QuocHung's Blog

23 thg 7, 2009

Chuyện lương thấp ?

"Ai cũng kêu lương thấp, nhưng rất nhiều người vẫn sống sung túc, vì sao vậy?". Giáo sư toán học Hoàng Tụy đã đặt một câu hỏi khó mà dễ trả lời khi mở đầu phát biểu trong một hội thảo về "lương và tham nhũng". Đúng là rất nhiều người vẫn sống sung túc trong chế độ "lương không ra lương phụ cấp không ra phụ cấp" hiện nay.



Nhưng nói đi thì phải nói lại: còn rất, rất nhiều người làm công ăn lương hiện nay thực sự khốn khổ vì ngoài đồng lương quá thấp ra, họ không biết và không thể "kiếm thêm" bằng bất cứ cách gì khác! Không phải ai cũng có điều kiện để "kiếm thêm", để xà xẻo, để thường xuyên nhận "phong bì". Tất cả những người quá vất vả vì lương thấp đều là những người lao động, trong đó công nhân công nghiệp làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp vốn nước ngoài, các doanh nghiệp tư nhân chiếm số lượng đông đảo nhất. Có thể kể thêm những sinh viên mới ra trường với chỉ số lương khởi điểm hơn 2' (khoảng 1 triệu đồng/tháng), và những người làm các công việc tạp vụ trong các cơ quan nhà nước, nhiều khi họ thu nhập chưa tới 1 triệu đồng/tháng trong điều kiện vật giá hiện tại.

Nhưng làm sao để có những thang lương hợp lý nhằm ổn định cuộc sống những người làm công ăn lương, khiến họ có thể nuôi con cái ăn học và an tâm tập trung vào công việc chính của mình, đó là một câu hỏi khó cho Nhà nước. Khó vì hai lẽ: thứ nhất, khối lượng khổng lồ công nhân viên chức ăn lương trong biên chế nhà nước từ lâu nay qua bao kỳ "giảm biên", nhưng số lượng tăng chứ không hề giảm, và, thứ hai, ngân sách nhà nước đã tỏ ra "nặng nhọc" khi phải gánh ngân sách lương quá lớn, dù mức lương tối thiểu là quá thấp.

Thực ra, có hai ngành quan trọng hàng đầu trong xã hội là ngành giáo dục và ngành y tế, thì biên chế không thể giảm, mà phải tăng, để đáp ứng nhu cầu dạy học và chữa bệnh cho nhân dân. Đó cũng là hai ngành mà mức lương đã và đang gây nhức nhối vì bất hợp lý, và cũng là nơi dễ nảy sinh rất nhiều tiêu cực ở diện rộng.

Đã hơn một lần Bộ LĐ-TB-XH đã đề xuất tăng lương cơ bản, gần đây nhất là đề xuất tăng lên 850.000đ, nhưng chưa được chấp thuận. Nhưng dù tăng ở mức ấy, thì "vấn nạn lương" vẫn chưa vì thế mà được giải quyết.

Chỉ có tái cơ cấu lại bộ máy nhà nước, tinh giản và khoa học hóa bộ máy trong thời đại internet, làm hợp lý lại để tránh chồng chéo với số lượng công chức phình ra quá lớn, thì việc tăng lương trong hệ thống công chức nhà nước mới mang lại hiệu quả cho công việc. Còn một khi tiếp tục phải "tải rộng, cán mỏng miếng bánh lương" thì thật khó để có đột phá trong chế độ tiền lương.

Dĩ nhiên, không cứ tăng lương cao là đã mặc nhiên chống được tham nhũng. Mà nên đặt vấn đề ngược lại: điều cần nhất bây giờ là phải tăng lương cho những người trực tiếp lao động, nhất là lao động nặng nhọc, và tăng lương cho những người làm chuyên môn trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, khoa học kỹ thuật để họ có mức sống không chật vật.

Chỉ như thế mới tạo được động lực cho hàng triệu người lao động trong nỗ lực làm việc góp phần xây dựng đất nước, cũng là xây dựng bền vững cho cuộc sống gia đình và bản thân mình.

Theo TN-Online