QuocHung's Blog

5 thg 6, 2009

17. TNOnline: Ngư dân bị chặn đường ra khơi !

1. "Hồi 4 giờ sáng hôm qua 4.6, tàu của Bùi Quang Phương cập cảng sông Hàn. Cùng lúc là tàu của ngư dân Phạm Thuận. Đây là 2 trong 17 tàu của Thanh Khê (Đà Nẵng) vừa bỏ dở chuyến đánh bắt cá ngừ đại dương bằng lưới vây trên vùng biển gần huyện đảo Hoàng Sa".

Anh Đỗ Văn Xin, người từng chỉ huy cuộc cứu nạn trong bão Chanchu thuật lại tin tức mới rợi trên bến cảng sông Hàn. Những câu chuyện nóng của ngư dân đều liên quan đến lệnh cấm biển phía Trung Quốc vừa đưa ra. Theo đó, họ cấm đánh bắt cá từ 16.5 đến 1.8 hằng năm, tại những vùng biển kéo dài từ 12 độ vĩ bắc lên trên 20 độ vĩ bắc, tức từ vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam đến đảo Hải Nam của Trung Quốc. Trong vùng cấm này có vùng biển nước xanh bên trong Hoàng Sa - sâu 250m tới 350m - mà ngư dân miền Trung chuyên đánh bắt lưới vây, lưới cản. Vùng này nước êm kín gió, mỗi khi có gió bão, rất nhiều tàu ngư dân Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên kéo vào neo ở Đá Bắc, 17.08 độ vĩ bắc 111.28 độ kinh đông. Vậy mà giờ đây ngư dân Việt Nam không được rong tàu đến đó. "Bão vừa rồi, tàu Việt Nam vào neo ở đảo ngầm Bông Bay bị đuổi, phải chạy tới đảo khác...", Đỗ Văn Xin nói.

2. Theo bà con ngư dân miền Trung, lệnh cấm biển do Trung Quốc đưa ra đang đe dọa trực tiếp nồi cơm của cả ngàn gia đình trên cạn. Thời gian cấm lại trúng vào hai tháng cao điểm của mùa đánh bắt. Tuy các đội tàu ít khi đánh bắt lâu ở Đá Bắc nhưng đây là cửa ngõ đi ra vùng biển nước tím - sâu trên 1.000m - bên ngoài, phía trên huyện đảo Hoàng Sa. Ngư dân thuộc biển như người trên đất liền thuộc đường đi. Theo bà con, vùng biển tím là vùng quốc tế. Ở đó có rất nhiều tàu qua lại, trong đó có tàu đánh cá của Việt Nam, Macau, Philippines, Trung Quốc... Hàng trăm năm nay, từ đời ông cho chí đời cha, các đoàn ngư dân Việt Nam đánh bắt ngoài đó rất yên tâm, không ai đụng đến. Hơn thế nữa, mỗi khi gặp khó khăn, gió bão, ngư dân các nước luôn nương tựa vào nhau. Các anh Đỗ Văn Xin, Phạm Văn Xinh, Bùi Văn Phương... còn nhớ rõ những lần qua tàu Philippines chơi, có khi qua cả tàu cá Trung Quốc để giao lưu... dù chẳng bên nào thạo ngôn ngữ của nhau. "Vui lắm! Rứa mà chừ họ bịt mất đường ra biển, biết làm răng?", không ít ngư dân Thanh Khê rầu rĩ. Bà con nói vậy, bởi tàu cá nước ta muốn đi ra vùng biển tím, phải băng qua vùng biển nước xanh ở Hoàng Sa.

Đỗ Văn Xin băn khoăn: "Bị cấm như ri là hết. Mỗi năm đi biển từ cuối tháng giêng đến đầu tháng chín. Từ giữa tháng chín tới tháng chạp là nghỉ bão. Chừ bị cấm thêm hai tháng rưỡi nữa, vị chi mất hết nửa năm. Chẳng lẽ về làm ruộng hay đi thồ?”.

3. Vậy sắp tới, mình có đi biển nữa không? Tôi hỏi. “Đi chớ! Không đi lấy chi sống? Mới đây, bên thủy sản Đà Nẵng có kêu tụi tui lên, nói có đi thì tránh mấy chỗ đó ra, có gì thì gọi về đất liền để giải quyết”. Vì sinh kế, vừa rồi, đoàn 17 tàu lưới vây của Đà Nẵng lại ra khơi. Và nay đã có 2 tàu về. Trên cảng sông Hàn, anh nói: "Mỗi chuyến biển, tụi tui đi ít nhất 2 tháng nhưng nay do tình hình căng quá nên đành bỏ dở. Hôm qua, cả đoàn tàu Đà Nẵng bị ví ở 17 độ bắc 111 độ đông, phía trên bên trong đảo Đá Bắc". Tình hình 15 tàu còn lại thế nào? Tôi lại hỏi. Đỗ Văn Xin đỡ lời: “Mùa này tàu của mình đâu dám ra phía ngoài Hoàng Sa vì sợ bão, phải đánh bắt trong vùng nước xanh, nếu bị làm khó thì cũng chịu. Nhưng tui nghĩ sẽ không đến nỗi nào. Tối đa, họ chỉ ví mình chạy thôi. Mình không bắt ngư dân của họ nên chắc họ cũng không bắt ngư dân của mình”. Có thể với những người quen ăn sóng nói gió, thậm chí "hồn treo cột buồm", chuyện bị "tàu lạ" làm phiền trên biển là thường. Vì chuyện áo cơm là một lẽ nhưng cũng có thể bà con đã quen đời biển giã, lên bờ không biết lấy gì để sống. Cũng có người như Đỗ Văn Xin chọn lối an toàn: Thay vì đưa tàu ra khơi câu mực như đã chuẩn bị, vừa rồi anh cho tàu lên đà sửa chữa, chuyển từ câu mực sang đánh bắt lưới vây. Theo anh tính, từ nay đến khi sửa xong tàu, cũng là lúc lệnh cấm của Trung Quốc hết hiệu lực. "Đi vậy là yên tâm...", anh nói.