QuocHung's Blog

24 thg 12, 2010

Về hai người Cô phương xa

Tiếng chuông điện thoại reo vang trong đêm vắng.

- A lô, tôi nghe !

- Khên đó hả, Sới Câu (cô Út) ở Pháp nè, con nhận ra chưa?

- Dạ! Con nhận biết rồi Sới Câu ơi!

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .


Những kí ức tuổi thơ lần lượt hiện về sau lần điện thoại với Cô!


Khoảng tôi lên sáu bảy tuổi, thỉnh thoảng Ba thường đưa tôi về Châu Đốc thăm Nội, tôi ít gặp Cô Út vì Cô đi dạy học ở một trường Hoa tận dưới Vĩnh Long. Với tôi lúc ấy, Cô Út tôi đẹp và tài lắm. Dáng Cô cao ráo trông rất sang, làn da trắng mịn, gương mặt thanh tú. Tôi rất thương Cô nhưng mỗi lần gặp Cô tôi bẻn lẻn vô cùng, có lẻ vì tôi ít được ở gần Cô.

Không hiểu sao, từ Vĩnh Long Cô tôi theo bạn bè sang tận Nam Vang (Campuchia) dạy học và Cô kết duyên với một đồng nghiệp người Hoa dạy cùng trường bên ấy. Được một thời gian, Cô Dượng nghỉ dạy đưa nhau về Châu Đốc, sang lại một gian hàng nhỏ trong nhà lồng chợ buôn bán. Cùng lúc ấy, tôi thi đậu vào lớp đệ thất trường trung học Thủ Khoa Nghĩa, phải rời Tân Châu sang Châu Đốc ở nhà Nội đi học nên được ở chung cùng Cô suốt những năm trung học. Để tránh là gánh nặng của Cô Dượng trong ngày đầu lập nghiệp nên hằng tháng Má tôi đều gởi phụ tiền cơm nước.

Lúc ấy tôi còn rất nhỏ, chỉ mới mười một tuổi, sớm xa Má nên từ việc giặt ủi quần áo đến học hành đều phải tự lo. Có lẻ thấy tôi còn vụng về nên Cô chỉ tôi cách ủi áo dài để tà áo không bị vạt, từ cách đi đứng đến tóc tai. Còn tôi, những rổi rãnh thì tiếp bế các em con Cô hay đem cơm ra tiệm, việc này làm tôi có chút tủi thân khi nhớ đến những đứa em mình ở nhà! Bây giờ, các em con Cô đều trên dưới năm mươi tuổi, có gia đình con cái đều lớn, không biết có khi nào nhớ chuyện ngày xưa như tôi đã tập chúng ăn ớt cay và nhiều chuyện ngu ngơ khác nữa. . . Có những đêm trăng sáng, buồn, Dượng Út ra hiên nhà hát tiếng Tàu rất hay và da diết, tôi thích nghe dù chẳng biết lời hát nói gì. Trong trí óc non nớt của tôi lúc ấy, đoán là Dượng cũng đang nhớ nhà như tôi, tôi khóc và thiếp dần trong lời ca của Dượng. Ngoài buôn bán, Dượng còn tiếp Cô việc nhà cửa, cơm nước. Cô Dượng sống thật vui vẻ, hạnh phúc. Đến khoảng năm tám mươi ngoài, cả gia đình được anh của Dượng bảo lãnh sang Pháp định cư cho đến nay. Cô Dượng ít khi về Việt Nam, Cô nói chắc Cô không về thăm quê được nữa vì Cô Dượng đều đã gần tám mươi già yếu cả rồi.

 

Còn Cô Tư, người em gái kế Ba tôi, ngày ấy, dáng người tuy không bằng nhưng khuôn mặt đẹp hơn Cô Út, có lẻ vì thế mà Bà Nội gả Cô rất sớm về tiệm Huê Mỹ chuyên bán mỹ phẩm gần rạp hát Lạc Thanh trên đường Chi Lăng của Châu Đốc. Hồi nhỏ, tôi vẫn thường thắc mắc sao Dượng Tư cứ mang kính trắng, lần nào đến tiệm tôi cũng được Dượng cho kẹo có nhân sữa, socola rất ngon mà tôi tìm mua không có, Dượng lại nói chuyện rất nhẹ nhàng không giống như Ba.

Những ngày đầu nước nhà thống nhất, việc buôn bán không còn thích hợp nữa. Đời sống mỗi lúc một khó khăn hơn. Một thời gian dài Cô Dượng Tư chìm trong nỗi đau xé lòng vì cùng lúc mất đi hai con và rể trong một chuyến vượt biên. Với một nghị lực phi thường Cô Dượng đã vượt qua một mất mát lớn lao không gì bù đắp được, một nỗi đau âm ỷ trong lòng cho dù cả gia đình đã đoàn tụ ở Mỹ vài năm sau đấy. Tính đến nay, Cô Dượng đều trên tám mươi tuổi.

 

Cô ơi ! Bây giờ, Ba Má con đều đã qua đời, biết tin hai Cô đang sống khoẻ mạnh bên các em, các con bên nầy vui mừng lắm. Con thấy ấm lòng ấm lòng và bớt cảm giác bơ vơ vì nghĩ rằng trên đời này, mình còn có hai Cô tuy ở rất xa nhưng cũng nhớ về quê nhà và nhớ đến chúng con !

 

Tân Châu 23-12-2010

VÂN  KHANH