Những bài ngắn của Lý Kim Cúc
Đăng những bài viết của Cúc từ các Blog khác chuyển về đây.
1/. Quê Ngoại - LKC
Hàng Gòn là tên của quê ngoại tôi, nó có cái tên này bởi vì ngày xưa được trồng rất nhiều gòn dọc theo hai bên đường, rợp bóng mát và rất nên thơ, dân ở đây cũng sống về nghề rẩy và mua bán gòn, cây gòn không bỏ gì cả từ cây, lá và trái (nhưng bây giờ thì hết rồi không ai trồng gòn nữa, nếu có cũng rất ít - vườn nhà Ngoại nay vẫn tôi còn một số gòn lão)
Không biết tự bao giờ tôi đã thuộc về nơi này. Tôi có ba, má và bốn anh chị em ở Tân Châu, chỉ có mình tôi ở đây với ông bà Ngoại, Ngoại cho tôi đi học ở một ngôi trường làng và ông thầy dạy học là bạn thân của ông Ngoại tôi.
Ở đây đường xá còn ngăn sông cách trở lắm, không có xe đò, những người dân ở đây muốn đi Tân Châu phải đi xe đạp hay đi bộ, rất ít nhà có xe gắn máy (từ nhà Ngoại tôi đi lên đầu cù lao, qua đò tới Tân Châu là hơn 10km ), hoặc đi bằng đò. Nếu đi đò thì phải thức lúc 2 giờ sáng, đò chạy tới chợ Tân Châu là 6 giờ sáng, hôm nào con nước xuôi thì có thể tới sớm hơn. Ơ quê không có Tivi, nên thường mỗi chiều thứ bảy ông Ngoại thường chở tôi lên Tân Châu bằng chiếc xe cào cào (là xe PC hay BC?, những người ở quê thấy Ngoại tôi chạy xe này thường gọi thế, và cả xã chỉ có một chiếc xe duy nhất này thôi ) để tối thứ bảy xem cải lương, thường thường mỗi tuần vào tối thứ bảy đài Cần Thơ hay hát cải lương, rồi chiều chủ nhật cùng về với Ngoại, tôi nhất định không chịu ở lại Tân Châu.
Ba má tôi mỗi ngày hay gửi báo (ngày xưa gọi là nhật trình) và thịt cá nhờ chủ đò đem về cho Ngoại. Thời đó ở đây thiếu thốn đủ mọi thứ : không điện, không nước, không tin tức…( bây giờ thì khác rồi), vì vậy nên ở làng trên xóm dưới ai muốn biết tin tức gì thì ghé nhà nghe thời sự từ ông Ngoại, vì vậy mọi người ở trong làng đều gọi ông Ngoại tôi là “nhà thông thái ”.
Tôi hay được ông Ngoại dẫn đi tắm sông mỗi buổi chiều, ông làm cho tôi một đôi thùng xách nước nhỏ nhỏ vừa với sức của tôi (lúc đó tôi 8-9 tuổi gì đó), khi tắm xong phải xách 2 thùng nước lên nhà, từ bến sông lên tới nhà khoảng hơn một trăm mét, ông ngoại 2 thùng lớn tôi 2 thùng nhỏ, nhưng tôi cảm thấy nặng nề quá, muốn thuê người gánh nước mà ở đây tuy người dân nghèo nhưng họ không chịu làm thuê việc nhà, làm dùm thì họ làm còn làm thuê thì không, người dân ở đây chất phát hiền hoà và họ rất giử thể diện.
Tôi rất thích những buổi trưa hè yên ắng, không một tiếng động, khi có con gà gáy trưa nào đó cũng làm vang vọng một góc vườn. Tôi yêu lắm những bụi chuối, bờ tre, những cây mận trắng Ngoại trồng rất ngọt mà những buổi trưa trốn ngũ tôi hay trèo lên cây hái trái ăn thoả thích, và tôi còn yêu rất nhiều thứ ở đây mà bây giờ trở lại đó tôi không còn tìm thấy nữa, hay chỉ tại vì không còn hình bóng của Ngoại tôi… ! !
=========================
Bài 2. Chích ngừa
Mỗi năm gần tới ngày nghĩ hè thì có một đợt chích ngừa trái rạ, thường thì chúng tôi được chích ở trường, nhà trường tổ chức chích ngừa cho học sinh mà không có học sinh nào trốn thoát được, nếu lỡ bị sót lại (có thể là vắng mặt nhằm ngày ở trường chích) thì phụ huynh phải dẫn con em mình đi đến nhà thương chích, năm nay không hiểu sao nhà thầy giáo Đáng nhận chích ngừa cho khu phố.
Hôm ấy tôi học buổi chiều (năm tôi học lớp ba) tan trường vừa về tới nhà thì má tôi kêu mấy chị em tôi rửa tay, rửa mặt, thay đồ rồi ba dẫn đi chích ngừa, tôi hăng lắm xung phong đi trước, ba tôi cũng hăm hở dẫn con gái đi chích ngừa. Ba dẫn tôi đi tuốt ra phía sau nhà thầy giáo (tôi thường kêu bằng cậu hai), nơi đó thầy để một cái bàn, trên bàn có nhiều dụng cụ y tế, nào là những ống thuốc, mấy cái ông tiêm …, thấy chúng tôi đến thầy liền lấy ông tiêm gắn kim vào rồi bơm thuốc vào ông tiêm, thầy lấy gòn tẩm alcool quẹt quẹt vào bắp tay tôi, thì bắt đầu tim tôi đánh lung tung, tôi nói
- Thôi ba ơi con không chích đâu
- Thầy giáo nói : không đau đâu nó như kiến cắn vậy thôi
- Con không chích đâu cậu hai ơi, con sợ lắm
- Ba nói : sợ thì nhắm mắt lại đừng nhìn.
Nhưng tôi càng nhìn càng thấy sợ, và tôi nhất định không cho thầy chích vào vai tôi, ai nói cách nào cũng nhất quyết không cho chích, bàn tay ba tôi vịn sau gáy tôi bắt đầu run lên vì giận, ba tôi tính nóng lắm , khi giận lên thì phải biết ! ba nói vài lời xin lỗi thầy giáo rồi dẫn tôi về gần như là kéo tôi đi, lúc này tôi không còn sợ chích nữa mà tôi thấy thứ khác còn đáng sợ hơn chích ngừa nhiều, đó là tính nóng của ba và mấy cái “đòn bánh tét nhân mây” đang chờ tôi ở nhà.
Đến bây giờ mấy chục tuổi đầu tôi vẫn còn sợ cây kim tiêm, mỗi lần bị bệnh đi bác sĩ là dặn BS trước là tôi không chích đâu đấy nhé, nếu bắt buộc phải chích thì phải lựa cô y tá nào có tay nghề cao chích bá phát bá trúng mới chịu cho chích, chứ mà lụi tới lụi lui vài ba cái là mặt mày xanh lè không còn chút máu
=================== LKC
Bài 3. Ông lão mù
Ông làm bạn với chiếc gậy tre đã từ lâu lắm rồi sau một lần bệnh nặng vì đậu mùa, đôi mắt của ông đã vĩnh viễn chia tay ông từ dạo đó và để lại trên gương mặt ông những vết rỗ hoa cà vào lúc ông hai mươi hai tuổi, cũng kịp để ông trao dồi kiến thức cho mình làm hành trang vào đời sau này
Cũng có thể gọi ông là trí thức vì ông văn hay chữ tốt, biết ông là người hay chữ bà con ở làng trên xóm dưới gửi con tới cho ông dạy học, không hẳn phải trả bằng tiền vì bà con còn nghèo lắm và ông cũng nghèo, hằng tháng mọi người trả cho ông con cá, mớ rau, hay người có đất thì đợi tới mùa sẽ trả cho ông vài giạ lúa, vậy mà ông chắt mót cũng dư lúa được nhiều vì ông ăn chẳng có bao nhiêu. Ngoài văn hay chữ tốt ông còn đàn ca rất hay nhất là đàn cò, chiều chiều những trai làng thường đến nhà ông ngồi nghe ông đàn và cũng góp vui bằng vài câu vọng cổ, vậy mà có một người đi đâu đó về ngang qua làng nghe được tiếng đàn của ông về nhà không ăn ngũ được, từ đó người ấy thường vượt vài dặm đường đến đây núp sau những bụi chuối nghe ông đánh đàn để về mà tương tư, người ấy đang có chồng con yên ấm ở làng bên nhưng vì mê tiếng đàn của ông mà có một hôm bà đến nghe trộm ông đàn và không muốn đi nữa, từ đó hai người nương tựa vào nhau mà sống.
Từ ngày có bà, ông làm thêm một nghề nữa là làm cà ràng ông táo bán kiếm tiền để nuôi thêm một miệng ăn, ngày ngày bà đi lấy đất sét ở các bến sông đem về để ráo cho ông nắn lò, tuy ông mù nhưng nắn lò rất khéo, và dân ở quanh vùng hay mua giúp ông, hoặc có ai đặt ông đan rổ, rế, thúng, bồ chứa lúa, cái gì ông cũng làm được hết.
Cuộc tình của ông cũng nở hoa kết trái, bà đã sinh cho ông một cô con gái thật dễ thương, ai cũng mừng cho ông vì dù sao cũng có người lo cho ông lúc tuổi già, con của ông lớn lên cũng giúp cha dạy học trò, nó cũng giống ông là thông minh và học giỏi, nhưng trời không thương cho trót, con gái mới được tám tuổi thì bị chết đuối, niềm vui của ông khép lại, từ đây ông chỉ còn biết nương vào cửa phật tìm vui trong kinh kệ, ông cũng tới lui về nhà chứ không ở hẳn trong chùa vì còn có bà, nhưng tính tình thì nóng nảy hơn trước hay la rầy bà làm bà tủi thân và thường khóc một mình, thấy vậy có người nói sao bà không kiếm chồng khác đi, bà nói “ tuy vậy chứ mười người sáng mắt đổi một người mù bà cũng không đổi “, vậy mới biết bà thương ông rất nhiều
Tuổi đời chồng chất lại đau yếu liên miên cũng nhờ một tay bà chăm sóc, nhưng tính ông mỗi ngày một khó, bà đã lặng lẽ bỏ đi để ông ở lại trong căn chòi quạnh quẻ với căn bệnh trầm trọng, ông mỏi mòn trong chờ đợi vô vọng, rồi vào một đêm mưa gió ông đã ra đi mãi mãi trong lạnh lẻo âm thầm và nhớ bà da diết
=================== LKC
Bài 4. Một nụ cười
(Thương tặng cô Đỗ Binh )
Năm ấy là năm đầu tiên tôi học cô và cũng là năm đầu tiên cô đi dạy ở trường nầy, trường Nguyễn Chánh Sắc. Quê cô ở Châu Đốc, năm đó có hai cô quê ở Châu Đốc qua Tân Châu dạy là cô Đỗ Binh và cô Hương mắt hơi lé duyên, có một cửa hàng bán giầy dép ở trong nhà lồng chợ Châu Đốc, hai cô đều rất dễ thương.
Nhưng cô Đỗ Binh là người gây ấn tượng rất mạnh đối với tôi, cô không đẹp kiêu sa, cô không có nét dịu dàng thục nữ, mà ở cô có một sức hút kỳ lạ, chỉ đối diện với cô một lần thôi là sẽ bị thôi miên ngay, không thể nào không cảm mến cô được. Đến bây giờ đã mấy mươi năm rồi không gặp lại cô nhưng khi nhắm mắt lại tôi vẫn hình dung ra cô, tóc cô dài, dáng cao mà không gầy, tướng cô đi khoan thai, đặc biệt là lúc nào trên môi cô cũng có một nụ cười, cô cười bằng môi bằng mắt và bằng cả trái tim. Rất tiếc là tết vừa rồi nghe nói cô về có họp mặt với bạn bè tôi ở Long Xuyên, mà Dung đã quên không điện cho tôi.
Ở trong lớp khi cô giảng bài xong, còn dư giờ cô hay nói chuyện với học trò, có một lần cô dạy rằng “nụ cười không mất tiền mua đâu các em, gặp ai các em cứ chào bằng một nụ cười thì người được chào sẽ vui mà các em cũng thấy vui nữa “. Vậy là tôi áp dụng ngay, có một hôm đi học về gặp một anh bạn học quen cùng đi chung đường, tôi liền nhìn bạn và cười, thế là ít lâu sau tôi nhận được một lá thư … tỏ tình ! bởi vì anh ta tưởng tôi phải lòng anh ta. Khi rảnh rỗi tôi thường hay cùng các bạn đi chùa và các tịnh xá để vừa cúng phật vừa để nghe các sư thầy thuyết pháp, một hôm đi học về tôi gặp một nhà sư mà tôi quen mặt, chắc sư không nhớ tôi, sư còn trẻ lắm, tôi gật đầu chào và … cười, thì sư liền dừng lại giữa đường và nhắm mắt lại niệm phật chờ tôi đi qua rồi sư mới đi tiếp, trời ơi, cảm giác cho tôi thấy là sư nghĩ rằng “tôi đang bỏ bùa cho sư”.
Từ đó trở đi tôi không dám cười với người khác phái nữa, và tôi cũng ít cười với ai, cho đến gần đây tôi thấy mình quen rất nhiều người mà không thân được, bởi vì tôi luôn chờ người ta chào mình trước rồi mới chào lại, tôi bèn đổi thái độ, gặp ai quen, mặc dù người ta không chào mình nhưng tôi vẫn chào người ta trước bằng một nụ cười, thì thấy người đó vui lên và lần sau người ta rất vui khi gặp lại tôi. Vậy thì nụ cười của em đã có hiệu quả rồi phải không cô ? sau mấy chục năm nghiền ngẫm.
Vậy nhưng đến bây giờ tôi vẫn thấy có nhiều người không biết cười, có những khi tôi tới nhà một người quen, vào nhà họ mà họ không biết chào tôi một tiếng hay cho tôi xin một nụ cười, tôi rất lấy làm tiếc dùm cho họ. Ông bà ta thường nói “câu chào cao hơn mâm cổ “ , và như cô Đỗ Binh nói nụ cười không mất tiền mua “ vậy thì các bạn ạ hãy cười khi có thể, đừng quá tiết kiệm một nụ cười mà khiến cho mọi người phải xa lánh ta.
================== LKC
Bài 5. Một chuyến đi và tình người
Bốn giờ chiều bắt đầu khởi hành từ Tân Châu về Long Xuyên trời còn hanh nắng, tôi và ông xã đèo nhau trên chiếc mô tô, chúng tôi đi hướng Hoà Hảo để tránh xe vì đường Châu Đốc- Long Xuyên xe lớn rất nhiều và nguy hiểm. Đường chiều ngập nắng bóng mặt trời to dần ra chói loà trước mặt, tôi rất khó chịu vì bị ánh mặt trời rọi ngay vào mặt, nhưng không làm mất đi sự phấn khích trong tôi vì được ngắm nhìn những cánh đồng lúa bao la xanh biếc và được hít thở khí trời trong lành ở nơi thôn dã này.
Qua phà Năng Gù còn hai mươi bảy cây số nữa là tới Long Xuyên, đoạn đường này chúng tôi phải đối phó với những tình huống có thể xãy ra mà mình không mong đợi từ những chiếc xe đi cùng chiều hoặc trái chiều, có một lần ông xã bị một xe gắn máy đi cùng chiều ủi từ phía sau đẩy xe mình đi một đoạn rồi hai xe cùng ngã, cũng may là không đến nổi nào chỉ bị trầy sơ sơ và một chút … máu.
Mặt trời xuống thấp và tối dần, gần sáu giờ mà như đêm ba mươi, chiếc mô tô chúng tôi chạy êm như ru đang bon bon trên đường, qua khỏi huyện Châu Thành một đoạn chỉ còn 6 km nữa là tới Long Xuyên thì chiếc xe đang chạy êm như ru bổng im luôn không còn hơi hám gì nữa, xe tắt máy, làm cách nào cũng không chạy, bụng đói cồn cào, cũng may xe hư ngay quán cháo vịt bên lề đường (về nhà đám giỗ tôi chỉ làm chứ không ăn vì mệt ) chúng tôi tấp vào quán kêu hai tô cháo và một dĩa gỏi vịt hai người ăn, và cũng để hỏi thăm ông chủ quán xem gần đây có thợ sửa xe không, ông chủ quán nói gần đây có thợ sửa xe thường thôi chứ xe mô tô thì phải vào tiệm lớn mới có thợ biết sửa, ông đem cháo cho chúng tôi rồi vào nhà lấy đồ nghề ra coi dùm xe xem nó hư cái gì, ông lọ mọ một hồi rồi đạp thử xe cũng không có một chút hơi nào, ông chê ở đây thợ sửa không được , ông không phải là thợ nên cũng đành bó tay thôi. Ông xã tôi ngồi ăn không yên cứ một chút chạy ra một chút chạy vào, mấy người ngồi ăn trong quán mỗi người góp một ý, cuối cùng vợ chồng chủ quán kêu dùm một xe honda ôm đẩy xe chúng tôi về, đoạn đường chỉ có 6 km mà tôi thấy xa vời vợi, ngã giá với chú xe ôm là ba mươi ngàn về tới nhà nhưng thấy chú tội nghiệp quá nên tôi cho luôn tờ năm chục, nếu trước đó bị hét tới một trăm thì chúng tôi cũng vui lòng chịu luôn (chú xe ôm cũng là nông dân nên hiền), về tới nhà được là mừng rồi.
Xin cảm ơn vợ chồng chủ quán cháo vịt, những người khách trong quán đã quan tâm chia xẻ, cảm ơn anh honda ôm, người tốt luôn ở xung quanh ta, xin cảm ơn mọi người.
======================= LKC
Bài 6. Lần cuối
Tôi trải chiếu trên nền nhà đang ngồi chơi với đứa con trai nhỏ xíu của tôi thì T đến, có chở theo cô gái rất dễ thương để giới thiệu với tôi; T ghé vào một buổi chiều trời oi bức nắng, T ngồi xuống chiếu trò chuyện với mẹ con tôi, đứa con gái lớn của tôi mến anh T lắm, hai anh em nói chuyện giỡn với nhau một hồi, tôi bảo T :
- Hay con ở chơi mai hãy về.
- Thôi mợ, con phải về để mai còn đi làm, con thấy trong mình không khoẻ, chắc không qua khỏi con trăng nầy quá !
- Con thấy không khoẻ thì ở lại đi BS chứ về sao được?
- Con có uống thuốc rồi, mợ !
Và T từ giã mấy mẹ con tôi rồi lên xe cùng đi với cô bạn gái.
Trong ba người con của chị tôi , tôi thương nhất là T và cũng là đứa cháu gần gũi với tôi nhất, vì trong thời gian đi học ở Long Xuyên T thường hay ghé nhà chơi với mấy mẹ con tôi, dù không có cậu ở nhà cũng vậy. T rất vui tính và hay nói giỡn rất có duyên, lại “ga lăng” nữa, mỗi khi cùng đi Long Xuyên, qua phà hay qua mấy chỗ khó đi T hay đưa tay cho tôi nắm dìu tôi qua chỗ khó, và hay khen tôi “mợ trắng mà mang đôi guốc này thấy chân mợ đẹp lắm”, không biết T khen lấy lòng hay khen thật, nhưng nhìn vào mắt T tôi thấy rất chân thành, tôi chợt thấy ấm lòng mặc dù ngoài trời mưa rất lạnh.
Đùng một cái tôi nghe T chết, khi người nhà chưa cho chúng tôi hay T bệnh nhiều đến vậy, tôi nghĩ chắc T bị tai nạn xe cộ chứ đâu mà mất nhanh vậy ! Hôm nghe báo tin T mất tay chân tôi bủn rũn không đứng nổi (tôi có bệnh cao HA) nhưng tôi không về dự đám tang của T vì hôm đó ông xã đi công tác, còn tôi thì có con nhỏ, tay xách nách mang đi một mình không tiện nên tôi cho đứa con gái về thay .
T đã báo trước cái chết mà tôi không để ý qua câu nói gở của T, sau câu nói ấy không đầy một tháng thì T mất và hôm ấy cũng là lần cuối tôi gặp T.
======================== LKC