QuocHung's Blog

10 thg 12, 2010

Phát sóng độc quyền

Đào Tuấn: Trả tiền để được quyền yêu nước.

Hội CĐV Việt Nam đã chính thức có thư ngỏ gửi Thủ tướng bày tỏ sự phản đối việc kênh truyền hình K+ phát sóng độc quyền. Và quyết tâm này được thể hiện bằng con số: 1 triệu chữ ký vào bản kiến nghị. Như vậy là sau khi việc độc quyền của K+ được đại biểu QH Dương Trung Quốc gửi văn bản chất vấn trên diễn đàn quốc hội thì đây là lần đầu tiên một tập thể đứng đơn phản đối. Việc Hội CĐV Việt Nam định thu thập bằng cách cử các tình nguyện viên đi từng địa điểm, thu thập từng chữ ký để đạt tới con số 1 triệu, cho thấy họ đang rất quyết tâm, và điều lớn hơn: Khi mà việc kinh doanh của một đơn vị, ở đây lại là một đài quốc gia hoạt động bằng tiền thuế của dân chúng, bị phản đối dữ dội đến như vậy thì có nghĩa là cơ quan chức năng cần phải xem xét một cách nghiêm túc vấn đề.

Dù K+ có đạt được thoả thuận nhượng quyền phát sóng cho một đài truyền hình nào đó thì bản chất của sự độc quyền là không hề thay đổi. Bởi sự độc quyền ở đây thể hiện trong yếu tố giá. Dù K+ có giải thích cách nào, viện dẫn bất cứ thứ gì thì vẫn có một sự thật là sau khi cái tên K+ ra đời thì giá để được xem, cũng là những trận cầu, đã bị đội từ 45 ngàn, lên 250 ngàn đồng mỗi tháng. 250 ngàn đồng, tức là gần bằng 1/3 mức lương tối thiểu. Chưa kể tiền đầu tư thiết bị ban đầu, cũng cỡ hơn 4 triệu đồng. Đắt đỏ đến mức chẳng khác một sự đánh đố, một sự xúc phạm người nghèo, một sự nhạo báng tình yêu thể thao của người dân. Liệu K+ dành cho ai? Liệu bao nhiêu trong số 70-80% dân số- vốn là những người có thu nhập trung bình, thậm chí nghèo khổ, sẽ được xem bóng đá? Và phải chăng món ăn tinh thần, dù rất đỗi giản dị của các cổ động viên, của dân chúng, nhất là người nghèo đang bị tước đoạt bởi cái tên K+? đang bị gạt ra ngoài đời sống bóng đá?

Trong thông điệp phát đi trước trận cầu sinh tử với Singapore trên sân Mỹ Đình chiều tối qua, Hội CĐV Việt Nam đã đưa ra khẩu hiệu, rằng: Cổ vũ cho Việt Nam, phản đối K+. Nếu hôm nay chúng ta chấp nhận thất bại, chấp nhận sự độc quyền, chấp nhận bị o ép của K+ thì ngày mai, ai dám đảm bảo sẽ lại không có một K+1, K+2, K+n- vị chủ tịch không lương của Hội CĐV nói.

Bức thư ngỏ, bản kiến nghị, và việc kêu gọi thu thập 1 triệu chữ ký càng có ý nghĩa hơn khi được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF đạt thoả thuận bán bản quyền các trận đấu của đội tuyển quốc gia cho Tập đoàn AVG. 30 tỷ đồng mỗi mùa kéo dài trong 3 năm. Một số tiền không nhỏ và không dễ thu hồi vốn. Bản quyền giải vô địch quốc gia, trong đó có V-League, cũng đang được đàm phán bán nốt cho AVG với thời gian dự kiến 18-20 năm.

Nền tảng của một nền thể thao, trước hết và bắt đầu phải xuất phát từ sự hâm mộ, từ tình yêu với thể thao của đại đa số dân chúng. Nhưng nếu như AVG, cũng học cách làm của K+, cũng bán thiết bị ban đầu, cũng đưa ra mức thuê bao cao đến phi lý, thì phải chăng để xem đội tuyển quốc gia thi đấu, để thể hiện lòng yêu nước, dân chúng sẽ tiếp tục phải trả rất nhiều tiền?

Mời lên danviet để vote cho Hội CĐV Việt Nam

(Nguồn: BLog Đào Tuấn)

CHỈ MỘT CÁCH LÀ ĐỂ TỔ CHỨC DÂN SỰ “TỰ XỬ”

Chuyện kênh truyền hình K+ độc quyền phát sóng giải ngoại hạng Anh kéo dài đã lâu cho thấy sự việc không dễ giải quyết triệt để, dù nó gây bức xúc lớn.

Song những diễn tiến vừa qua đã hứa hẹn một kết quả tốt đẹp, mà nhà nước không cần phải can thiệp hành chính. Tính đến chiều 8-12, đa số các thành viên Ban chấp hành Hội Cổ động viên (CĐV) Việt Nam đã ký vào thư ngỏ gửi Thủ tướng để bày tỏ sự phản đối việc phát sóng độc quyền của K+. Cạnh đó, Hội cũng đã quyết định kêu gọi các hội CĐV thành viên và giới CĐV cả nước ủng hộ bằng cách ký tên vào bức thư ngỏ này với mục tiêu là 1 triệu chữ ký!

Một triệu ý kiến, dĩ nhiên, là mối bận tâm rất lớn của tất cả các CEO bán hàng cần khách hàng nên chưa cần Thủ tướng chỉ đạo, K+ chắc chắn đã phải xem xét lại chiến lược kinh doanh của mình.

Nhưng đâu phải chỉ có riêng trường hợp K+! Hiện cả nước có 47 đơn vị được cấp phép hoạt động truyền hình trả tiền, 9 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền dẫn tín hiệu truyền hình cáp, cung cấp cho khoảng 1,6 triệu thuê bao. Cho nên dù khá quyết liệt nhưng ngay trong vụ K+, Bộ Thông tin & Truyền thông vẫn không thể đưa ra ngay quyết định xử lý dứt điểm, phù hợp pháp luật, nói chi đến các trường hợp khác!?

Cho nên trong ngắn hạn cũng như về dài hạn, việc tạo điều kiện để các tổ chức dân sự “tự xử”, tự điều tiết mới là giải pháp căn cơ. Riêng trường hợp K+, Hội CĐV Việt Nam đã, đang và sẽ sử dụng cao nhất sức mạnh của số đông để điều hoà quan hệ cung – cầu với giải ngoại hạng Anh; nhưng với nhiều trường hợp khác (như vụ AVG vừa mua độc quyền AFF tại VN, rồi các bản quyền thi hoa hậu, âm nhạc, giải thể thao danh tiếng…) thì không dễ, bởi đơn giản là số khán giả ấy… chưa có hội!

Vì thế phải chọn cách nhanh nhất là thành lập Hiệp hội Truyền hình trả tiền. Hiện hồ sơ thành lập Hiệp hội đang được Bộ Nội vụ thụ lý, song nó sẽ hoạt động thiếu hiệu quả nếu điều lệ không sòng phẳng hoặc thiếu sự quan tâm (với vai trò trọng tài) của Bộ Thông tin & Truyền thông. Một khi các cán cân lợi ích trong Hiệp hội cân bằng, tổ chức xã hội này sẽ làm đầu mối đàm phán, thoả thuận và xử lý các quan hệ trong vấn đề mua, bán bản quyền các chương trình truyền hình phát sóng trên truyền hình trả tiền, vừa đảm bảo lợi ích khán giả, vừa đảm bảo lợi ích cho các thành viên Hiệp hội.

Chuyện của dân nên để dân “tự xử” bằng các tiếng nói của các tổ chức dân sự, nhưng nhà nước phải thực sự ủng hộ bằng vai trò “bà đỡ”.

Phan Lợi

( Nguồn: Blog Bút Lông)