QuocHung's Blog

29 thg 12, 2010

Chủ động bội chi ngân sách

Trong các ngày 28 và 29/12/2010, Ủy Ban kinh tế của Quốc hội và Viện khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo “Tái đầu tư công trong bối cảnh đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế ở Việt Nam”.

Chính phủ Việt Nam chi quá nhiều so với quy mô của nền kinh tế. Các số liệu dưới đây là từ các báo cáo trong hội thảo ấy.

Tỷ lệ chi ngân sách trên tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Việt Nam vào loại cao nhất khu vực: 31,3%; 31,6%; 34,9% và 33,3% trong các năm 2005-2008. Trong khi đó tỷ lệ này (năm 2008) của các nước đều thấp hơn rất nhiều Indonesia (19,9%); Malaysia (18,8%); Philippines (16,8%); Thái Lan (14,4%); Hàn Quốc (22,8%); Trung Quốc (20,8%); còn của Việt Nam là 33,3%.

 Trong chi ngân sách, chi cho đầu tư của Việt Nam tính bằng phần trăm trên GDP cũng vào loại cao nhất (cỡ 9-10%), năm 2009 là 11,2%. Trong khi đó các con số tương tự (năm 2008) của Malaysia là 5,8%, Indonesia 1,6%, Hàn Quốc 3,7%; của Philippines năm 2000 là 1,8%, Thái Lan (2004) là 3,2%; Trung Quốc (2003) là 3,5%. Nói cách khác tỷ lệ này của Việt Nam luôn cao hơn từ 2 đến 3 hay 4 lần so với các nước khu vực.

Đấy là Chính phủ chi từ ngân sách cho đầu tư để “làm tăng hay duy trì tài sản vật chất”.

Còn tỷ lệ chi ngân sách cho con người (giáo dục, đào tạo và chăm sóc sức khỏe) cụ thể, từ 2000 đến nay tỷ lệ chi cho cả giáo dục và y tế chỉ khoảng bằng một nửa mức chi ngân sách cho đầu tư: năm 2000 và 2005 bằng 0,41 lần; 2008 là 0,65 lần.

Điều đáng nói là phần chi cho giáo dục của nhà nước chỉ bằng 60% tổng chi cho giáo dục (tức là người dân phải bỏ ra 40%), trong khi tỷ lệ người dân chi cho giáo dục ở các nước phát triển chỉ là 20% (dân Mỹ cũng chỉ phải chi 26%; Pháp 7%). Có thể thấy hệ thống giáo dục của ta không bình đẳng và đẩy gánh nặng lên cho dân chúng.

Chi y tế còn thấp hơn: người dân Việt Nam phải gánh chịu 61% tổng chi y tế. Trong khi ở các nước phát triển tỷ lệ này ở Áo là 33,7%; Bỉ 28%; Đan Mạch 15,5%,... và hầu như không bao giờ quá 40%. Hệ thống y tế của Việt Nam là không công bằng. Nhiều người dân bị rơi vào cảnh nghèo khổ và nợ nần do bệnh tật.

Lẽ ra phải chi cho con người nhiều hơn.

Chi tiêu, đầu tư và đầu tư không hiệu quả có thể đẩy nước ta vào cảnh nợ nần. Thâm hụt ngân sách luôn cao, ấy thế mà có vị vẫn đặt ra chính sách “chủ động bội chi ngân sách”.

Chính sách ấy có thể hiệu quả nếu thỏa mãn rất nhiều điều kiện mà ông đưa ra, nhưng những điều kiện ấy không được thỏa mãn và nếu làm vậy thì hết sức nguy hiểm.

Nguyễn Quang A

Nguồn: bee.net.vn