QuocHung's Blog

11 thg 6, 2009

Châu Úc







Châu Âu mùa đông








10 thg 6, 2009

Những bài viết của Nguyên

Làng Phú Lâm.

(Tặng các chị Khanh, Tài, A. Sĩ và các em Mai, Hoa, Huệ, Vân)

Đồng quê Phú lâm


Từ khi tôi biết, làng Phú Lâm thuộc quận Tân Châu, có khi thuộc tỉnh Châu Đốc, có khi thuộc tỉnh An Giang (khi Long Xuyên và Châu Đốc còn chung một tỉnh); từ Tân Châu về làng hơn 14 cây số, phải qua làng Long Sơn, tới khoảng cây số 9 -10 gọi là ranh làng. Nay thì là xã Phú Lâm thuộc huyện Phú Tân tỉnh An Giang.

Quê ngoại tôi ở làng Phú Lâm, đúng ra là ở đâu đó ngoài Huế, ba của ông cố ngoại tôi là quan án sát Nguyễn Văn Giám thuộc triều vua Nguyễn, không biết sao ông con thứ tư của quan Án sát lại lưu lạc đến xứ Bạc Liêu và chết ở đó, lúc mới có 35 tuổi - để lại cho bà cố tôi một đàn con 2 trai 4 gái trôi dạt đến làng Phú Lâm này lập nghiệp để rồi sinh ra bà tôi để xứ này thành quê ngoại.

Tôi không biết gì về ông ngoại mà biết ông qua hình chụp thờ ở bàn thờ nhà ngoại và nhà tôi vì ông mất lúc tôi vừa giáp thôi nôi. Sinh thời ở làng Phú Lâm gọi ông là Ông Bang vì ông người Hoa lưu lạc từ bên Tàu qua Campuchia rồi qua Việt Nam làm công cho một nhà khá giả là anh chị em với bà Cố tôi (hay ông cố?) thì gặp bà ngoại tôi và cùng nhau về lập nghiệp tại làng Phú Lâm.

Hai ông bà cầy cục làm ăn mua được mươi hecta đất ở phía sau đường cộ ngang bây giờ và dựng được căn nhà gỗ có một lầu ở phía trên chợ Tân Phú mà tôi chỉ thấy qua hình (hay lời kể rồi tưởng tượng ra) bởi vì năm 1945, nhà này đã bị máy bay Nhựt bỏ bom lộn làm sập một bên nhà và đến thập niên 50, sau khi ông mất thì bà ngoại tôi tự đứng ra cất lại căn nhà ngói như hiện giờ vẫn còn.

Nhà ngoại tôi thật nhiều kỹ niệm vì thuở nhỏ mỗi mùa hè hay tết nhứt anh chị em chúng tôi vẫn thường về nhà ngoại để ở hũ hĩ với bà, bởi vì từ khi ông chết bà chỉ ở một mình nuôi hai con, nuôi cả cháu (con của em bà) và một đám 12 đứa cháu ngoại mà bây giờ đứa út nhất cũng đã U50.

Anh chị em chúng tôi bây giờ tứ tán phương xa, nhà Ngoại bây giờ đã thành Phủ thờ.

Ảnh chụp gia đình trước Phủ thờ

---------------

2. Nhớ Huỳnh Văn Lực.
Dương Quốc Hùng (21/8/2008)

Hôm qua, ngẫu nhiên mở HTV7, nghe giọng nữ hát bài Trương Chi, tôi bỗng nhớ đến Huỳnh Văn Lực vừa mất trong năm.

Tôi và Lực không cùng học chung lớp, nhưng gặp nhau trong thời kỳ sinh viên học xa nhà tại hòn ngọc viễn đông: Sài Gòn.

Nhỏ hơn Lực 2 tuổi nhưng sau này biết ra, tôi học trước Lực một lớp, có lẽ vì tôi học sớm. Tôi và anh tôi cùng vào học trường Nam Tiểu học Tân Châu; lúc đó anh tôi 7 tuổi và tôi 5 tuổi, học lớp nhứt do cô dạy (rất buồn là đến giờ - cố gắng mãi vẫn chưa nhớ ra tên cô), lớp nhì học Thầy Nguyễn Văn Kiềm , lớp ba Thầy Lợi, lớp tư Thầy Nhiệm lớp năm Thầy Toàn.

Trung học đệ nhất cấp và đệ tam, tôi học trường Công lập Tân Châu, năm đệ nhị tôi học hai tháng ở trường Thủ Khoa Nghĩa còn lại là xuống Long Xuyên học trường Chưởng Binh Lễ mới mở (chung với HC Phú, NT Mỹ, TQ Tấn, NT Phong, NV Bé (Sang) là những bạn cùng ở Tân Châu xuống LX học) đến đệ nhất thi tú tài 2 vào năm 1971. Một số bạn dừng học vì không đỗ tú tài 2.

Từ năm 1971, tôi thi rớt vào Bách khoa (hay Kỹ thuật?) Phú Thọ nên ghi danh học Đại học Khoa học MPC dự bị Toán-Lý-Hóa), sau 1 năm ở nhà người quen khu Cây Gõ tôi bắt đầu trọ học nhiều nơi và khi dời đến 146 Ngô Tùng Châu thì gặp gỡ nhiều bạn cùng quê tập trung lại, đó là Nguyễn Thành Lực đang học cán sự công chánh Bách khoa Phú Thọ, là anh em Ngô Hữu Mạnh và Hữu Liệt, là Nguyễn Tấn Mỹ và Nguyễn Thành Phong đang học ở Thủ Đức về ghé chơi, là Đào Hùng đi giang hồ về tá túc ...

Từ 1974 hình như Lực ra trường và đi làm cho một hảng thầu xây dựng nước ngoài nào đó, lương khá lắm nên thỉnh thoảng ghé rủ anh em càfé, ăn sáng; sang thì nhậu tí chút. Sau đó tôi có đứa em bạn dì ở Tân Châu xuống học thi tú tài nên cùng ở với nó về ở đường Nhiêu Tâm là kho của xe tốc hành Nam Cường (của chị Đỗ Thị Đôi) chạy tuyến Tân Châu - Sài Gòn.

Tôi làm luận án ra trường thì giải phóng, phải ở lại học chính trị và lao động tại Nông trường Lê Minh Xuân, sau đó thi ra trường vào tháng 6 năm 1976 và đi làm vào cuối năm này.

Từ năm 1977, nhiều bạn học Tân Châu vào làm việc tại Uỷ ban Kế hoạch tỉnh, trong đó có Huỳnh Văn Lực, Châu Dứng, Nhựt (Nhựt Tân), Hùng Phạm, Hùng Đào, NV Bá, NT Hồng, Thón, ... Đây là lúc tôi thường nghe bài ca Trương Chi mà Lực thích hát. Chúng tôi ở chung nhà tập thể, chơi chung, nhậu chung, hát chung, thứ bảy về quê chung. Lực đàn không phăng, nhưng rất cứng về nhịp, ngoài Trương Chi còn một số bài tiền chiến mà Lực thích hát (Mộng dưới hoa, Làng tôi, Hòn Vọng phu 1-2-3, Tình ca, Áo anh sứt chỉ đường tà (Thơ Hữu Loan, Phạm Duy phổ nhắc, . . .), 6 câu vọng cổ cũng thường được ca trong những cuộc nhậu nhất là bài Tống tửu Đơn Hùng Tín. Lực cưới vợ (Nghĩa, học chung vợ tôi) trong thời gian này.

Phong trào về quê làm việc nở rộ trong những năm 80, … Lực, Dứng, Nhựt, Hùng Phạm, Hùng Đào, NV Bá, NT Hồng, Thón lần lượt về Tân Châu làm việc, tôi cũng bán rẻ nhà chuẩn bị về, nhưng xếp tôi không cho (sợ tôi về đi buôn biên giới), mà nhà đã bán rồi, nên xếp bố trí tôi về ở tập thể lại. Năm 1993, bị lấy lại nhà tập thể, tôi mua lại căn nhà cấp 4 gần đó ở .

Lực có nghề xây dựng, nên khi xây chợ mới Tân Châu, một số chức sắc ở tỉnh tìm và giao Lực làm trong Ban Quản lý công trình xây dựng Chợ, sau này, khi xây trụ sở UBND tỉnh, Lực cũng được điều xuống Long Xuyên làm trong Ban Quản lý công trình xây dựng trụ sở UBND tỉnh.

Ngày đưa đám Lực tôi bận không về được, tôi ghé nhà gặp Nghĩa vào ngày mở cửa mả, ở đây gặp lại anh Thanh (chồng chị LT Huệ - cháu cô Mến, học chung), anh Nhân (học lớp A Công lập - nhà ở rạp hát) là bạn chiều nhậu của Lực thời gian sau này, nói chuyện lan man, hỏi thăm tin tức về các bạn cùng thời rồi chia tay.

Tôi thắp cho Lực nén nhang và cầu mong cho hồn anh thanh thản miền cực lạc.
QH


Thầy Lê Văn Đỡ (Ngày 06-9-2008).
Lê Văn Đỡ và Phan Ngọc


Không học thầy ngày nào vì thầy dạy trường Trung học Bán công Tân Châu từ năm 1966. Sau này, khi thầy ra dạy trường Nguyễn Chánh Sắt thì tôi đã đi học nơi khác.

Hôm qua, có dịp về Tân Châu, ngồi sương sương ở quán Mười Nhàn với một số anh và bạn, tôi đã gặp thầy Lê Văn Đỡ. Nhìn mặt, thầy biết ngay tôi là em của Dương Quốc Tuấn.

Biết hai thầy đã nghỉ hưu, tôi xin phép chụp ảnh thầy ngồi với thầy Phan Ngọc Kiến - tác giả bài hát An Giang miền đất đứng làm kỷ niệm.

Nhìn mái tóc bạc, trắng như cước của thầy, tôi không nghĩ rằng tửu lượng thầy mạnh như thế: Liên tiếp 4 cái séc ông già chống gậy (Jhonny Walker - Red label) và 50 phần trăm Saigòn đỏ thường xuyên mà Thầy vẫn sang sảng ngâm nga bài thơ Tình Già của Phan Khôi và bài thơ của thầy trong đó có câu: "Em ơi mây trắng chiều đổ mưa".

Chưa kịp hỏi ý nghĩa câu thơ trên thì đã chia tay.

Đến giờ tôi vẫn thắc mắc mà không trả lời được: Tại sao mây trắng mà chiều đổ mưa?.
Quốc Hùng.

Còm của SKN:
Cảm ơn tấm hình của anh QH nhé! Thầy Kiếng nhìn càng già càng đẹp lão. Không biết anh thì sao? Anh còn nhớ em ko?
Có 1 lần em về Tân Châu có ghé thăm thầy Đỡ. Nghe thầy nói cuộc sống của thầy khi về hưu cũng khỏe lắm. Nghe vậy em cũng mừng.
Thầy Đỡ chủ nhiệm lớp 12A của ngày nào...Hồi đó em làm lớp phó văn thể mỹ được thầy cưng lắm. Vì phong trào nào trường phát động là lớp 12A có mặt đầy đủ. Bóng bàn, văn nghệ, điền kinh,...đều có mặt em hết. Nghĩ sao lúc đó em hăng ghê!
Vậy đó mà mới đây đã gần 30 năm! Eo ơi!....khủng khiếp!
SKN

Còm của Phu Chau:
Chú Quốc Hùng ơi! Khi nào chú có dịp về Tân Châu và gặp thầy nữa thì cho phuchau gởi lời thăm và chúc thầy sức khỏe dồi dào. Phuchau học thầy Đỡ năm lớp 7 và 8 năm 1993-1994 cùng lớp với Thanh Sang, Thiên Bình (hai "bé" này học giỏi toán hơn phuchau nên chắc thầy nhớ lớp nào)

Lời nhận xét của thầy mà phuchau nhớ đến giờ là " Chữ thằng Phú to, vuông vuông nhìn ngộ thiệt..."

Còm của Lê Dum:
Quốc Hùng mến!
Nhìn thấy hình Thầy Kiến trên web, tôi vừa ngạc nhiên vừa mừng vô cùng, vì biết được Thầy còn rất khỏe lại còn đẹp lão nữa chứ. Hôm về VN có tìm để thăm Thầy nhưng Thầy không có ở nhà. Hình ảnh người Thầy kính vẫn còn in đậm ở tâm trí tôi... Dù Thầy không dạy tôi lúc tôi còn bé, nhưng tôi đã học ở Thầy rất nhiều ....
Cám ơn QH đã cho tôi biết được tin tức về Thầy. Bao giờ QH có về quê cho tôi gửi lời thăm Thầy và lời chúc sức khỏe nha.
LD

Còm của Nguyễn Thành Tài:
Thầy Lê Văn Đõ, bạn già của Tôi ngày nào, nay tóc đã bạc nhưng còn quá khỏe, cười té ánh bạc. Thầy Kiến, Tôi có biết nhưng không thân, trông rất tráng kiện.

Tuần sau Tôi sẽ gặp lại Thầy Đỡ và những Thầy khác vui mừng trong tiệc cưới con Tôi. Rất tiếc không thể mời mọi người trên DĐ tham dự...

Xem đây như là thiệp hồng báo tin vui.

Thân mến,
NT2
=============

44 năm một kỷ niệm (Ngày 29-9-2008)

Hè năm lớp nhứt – 1964, tôi chuẩn bị rời trường Nam Tiểu Học Tân Châu sang Châu Đốc học lớp đầu của bậc Trung học Đệ nhất cấp là lớp Đệ thất (lớp 6 bây giờ).
Cổng trường Nam Tiểu học Tân Châu


Để vào học trường công (Thủ Khoa Nghĩa) phải qua một kỳ thi tuyển, nếu đậu thì học, rớt thì vào trường Trung học Bán công Nguyễn Hữu Cảnh hoặc trường tư (?) ở dưới Nhà Thờ đối diện phà Châu Giang.

Chị hai tôi (khi đó đang học Thủ Khoa Nghĩa) dẫn tôi và anh tôi qua Châu Đốc thi. Vì học môn văn rất dở, nên khi đề thi cho bình luận “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, tôi mải mê bình luận với ý nghĩa TÀU là chiếc tàu chở bầy ngựa. Kết quả là cả hai anh em tôi đều RỚT.

May thay, khi đó Trường Trung học Công lập Tân Châu mới thành lập, tôi đã thi đậu và vào học 1 trong hai lớp duy nhất của Trường lúc bấy giờ: Lớp đệ thất B, với hai giáo sư cơ hữu là thầy Nguyễn Trọng Phúc và Thầy Trinh. Thầy Dương Văn Út là Hiệu trưởng Trường Trung học Công lập Tân Châu trong thời gian đầu.

Thầy Phúc, tôi vẫn liên lạc qua E-mail hay điện thoại, Thầy Trinh hoàn toàn mất liên lạc.
QH
================
Com của PT Nga:
Lúc còn nhỏ thường ta có nhiều suy nghĩ thật ngây ngô nhỉ? Hồi đó TNP cũng hiểu y như anh Quốc Hùng vậy đó.
Còn chuyện đời xưa nào nữa, kể cho bà con nghe cho vui, anh QH nhé, nhé!
Lại nhớ về chuyện xưa...
Năm đó – năm 1968, không nhớ rõ là bằng cách nào mà chúng tôi biết ngày nhà trường thông báo kết quả thi tuyển vào Đệ Thất, chỉ nhớ rằng khi biết chính xác ngày đó thì bọn học trò và cả các bậc phụ huynh đứng chật cả sân trường Nam Tiểu Học để nghe Nhà Trường đọc kết quả*.
Tôi cũng vào trường cùng bà chị để nghe. Hồi hộp biết bao khi dõng tai chờ nghe người ta đọc tới tên mình. Trời ơi, nếu nghe cho đến khi người ta đọc đến hết danh sách mà không có tên mình thì là, thì là… đối với tôi thì chỉ có cách trở về trường Tiểu Học cũ học lại lớp Nhứt**, hoặc là nghỉ học luôn ở nhà… ngày ngày đi chơi nhảy cò cò, chuyền chuyền, tán u,…thôi.
Tôi không nhớ rõ người ta đọc theo thứ hạng hay theo tên trường Tiểu Học, chỉ nhớ rõ khi nghe đọc đúng tên và số báo danh của mình – Phan Thị Nga, SBD 474, tôi đã quá mừng và… véo lia lịa vào tay của bà chị, trong khi tai vẫn còn nghe tiếp thứ hạng của mình... Véo, ngắt vào tay người khác khi hồi hộp và khi quá xúc động là một thói quen xấu của tôi, cho đến bây giờ vẫn còn y như vậy. Bà chị tôi tuy hít hà vì đau nhưng vẫn cười tươi như hoa vì em mình thi đậu.
"Tôi đậu vào Đệ Thất rồi!
Tôi sẽ mặc áo dài trắng đi học!
Tôi sẽ thành người lớn!
Thật là sung sướng!"
---
* Thật thán phục cách làm việc có kế hoạch của nhà trường. Thông báo ngày đó có kết quả là đúng y ngày đó!
** Vì sợ thi rớt, tôi đã vào học lại lớp Nhứt rồi; một số bạn khác đã vào học trong BC rồi, do trường Tiểu học và trường BC tựu trường sớm hơn trường CL.
-------------------------
Com của Tranbc:
NGV nhìn tấm hình "nơi ăn nhờ ở đậu" mãi 5 năm của Trường THCL Tân Châu mà lòng bùi ngùi. Nay chỉ còn lại cái cổng trường. Ngẫm nghĩ lại, đó là nơi NGV đã gởi 10 năm cuộc đời mình, 5 năm tiểu học cộng 5 năm trung học. Nhìn những lớp học đã mất như mình đang bị mất một phần cuộc đời. Đó là nơi tôi gởi lại những mơ mộng thời niên thiếu. Bạn bè nếu còn lại chỉ năm ba đứa tứ tán mười phương.

Cảm ơn Quốc Hùng đã cho NGV nhìn lại một phần quãng đời của mình.
NGV
-----------------
Com của Dương Thị Ngọc Chưởng
Gởi Quốc Hùng.
Trước hết, mà cũng là điều quan trọng nhất đối với CD là xin thành thật cảm ơn QH đã có nhã ý nhắc nhở đến ba của CD, ông Dương văn Út trên Diễn Đàn, mà còn đề cập với dòng chữ (CD đang chờ đợi coi có ai còn nhớ đến!) "Thầy Dương văn Ùt lả Hiệu trưởng Trường Trung Hoc Công Lập Tân Châu trong thời gian đầu". Rất chính xác, cảm động, đầy đủ chi tiết và am hiểu. Hôm rày CD theo dõi và mừng ngày thành lập trường. Mới đây mà đã 44 năm rồi! CD vui vì trường tiếp tục đào tạo thế hệ mới cho mai sau. Còn thế hệ như chúng mình ngày xưa có còn mấy ai nhớ đến người thầy già cả, nghèo nàn, bịnh hoạn trước lúc ông qua đời. Thấy Bảo Toàn hát bài ca con Chuột ba dạy, và hôm nay QH nhắc đến, CD xin cảm ơn, cảm ơn tất cà học trò Tân Châu, những ai còn nhớ đến những người Thầy Cô của trường. CD rất kính trọng nghề Giáo, nhưng cá nhân CD vì ghen tuông, nhõng nhẽo của ngày xưa còn bé, cứ nghĩ là Ba mình yêu thương Trường trước nhất, sau đó mới đến gia đình, nên có thành kiến "đó là sự sai lầm". Nhưng bây giờ, già rồi, nên suy nghĩ về đời sống rộng rãi hơn. Nếu CD có đụng chạm đến nghề nghiệp của ai thì cho CD xin lỗi. CD không có ý nghĩ xấu về nghề nghiệp của ai, chỉ người hành nghề không đúng tiêu chuẩn mới xấu thôi.

Nói về nghề nghiệp có 1 hôm mình hỏi mấy đứa con và đám bạn nó khi ra trường muốn làm nghề gì? Tụi nó bảo không biết, và hỏi ngược lại "Còn Bác (là C.D)?" Mình bảo sau khi trải qua bao nhiêu nghề, minh cũng vẫn không biết!!! "1 lu that bai" hihi... Que se ra se ra!

Cảm ơn và xin chúc Quốc Hùng, Phu Nhân cùng các cháu hạnh phúc, học giỏi, ăn nên làm ra.

Thân mến,
CD

Những bài ngắn của Lý Kim Cúc

Đăng những bài viết của Cúc từ các Blog khác chuyển về đây.

1/. Quê Ngoại - LKC

Hàng Gòn là tên của quê ngoại tôi, nó có cái tên này bởi vì ngày xưa được trồng rất nhiều gòn dọc theo hai bên đường, rợp bóng mát và rất nên thơ, dân ở đây cũng sống về nghề rẩy và mua bán gòn, cây gòn không bỏ gì cả từ cây, lá và trái (nhưng bây giờ thì hết rồi không ai trồng gòn nữa, nếu có cũng rất ít - vườn nhà Ngoại nay vẫn tôi còn một số gòn lão)

Không biết tự bao giờ tôi đã thuộc về nơi này. Tôi có ba, má và bốn anh chị em ở Tân Châu, chỉ có mình tôi ở đây với ông bà Ngoại, Ngoại cho tôi đi học ở một ngôi trường làng và ông thầy dạy học là bạn thân của ông Ngoại tôi.

Ở đây đường xá còn ngăn sông cách trở lắm, không có xe đò, những người dân ở đây muốn đi Tân Châu phải đi xe đạp hay đi bộ, rất ít nhà có xe gắn máy (từ nhà Ngoại tôi đi lên đầu cù lao, qua đò tới Tân Châu là hơn 10km ), hoặc đi bằng đò. Nếu đi đò thì phải thức lúc 2 giờ sáng, đò chạy tới chợ Tân Châu là 6 giờ sáng, hôm nào con nước xuôi thì có thể tới sớm hơn. Ơ quê không có Tivi, nên thường mỗi chiều thứ bảy ông Ngoại thường chở tôi lên Tân Châu bằng chiếc xe cào cào (là xe PC hay BC?, những người ở quê thấy Ngoại tôi chạy xe này thường gọi thế, và cả xã chỉ có một chiếc xe duy nhất này thôi ) để tối thứ bảy xem cải lương, thường thường mỗi tuần vào tối thứ bảy đài Cần Thơ hay hát cải lương, rồi chiều chủ nhật cùng về với Ngoại, tôi nhất định không chịu ở lại Tân Châu.

Ba má tôi mỗi ngày hay gửi báo (ngày xưa gọi là nhật trình) và thịt cá nhờ chủ đò đem về cho Ngoại. Thời đó ở đây thiếu thốn đủ mọi thứ : không điện, không nước, không tin tức…( bây giờ thì khác rồi), vì vậy nên ở làng trên xóm dưới ai muốn biết tin tức gì thì ghé nhà nghe thời sự từ ông Ngoại, vì vậy mọi người ở trong làng đều gọi ông Ngoại tôi là “nhà thông thái ”.
Tôi hay được ông Ngoại dẫn đi tắm sông mỗi buổi chiều, ông làm cho tôi một đôi thùng xách nước nhỏ nhỏ vừa với sức của tôi (lúc đó tôi 8-9 tuổi gì đó), khi tắm xong phải xách 2 thùng nước lên nhà, từ bến sông lên tới nhà khoảng hơn một trăm mét, ông ngoại 2 thùng lớn tôi 2 thùng nhỏ, nhưng tôi cảm thấy nặng nề quá, muốn thuê người gánh nước mà ở đây tuy người dân nghèo nhưng họ không chịu làm thuê việc nhà, làm dùm thì họ làm còn làm thuê thì không, người dân ở đây chất phát hiền hoà và họ rất giử thể diện.

Tôi rất thích những buổi trưa hè yên ắng, không một tiếng động, khi có con gà gáy trưa nào đó cũng làm vang vọng một góc vườn. Tôi yêu lắm những bụi chuối, bờ tre, những cây mận trắng Ngoại trồng rất ngọt mà những buổi trưa trốn ngũ tôi hay trèo lên cây hái trái ăn thoả thích, và tôi còn yêu rất nhiều thứ ở đây mà bây giờ trở lại đó tôi không còn tìm thấy nữa, hay chỉ tại vì không còn hình bóng của Ngoại tôi… ! !
=========================

Bài 2. Chích ngừa

Mỗi năm gần tới ngày nghĩ hè thì có một đợt chích ngừa trái rạ, thường thì chúng tôi được chích ở trường, nhà trường tổ chức chích ngừa cho học sinh mà không có học sinh nào trốn thoát được, nếu lỡ bị sót lại (có thể là vắng mặt nhằm ngày ở trường chích) thì phụ huynh phải dẫn con em mình đi đến nhà thương chích, năm nay không hiểu sao nhà thầy giáo Đáng nhận chích ngừa cho khu phố.

Hôm ấy tôi học buổi chiều (năm tôi học lớp ba) tan trường vừa về tới nhà thì má tôi kêu mấy chị em tôi rửa tay, rửa mặt, thay đồ rồi ba dẫn đi chích ngừa, tôi hăng lắm xung phong đi trước, ba tôi cũng hăm hở dẫn con gái đi chích ngừa. Ba dẫn tôi đi tuốt ra phía sau nhà thầy giáo (tôi thường kêu bằng cậu hai), nơi đó thầy để một cái bàn, trên bàn có nhiều dụng cụ y tế, nào là những ống thuốc, mấy cái ông tiêm …, thấy chúng tôi đến thầy liền lấy ông tiêm gắn kim vào rồi bơm thuốc vào ông tiêm, thầy lấy gòn tẩm alcool quẹt quẹt vào bắp tay tôi, thì bắt đầu tim tôi đánh lung tung, tôi nói
- Thôi ba ơi con không chích đâu
- Thầy giáo nói : không đau đâu nó như kiến cắn vậy thôi
- Con không chích đâu cậu hai ơi, con sợ lắm
- Ba nói : sợ thì nhắm mắt lại đừng nhìn.
Nhưng tôi càng nhìn càng thấy sợ, và tôi nhất định không cho thầy chích vào vai tôi, ai nói cách nào cũng nhất quyết không cho chích, bàn tay ba tôi vịn sau gáy tôi bắt đầu run lên vì giận, ba tôi tính nóng lắm , khi giận lên thì phải biết ! ba nói vài lời xin lỗi thầy giáo rồi dẫn tôi về gần như là kéo tôi đi, lúc này tôi không còn sợ chích nữa mà tôi thấy thứ khác còn đáng sợ hơn chích ngừa nhiều, đó là tính nóng của ba và mấy cái “đòn bánh tét nhân mây” đang chờ tôi ở nhà.

Đến bây giờ mấy chục tuổi đầu tôi vẫn còn sợ cây kim tiêm, mỗi lần bị bệnh đi bác sĩ là dặn BS trước là tôi không chích đâu đấy nhé, nếu bắt buộc phải chích thì phải lựa cô y tá nào có tay nghề cao chích bá phát bá trúng mới chịu cho chích, chứ mà lụi tới lụi lui vài ba cái là mặt mày xanh lè không còn chút máu
=================== LKC

Bài 3. Ông lão mù

Ông làm bạn với chiếc gậy tre đã từ lâu lắm rồi sau một lần bệnh nặng vì đậu mùa, đôi mắt của ông đã vĩnh viễn chia tay ông từ dạo đó và để lại trên gương mặt ông những vết rỗ hoa cà vào lúc ông hai mươi hai tuổi, cũng kịp để ông trao dồi kiến thức cho mình làm hành trang vào đời sau này

Cũng có thể gọi ông là trí thức vì ông văn hay chữ tốt, biết ông là người hay chữ bà con ở làng trên xóm dưới gửi con tới cho ông dạy học, không hẳn phải trả bằng tiền vì bà con còn nghèo lắm và ông cũng nghèo, hằng tháng mọi người trả cho ông con cá, mớ rau, hay người có đất thì đợi tới mùa sẽ trả cho ông vài giạ lúa, vậy mà ông chắt mót cũng dư lúa được nhiều vì ông ăn chẳng có bao nhiêu. Ngoài văn hay chữ tốt ông còn đàn ca rất hay nhất là đàn cò, chiều chiều những trai làng thường đến nhà ông ngồi nghe ông đàn và cũng góp vui bằng vài câu vọng cổ, vậy mà có một người đi đâu đó về ngang qua làng nghe được tiếng đàn của ông về nhà không ăn ngũ được, từ đó người ấy thường vượt vài dặm đường đến đây núp sau những bụi chuối nghe ông đánh đàn để về mà tương tư, người ấy đang có chồng con yên ấm ở làng bên nhưng vì mê tiếng đàn của ông mà có một hôm bà đến nghe trộm ông đàn và không muốn đi nữa, từ đó hai người nương tựa vào nhau mà sống.

Từ ngày có bà, ông làm thêm một nghề nữa là làm cà ràng ông táo bán kiếm tiền để nuôi thêm một miệng ăn, ngày ngày bà đi lấy đất sét ở các bến sông đem về để ráo cho ông nắn lò, tuy ông mù nhưng nắn lò rất khéo, và dân ở quanh vùng hay mua giúp ông, hoặc có ai đặt ông đan rổ, rế, thúng, bồ chứa lúa, cái gì ông cũng làm được hết.

Cuộc tình của ông cũng nở hoa kết trái, bà đã sinh cho ông một cô con gái thật dễ thương, ai cũng mừng cho ông vì dù sao cũng có người lo cho ông lúc tuổi già, con của ông lớn lên cũng giúp cha dạy học trò, nó cũng giống ông là thông minh và học giỏi, nhưng trời không thương cho trót, con gái mới được tám tuổi thì bị chết đuối, niềm vui của ông khép lại, từ đây ông chỉ còn biết nương vào cửa phật tìm vui trong kinh kệ, ông cũng tới lui về nhà chứ không ở hẳn trong chùa vì còn có bà, nhưng tính tình thì nóng nảy hơn trước hay la rầy bà làm bà tủi thân và thường khóc một mình, thấy vậy có người nói sao bà không kiếm chồng khác đi, bà nói “ tuy vậy chứ mười người sáng mắt đổi một người mù bà cũng không đổi “, vậy mới biết bà thương ông rất nhiều

Tuổi đời chồng chất lại đau yếu liên miên cũng nhờ một tay bà chăm sóc, nhưng tính ông mỗi ngày một khó, bà đã lặng lẽ bỏ đi để ông ở lại trong căn chòi quạnh quẻ với căn bệnh trầm trọng, ông mỏi mòn trong chờ đợi vô vọng, rồi vào một đêm mưa gió ông đã ra đi mãi mãi trong lạnh lẻo âm thầm và nhớ bà da diết
=================== LKC

Bài 4. Một nụ cười
(Thương tặng cô Đỗ Binh )

Năm ấy là năm đầu tiên tôi học cô và cũng là năm đầu tiên cô đi dạy ở trường nầy, trường Nguyễn Chánh Sắc. Quê cô ở Châu Đốc, năm đó có hai cô quê ở Châu Đốc qua Tân Châu dạy là cô Đỗ Binh và cô Hương mắt hơi lé duyên, có một cửa hàng bán giầy dép ở trong nhà lồng chợ Châu Đốc, hai cô đều rất dễ thương.

Nhưng cô Đỗ Binh là người gây ấn tượng rất mạnh đối với tôi, cô không đẹp kiêu sa, cô không có nét dịu dàng thục nữ, mà ở cô có một sức hút kỳ lạ, chỉ đối diện với cô một lần thôi là sẽ bị thôi miên ngay, không thể nào không cảm mến cô được. Đến bây giờ đã mấy mươi năm rồi không gặp lại cô nhưng khi nhắm mắt lại tôi vẫn hình dung ra cô, tóc cô dài, dáng cao mà không gầy, tướng cô đi khoan thai, đặc biệt là lúc nào trên môi cô cũng có một nụ cười, cô cười bằng môi bằng mắt và bằng cả trái tim. Rất tiếc là tết vừa rồi nghe nói cô về có họp mặt với bạn bè tôi ở Long Xuyên, mà Dung đã quên không điện cho tôi.

Ở trong lớp khi cô giảng bài xong, còn dư giờ cô hay nói chuyện với học trò, có một lần cô dạy rằng “nụ cười không mất tiền mua đâu các em, gặp ai các em cứ chào bằng một nụ cười thì người được chào sẽ vui mà các em cũng thấy vui nữa “. Vậy là tôi áp dụng ngay, có một hôm đi học về gặp một anh bạn học quen cùng đi chung đường, tôi liền nhìn bạn và cười, thế là ít lâu sau tôi nhận được một lá thư … tỏ tình ! bởi vì anh ta tưởng tôi phải lòng anh ta. Khi rảnh rỗi tôi thường hay cùng các bạn đi chùa và các tịnh xá để vừa cúng phật vừa để nghe các sư thầy thuyết pháp, một hôm đi học về tôi gặp một nhà sư mà tôi quen mặt, chắc sư không nhớ tôi, sư còn trẻ lắm, tôi gật đầu chào và … cười, thì sư liền dừng lại giữa đường và nhắm mắt lại niệm phật chờ tôi đi qua rồi sư mới đi tiếp, trời ơi, cảm giác cho tôi thấy là sư nghĩ rằng “tôi đang bỏ bùa cho sư”.

Từ đó trở đi tôi không dám cười với người khác phái nữa, và tôi cũng ít cười với ai, cho đến gần đây tôi thấy mình quen rất nhiều người mà không thân được, bởi vì tôi luôn chờ người ta chào mình trước rồi mới chào lại, tôi bèn đổi thái độ, gặp ai quen, mặc dù người ta không chào mình nhưng tôi vẫn chào người ta trước bằng một nụ cười, thì thấy người đó vui lên và lần sau người ta rất vui khi gặp lại tôi. Vậy thì nụ cười của em đã có hiệu quả rồi phải không cô ? sau mấy chục năm nghiền ngẫm.

Vậy nhưng đến bây giờ tôi vẫn thấy có nhiều người không biết cười, có những khi tôi tới nhà một người quen, vào nhà họ mà họ không biết chào tôi một tiếng hay cho tôi xin một nụ cười, tôi rất lấy làm tiếc dùm cho họ. Ông bà ta thường nói “câu chào cao hơn mâm cổ “ , và như cô Đỗ Binh nói nụ cười không mất tiền mua “ vậy thì các bạn ạ hãy cười khi có thể, đừng quá tiết kiệm một nụ cười mà khiến cho mọi người phải xa lánh ta.
================== LKC

Bài 5. Một chuyến đi và tình người

Bốn giờ chiều bắt đầu khởi hành từ Tân Châu về Long Xuyên trời còn hanh nắng, tôi và ông xã đèo nhau trên chiếc mô tô, chúng tôi đi hướng Hoà Hảo để tránh xe vì đường Châu Đốc- Long Xuyên xe lớn rất nhiều và nguy hiểm. Đường chiều ngập nắng bóng mặt trời to dần ra chói loà trước mặt, tôi rất khó chịu vì bị ánh mặt trời rọi ngay vào mặt, nhưng không làm mất đi sự phấn khích trong tôi vì được ngắm nhìn những cánh đồng lúa bao la xanh biếc và được hít thở khí trời trong lành ở nơi thôn dã này.

Qua phà Năng Gù còn hai mươi bảy cây số nữa là tới Long Xuyên, đoạn đường này chúng tôi phải đối phó với những tình huống có thể xãy ra mà mình không mong đợi từ những chiếc xe đi cùng chiều hoặc trái chiều, có một lần ông xã bị một xe gắn máy đi cùng chiều ủi từ phía sau đẩy xe mình đi một đoạn rồi hai xe cùng ngã, cũng may là không đến nổi nào chỉ bị trầy sơ sơ và một chút … máu.

Mặt trời xuống thấp và tối dần, gần sáu giờ mà như đêm ba mươi, chiếc mô tô chúng tôi chạy êm như ru đang bon bon trên đường, qua khỏi huyện Châu Thành một đoạn chỉ còn 6 km nữa là tới Long Xuyên thì chiếc xe đang chạy êm như ru bổng im luôn không còn hơi hám gì nữa, xe tắt máy, làm cách nào cũng không chạy, bụng đói cồn cào, cũng may xe hư ngay quán cháo vịt bên lề đường (về nhà đám giỗ tôi chỉ làm chứ không ăn vì mệt ) chúng tôi tấp vào quán kêu hai tô cháo và một dĩa gỏi vịt hai người ăn, và cũng để hỏi thăm ông chủ quán xem gần đây có thợ sửa xe không, ông chủ quán nói gần đây có thợ sửa xe thường thôi chứ xe mô tô thì phải vào tiệm lớn mới có thợ biết sửa, ông đem cháo cho chúng tôi rồi vào nhà lấy đồ nghề ra coi dùm xe xem nó hư cái gì, ông lọ mọ một hồi rồi đạp thử xe cũng không có một chút hơi nào, ông chê ở đây thợ sửa không được , ông không phải là thợ nên cũng đành bó tay thôi. Ông xã tôi ngồi ăn không yên cứ một chút chạy ra một chút chạy vào, mấy người ngồi ăn trong quán mỗi người góp một ý, cuối cùng vợ chồng chủ quán kêu dùm một xe honda ôm đẩy xe chúng tôi về, đoạn đường chỉ có 6 km mà tôi thấy xa vời vợi, ngã giá với chú xe ôm là ba mươi ngàn về tới nhà nhưng thấy chú tội nghiệp quá nên tôi cho luôn tờ năm chục, nếu trước đó bị hét tới một trăm thì chúng tôi cũng vui lòng chịu luôn (chú xe ôm cũng là nông dân nên hiền), về tới nhà được là mừng rồi.

Xin cảm ơn vợ chồng chủ quán cháo vịt, những người khách trong quán đã quan tâm chia xẻ, cảm ơn anh honda ôm, người tốt luôn ở xung quanh ta, xin cảm ơn mọi người.
======================= LKC

Bài 6. Lần cuối

Tôi trải chiếu trên nền nhà đang ngồi chơi với đứa con trai nhỏ xíu của tôi thì T đến, có chở theo cô gái rất dễ thương để giới thiệu với tôi; T ghé vào một buổi chiều trời oi bức nắng, T ngồi xuống chiếu trò chuyện với mẹ con tôi, đứa con gái lớn của tôi mến anh T lắm, hai anh em nói chuyện giỡn với nhau một hồi, tôi bảo T :

- Hay con ở chơi mai hãy về.
- Thôi mợ, con phải về để mai còn đi làm, con thấy trong mình không khoẻ, chắc không qua khỏi con trăng nầy quá !
- Con thấy không khoẻ thì ở lại đi BS chứ về sao được?
- Con có uống thuốc rồi, mợ !
Và T từ giã mấy mẹ con tôi rồi lên xe cùng đi với cô bạn gái.

Trong ba người con của chị tôi , tôi thương nhất là T và cũng là đứa cháu gần gũi với tôi nhất, vì trong thời gian đi học ở Long Xuyên T thường hay ghé nhà chơi với mấy mẹ con tôi, dù không có cậu ở nhà cũng vậy. T rất vui tính và hay nói giỡn rất có duyên, lại “ga lăng” nữa, mỗi khi cùng đi Long Xuyên, qua phà hay qua mấy chỗ khó đi T hay đưa tay cho tôi nắm dìu tôi qua chỗ khó, và hay khen tôi “mợ trắng mà mang đôi guốc này thấy chân mợ đẹp lắm”, không biết T khen lấy lòng hay khen thật, nhưng nhìn vào mắt T tôi thấy rất chân thành, tôi chợt thấy ấm lòng mặc dù ngoài trời mưa rất lạnh.

Đùng một cái tôi nghe T chết, khi người nhà chưa cho chúng tôi hay T bệnh nhiều đến vậy, tôi nghĩ chắc T bị tai nạn xe cộ chứ đâu mà mất nhanh vậy ! Hôm nghe báo tin T mất tay chân tôi bủn rũn không đứng nổi (tôi có bệnh cao HA) nhưng tôi không về dự đám tang của T vì hôm đó ông xã đi công tác, còn tôi thì có con nhỏ, tay xách nách mang đi một mình không tiện nên tôi cho đứa con gái về thay .

T đã báo trước cái chết mà tôi không để ý qua câu nói gở của T, sau câu nói ấy không đầy một tháng thì T mất và hôm ấy cũng là lần cuối tôi gặp T.
======================== LKC

Bè cá - Xuồng

Bè buổi ban mai


XUỒNG VÀ CHỢ



Đầu đuôi cũng đến !

GHE và CẦU

Rượt theo !



Khởi hành




Gác máy !.


Cầu Quay NTT

Tượng Phật núi Cấm








9 thg 6, 2009

Hình năm 2009


5 thg 6, 2009

17. TNOnline: Ngư dân bị chặn đường ra khơi !

1. "Hồi 4 giờ sáng hôm qua 4.6, tàu của Bùi Quang Phương cập cảng sông Hàn. Cùng lúc là tàu của ngư dân Phạm Thuận. Đây là 2 trong 17 tàu của Thanh Khê (Đà Nẵng) vừa bỏ dở chuyến đánh bắt cá ngừ đại dương bằng lưới vây trên vùng biển gần huyện đảo Hoàng Sa".

Anh Đỗ Văn Xin, người từng chỉ huy cuộc cứu nạn trong bão Chanchu thuật lại tin tức mới rợi trên bến cảng sông Hàn. Những câu chuyện nóng của ngư dân đều liên quan đến lệnh cấm biển phía Trung Quốc vừa đưa ra. Theo đó, họ cấm đánh bắt cá từ 16.5 đến 1.8 hằng năm, tại những vùng biển kéo dài từ 12 độ vĩ bắc lên trên 20 độ vĩ bắc, tức từ vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam đến đảo Hải Nam của Trung Quốc. Trong vùng cấm này có vùng biển nước xanh bên trong Hoàng Sa - sâu 250m tới 350m - mà ngư dân miền Trung chuyên đánh bắt lưới vây, lưới cản. Vùng này nước êm kín gió, mỗi khi có gió bão, rất nhiều tàu ngư dân Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên kéo vào neo ở Đá Bắc, 17.08 độ vĩ bắc 111.28 độ kinh đông. Vậy mà giờ đây ngư dân Việt Nam không được rong tàu đến đó. "Bão vừa rồi, tàu Việt Nam vào neo ở đảo ngầm Bông Bay bị đuổi, phải chạy tới đảo khác...", Đỗ Văn Xin nói.

2. Theo bà con ngư dân miền Trung, lệnh cấm biển do Trung Quốc đưa ra đang đe dọa trực tiếp nồi cơm của cả ngàn gia đình trên cạn. Thời gian cấm lại trúng vào hai tháng cao điểm của mùa đánh bắt. Tuy các đội tàu ít khi đánh bắt lâu ở Đá Bắc nhưng đây là cửa ngõ đi ra vùng biển nước tím - sâu trên 1.000m - bên ngoài, phía trên huyện đảo Hoàng Sa. Ngư dân thuộc biển như người trên đất liền thuộc đường đi. Theo bà con, vùng biển tím là vùng quốc tế. Ở đó có rất nhiều tàu qua lại, trong đó có tàu đánh cá của Việt Nam, Macau, Philippines, Trung Quốc... Hàng trăm năm nay, từ đời ông cho chí đời cha, các đoàn ngư dân Việt Nam đánh bắt ngoài đó rất yên tâm, không ai đụng đến. Hơn thế nữa, mỗi khi gặp khó khăn, gió bão, ngư dân các nước luôn nương tựa vào nhau. Các anh Đỗ Văn Xin, Phạm Văn Xinh, Bùi Văn Phương... còn nhớ rõ những lần qua tàu Philippines chơi, có khi qua cả tàu cá Trung Quốc để giao lưu... dù chẳng bên nào thạo ngôn ngữ của nhau. "Vui lắm! Rứa mà chừ họ bịt mất đường ra biển, biết làm răng?", không ít ngư dân Thanh Khê rầu rĩ. Bà con nói vậy, bởi tàu cá nước ta muốn đi ra vùng biển tím, phải băng qua vùng biển nước xanh ở Hoàng Sa.

Đỗ Văn Xin băn khoăn: "Bị cấm như ri là hết. Mỗi năm đi biển từ cuối tháng giêng đến đầu tháng chín. Từ giữa tháng chín tới tháng chạp là nghỉ bão. Chừ bị cấm thêm hai tháng rưỡi nữa, vị chi mất hết nửa năm. Chẳng lẽ về làm ruộng hay đi thồ?”.

3. Vậy sắp tới, mình có đi biển nữa không? Tôi hỏi. “Đi chớ! Không đi lấy chi sống? Mới đây, bên thủy sản Đà Nẵng có kêu tụi tui lên, nói có đi thì tránh mấy chỗ đó ra, có gì thì gọi về đất liền để giải quyết”. Vì sinh kế, vừa rồi, đoàn 17 tàu lưới vây của Đà Nẵng lại ra khơi. Và nay đã có 2 tàu về. Trên cảng sông Hàn, anh nói: "Mỗi chuyến biển, tụi tui đi ít nhất 2 tháng nhưng nay do tình hình căng quá nên đành bỏ dở. Hôm qua, cả đoàn tàu Đà Nẵng bị ví ở 17 độ bắc 111 độ đông, phía trên bên trong đảo Đá Bắc". Tình hình 15 tàu còn lại thế nào? Tôi lại hỏi. Đỗ Văn Xin đỡ lời: “Mùa này tàu của mình đâu dám ra phía ngoài Hoàng Sa vì sợ bão, phải đánh bắt trong vùng nước xanh, nếu bị làm khó thì cũng chịu. Nhưng tui nghĩ sẽ không đến nỗi nào. Tối đa, họ chỉ ví mình chạy thôi. Mình không bắt ngư dân của họ nên chắc họ cũng không bắt ngư dân của mình”. Có thể với những người quen ăn sóng nói gió, thậm chí "hồn treo cột buồm", chuyện bị "tàu lạ" làm phiền trên biển là thường. Vì chuyện áo cơm là một lẽ nhưng cũng có thể bà con đã quen đời biển giã, lên bờ không biết lấy gì để sống. Cũng có người như Đỗ Văn Xin chọn lối an toàn: Thay vì đưa tàu ra khơi câu mực như đã chuẩn bị, vừa rồi anh cho tàu lên đà sửa chữa, chuyển từ câu mực sang đánh bắt lưới vây. Theo anh tính, từ nay đến khi sửa xong tàu, cũng là lúc lệnh cấm của Trung Quốc hết hiệu lực. "Đi vậy là yên tâm...", anh nói.

4 thg 6, 2009

BÚT BI TTO : Kích cầu... hàng xóm!

Sang năm, đúng ngày kỷ niệm ngàn năm thành phố rồng bay, Bút Bi cùng với mọi người dân Việt sẽ được mục sở thị một phim VN làm về một danh nhân mà chúng ta đang còn phân vân về mức độ vĩ đại: thái sư Trần Thủ Độ.

Tuy không phải phim nhựa hoành tráng, nhưng chúng ta sẽ có cái thú tối tối coi tivi giờ vàng phim sử Việt.
25 tỉ đồng tiền ta là con số đã được duyệt chi để làm bộ phim truyền hình này. Nếu phim vừa hay vừa bổ thì 25 tỉ cũng không phải quá nhiều, mỗi người xem tivi bớt đi một ly bia hơi vỉa hè mỗi ngày e cũng không quá khó.

Nhưng đời éo le muôn nỗi, chưa kịp vui thì đã xây xẩm mặt mày: trong số 25 tỉ đó, tiền vào túi nghệ sĩ nghèo nhà mình chỉ là cái phần đủ cho mấy chục người trong đoàn làm phim uống bia hơi vỉa hè thôi! Không phải vì có ai bớt xén gì đâu (thái sư thiêng lắm, xớ rớ ông vật chết!), mà bởi vì phim trường thuê bên hàng xóm!

Những cảnh quay ở VN từ con ngựa đến mã phu đều thuê của hàng xóm! Chưa kể gần như khâu nào cũng vác tiền thuê ông hàng xóm, từ trợ lý đạo diễn, họa sĩ thiết kế, họa sĩ hóa trang, đạo diễn võ thuật, trợ lý sản xuất đến diễn viên quần chúng! Thành phần đoàn làm phim còn đang trong vòng bí mật, nhưng đến nước này chắc cũng chỉ còn giám đốc sản xuất với diễn viên đóng vai Trần Thủ Độ là chắc chắn “made in VN” mà thôi.

Kiểu kích cầu cho hàng xóm thế này chắc phải lên tăngxông quá!

Ý RIÊNG: HẾT Ý KIẾN

Mỗi sớm mai nhìn về phía mặt trời...

TTO - Mong ước có một ngày “Biển Đông và hải đảo Việt Nam” trên Tuổi Trẻ đã được đông đảo bạn đọc đồng tình ủng hộ, từ các đại biểu Quốc hội đến những công dân bình thường. Tâm nguyện ấy không phải là chuyện bắt đầu từ thời gian này khi những sự kiện diễn ra trên biển Đông đang ngày càng trở thành mối quan tâm nóng bỏng của mỗi người dân Việt.

Không chỉ vì những ngày này hàng ngàn tàu cá của ngư dân ta đang nằm bờ vì lệnh cấm kỳ quặc từ nước láng giềng: biển của Việt Nam, ngư trường của Việt Nam mà ngư dân ta không được giong thuyền ra khơi. Một lệnh cấm vô lý và không thể nào chấp nhận!
Lịch sử của người Việt đã khởi thủy bằng truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ với 50 người con theo mẹ lên rừng, 50 người con theo cha xuống biển.

Lịch sử chống ngoại xâm của người Việt cũng ghi lại trong 14 cuộc chiến tranh xâm lược của nước ngoài vào Việt Nam, có 10 cuộc xâm lược bằng đường biển.

Lịch sử vệ quốc của chúng ta cũng lưu dấu hào hùng bởi những trận đánh lừng danh trên biển, những địa danh mà mỗi khi vang lên nó tiếp thêm sức mạnh cho cả dân tộc trong những tháng năm trường kỳ kháng chiến mà điển hình là hào khí Bạch Đằng giang.

Cuộc đấu tranh gìn giữ chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên biển Đông bao nhiêu thế kỷ qua luôn là những trang sử bi hùng của người Việt. Từ những ngư dân vô danh đã giong thuyền vượt sóng ra những mảnh đất giữa trùng dương hàng ngàn năm trước, để lại dấu chân Việt trên những bãi đá san hô cho đến những đội Hoàng Sa thời nhà Nguyễn sau này.

Hành trình ấy là sự kế truyền tiếp nối của dòng máu Lạc Hồng bất khuất với rất nhiều máu xương hàng ngàn con dân đất Việt đã đổ xuống để bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa và thềm lục địa Việt Nam.

Không phải ngẫu nhiên mà ngày 15-3-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hải Phòng đi thăm bộ đội hải quân, sau đó từ sông Cấm, tàu đưa Bác qua sông Bạch Đằng, ra vùng biển Đông Bắc, thăm hang Đầu Gỗ, nơi lưu dấu chiến công hiển hách của các bậc tiền nhân đã từng đánh tả tơi quân xâm lược. Trên vịnh Hạ Long tươi đẹp tháng 3 năm ấy, Người căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời có biển.Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết gìn giữ lấy nó...”. Câu nói đó của Hồ Chủ tịch giờ đây ở bất cứ doanh trại nào của hải quân nhân dân Việt Nam đều được treo ở nơi trang trọng!

Và ngày nay, biển và hải đảo không chỉ là lịch sử. Đó còn là tổng hòa của chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội và chiếm một vị trí cực kỳ quan trọng trong đời sống quốc gia.
Một ngày hướng về biển Đông và hải đảo - nhưng không chỉ là một ngày trong 365 ngày của một năm!
Một ngày hướng về biển đông và hải đảo cũng là sự nhắc nhở với mỗi người khi sớm mai thức dậy, nhìn về phía mặt trời mọc, những người dân Việt sẽ nhớ đó là biển Đông, là Hoàng Sa, Trường Sa và thềm lục địa Việt Nam, là gia tài có được từ máu xương của cha ông ta để lại và cháu con nay quyết giữ gìn!

Theo LÊ ĐỨC DỤC

3 thg 6, 2009

15. Ủy hội sông Mekong quốc tế nghiên cứu tác động của các đập thượng nguồn

TTO - Đây là thông tin mà ông Jeremy Bird, giám đốc ban thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC), cho biết xung quanh việc Trung Quốc xây đập ở thượng lưu sông này. Các gợi ý từ nghiên cứu sẽ được đưa vào thảo luận với các chính phủ khi đi đến thống nhất liệu có xây đập trên dòng chảy chính ở các khu vực hạ lưu của con sông hay không.

Ông Jeremy nói:
- Việc xây đập ở dòng chảy chính của sông Mekong có tác động bao gồm thay đổi chế độ dòng chảy, chất lượng nước, việc di cư của các loài cá... Tuy nhiên, các đập thủy điện cũng có thể có tác động tích cực với người dân ở hạ lưu. Ví dụ trữ lượng nước để sản xuất điện ở đập Tiểu Loan và các đập khác trong hệ thống ở tỉnh Vân Nam sẽ điều tiết lượng nước.

Mực nước mùa khô sẽ tăng, giúp có thêm nước cho tưới tiêu và cung cấp nước cho đô thị, còn đỉnh lũ sẽ giảm xuống. Tính trung bình chỉ 16% nước sông Mekong đến từ Trung Quốc, vì thế các tác động này sẽ giảm dần khi xuống tới sông Tonle Sap và đồng bằng sông Cửu Long bởi từ đó các nhánh sông khác từ Lào, Thái Lan và VN sẽ làm chủ chế độ dòng chảy.

Là một tổ chức khu vực được thành lập để hợp tác trong việc quản lý nguồn nước bền vững của bốn nước ở hạ lưu sông Mekong (Thái Lan, Lào, Campuchia, VN), MRC đã đánh giá quy mô và hậu quả của những thay đổi trên sông Mekong thông qua các hệ thống lập mô hình. MRC cũng đối thoại với Trung Quốc về các khía cạnh thực thi của những dự án xác định quy mô thay đổi dòng chảy.

Cuối năm nay, ủy ban sẽ công bố kết quả của những dự án này. Trong lúc đó chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận thường xuyên với các quan chức Trung Quốc, cũng như phối hợp với chính phủ nước này trong việc hợp tác kỹ thuật để bảo đảm các thay đổi ở hạ lưu sông do phát triển thủy điện gây ra sẽ được quản lý một cách phù hợp.

* Ông đánh giá thế nào về tác động của các đập nước ở hạ lưu sông Mekong?
- Các con đập ở hạ lưu (Lào và Campuchia), một yếu tố ít được biết đến và có lẽ ít nghiêm trọng hơn, cũng có tác động tới việc di cư của các loài cá và hậu quả với người dân sống nhờ đánh bắt cá. Hơn 60 triệu người ở hạ lưu sông Mekong phụ thuộc vào con sông để có thức ăn, đi lại và hoạt động kinh tế. Đánh bắt cá nước ngọt ở lưu vực sông Mekong mang lại 2 tỉ USD mỗi năm, là hoạt động đánh bắt cá trên bờ có giá trị nhất thế giới.

80% lượng protein động vật của cư dân vùng Mekong là từ con sông này, và 70% lượng cá đánh bắt phục vụ thương mại là các loài cá di cư đường dài - đó là những loài cá có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các con đập ở hạ lưu sông Mekong. Tất cả vấn đề này đều đang được nghiên cứu trong chương trình đánh giá môi trường chiến lược do MRC tiến hành. Các gợi ý từ nghiên cứu này sẽ được đưa vào thảo luận với các chính phủ khi họ đi đến thống nhất với nhau liệu có xây đập trên dòng chảy chính ở các khu vực hạ lưu của con sông hay không.

* Trung Quốc không phải là thành viên của MRC, vậy ủy hội có biện pháp gì để hài hòa các dự án phát triển liên quan tới con sông ở tất cả các nước, bao gồm bốn nước thành viên và Myanmar, Trung Quốc?
- Cơ chế hiện nay yêu cầu tất cả các nước thành viên MRC phải tham vấn nhau và đồng thuận về bất cứ hoạt động nào của con người hoặc về cơ sở hạ tầng trên dòng chảy chính của sông mà có thể ảnh hưởng tới dòng chảy ở hạ lưu. Các công trình sẽ không tiến hành nếu tất cả các nước chưa được tham vấn đầy đủ. Trung Quốc và Myanmar thật ra cũng nằm trong một quy trình rộng hơn, được gọi là các đối tác đối thoại của MRC, và chúng tôi đang tiếp tục tăng cường hợp tác và cùng hành động.

Vai trò của MRC là tạo ra sự hiểu biết một cách khoa học về con sông này và các tác động tiềm năng mà các hoạt động phát triển có thể gây ra cho sông, quan trọng hơn là cho người dân sống nhờ vào dòng sông. “Giải pháp” của chúng tôi là tiếp tục mở rộng vai trò này, chia sẻ thông tin với các bên liên quan (kể cả các tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự và khu vực tư nhân). Và bảo đảm là các quyết định chính phủ liên quan tới nguồn lực của sông Mekong được đưa ra trên cơ sở kiến thức cũng như hiểu biết khoa học.
HƯƠNG GIANG TTO thực hiện

14. Quanh co như sông Mekong

TTO - Sông Mekong dài 4.800km, diện tích lưu vực 595.000km2, do phụ thuộc vào địa hình, địa chất và thủy thế nên chảy quanh co, uốn khúc qua sáu nước Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Các nước có dòng sông Mekong chảy qua đều có chiến lược, kế hoạch khai thác nguồn nước vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội.

Hoạt động hợp tác sông Mekong có từ cuối thập niên 1950 cho đến nay, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, thậm chí còn phụ thuộc vào thiện chí của các nước thành viên cho nên người ta nhận xét hoạt động này đôi khi quanh co như dòng sông Mekong!
Tuy nhiên, Mekong là con sông quốc tế, đòi hỏi có sự hợp tác, khai thác sử dụng nguồn tài nguyên vì quyền lợi chung của tất cả các quốc gia trong lưu vực. Hiệp định hợp tác Mekong giữa bốn nước hạ lưu Mekong bao gồm Thái Lan, Lào, Campuchia và VN năm 1995 (MRC) là cơ sở pháp lý để các nước ven sông cùng nhau xây dựng các chương trình chung như quy hoạch phát triển lưu vực (BDP), chương trình môi trường (EP), chương trình quản lý lũ giảm nhẹ thiên tai...
Riêng hai nước thượng lưu là Trung Quốc và Myanmar vì lý do riêng vẫn từ chối tham gia hoạt động của Ủy hội sông Mekong (MRC) nên thực tế vẫn chưa nhất trí được dòng chảy môi trường về mùa khô của cả lưu vực.
Thời gian gần đây, công luận cả trong và ngoài nước đều quan tâm, lo ngại về việc các nước ở thượng lưu Mekong tiến hành xây dựng các nhà máy thủy điện và đập dâng sẽ gây tác động đến dòng chảy và môi trường sinh thái. Người ta quan ngại nhất là Trung Quốc đang xây dựng tám đập thủy điện ở Lan Thương (thượng nguồn Mekong nằm trong tỉnh Vân Nam) có khả năng chứa hơn 23 tỉ m3 nước.
Trước đây, khi Trung Quốc hoàn thành hai đập thủy điện đầu tiên có quy mô vừa phải là Manwan và Dachaoshan cũng đã gây lo ngại cho các nước hạ lưu. Theo báo cáo ngày 21-5 của Liên Hiệp Quốc, việc Trung Quốc xây dựng một loạt đập lớn ở thượng lưu sông Mekong, trong đó mới hoàn thành đập thứ ba Tiểu Loan cao nhất thế giới 292m với công suất 4.200 MW, sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng cho con sông vốn là nguồn nước trọng yếu nhất khu vực Đông Nam Á.
Chắc chắn các đập thủy điện sẽ gây thiệt hại cho các nước thượng lưu như mất đất làm hồ chứa, di chuyển dân cư, thay đổi môi trường. Tác hại lớn hơn cả là ảnh hưởng trực tiếp đến các nước hạ lưu như thay đổi chế độ dòng chảy, giảm lượng phù sa, ngăn cản luồng cá di cư, đảo lộn quá trình sinh sản, nhiều loài thủy sinh sẽ biến mất vì không thể thích ứng với môi trường sinh thái mới.
Điều đáng lo nhất là các nước hạ lưu không ai nắm được cụ thể quy trình vận hành các nhà máy thủy điện của các nước nằm ở thượng lưu. Theo tôi biết, phía Trung Quốc chỉ có thông báo một số thông tin từ hai trạm thủy văn về mùa lũ, không có số liệu về mùa khô cho nên muốn tính toán, kiểm tra lại quy trình vận hành là rất khó khăn, nan giải.
Mặc dù thiên nhiên đã ưu ái cho chúng ta một công trình điều tiết tự nhiên vô giá đó là Biển Hồ, nhưng theo tác động dây chuyền domino và sự khai thác sử dụng dòng sông Mekong ồ ạt cho mục đích phát điện và nông nghiệp ở các nước thượng lưu sẽ ảnh hưởng tác hại cả về số lượng và chất lượng nước của ĐBSCL.
Trong xu thế hội nhập của thế giới, việc khai thác sử dụng nguồn nước sông Mekong là quyền lợi chung của tất cả các nước trong lưu vực. Cần quan tâm, thúc đẩy việc xây dựng cơ sở pháp lý của hợp tác quốc tế trong việc khai thác sử dụng các lưu vực sông quốc tế và quảng bá các nguyên tắc này nhằm thiết lập một hệ thống quốc gia cho các hoạt động khai thác nguồn nước; theo dõi việc sử dụng nguồn nước sông quốc tế trong lãnh thổ VN cả về số lượng và chất lượng, cụ thể là hai trạm chính ở Tân Châu và Châu Đốc; quảng bá kinh nghiệm của VN trong các diễn đàn quốc tế nhằm nâng cao uy tín của VN trong việc giải quyết các vấn đề cần thương lượng.
Con sông Mekong có thể quanh co nhưng thái độ hợp tác của các nước ven sông phải rõ ràng vì quyền lợi chung của cả lưu vực. Ngoài việc tăng cường hợp tác hoạt động qua khuôn khổ bốn nước hạ lưu của MRC, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành của VN qua các chương trình hợp tác song phương và đặc biệt là Sáng kiến tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) có đầy đủ cả sáu thành viên Mekong.
Trong tương lai, thế giới sẽ phải đối phó với cuộc khủng hoảng về nước, không hẳn chỉ vì thiếu lượng nước để dùng mà còn vì chất lượng nước tồi tệ đến mức không sử dụng được. Ban đầu là con người không thể uống được, kế đến là không thể nuôi trồng thủy sản và tiếp nữa là không thể tưới tiêu.
Nếu không có các biện pháp đối phó thích hợp thì chẳng bao lâu câu ta thán nổi tiếng của người phương Tây “Water, water everywhere, not a drop to drink” (Nước, nước ở mọi nơi, nhưng không một giọt uống được) sẽ trở thành hiện thực ở vùng châu thổ sông Mekong!
TS TÔ VĂN TRƯỜNG