QuocHung's Blog

10 thg 6, 2009

Những bài viết của Nguyên

Làng Phú Lâm.

(Tặng các chị Khanh, Tài, A. Sĩ và các em Mai, Hoa, Huệ, Vân)

Đồng quê Phú lâm


Từ khi tôi biết, làng Phú Lâm thuộc quận Tân Châu, có khi thuộc tỉnh Châu Đốc, có khi thuộc tỉnh An Giang (khi Long Xuyên và Châu Đốc còn chung một tỉnh); từ Tân Châu về làng hơn 14 cây số, phải qua làng Long Sơn, tới khoảng cây số 9 -10 gọi là ranh làng. Nay thì là xã Phú Lâm thuộc huyện Phú Tân tỉnh An Giang.

Quê ngoại tôi ở làng Phú Lâm, đúng ra là ở đâu đó ngoài Huế, ba của ông cố ngoại tôi là quan án sát Nguyễn Văn Giám thuộc triều vua Nguyễn, không biết sao ông con thứ tư của quan Án sát lại lưu lạc đến xứ Bạc Liêu và chết ở đó, lúc mới có 35 tuổi - để lại cho bà cố tôi một đàn con 2 trai 4 gái trôi dạt đến làng Phú Lâm này lập nghiệp để rồi sinh ra bà tôi để xứ này thành quê ngoại.

Tôi không biết gì về ông ngoại mà biết ông qua hình chụp thờ ở bàn thờ nhà ngoại và nhà tôi vì ông mất lúc tôi vừa giáp thôi nôi. Sinh thời ở làng Phú Lâm gọi ông là Ông Bang vì ông người Hoa lưu lạc từ bên Tàu qua Campuchia rồi qua Việt Nam làm công cho một nhà khá giả là anh chị em với bà Cố tôi (hay ông cố?) thì gặp bà ngoại tôi và cùng nhau về lập nghiệp tại làng Phú Lâm.

Hai ông bà cầy cục làm ăn mua được mươi hecta đất ở phía sau đường cộ ngang bây giờ và dựng được căn nhà gỗ có một lầu ở phía trên chợ Tân Phú mà tôi chỉ thấy qua hình (hay lời kể rồi tưởng tượng ra) bởi vì năm 1945, nhà này đã bị máy bay Nhựt bỏ bom lộn làm sập một bên nhà và đến thập niên 50, sau khi ông mất thì bà ngoại tôi tự đứng ra cất lại căn nhà ngói như hiện giờ vẫn còn.

Nhà ngoại tôi thật nhiều kỹ niệm vì thuở nhỏ mỗi mùa hè hay tết nhứt anh chị em chúng tôi vẫn thường về nhà ngoại để ở hũ hĩ với bà, bởi vì từ khi ông chết bà chỉ ở một mình nuôi hai con, nuôi cả cháu (con của em bà) và một đám 12 đứa cháu ngoại mà bây giờ đứa út nhất cũng đã U50.

Anh chị em chúng tôi bây giờ tứ tán phương xa, nhà Ngoại bây giờ đã thành Phủ thờ.

Ảnh chụp gia đình trước Phủ thờ

---------------

2. Nhớ Huỳnh Văn Lực.
Dương Quốc Hùng (21/8/2008)

Hôm qua, ngẫu nhiên mở HTV7, nghe giọng nữ hát bài Trương Chi, tôi bỗng nhớ đến Huỳnh Văn Lực vừa mất trong năm.

Tôi và Lực không cùng học chung lớp, nhưng gặp nhau trong thời kỳ sinh viên học xa nhà tại hòn ngọc viễn đông: Sài Gòn.

Nhỏ hơn Lực 2 tuổi nhưng sau này biết ra, tôi học trước Lực một lớp, có lẽ vì tôi học sớm. Tôi và anh tôi cùng vào học trường Nam Tiểu học Tân Châu; lúc đó anh tôi 7 tuổi và tôi 5 tuổi, học lớp nhứt do cô dạy (rất buồn là đến giờ - cố gắng mãi vẫn chưa nhớ ra tên cô), lớp nhì học Thầy Nguyễn Văn Kiềm , lớp ba Thầy Lợi, lớp tư Thầy Nhiệm lớp năm Thầy Toàn.

Trung học đệ nhất cấp và đệ tam, tôi học trường Công lập Tân Châu, năm đệ nhị tôi học hai tháng ở trường Thủ Khoa Nghĩa còn lại là xuống Long Xuyên học trường Chưởng Binh Lễ mới mở (chung với HC Phú, NT Mỹ, TQ Tấn, NT Phong, NV Bé (Sang) là những bạn cùng ở Tân Châu xuống LX học) đến đệ nhất thi tú tài 2 vào năm 1971. Một số bạn dừng học vì không đỗ tú tài 2.

Từ năm 1971, tôi thi rớt vào Bách khoa (hay Kỹ thuật?) Phú Thọ nên ghi danh học Đại học Khoa học MPC dự bị Toán-Lý-Hóa), sau 1 năm ở nhà người quen khu Cây Gõ tôi bắt đầu trọ học nhiều nơi và khi dời đến 146 Ngô Tùng Châu thì gặp gỡ nhiều bạn cùng quê tập trung lại, đó là Nguyễn Thành Lực đang học cán sự công chánh Bách khoa Phú Thọ, là anh em Ngô Hữu Mạnh và Hữu Liệt, là Nguyễn Tấn Mỹ và Nguyễn Thành Phong đang học ở Thủ Đức về ghé chơi, là Đào Hùng đi giang hồ về tá túc ...

Từ 1974 hình như Lực ra trường và đi làm cho một hảng thầu xây dựng nước ngoài nào đó, lương khá lắm nên thỉnh thoảng ghé rủ anh em càfé, ăn sáng; sang thì nhậu tí chút. Sau đó tôi có đứa em bạn dì ở Tân Châu xuống học thi tú tài nên cùng ở với nó về ở đường Nhiêu Tâm là kho của xe tốc hành Nam Cường (của chị Đỗ Thị Đôi) chạy tuyến Tân Châu - Sài Gòn.

Tôi làm luận án ra trường thì giải phóng, phải ở lại học chính trị và lao động tại Nông trường Lê Minh Xuân, sau đó thi ra trường vào tháng 6 năm 1976 và đi làm vào cuối năm này.

Từ năm 1977, nhiều bạn học Tân Châu vào làm việc tại Uỷ ban Kế hoạch tỉnh, trong đó có Huỳnh Văn Lực, Châu Dứng, Nhựt (Nhựt Tân), Hùng Phạm, Hùng Đào, NV Bá, NT Hồng, Thón, ... Đây là lúc tôi thường nghe bài ca Trương Chi mà Lực thích hát. Chúng tôi ở chung nhà tập thể, chơi chung, nhậu chung, hát chung, thứ bảy về quê chung. Lực đàn không phăng, nhưng rất cứng về nhịp, ngoài Trương Chi còn một số bài tiền chiến mà Lực thích hát (Mộng dưới hoa, Làng tôi, Hòn Vọng phu 1-2-3, Tình ca, Áo anh sứt chỉ đường tà (Thơ Hữu Loan, Phạm Duy phổ nhắc, . . .), 6 câu vọng cổ cũng thường được ca trong những cuộc nhậu nhất là bài Tống tửu Đơn Hùng Tín. Lực cưới vợ (Nghĩa, học chung vợ tôi) trong thời gian này.

Phong trào về quê làm việc nở rộ trong những năm 80, … Lực, Dứng, Nhựt, Hùng Phạm, Hùng Đào, NV Bá, NT Hồng, Thón lần lượt về Tân Châu làm việc, tôi cũng bán rẻ nhà chuẩn bị về, nhưng xếp tôi không cho (sợ tôi về đi buôn biên giới), mà nhà đã bán rồi, nên xếp bố trí tôi về ở tập thể lại. Năm 1993, bị lấy lại nhà tập thể, tôi mua lại căn nhà cấp 4 gần đó ở .

Lực có nghề xây dựng, nên khi xây chợ mới Tân Châu, một số chức sắc ở tỉnh tìm và giao Lực làm trong Ban Quản lý công trình xây dựng Chợ, sau này, khi xây trụ sở UBND tỉnh, Lực cũng được điều xuống Long Xuyên làm trong Ban Quản lý công trình xây dựng trụ sở UBND tỉnh.

Ngày đưa đám Lực tôi bận không về được, tôi ghé nhà gặp Nghĩa vào ngày mở cửa mả, ở đây gặp lại anh Thanh (chồng chị LT Huệ - cháu cô Mến, học chung), anh Nhân (học lớp A Công lập - nhà ở rạp hát) là bạn chiều nhậu của Lực thời gian sau này, nói chuyện lan man, hỏi thăm tin tức về các bạn cùng thời rồi chia tay.

Tôi thắp cho Lực nén nhang và cầu mong cho hồn anh thanh thản miền cực lạc.
QH


Thầy Lê Văn Đỡ (Ngày 06-9-2008).
Lê Văn Đỡ và Phan Ngọc


Không học thầy ngày nào vì thầy dạy trường Trung học Bán công Tân Châu từ năm 1966. Sau này, khi thầy ra dạy trường Nguyễn Chánh Sắt thì tôi đã đi học nơi khác.

Hôm qua, có dịp về Tân Châu, ngồi sương sương ở quán Mười Nhàn với một số anh và bạn, tôi đã gặp thầy Lê Văn Đỡ. Nhìn mặt, thầy biết ngay tôi là em của Dương Quốc Tuấn.

Biết hai thầy đã nghỉ hưu, tôi xin phép chụp ảnh thầy ngồi với thầy Phan Ngọc Kiến - tác giả bài hát An Giang miền đất đứng làm kỷ niệm.

Nhìn mái tóc bạc, trắng như cước của thầy, tôi không nghĩ rằng tửu lượng thầy mạnh như thế: Liên tiếp 4 cái séc ông già chống gậy (Jhonny Walker - Red label) và 50 phần trăm Saigòn đỏ thường xuyên mà Thầy vẫn sang sảng ngâm nga bài thơ Tình Già của Phan Khôi và bài thơ của thầy trong đó có câu: "Em ơi mây trắng chiều đổ mưa".

Chưa kịp hỏi ý nghĩa câu thơ trên thì đã chia tay.

Đến giờ tôi vẫn thắc mắc mà không trả lời được: Tại sao mây trắng mà chiều đổ mưa?.
Quốc Hùng.

Còm của SKN:
Cảm ơn tấm hình của anh QH nhé! Thầy Kiếng nhìn càng già càng đẹp lão. Không biết anh thì sao? Anh còn nhớ em ko?
Có 1 lần em về Tân Châu có ghé thăm thầy Đỡ. Nghe thầy nói cuộc sống của thầy khi về hưu cũng khỏe lắm. Nghe vậy em cũng mừng.
Thầy Đỡ chủ nhiệm lớp 12A của ngày nào...Hồi đó em làm lớp phó văn thể mỹ được thầy cưng lắm. Vì phong trào nào trường phát động là lớp 12A có mặt đầy đủ. Bóng bàn, văn nghệ, điền kinh,...đều có mặt em hết. Nghĩ sao lúc đó em hăng ghê!
Vậy đó mà mới đây đã gần 30 năm! Eo ơi!....khủng khiếp!
SKN

Còm của Phu Chau:
Chú Quốc Hùng ơi! Khi nào chú có dịp về Tân Châu và gặp thầy nữa thì cho phuchau gởi lời thăm và chúc thầy sức khỏe dồi dào. Phuchau học thầy Đỡ năm lớp 7 và 8 năm 1993-1994 cùng lớp với Thanh Sang, Thiên Bình (hai "bé" này học giỏi toán hơn phuchau nên chắc thầy nhớ lớp nào)

Lời nhận xét của thầy mà phuchau nhớ đến giờ là " Chữ thằng Phú to, vuông vuông nhìn ngộ thiệt..."

Còm của Lê Dum:
Quốc Hùng mến!
Nhìn thấy hình Thầy Kiến trên web, tôi vừa ngạc nhiên vừa mừng vô cùng, vì biết được Thầy còn rất khỏe lại còn đẹp lão nữa chứ. Hôm về VN có tìm để thăm Thầy nhưng Thầy không có ở nhà. Hình ảnh người Thầy kính vẫn còn in đậm ở tâm trí tôi... Dù Thầy không dạy tôi lúc tôi còn bé, nhưng tôi đã học ở Thầy rất nhiều ....
Cám ơn QH đã cho tôi biết được tin tức về Thầy. Bao giờ QH có về quê cho tôi gửi lời thăm Thầy và lời chúc sức khỏe nha.
LD

Còm của Nguyễn Thành Tài:
Thầy Lê Văn Đõ, bạn già của Tôi ngày nào, nay tóc đã bạc nhưng còn quá khỏe, cười té ánh bạc. Thầy Kiến, Tôi có biết nhưng không thân, trông rất tráng kiện.

Tuần sau Tôi sẽ gặp lại Thầy Đỡ và những Thầy khác vui mừng trong tiệc cưới con Tôi. Rất tiếc không thể mời mọi người trên DĐ tham dự...

Xem đây như là thiệp hồng báo tin vui.

Thân mến,
NT2
=============

44 năm một kỷ niệm (Ngày 29-9-2008)

Hè năm lớp nhứt – 1964, tôi chuẩn bị rời trường Nam Tiểu Học Tân Châu sang Châu Đốc học lớp đầu của bậc Trung học Đệ nhất cấp là lớp Đệ thất (lớp 6 bây giờ).
Cổng trường Nam Tiểu học Tân Châu


Để vào học trường công (Thủ Khoa Nghĩa) phải qua một kỳ thi tuyển, nếu đậu thì học, rớt thì vào trường Trung học Bán công Nguyễn Hữu Cảnh hoặc trường tư (?) ở dưới Nhà Thờ đối diện phà Châu Giang.

Chị hai tôi (khi đó đang học Thủ Khoa Nghĩa) dẫn tôi và anh tôi qua Châu Đốc thi. Vì học môn văn rất dở, nên khi đề thi cho bình luận “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, tôi mải mê bình luận với ý nghĩa TÀU là chiếc tàu chở bầy ngựa. Kết quả là cả hai anh em tôi đều RỚT.

May thay, khi đó Trường Trung học Công lập Tân Châu mới thành lập, tôi đã thi đậu và vào học 1 trong hai lớp duy nhất của Trường lúc bấy giờ: Lớp đệ thất B, với hai giáo sư cơ hữu là thầy Nguyễn Trọng Phúc và Thầy Trinh. Thầy Dương Văn Út là Hiệu trưởng Trường Trung học Công lập Tân Châu trong thời gian đầu.

Thầy Phúc, tôi vẫn liên lạc qua E-mail hay điện thoại, Thầy Trinh hoàn toàn mất liên lạc.
QH
================
Com của PT Nga:
Lúc còn nhỏ thường ta có nhiều suy nghĩ thật ngây ngô nhỉ? Hồi đó TNP cũng hiểu y như anh Quốc Hùng vậy đó.
Còn chuyện đời xưa nào nữa, kể cho bà con nghe cho vui, anh QH nhé, nhé!
Lại nhớ về chuyện xưa...
Năm đó – năm 1968, không nhớ rõ là bằng cách nào mà chúng tôi biết ngày nhà trường thông báo kết quả thi tuyển vào Đệ Thất, chỉ nhớ rằng khi biết chính xác ngày đó thì bọn học trò và cả các bậc phụ huynh đứng chật cả sân trường Nam Tiểu Học để nghe Nhà Trường đọc kết quả*.
Tôi cũng vào trường cùng bà chị để nghe. Hồi hộp biết bao khi dõng tai chờ nghe người ta đọc tới tên mình. Trời ơi, nếu nghe cho đến khi người ta đọc đến hết danh sách mà không có tên mình thì là, thì là… đối với tôi thì chỉ có cách trở về trường Tiểu Học cũ học lại lớp Nhứt**, hoặc là nghỉ học luôn ở nhà… ngày ngày đi chơi nhảy cò cò, chuyền chuyền, tán u,…thôi.
Tôi không nhớ rõ người ta đọc theo thứ hạng hay theo tên trường Tiểu Học, chỉ nhớ rõ khi nghe đọc đúng tên và số báo danh của mình – Phan Thị Nga, SBD 474, tôi đã quá mừng và… véo lia lịa vào tay của bà chị, trong khi tai vẫn còn nghe tiếp thứ hạng của mình... Véo, ngắt vào tay người khác khi hồi hộp và khi quá xúc động là một thói quen xấu của tôi, cho đến bây giờ vẫn còn y như vậy. Bà chị tôi tuy hít hà vì đau nhưng vẫn cười tươi như hoa vì em mình thi đậu.
"Tôi đậu vào Đệ Thất rồi!
Tôi sẽ mặc áo dài trắng đi học!
Tôi sẽ thành người lớn!
Thật là sung sướng!"
---
* Thật thán phục cách làm việc có kế hoạch của nhà trường. Thông báo ngày đó có kết quả là đúng y ngày đó!
** Vì sợ thi rớt, tôi đã vào học lại lớp Nhứt rồi; một số bạn khác đã vào học trong BC rồi, do trường Tiểu học và trường BC tựu trường sớm hơn trường CL.
-------------------------
Com của Tranbc:
NGV nhìn tấm hình "nơi ăn nhờ ở đậu" mãi 5 năm của Trường THCL Tân Châu mà lòng bùi ngùi. Nay chỉ còn lại cái cổng trường. Ngẫm nghĩ lại, đó là nơi NGV đã gởi 10 năm cuộc đời mình, 5 năm tiểu học cộng 5 năm trung học. Nhìn những lớp học đã mất như mình đang bị mất một phần cuộc đời. Đó là nơi tôi gởi lại những mơ mộng thời niên thiếu. Bạn bè nếu còn lại chỉ năm ba đứa tứ tán mười phương.

Cảm ơn Quốc Hùng đã cho NGV nhìn lại một phần quãng đời của mình.
NGV
-----------------
Com của Dương Thị Ngọc Chưởng
Gởi Quốc Hùng.
Trước hết, mà cũng là điều quan trọng nhất đối với CD là xin thành thật cảm ơn QH đã có nhã ý nhắc nhở đến ba của CD, ông Dương văn Út trên Diễn Đàn, mà còn đề cập với dòng chữ (CD đang chờ đợi coi có ai còn nhớ đến!) "Thầy Dương văn Ùt lả Hiệu trưởng Trường Trung Hoc Công Lập Tân Châu trong thời gian đầu". Rất chính xác, cảm động, đầy đủ chi tiết và am hiểu. Hôm rày CD theo dõi và mừng ngày thành lập trường. Mới đây mà đã 44 năm rồi! CD vui vì trường tiếp tục đào tạo thế hệ mới cho mai sau. Còn thế hệ như chúng mình ngày xưa có còn mấy ai nhớ đến người thầy già cả, nghèo nàn, bịnh hoạn trước lúc ông qua đời. Thấy Bảo Toàn hát bài ca con Chuột ba dạy, và hôm nay QH nhắc đến, CD xin cảm ơn, cảm ơn tất cà học trò Tân Châu, những ai còn nhớ đến những người Thầy Cô của trường. CD rất kính trọng nghề Giáo, nhưng cá nhân CD vì ghen tuông, nhõng nhẽo của ngày xưa còn bé, cứ nghĩ là Ba mình yêu thương Trường trước nhất, sau đó mới đến gia đình, nên có thành kiến "đó là sự sai lầm". Nhưng bây giờ, già rồi, nên suy nghĩ về đời sống rộng rãi hơn. Nếu CD có đụng chạm đến nghề nghiệp của ai thì cho CD xin lỗi. CD không có ý nghĩ xấu về nghề nghiệp của ai, chỉ người hành nghề không đúng tiêu chuẩn mới xấu thôi.

Nói về nghề nghiệp có 1 hôm mình hỏi mấy đứa con và đám bạn nó khi ra trường muốn làm nghề gì? Tụi nó bảo không biết, và hỏi ngược lại "Còn Bác (là C.D)?" Mình bảo sau khi trải qua bao nhiêu nghề, minh cũng vẫn không biết!!! "1 lu that bai" hihi... Que se ra se ra!

Cảm ơn và xin chúc Quốc Hùng, Phu Nhân cùng các cháu hạnh phúc, học giỏi, ăn nên làm ra.

Thân mến,
CD