ho sù sụ trong khói bụi.

Trung tá Phạm Văn Tuyến, đội phó Đội cảnh sát giao thông Rạch Chiếc, nói: “20 năm làm nghề cảnh sát giao thông tới giờ tôi mới thấy cảnh kẹt xe lâu tới mức tài xế phải tắt máy xe ngủ hàng loạt. Hết kẹt thì họ đã ngủ say. Anh em cảnh sát giao thông phải chạy xe dọc đường, đập cửa cabin gọi từng tài xế dậy”.

4 Gần 17g. Giao thông ở vòng xoay ngã ba Vũng Tàu như bị chặn đứng lại
. Bóng những chiếc áo vàng như bị nuốt chửng giữa cơ man xe và người. “Con gái tui đi làm trên Sài Gòn, mỗi lần đi làm về là bị kẹt từ cầu Sài Gòn tới tận nhà. Nhà tui ở gần cầu Đồng Nai nhưng do kẹt dữ quá, thay vì chỉ cần chạy qua cầu Đồng Nai rồi ôm theo vòng xuyến chạy ngược lại về hướng cầu chút xíu là tới nhà thì mấy ổng (cảnh sát giao thông) không cho mà bắt phải chạy thẳng lên cả trăm mét, có khi chạy tuốt lên ngã tư bồn nước, ngã tư Tam Hiệp mấy cây số mới chạy vòng lại về nhà” - ông Đinh Văn Kính, một người dân ở ngã ba Vũng Tàu, phàn nàn.

“Kẹt xe thì chỉ có cánh xe ôm là ngon lành thôi. Còn mấy ông taxi mỗi lần kẹt xe là đói mốc meo. Chạy xe ôm có 2km mà tới 20.000 đồng người ta vẫn đi ào ào, trong khi taxi có 8.000 đồng/km thì hổng ai thèm rớ. Cũng vì kẹt xe mà thằng Tú chạy taxi ở đây hai lần “được” làm... ông đỡ đẻ đó.

Đang chở bà bầu tới Bệnh viện Từ Dũ thì bị kẹt xe gần hai giờ. Nó toát cả mồ hôi khi người phụ nữ chuyển dạ trên xe, gào khóc quá chừng. Lần đầu tiên đỡ đẻ, nó lính quýnh mãi mới đưa đứa nhỏ ra rồi chạy tới Bệnh viện Từ Dũ cắt rốn” - anh Tài, một tài xế taxi ở ngã tư Thủ Đức, kể.

17 thg 8, 2009

Vợ - Bồ và Tiền

Chỉ có tiền mới hiểu
Bồ thương ta nhường nào,
Chỉ có vợ mới biết
Tiền lương ta là bao.

Những ngày chưa kịp khao,
Bồ dạt dào thương nhớ.
Những lần lương bị hao,
Lòng vợ đau - rạn vỡ.

Nếu từ giã tiền rồi,
Bồ cũng bay theo gió.
Nếu phải cách xa lương
Vợ chỉ còn bão tố.

Dương Trung Quốc : Thiên nhiên nước ta giàu hay nghèo?

Đã một thời, học trò trên ghế nhà trường nghêu ngao lời giảng của thầy: "Nước ta rừng vàng, biển bạc, nhân dân cần cù". Rồi lại một thời người ta phê phán rằng dạy học trò như vậy là không đúng mà phải học nước Nhật Bản luôn dạy cho trẻ biết rằng nước mình nghèo để nuôi và giữ lấy cái chí phấn đấu và cái đức tiết kiệm.

Thú thực đến nay tôi cũng không biết tài nguyên là nước ta giàu hay nghèo. Nhưng điều chắc chắn là thiên nhiên nước ta không nghèo. Tây đánh rồi chiếm nước ta trước tiên vì thấy cái mỏ than ở bên bờ biển gần cảng nước sâu, từ đó có thể thâm nhâp vào vùng Tây Nam Trung Quốc và 2 vựa thóc ở hai đầu quốc gia cùng cả một dải bờ phơi lưng ra biển cả, ngay kề con đường hảng hải quốc tế mà một thời được ví là "con đường tơ lụa xanh".

- Cái mỏ than ấy khai thác đến nay vẫn chưa hết, sắp hết thì lại phát hiện cả một vùng than khổng lồ nằm ngay dưới lòng đồng bằng Bắc Bộ rộng lớn. Còn hai vựa lúa thì cuối thế kỷ XIX đã xuất khẩu gạo; còn đến nửa cuối thể kỷ XX chỉ cần biết "cởi trói" khỏi cách làm ăn tập thể thiếu dân chủ và khoa học của thời "cải tạo xã hội chủ nghĩa" là đã đứng vào "top" các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Từ cái cây cà-phê do mấy cố đạo mang từ phương xa đến trồng ngoài vườn để có thức uống theo tập quán, Tây đã nhận thấy cái chất đất màu mỡ để mở mang đồn điền, nhất là sau khi đặt chân được lên vùng đất đỏ badan Tây Nguyên, để giờ đây hội nhập với kinh tế thế giới Việt Nam đã là Á quân của thị trường sản xuất hạt cà-phê. Với một số loài cây công nghiệp khác như cao-su, tiêu, điều... không ai dám bảo rằng đất nước ta cằn cỗi.

Rồi chiến tranh vừa kết thúc, nền kinh tế bị tàn phá nặng nề cần khôi phục thì cũng là lúc, nhờ phúc ấm của tổ tiên, đất nước Việt Nam lại khơi được nguồn dầu khí từ ngoài thềm lục địa, hút lên bồi bổ suốt mấy chục năm qua mà mỗi năm cứ đọc báo cáo về nguồn thu cho ngân sách mới giật mình tự hỏi rằng nếu nước mình không có dầu khí thì lấy gì mà sống, vì cho đến nay nó vẫn chiếm một tỉ trọng rất cao.

Rồi đất đai, vẫn là những thửa đất ấy, công sức biết bao đời ông cha ta khai phá và gìn giữ giỏi giang đến mức "chỉ có thêm không có bớt" từ mạn trung du phía Bắc mở cõi đến tận đồng bằng cực nam của Tổ quốc. Giờ đây chỉ cần chuyển đổi công năng và quyền sử dụng nó đã trở thành vàng thành bạc theo đúng nghĩa đen của giá trị. Thử hỏi, đến nay có ai làm giàu, từ quan đến dân mà không dính đất cát, có địa phương nào không giàu lên nhờ dự án liên quan đến đất?

Và nếu xem du lịch là một thế mạnh thì Việt Nam hoàn toàn tự tin mà nói rằng thiên nhiên của ta rất đẹp, giàu tiềm năng... Thiên hạ khen là điều có thật. Tôi đã gặp mấy nhà đầu tư giàu có Trung Đông sang ta với ý tưởng làm một thành phố quốc tế tiêu cả trăm tỉ đô. Họ bảo, nước chúng tôi dầu sắp cạn rồi, vốn liếng nhiều nhưng phải tính đến sự chuyển đổi sang nghề làm đô thị sinh thái cho tương lai.

Trên đất nước họ, giữa sa mạc họ xây cao ốc, giữa biển cả họ đắp đảo xây cả khu đô thị sang trọng. Hỏi rằng sang Việt Nam có gì đặc sắc, họ cầm cái compa đặt tại một điểm ở miền Trung quay một vòng mà rằng: thấy chưa cái vị trí của Việt Nam, và chỉ vào cả dải bờ biển mà nói rằng khó kiếm đâu vùng biển đẹp và còn "hoang dã" (hiểu là chưa được đầu tư bài bản) như ở Việt Nam này...

Rồi nữa, người ta chứng minh là sắp tới, ta sẽ thành cường quốc sản xuất nhôm với những mỏ bôxít phủ khắp cao nguyên Trung phần. Những mỏ kim loại còn ủ trong đất, các mỏ đá quý đang phát lộ. Đọc trên báo chí thấy các nhà khoa học nước ngoài nói và hỏi các đồng nghiệp ở trong nước đều trả lời, rằng nước ta đa dạng sinh học vào bậc nhất thiên hạ. Bom đạn, chất độc da cam, nạn phá rừng, săn bắt động vật hoang dã trầm trọng như vậy mà vẫn còn được đánh giá như vậy.

Lên Tam Đảo, thấy người nước ngoài vác vợt, dăng đèn bắt côn trùng về làm tiêu bản, hỏi ra thì họ bảo đấy là cái kho của nhiều loài quý hiếm... Rồi một thời phát hiện sao la, nhiều loại động vật hiếm hoi còn sót lại trên thế giới còn len lủi trong thâm sơn cùng cốc nước ta. Tôi quen một nhà sinh học nổi tiếng, ông và đồng nghiệp lập quỹ gen của các loài vi sinh vật nói rằng riêng cái lĩnh vực này thì ta dám nhận là giàu có. Chỉ có điều muốn phát hiện để công bố phải hợp tác với các bạn Nhật. Hỏi vì sao, thì được trả lời rằng có bạn làm đồng tác giả thì việc công bố mới có tiếng vang.

Rồi các khu sinh thái, sinh quyển, đa dạng sinh học ở Việt Nam được quốc tế công nhận. Ngay vịnh Hạ Long không chỉ trở thành Di sản nhân loại vì cảnh đẹp mà còn nhân đôi nhờ tính độc đáo về địa chất, địa mạo, vân vân và vân vân... Đấy là chưa kể đến biển cả còn biết bao nhiêu điều chưa biết đến...

Thế thì không thể coi thên nhiên nước ta là nghèo. Chỉ có điều dân ta ngày nay có còn cần cù không thì phải bàn. Đúng là trong truyền thống nếu dân ta không cần cù thì làm sao có cái cơ đồ mà ngày nay chúng ta đang thừa kế. Nhưng còn phải kể đến ngày xưa có ông Lê Quý Đôn, đọc sách rồi đi khắp thiên hạ ghi chép tài nguyên của đất nước, có ông Tuệ Tĩnh và Hải Thượng đi tìm cây thuốc chép lại cho đời sau, có các Chúa Nguyễn sai người vượt biển cả ra đảo xa ghi chép và nhặt nhạnh đến cả các đồ vớt lên từ những con tàu đắm để quan sát, kiểm kê những nguồn lợi có thể thu về cho vương triều và cho cả tương lai... Trong thời đại kinh tế tri thức này dường như sự cần cù là chưa đủ.

Thời các cụ chỉ có cách ghi chép và truyền khẩu để ngày nay ta còn những "Dư địa chí" của Nguyễn Trãi. "Nam dược thần hiệu" của Tuệ Tĩnh, "Vân Đài loại ngữ", "Phủ biên tạp lục" của Lê Quý Đôn hay địa chí của quốc sử quán các đời v.v...

Thời Tây qua, họ hiện đại hơn và để có thể khai thác căn bản hơn, họ lập những bảo tàng liên quan đến thiên nhiên, tài nguyên của thuộc địa. Từ rất sớm họ đã lập những bộ sưu tập rồi trở thành Bảo tàng Địa chất ở Hà Nội (từ cuối thế kỷ XIX); Bảo tàng Tài nguyên biển, Hải dương học ở Nha Trang (từ nửa đầu thế kỷ XX); rồi khởi động bộ sưu tập tiêu bản các loại thú, loài cây trong khuôn viên Đại học Đông Dương...

Còn với công chúng, thì một trong những công trình được quan tâm sớm nhất trong thiết chế quy hoạch đô thị lớn là các vườn bách thảo, bách thú ở Hà Nội và Sài Gòn. Ví như, vườn Bách thảo (Thảo Cầm Viên) ở Sài Gòn được lập từ năm 1863, chỉ 1 năm sau khi Pháp chiếm được 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ và năm 1877 bộ sách "Thảo mộc địa phương chí Nam Kỳ" (Flore Forestière de la Cochinchine) đã ra mắt tập đầu.

Điều đáng nói, là nước ta từ khi độc lập, thống nhất rồi đổi mới cũng đã có vài chục năm hoà bình và phát triển mà đất nước ta, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội chúng ta vẫn chưa làm thêm một cái gì đáng kể mang lại cho người dân những công cụ để nhận biết về tiềm năng tự nhiên của đất nước. Cả 2 thành phố với lãnh thổ và dân cư lớn lên gấp nhiều lần, đến nay vẫn chưa có được những vườn bách thảo hay bách thú tương xứng, trong khi không gian của nó không những bị thu hẹp mà ngày càng nghèo nàn về bộ sưu tập. Các bảo tàng về địa chất hay hải dương học mà người Pháp để lại vẫn được duy trì nhưng về căn bản vẫn chưa tương xứng với những gì ta đáng có.

Mới đây, tiếp cận với bộ hồ sơ về việc xây "Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam" càng thấy cám cảnh. Các nhà lãnh đạo từ thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã quan tâm, từ năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định... nhưng đến nay qua 4 lần thay đổi, dự án Bảo tàng vẫn chưa... cắm được đất.

Từ Xuân Đỉnh rồi chuyển qua Mỹ Đình rồi Đại Mỗ (Từ Liêm) đến cuối năm 2008 đẩy lên gần ngã ba Hoà Lạc-Tân Mai. Những tưởng đã "an cư" thì lại được biết đất này chính quyền đã cấp dự án cho doanh nghiệp xây khu đô thị... Thế là Bảo tàng Thiên nhiên vẫn còn nằm trên giấy. Cái câu hỏi mông lung: Thiên nhiên nước ta giàu hay nghèo dường như người dân vẫn vô phương hiểu được...

Theo LĐCT (DƯƠNG TRUNG QUỐC)

15 thg 8, 2009

Trung Quốc xây dựng một loạt đập thủy điện trên sông Mekong sẽ là mối đe dọa lớn cho tương lai của Đông Nam Á

Liên hợp quốc đã đưa ra cảnh báo, việc Trung Quốc xây dựng một loạt đập thủy điện trên sông Mekong sẽ là mối đe dọa lớn cho tương lai của Đông Nam Á. Xin giới thiệu những đánh giá của Tiến sĩ Tyson R. Roberts đăng trên Internationalrivers:
Trung Quốc có ý định phát triển thuỷ điện trên sông Mekong (nước này gọi là sông Lan Thương) tại Vân Nam cũng như làm một tuyến đường thuỷ chính nối Vân Nam tới Biển Đông (Trung Quốc gọi là biển Hoa Nam) với khoảng cánh khoảng 2.500km.


(Tyson R. Roberts (Tiến sĩ, Đại học Stanford 1968) nghiên cứu ngư học tại lưu vực sông Mekong từ năm 1970 và chuyên làm việc trong lĩnh vực đánh giá tác động với môi trường của những dự án thuỷ điện ở Mekong. Ông đã giành nhiều giải thưởng trong lĩnh vực nghiên cứu ngư học tại vùng nhiệt đới châu Á).


Phần I- Thuỷ điện Lan Thương, nắn dòng Mekong : Nguy cơ báo trước

Kế hoạch đó đặt ra những vấn đề chưa từng thấy về môi trường và xã hội với các nước thuộc hạ nguồn sông Mekong như Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Sự suy giảm sinh thái trầm trọng với sông Mekong từ dự án là điều được biết trước. Và dĩ nhiên, những ảnh hưởng ấy sẽ không chỉ giới hạn với dòng sông này. Các nước vùng hạ nguồn sẽ buộc phải thực hiện những nỗ lực to lớn và kiệt sức nhưng không có hiệu quả để tự bảo vệ họ và tránh tác động với ngành nông nghiệp, nghề cá cũng như sinh kế.

Campuchia và Việt Nam, hai nước xa nhất ở hạ nguồn sẽ không còn hưởng lợi ích từ Mekong, đồng thời phải trải qua ảnh hưởng tiêu cực tồi tệ nhất từ dự án trên, đặc biệt là Biển Hồ của Campuchia cũng như vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Bản thân Trung Quốc cũng sẽ không tránh khỏi tác động bất lợi từ dự án trên. Quan ngại đặc biệt là vấn đề trầm tích của các hồ chứa thuộc đập thuỷ điện Lan Thương; lở đất xảy ra sẽ thường xuyên hơn, lớn hơn cũng như nhiều hậu quả khác mà các đập và hồ chứa gây ra.

Tuổi thọ thực tế của các đập thuỷ điện trên dòng Lan Thương dường như sẽ chỉ là vài chục năm thay vì một trăm năm như các nhà đề xuất dự án dự báo và mong muốn.

Nguy cơ thấy rõ
Theo các nhóm môi trường và chuyên gia, do các đập nước xây dựng ở những hẻm núi dốc đứng tại Vân Nam, Trung Quốc nhằm sản xuất điện cho nước này, mực nước ở sông Mekong đang tăng và giảm tới 1m/giờ, xáo trộn môi trường sống của cá, xói mòn bờ sông, cuốn trôi trầm tích và dinh dưỡng khi nó chảy về phía Nam.

Ian Campbell, quan chức môi trường cấp cao tại Văn phòng Ủy ban sông Mekong (MRC) tại Vientiane (Lào) nói: ’’Các đập nước của Trung Quốc là thủ phạm gây ra hầu hết mọi thứ. Tuy nhiên, không có nghiên cứu khoa học, mức độ tác động vẫn hoàn toàn có tính chất suy đoán".

Dự án cung cấp điện “các đập thủy điện Lan Thương” do Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đưa ra sẽ cho phép điều chỉnh lưu lượng nước vùng hạ du và cuối cùng là phát triển toàn bộ sông Mekong cho vận chuyển đường thuỷ.

Lợi ích của dự án thuỷ điện - đường thuỷ với các nước vùng hạ nguồn đòi hỏi việc khảo sát, xem xét thận trọng.

Người dân địa phương và các nước vùng hạ du phản đối dự án đập thuỷ điện - tuyến đường thuỷ ngày một gia tăng khi những thị trấn ven sông ở Myanmar, Lào, Thái Lan đã là nơi sớm nhất đã nếm trải những tác động tiêu cực rõ ràng từ việc xây hệ thống đập vùng thượng nguồn Mekong.

Khả năng những nước vùng hạ du sẽ buộc phải dành phần lớn trong các quỹ phát triển cũng như nhiều nguồn lực khác để giảm thiểu tác động bất lợi từ dự án.
Ảnh hưởng tiêu cực về môi trường và xã hội là quan ngại lớn nhất. Sáu hoặc bảy đập thuỷ điện, với độ cao từ 110-300 mét xây dựng trên dòng chính của sông Mekong (sông Lan Thương) ở tỉnh Vân Nam sẽ sản xuất điện vào năm 2020. Những đập này sẽ là mối đe doạ với sinh kế, tài sản, cuộc sống của mọi người dân các nước vùng hạ du. Với diện tích và sức chứa khổng lồ của các hồ chứa, hai đập cao nhất (254 và 300 mét) đặc biệt mang lại nguy cơ lớn nhất.

Hiệu ứng “domino” (tác động lôi kéo) của chúng gây nguy hiểm cho toàn bộ hệ thống. Chưa kể việc chặt cây, đốt rừng làm nông nghiệp, xây dựng đường sá sẽ làm gia tăng tỉ lệ xói mòn của các hẻm núi dốc đứng mà sông chảy qua phía trên các đập. Động đất thường xuyên và ngày một lớn, lở đất, cùng hàng loạt nguy cơ nghiêm trọng với đập Lan Thương, có lẽ cũng gia tăng.

Lở đất
Nguy cơ này được công nhận là phổ biến nhất.
Đập Tiểu Loan cao 300 mét với hồ chứa dài 169km dự kiến hoàn thành và bắt đầu chứa nước vào năm 2010. Đập Nuozhadu cao 254 mét (hồ chứa nước dài 226km) dự kiến hoàn thành sớm nhất vào năm 2017. Ước tính mỗi hồ tại đập cần ít nhất 10 năm để chứa đủ lượng nước cao 248m và 205m tương ứng.

Hiện tại, hệ sinh thái Mekong trong điều kiện tương đối “lành mạnh”. Xây dựng hệ thống đập ở dòng chảy chính vùng thượng nguồn Lan Thương cũng như mạng lưới đường thuỷ sẽ làm tổn thất về mặt môi trường, làm giảm giá trị nghiêm trọng của sinh thái học.

Việc tách trầm tích thượng nguồn và các chất dinh dưỡng trong các hồ chứa cũng như “điều khiển” dòng chảy trên cơ sở kiểm soát lượng nước thoát ra từ các đập thuỷ điện sẽ gây ra những tác động tiêu cực chính. Thuỷ năng tự nhiên của dòng sông bị giảm đi, xả nước không đúng quy luật liên quan tới phát điện cũng như những thay đổi tổng thể khác sẽ có hại tới quá trình đơn giản hoá sinh thái học, sụt giảm giá trị sinh thái sông Mekong.

Tác động môi trường sẽ không riêng lẻ mà là tổng thể, tích luỹ. Tổn thất to lớn về mặt sinh học chỉ là một trong những hậu quả nghiêm trọng được dự báo. Sẽ không chỉ là việc mất đi một số loài sinh vật đặc biệt, mà còn là những hậu quả bất lợi với con người cũng như thực trạng sụt giảm về số lượng rất nhiều loài cá di trú vốn đóng vai trò quan trọng trong công nghiệp đánh bắt cá ở sông Mekong.

Thuỷ năng tự nhiên là thuộc tính cốt lõi của sông. Hiệu suất, sức khoẻ và sự duy trì của một con sông cũng như các thuộc tính đặc biệt của môi trường sống ven sông như vùng thác ghềnh, cửa sông, châu thổ đều liên quan trực tiếp tới thuỷ năng tự nhiên. Nó vận chuyển trầm tích và chất dinh dưỡng hạ nguồn, cung cấp nước và phù sa cho những đồng bằng châu thổ lớn, bổ sung nước ngầm và nâng cao năng suất, sự màu mỡ của đất.

Trong khi các tác động tiêu cực sẽ xảy ra với tất cả các nước có sông Mekong bao gồm cả Trung Quốc, thì hậu quả tồi tệ nhất sẽ là những quốc gia vùng hạ nguồn cách xa nhất với khu vực thượng nguồn: Campuchia và Việt Nam - nước hưởng lợi ít nhất và chịu tổn thất nhiều nhất.

Tác động tiêu cực từ sự thay đổi sông Mekong của Trung Quốc bao gồm ảnh hưởng với nghề cá, nông nghiệp, chất lượng nước, sức khoẻ và lâm nghiệp. Những thành phố, trung tâm cư dân lớn ở bên bờ Mekong tại Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam sẽ là “tâm điểm” của nhiều tác động về mặt vật lý học như xói mòn, lũ lụt bởi hệ thống đập thuỷ điện Lan Thương.

Tạo ra một tuyến đường thuỷ thích hợp ở sông Mekong sẽ liên quan tới việc di dời đá ngầm, các bãi cát cửa sông, đảo và nhiều thay đổi to lớn khác của lòng sông cũng như dòng chảy. Việc bảo trì tuyến đường yêu cầu liên tục nạo vét sông trên diện rộng.

Ảnh hưởng riêng từ tuyến đường thuỷ với khu vực hạ nguồn là suy giảm trầm trọng môi trường sống của các loài cá cũng như chất lượng nước. Giao thông đường thuỷ tấp nập chắc chắn để lại hậu quả ô nhiễm với cộng đồng ven sông cũng như năng suất mùa màng gieo trồng, cá và các sinh vật khác sinh sống tại sông Mekong.
Khơi dòng Mekong nhằm tối đa hoá khả năng vận chuyển đường thuỷ - mục đích rõ ràng của người Trung Quốc - sẽ làm giảm khả năng cản dòng của toàn bộ dòng chảy chính sông Mekong khu vực dưới Vân Nam. Nước sẽ chảy nhanh hơn ra biển, gây mất khả năng trữ nước. Hậu quả là khiến lượng nước thoát đi trong dòng chính của Mekong lớn hơn bao giờ hết, trong cả mùa khô lẫn mùa mưa.

Nguy cơ lụt lội gia tăng (kể cả lũ quét), hạn hán thêm trầm trọng. Khả năng trữ nước giảm cũng là nguyên nhân gây ra những thay đổi lớn với hệ sinh thái của sông và giảm năng suất nông nghiệp.

Tỉnh Vân Nam – khu vực xây dựng hệ thống đập trên sông Lan Thương – đã phá rừng diện rộng từ năm 1950. Trung Quốc vẫn nỗ lực bảo vệ lưu vực sông của hệ thống đập Thuỷ điện Lan Thương bằng các đồn điền cây trồng nhưng tới nay, vẫn chưa nhìn thấy thành công. Biến Mekong thành một tuyến đường thuỷ là rất khó khăn vì lòng sông nhiều đá ngầm, kênh rạch nhỏ, vô số thác ghềnh và đảo.

Tạo tuyến đường thuỷ trên phân khúc này sẽ lập tức “phơi bày” rừng cho chặt cây đốn gỗ với quy mô lớn. Những người đốn gỗ không ngại ngần tạo ra thêm nhiều đường sá và tìm tới nhiều nơi khác dọc theo khu vực sông để khai khẩn. Phá rừng trên diện rộng sẽ làm gia tăng tính bất thường của lượng mưa, làm trầm trọng hoá nạn lũ lụt, hạn hán vùng hạ du.

Phần II: Viễn cảnh ảm đạm từ việc nắn dòng Mekong

Trong phần này, Tiến sĩ Tyson R. Roberts tiếp tục đưa ra những tác động tiêu cực từ dự án xây dựng hệ thống đập thuỷ điện trên sông Mekong cũng như kế hoạch nắn dòng sông này phục vụ giao thông đường thuỷ của Trung Quốc.

Lũ lụt trầm trọng
Vào tháng 9 - 10/2000, Campuchia và khu vực châu thổ Mekong của nam Việt Nam trải qua nạn lũ lụt chưa từng có. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long ở nam Việt Nam.

Khi ấy, tôi đang ở Phnom Penh và thành phố gần như chìm trong nước. Có thể so sánh nạn lụt bấy giờ giống như lũ lụt xảy ra ở Bangladesh và tỉnh Tây Bengal của Ấn Độ. Ở Nam Á, lũ lụt thường do lượng mưa khác thường bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu, và sự quản lý tồi trong hệ thống đập thuỷ điện, đập thủy lợi. Ở Campuchia và Việt Nam, lũ lụt chỉ là do sự khác thường của lượng mưa. Đặc biệt, không thấy đề cập tới vai trò của đập Manwan của Trung Quốc. Cho dù trữ lượng nước của đập này không quá lớn, nhưng nó cũng đóng một vai trò theo cách này hay cách khác.

Đập Manwan sẽ ngăn dòng nước lũ (hay ít nhất là giảm bớt lũ lụt vùng hạ lưu)? Hay góp phần khiến mực nước vùng hạ du Mekong trở nên cao hơn vào tháng 9, tháng 10 năm 2000? Khi tôi đưa câu hỏi này ra với các quan chức ở trụ sở của Uỷ ban sông Mekong (MRC) tại Phnom Penh, họ trả lời kể từ khi Trung Quốc không phải là thành viên của MRC, họ không có bất cứ dữ liệu nào.
Tôi vẫn chưa có câu trả lời về đập Manwan và vai trò của nó trong nạn lụt tháng 9, 10/2000.

Các đập thuỷ điện trên sông Lan Thương của Trung Quốc sẽ đảm bảo cho những nước vùng hạ du tránh khỏi lũ lụt? Câu trả lời là “Có”. Hệ thống đập thuỷ điện có thể cung cấp một biện pháp chống lụt, nhưng chỉ phù hợp trong tình huống lũ lụt thông thường.

Mục đích chính của đập thủy điện là giữ nước để phát điện. Trong mùa mưa, nước được giữ lại để đảm bảo công suất phát điện cho mùa khô. Vì thế, khi xảy ra một trận lụt lớn và bất ngờ, các hồ chứa nước quá nhiều nước, có thể phải xả nước để đảm bảo an toàn cho đập và góp phần khiến nạn lụt vùng hạ du thêm trầm trọng. Điều này có lẽ đã xảy ra với đập Manwan trong mùa lụt tháng 9, 10/2000.

Khi một trận lũ lụt xảy ra quá mức dự đoán, ví dụ như kiểu lũ lụt 500 năm mới xảy ra một lần (các kỹ sư thuỷ điện gọi là lũ lụt 500 năm), các đập chứa nước lớn như dự án Tiểu Loan và Nuozhadu là một mối nguy thực sự.

Chúng phải lưu một lượng nước tương đương với 5 năm hoặc nhiều hơn của những mùa lụt “thông thường” để đạt tới mực trữ nước thông thường. Khi mùa lụt lớn hơn dự đoán xảy ra, các đập này sẽ phải xả nước càng sớm càng tốt. Nghĩa là cùng một lúc, mùa lụt vùng hạ du sẽ phải hứng chịu tổng lượng nước lụt của thượng nguồn cộng với lưu lượng nước của vài năm lụt trữ lại phía sau các con đập. Theo đó, hệ thống đập thuỷ điện của Lan Thương sẽ gây ra một thảm hoạ môi trường lớn hơn bao giờ hết.

Các vấn đề trầm tích
Nguy cơ nghiêm trọng nhất ảnh hưởng tới sự bền vững của hệ thống nhà máy thuỷ điện Lan Thương xuất phát từ khả năng chứa nước ngày một suy giảm do những dòng chảy trầm tích vào các hồ chứa. Tất cả những dấu hiệu hiện tại cho thấy, xói mòn đất đang diễn ra với tỉ lệ gia tăng và có lẽ, tỉ lệ vận chuyển trầm tích trong sông là kết quả của việc đánh giá không đúng mức khả năng của các hồ chứa trong việc hấp thụ tải trọng trầm tích (của dòng chảy).

Lan Thương chỉ chiếm khoảng 16% tổng lưu lượng nước của sông Mekong khi nó tới vùng châu thổ, nhưng lại chiếm 50% trong tổng số ước tính tải trọng trầm tích 150-170 triệu tấn/năm. Đó cũng là một phần bởi địa hình dốc đứng vùng thượng nguồn Mekong.
Những ước tính của Trung Quốc trong khả năng vận chuyển trầm tích của sông Lan Thương có lẽ quá thấp. Có một số lý do giải thích như trầm tích Lan Thương phần lớn là đá mạt thô và cát, nó được vận chuyển ở đáy sông thay vì là dạng trầm tích lơ lửng và luôn rất khó để đo đạc, đặc biệt trong điều kiện xảy ra lũ lụt lớn.

Cũng có nguyên nhân góp phần gia tăng tỉ lệ xói mòn là phá rừng, là sự nóng lên toàn cầu khiến băng tan chảy và mưa lớn hơn.

Có nhiều nhân tố góp phần vào việc làm tăng trọng tải trầm tích Lan Thương thường bị bỏ qua. Một trong số đó là những đợt lở đất ngầm, hiện tượng gia tăng lượng mưa cục bộ. Sụt lở nhiều nhất dường như xảy ra ở khu vực gần các đập chứa do tác động “hút nước” liên quan tới phát điện khi nhu cầu sử dụng lên đỉnh điểm.

Gia tăng lượng mưa cục bộ vì sự hiện diện của hồ chứa nước là một vấn đề chính với hai hồ chứa khổng lồ Nuozhadu và Tiểu Loan. Bề mặt nước khổng lồ và điều kiện gió ở các hẻm núi Lan Thương sẽ kết hợp với nhau làm gia tăng lượng mưa cục bộ, cũng vì thế mà gia tăng sự xói mòn.

Hãy lấy tình hình lắng đọng trầm tích ở hồ chứa Manwan làm ví dụ. Các nhà khoa học ước tính rằng, mực nước chết với hồ chứa đập Tiểu Loan sẽ là 4.750 triệu mét khối (mcm) trong khi của Manwan là 662 mcm. Như vậy mực nước chết của Tiểu Loan chỉ gấp 7,3 lần của Manwan.

Ước tính Tiểu Loan sẽ có thể hấp thụ trầm tích Lan Thương trong 100 năm là quá phóng đại. Ba mươi năm là ước tính an toàn nhưng xem ra vẫn quá lạc quan.
Manwan rõ ràng đang chịu những nguy cơ của dòng chảy trầm tích quá lớn. Hậu quả đó là:
- Nguy cơ hỏng hóc turbine
- Giảm phát điện trong mùa khô khi khả năng giữ nước của hồ chứa cuối cùng cũng giảm dần
- Rút ngắn tuổi thọ của Manwan
- Gia tăng nguy cơ với đập trong trường hợp xảy ra lũ đột ngột

Trung Quốc có thể nhanh chóng xây dựng đập Tiểu Loan, và rồi họ sẽ “xả hơi” trong vòng hai tới ba thập niên trước khi phải bắt đầu lo lắng về trầm tích lắng đọng trong công trình này.

Khi môi trường tiếp tục suy giảm ở lưu vực Lan Thương, những nguy cơ mới sẽ phát sinh từ hiện tượng lở đất tại vùng núi ngày một lớn hơn. Đó là lý do vì sao tôi đưa ra ước tính tuổi thọ hồ chứa nước của một con đập lớn như Tiểu Loan chỉ là 30 năm so với con số 100 năm mà các nhà đầu tư đề xuất.

Phá rừng
Số phận của các hồ chứa nước được tạo ra từ những đập thuỷ điện trên sông Lan Thương sẽ xác định bằng sự tồn tại của hệ thống rừng tại các hẻm núi và thung lũng của dòng Lan Thương cũng như các thung lũng của một số nhánh sông khác.
Và, viễn cảnh ấy khá ảm đạm.

Phần lớn diện tích rừng của Vân Nam đã bị phát quang. Nhiều khu vực rừng tự nhiên đã bị thay thế bởi những đồn điền độc canh. Ở Xishuangbanna (Sipsongpanna) thuộc phía nam Vân Nam, cây trồng chính là cao su. Để có một đồn điền cao su thì đầu tiên, rừng tự nhiên cần phải được “làm sạch” hoàn toàn. Cây trồng theo hàng và mất vài năm mới tới tuổi thu hoạch.

Khi cây còn nhỏ, độ che phủ rất thấp, khác hẳn với rừng tự nhiên. Mặt đất tại các đồn điền cao su ở Xishuangbanna hoàn toàn trống trải. Ở đây có câu hỏi rằng, một đồn điền cây trồng như vậy liệu có hạn chế được xói mòn đất như rừng tự nhiên mà nó thay thế. Sau nhiều năm khả năng khai thác cao su của cây giảm. Những cây già sẽ lại được cây non thay thế. Mỗi lần như thế, đất đai lại “quang quẻ” trở lại, theo đó, chất lượng và độ ổn định của đất trồng sụt giảm và xu thế xói mòn lại gia tăng.

Phần III: Chiến lược bí mật của Trung Quốc với Mekong
Trong nhiều thập niên, chiến lược của Trung Quốc là thực hiện những dự án về sông Mekong trong im lặng và bí mật. Trung Quốc xây đập Manwan (1986-1993) ở một khu vực xa xôi và không tham vấn bất kể nước nào vùng hạ nguồn.

Trong phần ba, ngoài những tác động tiêu cực từ dự án khai thác thuỷ điện trên sông Mekong của Trung Quốc, Tiến sĩ Tyson R. Roberts còn đưa ra cả những lợi ích "đáng nghi ngờ" mà hệ thống đập thượng nguồn Mekong có thể mang lại.

Ảnh hưởng với cá và nghề cá
Sản lượng đánh bắt cá hàng năm của Mekong ước tính vào khoảng 1 triệu tấn. Khoảng 400.000 tấn (40%) thuộc về Campuchia. Biển Hồ hay Tonle Sap của Campuchia chiếm hơn 100.000 tấn. Cá nước ngọt cung cấp chừng 80% tiêu dùng đạm động vật ở Campuchia.
Vào mùa mưa, dòng chảy Mekong gây ngập lụt lớn ở nhiều vùng đồng bằng châu thổ của Campuchia trong đó có Biển Hồ. Nó cũng tạo ra vô số khu đẻ trứng và bãi nuôi cho hàng trăm loài cá.

Nếu điều chỉnh dòng chảy Mekong sẽ gây ra tác động nghiêm trọng với toàn bộ nghề cá vùng hạ lưu trong đó có các khu vực châu thổ Campuchia nói chung và Biển Hồ nói riêng.

Vùng đồng bằng châu thổ của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Nghề đánh bắt cá cũng như nghề nuôi cá lồng không tránh khỏi tác động chung.

Ảnh hưởng với nông nghiệp

Rất nhiều vựa lúa vùng hạ du nằm ở các châu thổ. Sản xuất lúa gạo liên quan trực tiếp tới nước, phù sa và chất dinh dưỡng được cung cấp từ những mùa lụt của Mekong.
Một tác động quan trọng khác với nông nghiệp có thể là rất tồi tệ hay thậm chí là dấu chấm hết mà những dự án thuỷ điện vùng thượng lưu Mekong gây ra là mạng lưới trang trại, nông trường bên bờ sông. Tiếng Campuchia gọi là “chamkar”, Thái Lan và Lào gọi là “kaset rim fang menam”, nó liên quan tới các nông trang trên đảo và bên bờ những dòng sông lớn như Mekong và Tonle Sap.

Mùa thu hoạch trên cạn hàng năm bao gồm thuốc lá, ngô, dưa hấu, dưa chuột, bí, mướp đắng, cà chua, khoai tây, hạt tiêu, khoai sọ, củ cải, cà rốt, rau diếp, chuối, cải bắp, đu đủ, mía đường, các loại nấm, thảo dược, hoa. Cây lưu niên có xoài, các cây họ cam quýt…

Những sản phẩm từ trang trại như thuốc lá, ngô và ớt được đưa vào gieo trồng cách đây khoảng 200 năm nhưng những sản phẩm khác có lẽ đã sinh sôi nảy nở ở khu vực trung và hạ lưu vực Mekong hơn 1.000 năm trước. Hàng loạt loại cây này có đóng góp to lớn vào chất lượng cuộc sống địa phương. Trong gieo trồng, các loài cây này đòi hỏi không sử dụng phân hoá học hay thuốc trừ sâu. Diện tích đất sẵn cho gieo trồng phụ thuộc vào lượng nước sông dâng lên và rút xuống trong một năm. Sản phẩm cũng liên quan tới lượng phù sa sông bồi đắp mỗi năm.

Những nông trang sẽ bị ảnh hưởng rất lớn và có lẽ hoàn toàn không còn tồn tại từ bên bờ Mekong nếu dòng chảy của sông bị thay đổi dẫn tới sự khác biệt về mực nước lên xuống cũng như lượng phù sa nghèo hoặc kém chất lượng. Hàng trăm thậm chí hàng nghìn đặc tính cây trồng và gen thực vật có thể mất đi nếu những đập thuỷ điện Lan Thương hoàn thành và sông Mekong được phát triển phục vụ giao thông đường thuỷ.
Những ảnh hưởng khác và sự nghi ngờ về lợi ích.

Trung Quốc vẫn khẳng định các đập thuỷ lợi lớn có thể mang lại lợi ích dài hạn, bất chấp ngày càng có thêm nhiều bằng chứng cho thấy sự đối lập từ tuyên bố ấy. Tất cả các nước đều lo lắng rằng, Trung Quốc sẽ phát triển sông Mekong ở mức độ lớn hơn cho tới khi có những dự án của cá nhân hoặc tổ chức đưa ra các đánh giá về ảnh hưởng môi trường và xã hội một cách hoàn thiện và chân thực nhất.

Những ảnh hưởng xã hội và môi trường không thể chấp nhận được với các quốc gia vùng hạ nguồn sẽ là nền tảng vững chắc khiến những dự án của Trung Quốc có thể bị bác bỏ. Các đánh giá về ảnh hưởng xã hội và môi trường sẽ chỉ phù hợp nếu nó đại diện cho xã hội nông thôn cũng như thành thị và đại diện cho môi trường. Đánh giá do tổ chức thúc đẩy những dự án thực hiện hoặc kiểm soát hiếm khi đáng tin cậy.

Đánh giá kiểu này thường quá phóng đại về mặt kinh tế và những lợi ích khác trong khi phớt lờ hoặc đánh giá không đúng mức về ảnh hưởng xã hội và môi trường.

Kể từ năm 1950, Trung Quốc đã tăng cường nhiều biện pháp nhằm khai thác những khu rừng rộng lớn, khoáng sản và nguồn năng lượng… với quy mô lớn. Dự án cùng lúc xây dựng hệ thống đập thuỷ điện trên dòng Lan Thương và nắn dòng Mekong là một phần của tiến trình này.

Trung Quốc sẽ không hài lòng cho tới khi toàn bộ dòng chảy Mekong đoạn dưới Vân Nam đổ vào một hệ thống đường thuỷ hỗ trợ cho tàu thuyền hàng hoá đi ra biển cả. Trong nhiều thập niên, chiến lược của Trung Quốc là thực hiện những thiết kế về sông Mekong trong im lặng và bí mật. Trung Quốc xây đập Manwan (1986-1993) ở một khu vực xa xôi và không có sự tham gia của bất kể nước nào vùng hạ nguồn.

Trung Quốc tới nay vẫn không gia nhập Uỷ ban sông Mekong (MRC), và không có bất cứ nỗ lực nào để cung cấp thông tin về những dự án họ khai thác trên sông. Cho tới nay, khi chiến lược Mekong không thể giấu giếm hơn nữa, Trung Quốc lại khai thác sông bằng tốc độ và sự quyết tâm.

Thời gian hạn chế, nỗ lực và việc đóng góp đưa ra các đánh giá ảnh hưởng tới môi trường và xã hội rất không đầy đủ. Những nghiên cứu địa chấn tối thiểu để phát hiện ra các trận động đất có đóng góp lớn tới lở đất, hoặc các đập thuỷ điện lớn cùng hồ chứa nước có thể thúc đẩy hoạt động địa chấn, sẽ đòi hỏi nhiều năm nghiên cứu cùng các thiết bị tiên tiến cùng kỹ năng chuyên môn cao.

Khi các đập đã xây dựng và hồ chứa bắt đầu đầy nước, thì tình hình địa chấn sẽ phải liên tục kiểm tra, theo dõi.

Các thủ tục đối phó với tình trạng khẩn cấp bao gồm hệ thống cảnh báo khẩn cấp hạ nguồn và tiến trình sơ tán sẽ cần được sắp xếp hiệu quả trước khi công trình xây dựng bất kể con đập lớn nào hoàn thành.

Vài lợi tích tiềm năng từ việc điều chỉnh dòng chảy Mekong bởi hệ thống đập và hồ chứa nước trên sông lan Thương của Trung Quốc có thể được tính gồm:
- Lợi ích nổi bật cho vùng hạ nguồn sẽ là Lào, Myanmar và Thái Lan trong việc có được khối lượng nước lớn hơn (đã được điều chỉnh) phục vụ cho việc phát điện ở những dự án “đang chạy giữa dòng” cần phải cân nhắc kỹ hơn. Khả năng kinh tế của toàn bộ bảy dự án đề xuất giữa Pak Beng và Vientiane dường như được gia tăng bởi khả năng sản xuất điện nhiều hơn cung cấp cho thị trường Thái Lan khi nhu cầu dùng điện trong mùa khô lên đỉnh điểm. Pak Beng và các dự án khác ở phía bắc Lào đòi hỏi cần nghiên cứu kỹ hơn, sẽ có thể giành được tỉ lệ cao xứng đáng sau khi Tiểu Loan bắt đầu xả nước.

Tuy nhiên, những điều được cho là lợi ích này vẫn khá mơ hồ. Uỷ ban sông Mekong không còn ủng hộ các dự án trên. Những ảnh hưởng sâu sắc về môi trường liên quan tới đập Pak Mun trên sông Mun của Thái Lan – nhánh sông lớn của Mekong - giờ đây bắt đầu được công nhận.

Một lợi ích mơ hồ khác liên quan đến gia tăng khả năng tưới tiêu cho vùng hạ nguồn. Tăng nước trong các tháng mùa khô sau khi đập Tiểu Loan hoàn thành là một ích lợi với giả định không có sự “rút nước” nào quá lớn ở thượng nguồn.

Phần cuối: Đập 'giết' sông Mekong, trầm tích sẽ 'giết' đập

Các đập thủy điện Lan Thương sẽ giết chết Mekong và rồi trầm tích sẽ làm tiêu tan các đập thủy điện ấy. Những nước hạ nguồn và cả Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt cho dự án phát triển “ngông cuồng” và thiếu thận trọng này.

Lợi ích đáng ngờ

Uỷ ban sông Mekong về cơ bản đã xem xét lại quan điểm của mình về hệ thống đập trên dòng chính Mekong. Một trong những sự cân nhắc ấy là dự án “nắn dòng” quy mô lớn. Các dự án nắn dòng vẫn khá phổ biến với giới chính khách Thái Lan khi họ mong muốn nó sẽ hỗ trợ cho các khiếm khuyết từ hệ thống đập ở Thái.

Nhưng đó là suy nghĩ không đúng đắn, và chính khách Thái với quan điểm như vậy thường bị gọi là “khủng long”. Những dự án thuỷ lợi trong mùa khô ở đông bắc Thái Lan thường làm suy thoái chất lượng đất do quá trình kiềm hoá và muối hoá.

Dự án thuỷ điện Nam Theun 2 của Lào cũng đang gây tranh cãi. Nó có thể giết chết cá và nghề cá ở ba lưu vực sông: Nam Theun, Nam Hinboun, và Xe Bang Fai. Kế hoạch tái định cư và trồng rừng phòng hộ là phi hiện thực. Việc dự án sẽ mang lại các lợi ích như các nhà thúc đẩy dự án hứa hẹn là điều đáng ngờ. Nam Theun 2 sẽ để lại những hậu quả và tranh cãi về môi trường, xã hội như đập Pak Moon của Thái Lan.

Xâm nhập mặn ở tiểu vùng Mekong cơ bản là một hiện tượng tự nhiên. Hệ sinh thái cửa sông Mekong dựa trên đặc tính thuỷ triều bao gồm “xâm nhập mặn”. Đời sống thực vật, động vật cửa sông và ven biển đã cùng “hoà hợp” với thuỷ triều, với sự thay đổi độ mặn.

“Gạo hương nhài” - sản phẩm của Thái Lan nổi tiếng trên thị trường quốc tế, đã thích hợp với loại đất trồng độ mặn cao. Những loại cây trồng tương tự rất phổ biến ở tiểu vùng Mekong. Việc tưới tiêu trong tiểu vùng phụ thuộc phần lớn vào thuỷ năng thuỷ triều tận dụng để đưa nước ngọt vào kênh thuỷ lợi và ra các cánh đồng. Do dòng chảy giảm trong mùa mưa và giảm bớt khả năng rửa đất, sự muối hoá và kiềm hoá ở các đồng bằng cửa sông, bao gồm những vựa lúa lớn của tiểu vùng Mekong, sẽ trở nên trầm trọng hơn bởi sự “kiểm soát” của Trung Quốc với dòng chảy Mekong trong mùa mưa, mùa khô.

Lợi ích lớn nhất mà các đập thuỷ điện Lan Thương (Trung Quốc) có thể mang lại cho những quốc gia hạ nguồn, đặc biệt là Campuchia và Việt Nam, có thể là kiểm soát lũ lụt và ngăn chặn hoặc giảm nhẹ khô hạn. Lũ lụt Mekong trở nên thường xuyên và mạnh mẽ hơn trong vài năm gần đây, và xu thế này dường như vẫn tiếp tục. Nguyên nhân chính là do phá rừng và sự ấm nóng toàn cầu.

Về ngắn hạn, các đập thuỷ điện Lan Thương, đặc biệt là hai đập lớn, trên thực tế sẽ cung cấp một biện pháp ngăn chặn lũ lụt nếu nước được giữ lại trong các hồ chứa.
Tuy nhiên, về dài hạn, các đập Tiểu Loan và Nuozhadu có thể gây ra lũ lụt lớn hơn thời điểm trước khi chúng được xây dựng. Mục đích chính của các con đập này là cung cấp điện cho tiến trình công nghiệp hoá của Trung Quốc. Điều này không phù hợp với vai trò ngăn chặn lũ lụt lớn bất thường. Trong một viễn cảnh tồi tệ, các đập thuỷ điện này sẽ gây ra lũ lụt lớn hơn nhiều trước đây.

Gây thêm hạn hán, lũ lụt ở các nước hạ nguồn

Người dân ở tiểu vùng Mekong và đặc biệt là tại các nước hạ nguồn như Campuchia và Việt Nam đặc biệt lo lắng về lũ lụt. Hạn hán thậm chí đe doạ hơn. Về mặt lý thuyết, người dân có thể chuẩn bị và đối phó với lũ lụt tốt hơn là hạn hán. Sự thương vong và tổn thất từ lũ lụt gây chú ý lớn nhưng hạn hán có thể kéo dài hơn, hậu quả tàn phá lớn hơn và thậm chí làm mất khả năng tự cung cấp lương thực cho một quốc gia hay một khu vực.

Hạn hán có lẽ là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới sự huỷ diệt những loài cá nước ngọt trong các lưu vực sông nhiệt đới. Những loài cá rất khác nhau về khả năng tránh được tác động của hạn hán cũng như khả năng chống chọi hạn hán. Trong khi một số loài cư ngụ ở đầm lầy có sức kháng cự cao với khô hạn, thì rất nhiều loài khác không thể sống mà không có dòng chảy liên tục.

Đa số loài cá nước ngọt sống ở những môi trường dòng chảy từ các dòng sông lớn nhất tới con suối nhỏ nhất. Dòng chảy sẽ ngừng lại nếu thiếu nước hoặc hạn hán. Các loài cá ven sông sẽ có sự thích nghi khi đối mặt với hạn hán bằng cách theo dòng chảy ra khỏi khu vực thượng hoặc hạ nguồn. Số khác ẩn sâu vào bãi ngầm hoặc lòng sông nơi chúng ít hoạt động cho tới khi dòng chảy khôi phục trở lại.

Con người sống ở các khu vực dân cư đông đúc với nhiều thành phố lớn có lượng nước bề mặt hoặc lượng mưa phong phú (như Bangladesh, Campuchia và Việt Nam) đặc biệt rất dễ tổn thương với sự đe doạ của lũ lụt cũng như hạn hán.

Đập thuỷ điện Lan Thương của Trung Quốc và lịch trình nắn dòng Mekong thành tuyến đường thuỷ có thể góp phần gây ra hạn hán ở nhiều cách khác nhau. Trong thời gian ba năm trữ đầy hồ chứa tương đối nhỏ (1993-1996), đập Manwan của Trung Quốc là nguyên nhân khiến các dòng chảy mùa khô thấp hơn mức thông thường tại hạ nguồn bắc Thái Lan và Lào từ Chiang Saen. Ảnh hưởng tới giao thông đường thuỷ do dòng chảy giảm thậm chí còn tác động tới cả những tàu thuyền nhỏ trên sông và tác động tới nông nghiệp, nhưng chưa quá lớn.

Trữ đầy các hồ chứa khổng lồ của đập Tiểu Loan và Nuozhadu có thể là nguyên nhân gây ra ảnh hưởng tiêu cực với mùa khô hạ nguồn, tàn phá nông nghiệp, nghề cá và cả cuộc sống con người.

Kết quả rõ ràng khi nước giữ lại trong các hồ chứa lớn là sự bay hơi. Lượng nước bay hơi từ hồ chứa có thể khá lớn. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm diện tích bề mặt hồ chứa, nhiệt độ nước, vận tốc gió, độ ẩm và áp lực không khí. Những thực vật sống ở nước như dạ lan hương nước với tỉ lệ thoát hơi nước cao có thể khiến một lượng lớn bay hơi từ hồ chứa.

Loại thực vật ngoại lai gây hại này giờ đây khá phổ biến ở các vùng trung và thấp trong lưu vực Mekong và tràn vào các hồ chứa cũng như dòng chính Mekong và đồng bằng châu thổ Campuchia gồm cả Tonle Sap.

Kế hoạch điều khiển dòng chảy Mekong của Trung Quốc sẽ làm gia tăng sự xâm nhập của dạ lan hương nước, với hậu quả trực tiếp là nước bay hơi cũng như bị giảm chất lượng. Tạo ra và duy trì một hệ thống đường thuỷ trong dòng chính Mekong cũng sẽ góp phần gia tăng những thảm hoạ bất ngờ như hạn hán, lũ quét.

Khô hạn đặc biệt nghiêm trọng sẽ xảy ra ở những đồng bằng nằm sâu trong nội địa của Campuchia (gồm cả Biển Hồ) và tiểu vùng Mekong tại Việt Nam. Dòng nước lụt Mekong không đủ khả năng tới những khu vực này, hoặc giảm lưu lượng, thời gian tồn tại cũng như quy mô, sẽ góp phần làm hạn hán gia tăng và mở rộng hơn.

Điều đáng lo ngại là số phận của mực nước ngầm. Trong vòng sáu tháng hoặc hơn thế mỗi năm, hầu hết các đồng bằng cửa sông của Campuchia bị khô hạn, rất ít hay không có mưa. Nước trở nên khan hiếm, con người bị ảnh hưởng, và khó tiến hành gieo trồng. Thu hoạch mùa màng phụ thuộc vào nhiều yếu tố may mắn. Trong một năm, nơi này có thể bội thu, nhưng nơi khác lại thất bát do lũ lụt, hoặc hạn hán.

Việc Trung Quốc kiểm soát Mekong và hạn chế lũ lụt ở vùng đồng bằng châu thổ - nơi nông nghiệp và hoạt động nghề cá của Campuchia phụ thuộc, sẽ có hai chọn lựa: lượng mưa giảm không thể lường trước và ảnh hưởng tới mức nước ngầm. Nước ngầm duy trì ở một số khu vực bằng mùa lụt hàng năm của Mekong. Mực nước ngầm sụt giảm sẽ là một tác động tiêu cực khác về lâu dài của đập thuỷ điện cũng như lịch trình nắn dòng Mekong của Trung Quốc với các nước vùng hạ nguồn.

Các nỗ lực giải quyết việc cung cấp nước cho nông nghiệp tại các vùng đồng bằng thấp ở Mekong bằng cách hút nước ngầm tưới đất sẽ không thành công, hoặc không đáng tin cậy. Những khó khăn dự đoán trước bao gồm những vấn đề về kiềm hoá, muối hoá, phí tổn và thảm hoạ lũ lụt phơi bày. Vấn đề nước ngầm nhiễm thạch tín (như ở Bangladesh) có thể nảy sinh.

Đoạn kết
Câu hỏi cuối cùng sẽ là “vấn đề gì lớn nhất?”: Duy trì số lượng, chất lượng cá và sự đa dạng sinh thái, hoặc cung cấp một cuộc sống tốt hơn cho con người (hiện tại và tương lai) ở hai quốc gia vào loại nghèo nhất thế giới là Lào và Campuchia?
Trung Quốc đã đạt được một thoả thuận ngầm với Thái Lan là sẽ cung cấp điện từ dự án thuỷ điện Jinghong. Bản “ghi nhớ về việc phát triển tài nguyên nước ở Vân Nam và xuất khẩu điện” đã được ký giữa Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và Thái Lan năm 1993. “Thoả thuận Hợp tác phát triển các dự án thuỷ điện và xuất khẩu điện sang Thái Lan” ra đời tiếp theo vào tháng 2/1994. Chính phủ hai nước đã ký kết “thoả thuận xuất khẩu điện sang Vương quốc Thái Lan từ Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa” vào tháng 11/1998.

Trung Quốc cũng giành được sự chấp thuận ngầm từ Myanmar, Lào và Thái Lan để đảm nhận sứ mệnh mở rộng “cải tổ đường thuỷ” trên 300km dòng chính Mekong đoạn chảy qua biên giới giữa Lào và Myanmar.

Tuy nhiên, những tài liệu này không nên hiểu là thoả thuận của các nước vùng hạ nguồn để Trung Quốc tiếp tục chương trình thuỷ điện Lan Thương.

Thái Lan nên xem xét việc thu hồi thoả thuận mua điện Jinghong. Myanmar, Lào và Thái Lan cũng nên cân nhắc khả năng thực thi kế hoạch đường thủy Mekong khi dự án này không có sự thảo luận công khai nào bao gồm cả những đánh giá về ảnh hưởng môi trường và xã hội.

Campuchia và Việt Nam – hai nước vùng hạ nguồn nên phản đối các thiết kế phát triển Mekong của Trung Quốc bằng sự mạnh mẽ nhất có thể.
Về dài hạn, sự phát triển nóng vội, thiếu thận trọng với Mekong của Trung Quốc sẽ bất lợi cho các lợi ích tốt nhất của tất cả quốc gia liên quan. Trung Quốc cũng không thoát khỏi hậu quả tiêu cực từ dự án thuỷ điện và nắn dòng Mekong. Khi cái giá khổng lồ về môi trường và xã hội trở nên rõ ràng, thì mọi trách nhiệm sẽ đổ trực tiếp vào Trung Quốc.

Các kế hoạch thủy điện Lan Thương và nắn dòng Mekong của Trung Quốc sẽ đẩy Mekong vào sự suy giảm về mặt sinh học, ô nhiễm nặng nề, trở thành “dòng sông chết” như Dương Tử và nhiều con sông lớn khác ở Trung Quốc. Những lợi ích dài hạn từ các dự án này là đáng ngờ. Trung Quốc sẽ không thể điều khiển dòng Mekong như từng làm với Dương Tử, như châu Âu với dòng Danube, hay Mỹ với Mississippi.

Thủy điện Lan Thương và hướng Mekong thành một tuyến đường thuỷ sẽ buộc các nước hạ nguồn phải nỗ lực một cách kiệt sức nhằm tự bảo vệ khỏi các tác động môi trường, với những tổn thất về nông nghiệp, nghề cá và sinh kế.

Các đập thủy điện Lan Thương sẽ giết chết Mekong và trầm tích sẽ làm tiêu tan các đập thủy điện ấy. Những nước hạ nguồn và cả Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt cho dự án phát triển “ngông cuồng” và thiếu thận trọng này.
• Kỳ Thư VNN (lược dịch)

Đệ nhất bảo tỷ Hoàng đế chi bảo

Chiều ngày 30/8/1945, trên nền Đài Lầu Ngũ Phụng Ngọ Môn, trước mặt hơn 5 vạn dân thành Huế đang sục sôi khí thế cách mạng, vị Hoàng đế cuối cùng là Bảo Đại đã trao bộ ấn kiếm tượng trưng quyền lực vương triều cho đại diện chính quyền cách mạng.

Sau này, đã có nhiều ý kiến cho rằng chiếc ấn đó là Đệ nhất bảo tỷ Hoàng đế chi bảo và cùng với nó là chiếc kiếm báu truyền từ đời Gia Long.


Thay mặt Chính phủ Cách mạng, ông Trần Huy Liệu và nhà thơ Cù Huy Cận đã tiếp nhận ấn kiếm và gắn huy hiệu công dân nước Việt Nam DCCH cho cựu hoàng. Bộ ấn kiếm này ngay ngày hôm sau được đem ra Hà Nội để kịp có mặt trong Lễ Độc lập vào ngày 2/9/1945.

Ấn cùng kiếm quý

Chiếc ấn Đệ nhất bảo tỷ Hoàng đế chi bảo, mà về mãi sau này, nhà thơ Huy Cận từng thốt lên với hậu sinh trong đó có người viết bài này rằng khi ông Trần Huy Liệu nhận từ tay ông Bảo Đại trao lại cho ông Huy Cận, nhà thơ đã suýt ngã vì chiếc ấn nặng quá, dễ hơn một yến (10 kg) chứ không ít!

Nhà thơ Huy Cận có lẽ đã không lầm?

Trong số những tài liệu tin cậy hiện có đã biên rõ về chiếc ấn ấy như sau: ấn Hoàng đế chi bảo được đúc bằng vàng ròng vào ngày mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4 (tức ngày 15/3/1823). Đây là chiếc bảo ấn lớn và đẹp nhất của triều Nguyễn. Ấn hình vuông, quai ấn là một con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn thẳng về phía trước. Đỉnh đầu rồng khắc hình chữ vương; kỳ (vây lưng) dựng đứng; đuôi cũng dựng đứng, vây đuôi uốn cong về phía trước; 4 chân rồng đúc rõ 5 móng, tư thế chống chân xuống mặt ấn rất vững vàng.

Mặt dưới của ấn khắc 4 chữ triện Hoàng đế chi bảo. Mặt trên của ấn, phía hai bên quai khắc nổi hai dòng chữ Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo (đúc vào giờ tốt ngày mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4); Thập thành hoàng kim, trọng nhị bách thập lạng cửu tiền nhị phân (đúc bằng vàng, trọng lượng 280 lạng 9 chỉ 2 phân). Như vậy chiếc ấn suýt soát 281 lượng vàng, nếu tính 27 lượng tương đương 1kg, thì chiếc ấn này nặng khoảng 10,7kg.

Về việc đúc chiếc bảo ấn này, sách Đại Nam thực lục (tập VI, bản dịch của Viện Sử học, Nxb KHXH-1963, trang 146) có ghi “Ngày Giáp Thìn đúc ấn Hoàng Đế chi bảo núm làm rồng cuốn hai tầng, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân, làm bằng vàng 10 tuổi, nặng 280 lượng 9 đồng 2 phân”.

Hoàng đế chi bảo được chế tác (đúc) vào thời vua Minh Mạng, thời mà nước Việt mình lãnh thổ cương vực được mở rộng dài nhất được đổi quốc hiệu là Đại Nam. Vận nước hanh thông triều đình thì thịnh. Riêng vua thì chính phi, thứ phi cung tần mỹ nữ chưa rõ số nhưng khiêm tốn thôi, 142 người con cả thảy, trong đó 74 trai, 68 gái!

Theo quy định của triều Nguyễn, ấn Hoàng đế chi bảo chỉ dùng khi “gặp khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ cũng là các cáo dụ thân huân, đi tuần thú các nơi để xem xét các địa phương, mọi điển lễ long trọng ấy, và ban sắc, thư cho ngoại quốc”.

Nếu đúng chiếc ấn mà Bảo Đại trao cho ông Trần Huy Liệu là Hoàng đế chi bảo thì kể từ khi đúc ra đến khi trao cho chính quyền Cách mạng, ấn Hoàng đế chi bảo đã có 122 tuổi.

Ấn Khâm văn chi tỷ, thời Minh Mệnh năm thứ 8 (1827) trọng lượng 137 lạng vàng 10 Ảnh: TL

Đang ở đâu?

Chiếc ấn quý cùng thanh bảo kiếm ấy chắc chắn sẽ nằm trong kho báu nhà Nguyễn mà chính quyền mới có trách nhiệm bảo quản giữ gìn như vừa nói ở phần trên! Nhưng hóa ra chúng có một thân phận khá lạ lùng...

Bấn bíu bộn bề với vô số công việc thời điểm mới giành được chính quyền nhưng chính thể mới đã chu tất nhiều thứ trong đó có việc bảo quản giữ gìn kho báu nhà Nguyễn (sẽ nói ở phần sau). Nhưng có thể phải phân tán những báu vật ấy ở những địa điểm kín đáo khác nhau, có thể phải nhờ những cơ sở tin cẩn giữ hộ, thời điểm Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, kho báu nhà Nguyễn từ Hà Nội được chuyển đến nơi an toàn một cách khẩn trương, nhưng sau đó bộ ấn kiếm đã bị bỏ quên tại một ngôi chùa ở mạn ngoại thành!

Có ý kiến khẳng định không phải quên nhưng ngôi chùa trong vùng địch không phải về để lấy một cách dễ dàng đành đợi thời điểm thuận tiện như đợi đến ngày hòa bình chả hạn? Một điều ít ai ngờ là cuối những năm 50, quân Pháp đã triệt hạ cái làng ngoại thành ấy phá chùa lấy gạch xây bốt. Thế là phát lộ ra bộ ấn kiếm báu!

Khó lòng chống trả được sự phản công của quân ta trên các chiến trường, dưới sự đạo diễn của Pháp, một chính phủ bù nhìn mới được vội vã nặn ra hòng cứu vãn cục diện lẫn tình thế sa lầy ở chiến trường Đông Dương mà quốc trưởng chính phủ ấy không ai khác chính là công dân Vĩnh Thụy, hoàng đế Bảo Đại một thời! Ngày 3/3/1952, quân Pháp đã tổ chức rùm beng một cái lễ trao ấn kiếm.

Người nhận bộ ấn kiếm ấy là quốc trưởng chính phủ bù nhìn Bảo Đại thay vì vị thế Đại Nam Hoàng Đế! (Hiện Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế còn lưu giữ tấm ảnh ghi lại sự kiện này). Để lưu giữ chắc chắn các báu vật trong Hoàng tộc, ông Bảo Đại đưa bộ ấn kiếm ấy cho bà thứ phi Mộng Điệp mang sang bên Pháp trao cho hoàng hậu Nam Phương và hoàng tử Bảo Long. Bộ ấn kiếm yên hàn được đến thời điểm năm 1963 bà Nam Phương mất.

Mặc dù được giữ cẩn mật tại nhà băng Châu Âu (Union des Banques Européennes) nhưng bộ ấn kiếm ấy đã không yên bởi mâu thuẫn dẫn đến kiện cáo giữa hai cha con ông Bảo Đại. Bởi ai cũng muốn sở hữu thứ quốc bảo ấy nên họ phải nhờ đến tòa án. Tòa phán, ấn thì cha giữ còn kiếm báu Gia Long thì con cầm. Nghe nói vì túng tiền hay lý do chi đó, vị hoàng tử này đã bán mất bộ kiếm báu còn chiếc ấn không rõ có phải là Hoàng đế chi bảo không, nhưng số phận cũng hẩm hiu không kém. Không phải châu về hợp phố mà lại về tay người đẹp Monique Baudot, người vợ mà ông Bảo Đại cưới năm 1982!

Theo Xuân Ba (VNN)