Giò Heo & Những Tên Tuổi Lớn
Gần 14 trong tổng số 55 tấn giò heo đông lạnh do Vinafood nhập từ Canada và Mỹ không có hạn sử dụng bị niêm phong ở kho lạnh Tân Tạo đang chờ xử lý đã “biến mất”. Cơ quan thú y xác định, chính “Vinafood đã tự tháo gỡ niêm phong, bán lô hàng này ra thị trường”. Như vậy, sau 10 ngày bị phát hiện hàng trăm tấn thực phẩm vi phạm nhãn mác và hạn sử dụng, thay vì tìm cách giải thích với người tiêu dùng, Vinafood đã hành động, theo cách mà báo Tuổi Trẻ dùng từ: “tẩu tán”.
Cơ quan Thú Y, hôm 13 và 14-7, cũng phát hiện trong kho hàng mà Vinafood thuê: đùi gà… không xác định được hạn sử dụng; sườn cốp lết và xúc xích hết hạn; thịt heo quá đát từ tháng 4 được Vinafood “tự ý gia hạn” thêm 1 năm… Trước một sự kiện như vậy, điều mà Vinafood phải đương đầu, không chỉ là với các quy định về an toàn thực phẩm mà còn là uy tín đạo đức với khách hàng. “Tên tuổi” lẽ ra phải được Vinafood ưu tiên hàng đầu khi tìm cách vượt khủng hoảng thay vì gỡ gạc mấy tấn chân giò hết hạn.
“Đạo đức” cũng vẫn đang là một thách thức với một doanh nghiệp khác. Hơn một tháng trước, khi Quản lý thị trường phát hiện trong kho có nhiều tấn “hương liệu quá đát”, Tân Hiệp Phát đã phản ứng tức thì để thanh minh: số hương liệu quá đát ấy không phải là nguyên liệu để pha chế những sản phẩm nước giải khát của họ; Công ty không biết chuyện hương liệu hết hạn từ ngày 13/12/2008 nhưng được dán nhãn chồng lên, “chỉnh” thời gian sử dụng tới 16/6/2009… Sản phẩm của Tân Hiệp Phát cũng được đưa xét nghiệm và, chỉ sau 2 tuần, Thanh tra Sở Y tế TP HCM cho biết, các sản phẩm nước giải khát của Tân Hiệp Phát “đều đạt chỉ tiêu cảm quan và lý hóa theo quy định”.
Về mặt “khủng hoảng pháp lý”, Tân Hiệp Phát đã ngoạn mục vượt qua. Các nhà sản xuất hiểu rõ, xét nghiệm thành phẩm không thể nào phát hiện ra hương liệu được sử dụng có còn thời hiệu hay không. Khác với những thùng giò heo, rất khó để chứng minh các thùng hóa chất trong kho liên quan tới các sản phẩm đang lưu thông trên thị trường giải khát. Ngay lập tức, Tân Hiệp Phát thông điệp tới người tiêu dùng: Chỉ có thể là sự hiểu lầm, những tên tuổi lớn không bao giờ lại dùng hàng quá đát.
Tuy nhiên, nếu thực sự Tân Hiệp Phát “oan” trong sự cố này thì vụ việc rõ ràng là bài học đắt giá cho một tên tuổi lớn. “Người quân tử đi qua ruộng dưa không cúi xuống buộc dây giày”. Một doanh nghiệp vẫn dùng hóa chất để pha chế nước giải khát không nên để hàng chục tấn hương liệu hết hạn sử dụng trong kho. Không nên để những cái nhãn “chỉnh thời hạn sử dụng” dán chồng lên nhãn cũ. Bởi, nếu Tân Hiệp Phát hoàn toàn không biết những việc xảy ra trong kho hóa chất của mình thì, tuy có thể làm cho các cơ quan chức năng kết luận là vô can, nhưng lại có thể khiến cho bạn hàng lo lắng về tính an toàn của những kho nguyên liệu ấy.
Tân Hiệp Phát là một tên tuổi khổng lồ, Công ty cổ phần thực phẩm Việt Nam, Vinafood cũng là một nhà nhập khẩu lớn. Tuy tính chất vụ việc bị phát hiện là có sự khác nhau, nhưng vấn đề làm nên sự thành đạt của cả hai đều phải dựa trên uy tín. Đặc biệt, với các doanh nghiệp kinh doanh những mặt hàng liên quan tới sức khỏe của người dân, thì uy tín không chỉ được hình thành dựa trên nền tảng của luật pháp mà còn là đạo đức.
Không phải ngẫu nhiên mà ngày 22-7, Sở Công thương Bình Dương xác nhận là họ tiếp tục “Yêu cầu Tân Hiệp Phát tiêu hủy số hương liệu” quá đát bị phát hiện hồi tháng 5. Tân Hiệp Phát nếu muốn bán lô hàng quá đát này thì phải đảm bảo chắc chắn là nó sẽ được dùng để “chế biến thức ăn gia súc”. Bởi, Tân Hiệp Phát có thể sẽ không sử dụng số hương liệu quá đát ấy, nhưng nếu nó rơi vào tay những “tên tuổi nhỏ” hơn, hám lợi mà dùng pha chế nước giải khát thì về mặt đạo đức, người bán ra cũng có phần liên đới. Một khoản tiền rất lớn chênh lệch giữa hai cách xử lý: tiêu hủy hay bán số hương liệu này. Nhưng, cách hành xử dựa trên những băn khoăn về đạo đức nhiều khi lại mang lợi ích cho doanh nghiệp dài lâu và nhiều hơn số tiền bán ra những lô hàng quá đát.
Chất lượng kiểm nghiệm những lô thực phẩm chưa rõ hạn sử dụng của Vinafood cũng có thể giúp giảm bớt mối đe dọa phá sản của công ty. Tuy nhiên, lối thoát duy nhất của Vinafood giờ đây chỉ có thể là khôi phục từng phần uy tín: thay vì “tẩu tán”, đưa những tấn chân giò quá đát ấy đi chế biến thức ăn gia súc; tiêu hủy những thùng xúc xích, đùi gà nhiễm khuẩn… Làm như vậy, có thể Vinafood sẽ phải mất một khoản tiền khổng lồ. Nhưng, nếu khách hàng, người tiêu dùng mất niềm tin vào đạo đức của một nhà kinh doanh thức ăn thì cái mất của những doanh nghiệp như Vinafood sẽ không chỉ lớn hơn mà còn là tất cả.
Bolg Huy Đức