QuocHung's Blog

20 thg 7, 2009

Thị trấn Tân Châu bị Bà Thủy nuốt cũng do nạn này !

“Rút ruột” sông Hậu - Hồ Hùng
(TBKTSG 20/7/2009, 09:45 GMT+7) - Hai tháng nay, sông Hậu đang trở thành điểm nóng về khai thác cát bừa bãi. Trong khi đó, chính quyền địa phương vẫn chưa có giải pháp nào để hạn chế và cứ mặc dòng sông bị “rút ruột”.


Tranh nhau tài nguyên
Năm 2008, được phép của phía Việt Nam nên mỗi ngày đều đặn có 4 - 5 tàu Singapore vào Cần Thơ thu gom cát. Đây là loại cát tốt, được khai thác trên sông Mêkông, đoạn chảy qua Campuchia. Tuy nhiên, từ tháng 5-2009, phía Campuchia đã cấm hẳn việc khai thác cát trên sông Mêkông, khiến các nhà cung ứng điêu đứng.
Ngay lập tức, họ kéo phương tiện sang phía Việt Nam, đến đoạn sông Hậu chảy qua địa bàn Cần Thơ, Đồng Tháp... ung dung khai thác để cung ứng tiếp cho tàu Singapore và các đơn đặt hàng trong nước. Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an thành phố Cần Thơ), đó là lý do mà hiện nay các tàu Singapore vẫn đều đặn hàng ngày vào Cần Thơ nhận cát.

Ngoài ra, một số tỉnh, thành phía Bắc cũng tạm ngưng một vài hoạt động khai thác khoáng sản, nên các phương tiện khai thác cũng được kéo về hoạt động tại sông Tiền và sông Hậu. Một cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Cần Thơ cho biết, chỉ riêng từ Hải Dương, đã có khoảng 85 sà lan từ 400-1.500 tấn được kéo vào ĐBSCL hoạt động.

Theo ông Đặng Hữu Phước, Trưởng phòng Tài nguyên - Khoáng sản - Nước - Khí tượng thủy văn (Sở Tài nguyên - Môi trường), tại đoạn sông Hậu chảy qua Cần Thơ hiện có hơn 100 sà lan đang khai thác cát, dù sở này chỉ cho đăng ký 31 phương tiện được phép hoạt động. Các sà lan vừa nạo cát, vừa trang bị cả máy bơm hiện đại để hút trực tiếp cát từ đáy sông.

Các phương tiện khai thác “chui” mang bảng đăng ký ở Đồng Nai, Long An, An Giang, Cà Mau... và thường hoạt động vào ban đêm để “né” lực lượng kiểm tra. Theo ông Nguyễn Thanh Dũng, Chủ tich UBND quận Thốt Nốt, một chiếc sà lan khai thác cát có thể đạt lợi nhuận 30-40 triệu đồng/đêm nên các chủ phương tiện đua nhau “rút” cát hết mức có thể. “Tình hình đã vượt tầm kiểm soát”, ông nói.
Hiện tại, cồn Tân Lộc, cồn Khương... đang đứng trước nguy cơ sạt lở rất lớn do các phương tiện “bu” vào khai thác xung quanh. Còn ở cồn Cái Đôi (Thốt Nốt), người dân liên tục gửi đơn khiếu nại đến Sở và Bộ Tài nguyên - Môi trường do tình trạng sạt lở liên tục diễn ra bởi các sà lan khai thác cát, nhưng tình hình vẫn không biến chuyển.

Ở Campuchia trước đây, mỗi chiếc cần cẩu đăng ký khai thác cát phải nộp 22.000-25.000 đô la Mỹ, sau đó tiếp tục đóng 1,5-2,5 đô la Mỹ trên mỗi mét khối cát khai thác được. Còn tại Cần Thơ, theo ông Nguyễn Viết Thân, Cục phó Cục Thuế Cần Thơ, với bảy doanh nghiệp còn đang hoạt động khai thác có giấy phép, hàng năm ngành thuế chỉ thu được vài trăm triệu đồng cho ngân sách. Còn các phương tiện khai thác chui thì không hề thu được đồng nào, dù tài nguyên đang bị móc ruột ngày đêm!

Bó tay vì quản lý yếu

Ông Phước cho rằng, việc kiểm tra và xử lý các phương tiện khai thác chui là rất khó do thiếu kinh phí và cán bộ. “Khi đến kiểm tra, họ đổ rằng chủ sà lan đang đi vắng, giấy tờ ông chủ cất... nên cương quyết không chịu ký biên bản. Nhưng nếu muốn xử lý kiên quyết bằng cách kéo phương tiện về thì chúng tôi lại không biết... điều khiển”, ông nói.
Thực tế, thời gian qua Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy đã kiểm tra xử phạt 22 phương tiện. Tuy nhiên mức phạt chỉ từ vài triệu đồng hoặc 30-40 triệu đồng, chỉ tương đương lợi nhuận một đêm mà một sà lan mang lại, nên không đủ sức răn đe. Trong khi đó, phương án xử lý nặng nhất là tịch thu phương tiện, hiện chỉ mới được đưa ra bàn bạc.

Hiện đang có 10 mỏ cát ở Cần Thơ được Sở Tài nguyên - Môi trường cho “mở cửa”, với 16 doanh nghiệp được cấp phép khai thác trên tổng diện tích 558,88 héc ta, trữ lượng trên 25,2 triệu mét khối. Nhưng ngay cả các phương tiện khai thác có đăng ký, Sở Tài nguyên - Môi trường cũng không thể quản lý nổi lượng cát mà họ khai thác được hàng tháng là bao nhiêu, có khai thác đúng vị trí cấp phép để tránh sạt lở hay không... Chỉ tại quận Thốt Nốt, theo ông Dũng, qua kiểm tra 38 trường hợp thì một nửa trong số đó đã vi phạm về vị trí khai thác... Trong khi đó, sở này đã cấp một số giấy phép có thời hạn đến... 10 năm.

Ông Dũng nói: “Ngay cả bốn mỏ cát ở Thốt Nốt mà Sở Tài nguyên - Môi trường đã cấp phép, đúng ra chưa nên cho khai thác. Bởi khai thác kiểu này thì không còn chỗ nào trên dòng sông còn bồi lắng”. Theo ông, sau khi được cấp phép, hầu như các doanh nghiệp đều bán lại hợp đồng khai thác cho một số phương tiện chui, sau đó photocopy giấy phép phát cho chủ các phương tiện để đối phó khi có kiểm tra. “Không ai biết được hiện một mỏ cát có bao nhiêu phương tiện khai thác”, ông Dũng khẳng định.