MIỀN QUÁ KHỨ - Vân Khanh
Chùa Hang - Núi Sam |
Tuy là quê nội nhưng tình cảm của tôi ít sâu đậm, bởi từ nhỏ, tôi lớn lên từ bên ngoại. Nhưng nhà nội đã giúp ba má tôi an tâm hơn khi có đứa con còn rất nhỏ phải đi học xa nhà. Trong 3 chị em đi học ở Châu Đốc, chỉ có một mình tôi là được ở nhà nội thôi.
Năm 1957, nhà Nội chưa có điện nước. Ban đêm, tôi học bài bằng đèn trứng vịt, loại đèn nhỏ thắp bằng dầu lửa, ánh sáng tù mù và ngủ trên lầu với chị họ, con của bác cả là chế Mùi Kía. Chế là người dỗ dành, chăm sóc, an ủi tôi trong những ngày đầu xa nhà. Nhờ chế, tôi bớt cảm giác bơ vơ, lạc lõng trong ngôi nhà của nội. Chế là người chị, là người bạn thân luôn sát cánh bên tôi hơn bảy năm dài của thời thiếu nữ khi tôi học Trung học ở Châu Đốc.
Chế cũng là học sinh Thủ Khoa Nghĩa như tôi, tuy chế lớn hơn tôi 3 tuổi nhưng học sau tôi một lớp vì trước đó, chế học chữ Tàu hết mấy năm. Khi biết người hàng xóm làm khai sinh cho con đi học, chế nhờ làm khai sanh cho chế luôn và sang qua học chữ Việt. Từ đấy, chế với tên Dương thị Ngọc, chứ tên đúng của chế theo tiếng Tàu, là Dương Huệ Phương.
Là con chú, con bác nhưng hai chị em rất thân thiết và yêu thương nhau như chị em ruột. Chế bảo bọc tôi như người chị cả. Có lần, trời mưa dầm mấy hôm liền làm cho những bộ đồng phục của tôi bị dơ cả. Chế phải lui cui đem ngâm, giặt và ủi cho đến khô để kịp buổi học sáng hôm sau của tôi. Chế là điểm tựa của tôi những lúc xa nhà.
Những tháng hè, lúc tôi vui vẻ về với gia đình thì chế tự kiếm tiền bằng cách: nhận dán bịt giấy, tách nhặt những bông nhài dùng ướp trà ra khỏi đống trà, đập đậu phộng lấy hạt. Chế làm thêm là để dành dụm tiền dù bác cả đã lo cho chế đầy đủ. Tôi học ở chế tính tự lập từ rất sớm. Cho đến khi tôi lập gia đình, vì cuộc mưu sinh, mỗi người mỗi việc, chị em ít khi gặp nhau. Chế vẫn sống độc thân và lại lo cho các cháu. Sau nầy, khi cô tư và cô Út đi nước ngoài, việc chăm sóc bà nội được giao về cho chế và chế đã chu toàn bổn phận đến lúc bà nội qui tiên.
Còn nhớ, những buổi trưa nườc lớn, hai chị em rủ Khánh Tường, Khánh Hồng cùng nhau xuống kinh Ông Cò ngụp lặn. Có lần bị hụt chân, nếu không có chế kịp kéo lên thì tôi chắc đã không còn. Rồi những buổi sáng, hai chị em dắt nhau ra Chợ Cá, ngồi xổm dưới đất ăn bún nước lèo. Học sinh thời đó ai mà không từng ăn cái món nầy, có khi ăn một trận hai ba tô liền đầy cả cái bụng. Món nầy nấu theo kiểu của người Miên, bún cọng nhỏ, chén nước mắm trong cùng ớt hiểm, nước lèo nấu bằng những con cá nhỏ đã xốc sạch xương, đựng trong những cái nồi om đất nung, luôn đặt trên bếp lửa để khi ăn chan vào cho nóng. Mỗi tô chỉ có 5 cắc thôi mà no bụng và ngon vô cùng, chắc nhờ có nêm “bồ hóc”, loại mắm đặc trưng của người Kmer ?.
Dẫu hoàn cảnh và thời gian có làm chị em xa cách, nhưng trong lòng vẫn không quên hình ảnh chị em tay trong tay, đứng xếp hàng trước cửa rạp hát Lạc Thanh để chờ vào xem phim ca nhạc Ấn Độ ”Con thơ trên dòng suối”, hoặc những đêm mưa, nằm nghe kể chuyện Tam Quốc, truyện mà chế đã đọc được trong những ngày tôi về quê nghỉ hè.
Những kỉ niệm cũ chợt hiện về dù đã quá năm mươi năm. Chế ơi! em thương chế lắm !
Tân Châu 20-6-2010
VÂN KHANH
VÂN KHANH