QuocHung's Blog

3 thg 6, 2009

15. Ủy hội sông Mekong quốc tế nghiên cứu tác động của các đập thượng nguồn

TTO - Đây là thông tin mà ông Jeremy Bird, giám đốc ban thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC), cho biết xung quanh việc Trung Quốc xây đập ở thượng lưu sông này. Các gợi ý từ nghiên cứu sẽ được đưa vào thảo luận với các chính phủ khi đi đến thống nhất liệu có xây đập trên dòng chảy chính ở các khu vực hạ lưu của con sông hay không.

Ông Jeremy nói:
- Việc xây đập ở dòng chảy chính của sông Mekong có tác động bao gồm thay đổi chế độ dòng chảy, chất lượng nước, việc di cư của các loài cá... Tuy nhiên, các đập thủy điện cũng có thể có tác động tích cực với người dân ở hạ lưu. Ví dụ trữ lượng nước để sản xuất điện ở đập Tiểu Loan và các đập khác trong hệ thống ở tỉnh Vân Nam sẽ điều tiết lượng nước.

Mực nước mùa khô sẽ tăng, giúp có thêm nước cho tưới tiêu và cung cấp nước cho đô thị, còn đỉnh lũ sẽ giảm xuống. Tính trung bình chỉ 16% nước sông Mekong đến từ Trung Quốc, vì thế các tác động này sẽ giảm dần khi xuống tới sông Tonle Sap và đồng bằng sông Cửu Long bởi từ đó các nhánh sông khác từ Lào, Thái Lan và VN sẽ làm chủ chế độ dòng chảy.

Là một tổ chức khu vực được thành lập để hợp tác trong việc quản lý nguồn nước bền vững của bốn nước ở hạ lưu sông Mekong (Thái Lan, Lào, Campuchia, VN), MRC đã đánh giá quy mô và hậu quả của những thay đổi trên sông Mekong thông qua các hệ thống lập mô hình. MRC cũng đối thoại với Trung Quốc về các khía cạnh thực thi của những dự án xác định quy mô thay đổi dòng chảy.

Cuối năm nay, ủy ban sẽ công bố kết quả của những dự án này. Trong lúc đó chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận thường xuyên với các quan chức Trung Quốc, cũng như phối hợp với chính phủ nước này trong việc hợp tác kỹ thuật để bảo đảm các thay đổi ở hạ lưu sông do phát triển thủy điện gây ra sẽ được quản lý một cách phù hợp.

* Ông đánh giá thế nào về tác động của các đập nước ở hạ lưu sông Mekong?
- Các con đập ở hạ lưu (Lào và Campuchia), một yếu tố ít được biết đến và có lẽ ít nghiêm trọng hơn, cũng có tác động tới việc di cư của các loài cá và hậu quả với người dân sống nhờ đánh bắt cá. Hơn 60 triệu người ở hạ lưu sông Mekong phụ thuộc vào con sông để có thức ăn, đi lại và hoạt động kinh tế. Đánh bắt cá nước ngọt ở lưu vực sông Mekong mang lại 2 tỉ USD mỗi năm, là hoạt động đánh bắt cá trên bờ có giá trị nhất thế giới.

80% lượng protein động vật của cư dân vùng Mekong là từ con sông này, và 70% lượng cá đánh bắt phục vụ thương mại là các loài cá di cư đường dài - đó là những loài cá có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các con đập ở hạ lưu sông Mekong. Tất cả vấn đề này đều đang được nghiên cứu trong chương trình đánh giá môi trường chiến lược do MRC tiến hành. Các gợi ý từ nghiên cứu này sẽ được đưa vào thảo luận với các chính phủ khi họ đi đến thống nhất với nhau liệu có xây đập trên dòng chảy chính ở các khu vực hạ lưu của con sông hay không.

* Trung Quốc không phải là thành viên của MRC, vậy ủy hội có biện pháp gì để hài hòa các dự án phát triển liên quan tới con sông ở tất cả các nước, bao gồm bốn nước thành viên và Myanmar, Trung Quốc?
- Cơ chế hiện nay yêu cầu tất cả các nước thành viên MRC phải tham vấn nhau và đồng thuận về bất cứ hoạt động nào của con người hoặc về cơ sở hạ tầng trên dòng chảy chính của sông mà có thể ảnh hưởng tới dòng chảy ở hạ lưu. Các công trình sẽ không tiến hành nếu tất cả các nước chưa được tham vấn đầy đủ. Trung Quốc và Myanmar thật ra cũng nằm trong một quy trình rộng hơn, được gọi là các đối tác đối thoại của MRC, và chúng tôi đang tiếp tục tăng cường hợp tác và cùng hành động.

Vai trò của MRC là tạo ra sự hiểu biết một cách khoa học về con sông này và các tác động tiềm năng mà các hoạt động phát triển có thể gây ra cho sông, quan trọng hơn là cho người dân sống nhờ vào dòng sông. “Giải pháp” của chúng tôi là tiếp tục mở rộng vai trò này, chia sẻ thông tin với các bên liên quan (kể cả các tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự và khu vực tư nhân). Và bảo đảm là các quyết định chính phủ liên quan tới nguồn lực của sông Mekong được đưa ra trên cơ sở kiến thức cũng như hiểu biết khoa học.
HƯƠNG GIANG TTO thực hiện