QuocHung's Blog

4 thg 6, 2009

Mỗi sớm mai nhìn về phía mặt trời...

TTO - Mong ước có một ngày “Biển Đông và hải đảo Việt Nam” trên Tuổi Trẻ đã được đông đảo bạn đọc đồng tình ủng hộ, từ các đại biểu Quốc hội đến những công dân bình thường. Tâm nguyện ấy không phải là chuyện bắt đầu từ thời gian này khi những sự kiện diễn ra trên biển Đông đang ngày càng trở thành mối quan tâm nóng bỏng của mỗi người dân Việt.

Không chỉ vì những ngày này hàng ngàn tàu cá của ngư dân ta đang nằm bờ vì lệnh cấm kỳ quặc từ nước láng giềng: biển của Việt Nam, ngư trường của Việt Nam mà ngư dân ta không được giong thuyền ra khơi. Một lệnh cấm vô lý và không thể nào chấp nhận!
Lịch sử của người Việt đã khởi thủy bằng truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ với 50 người con theo mẹ lên rừng, 50 người con theo cha xuống biển.

Lịch sử chống ngoại xâm của người Việt cũng ghi lại trong 14 cuộc chiến tranh xâm lược của nước ngoài vào Việt Nam, có 10 cuộc xâm lược bằng đường biển.

Lịch sử vệ quốc của chúng ta cũng lưu dấu hào hùng bởi những trận đánh lừng danh trên biển, những địa danh mà mỗi khi vang lên nó tiếp thêm sức mạnh cho cả dân tộc trong những tháng năm trường kỳ kháng chiến mà điển hình là hào khí Bạch Đằng giang.

Cuộc đấu tranh gìn giữ chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên biển Đông bao nhiêu thế kỷ qua luôn là những trang sử bi hùng của người Việt. Từ những ngư dân vô danh đã giong thuyền vượt sóng ra những mảnh đất giữa trùng dương hàng ngàn năm trước, để lại dấu chân Việt trên những bãi đá san hô cho đến những đội Hoàng Sa thời nhà Nguyễn sau này.

Hành trình ấy là sự kế truyền tiếp nối của dòng máu Lạc Hồng bất khuất với rất nhiều máu xương hàng ngàn con dân đất Việt đã đổ xuống để bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa và thềm lục địa Việt Nam.

Không phải ngẫu nhiên mà ngày 15-3-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hải Phòng đi thăm bộ đội hải quân, sau đó từ sông Cấm, tàu đưa Bác qua sông Bạch Đằng, ra vùng biển Đông Bắc, thăm hang Đầu Gỗ, nơi lưu dấu chiến công hiển hách của các bậc tiền nhân đã từng đánh tả tơi quân xâm lược. Trên vịnh Hạ Long tươi đẹp tháng 3 năm ấy, Người căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời có biển.Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết gìn giữ lấy nó...”. Câu nói đó của Hồ Chủ tịch giờ đây ở bất cứ doanh trại nào của hải quân nhân dân Việt Nam đều được treo ở nơi trang trọng!

Và ngày nay, biển và hải đảo không chỉ là lịch sử. Đó còn là tổng hòa của chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội và chiếm một vị trí cực kỳ quan trọng trong đời sống quốc gia.
Một ngày hướng về biển Đông và hải đảo - nhưng không chỉ là một ngày trong 365 ngày của một năm!
Một ngày hướng về biển đông và hải đảo cũng là sự nhắc nhở với mỗi người khi sớm mai thức dậy, nhìn về phía mặt trời mọc, những người dân Việt sẽ nhớ đó là biển Đông, là Hoàng Sa, Trường Sa và thềm lục địa Việt Nam, là gia tài có được từ máu xương của cha ông ta để lại và cháu con nay quyết giữ gìn!

Theo LÊ ĐỨC DỤC