QuocHung's Blog

28 thg 6, 2010

PHÒNG CSĐB VÀ 2 LẦN ĐẾN

Cơn mưa nặng hạt bất ngờ ập đến, làm không khí của thành phố bớt oi nồng. Vậy mà trong lòng tôi như bốc hoả khi được tin Nhàn bị tai nạn dẫn đến liệt cả tứ chi. Dưới bầu trời vẫn còn nặng đầy mây xám, tôi và Nga vội vã đến bệnh viện thăm em.

Khoảng năm 1985, tôi biết em qua khoá học chuyên môn ngành giáo dục.Nhìn cách ứng xử với thầy cô, với bạn đồng nghiệp, tôi và mọi người trong lớp học đếu quí mến em. Với ai, em cũng nhiệt tình, niềm nở, thân thiện và gần gũi. Có lẽ, nề nếp gia đình đã hình thành nhân cách của em. Cả nhà em đều ăn trường chay và lo tu tập theo đạo PGHH. Nhà có ba anh em trai thì em và người anh thứ năm không lập gia đình, chỉ chuyên tâm lo làm việc thiện, tu sửa bản thân. Ngoài việc giảng dạy, em nghiên cứu về kinh sách, về Phật học, về mỹ thuật. Sau nầy, em nghỉ dạy để chuyên sâu về nghiên cứu hơn. Em sống một cách an nhàn và thư thái trong một cái cốc, trên núi Cấm, gần vồ Bồ Hong. Thế mà từ một cú va đập do trượt chân té ngã, tai hoạ đã ập đến đời em: Em bị dập tuỷ ở đốt sống cổ, sinh mệnh khó bảo toàn.

Bệnh viện Quốc Tế - Phòng Chăm sóc đặc biệt! Hơn một lần tôi đã gặp. Những chữ nầy làm nhói tim tôi bởi một trạng thái cảm xúc quái lạ, nghiệt ngã. Em nằm đấy, toàn thân bất động. Chỉ còn ánh mắt là biểu hiện những cảm xúc, những suy nghĩ của em nhiều hơn là bằng những tiếng nói chậm chạp, khó nghe. Tôi sợ lắm! Tôi sẽ cầu nguỵên cho em thoát khỏi kiếp nạn nầy, đừng giống như lần trước . . .

Bệnh viện Chợ Rẩy - Phòng Chăm sóc đặc biệt! Con tôi đã ra đi! Con tôi ra đi, đã mang theo một phần lẽ sống của tôi. Sự mất mát không gì bù đắp được. Hơn ba mươi năm qua, dẫu thời gian có trôi, nhưng nỗi đau vẫn còn đó, âm ỉ triền miên. Lúc ấy, tôi đâu biết vào đây là sự sống ví như chỉ mành treo chuông nặng.

Năm 1993, đường sá, cầu phà, phương tiện lưu thông còn hạn hẹp, khó khăn. Con tôi bệnh nặng, phải có máy thở mới mong qua được phút hiểm nghèo. Từ Tân Châu muốn chuyển bệnh lên Thành phố Hồ Chí Minh phải ghé qua Long Xuyên mới có đủ phương tiện để đi tiếp. Con tôi phải chuyển viện đến hai lần. Lần đầu đi được khoảng 7 km, do xe chuyển bệnh thuộc loại cà tàng, chạy rề rề, nóng hầm không chịu nổi. Thấy bệnh trở xấu, bác sĩ Kim (dượng út) và bác sĩ Phương (anh ruột) bàn nhau quay trở lại. Vừa về đến bệnh viện Tân Châu thì xe bể bánh. Lại phải lo cấp cứu. Không đi được, bệnh tình nặng thêm. Sau khi các Bác sĩ ở Long Xuyên lên đặt nội khí quản và bóp bóng, ngày hôm sau lại chuyển đi lần thứ hai. Lần nầy, được sự giúp đỡ nhiệt tình của lãnh đạo Chi cục thuế tỉnh An Giang điều xe -Con tôi công tác tại phòng thuế Tân Châu – xe mới mua, có máy lạnh, chạy êm ru. Ngồi trên xe, nhìn con, tôi cầu khẩn, tôi vái van. Nếu đổi một phần cơ thể mình để lấy sự sống cho con tôi, tôi sẵn sàng hoán đổi. Tôi tưởng mình đang ngồi trên dầu sôi lửa bỏng, tôi ước sao mình có phép mầu để đi nhanh đến nơi tìm sự sống cho con. Xe chạy trên đường, tôi cứ ngỡ nó đang bò vào khoảng tối âm u, vô tận. Tôi đắm mình trong khoảng lặng tối tâm đó cho đến khi thấy ánh đèn chớp tắt ở cổng cấp cứu của bệnh viện Chợ Rẩy. Tôi bừng tĩnh, tôi muốn thét to lên mừng rỡ vì nghĩ rằng, đến được đây con mình sẽ được cứu sống. Nào ngờ . . . . Phòng Chăm sóc đặc biệt ám ảnh tôi từ đấy.

Lần nầy, đến thăm Nhàn ở phòng Chăm sóc đặc biệt lòng không khỏi hoang mang, lo lắng. Liệu em có qua khỏi nguy nạn nầy? Tôi cầu xin Phật Trời phò trợ cho em vượt khỏi cơn thập tử nhất sinh. Dẫu biết đời người là vô thường, định mệnh là khắc khe nhưng tôi tin, với sự tiến bộ của khoa học từng ngày, với cách sống chan hoà, giàu lòng nhân ái, vì mọi người thì điều kì diệu ắt sẽ đến với em. Niềm tin và ý chí sẽ là sức mạnh giúp em vượt qua khổ nạn để em tiếp tục sống, giúp đời và làm việc thiện như ý nguyện của em từ bấy lâu nay.

Tân châu 15-6-2010
VÂN KHANH