NHỮNG KỶ-NIỆM VỀ THẦY DƯƠNG-VĂN-ÚT
Thầy Dương-văn-Út, là một nhà giáo đã có hơn 50 năm cống hiến cho việc giáo dục quận Tân Châu, tỉnh Châu-Đốc nay là Huyện Tân-Châu,Tỉnh An-Giang.Thầy đã đào tạo biết bao thế-hệ học trò và những học trò của Thầy đa số đã thành đạt và cống hiến nhiều cho xã-hội, nay vẫn còn một số học trò cũ của Thầy hãy còn phục vụ cho quê hương, đất nước.
Tôi được biết Thầy khi tôi rời trường ở làng quê ra chợ học bậc Tiểu-học; lúc ấy Thầy đang là giáo-viên Trường Nam Tiểu-Học Tân-Châu.
Mặc dù không được học với Thầy nhưng tôi rất yêu kính Thầy và thường hay đeo bám cửa lớp của Thầy đang dạy để xem Thầy dạy, nhất là nghe Thầy tập cho học-trò hát thật vui là bài “Con Chuột" Thầy hát: "Một con chuột, có một cái đuôi, hai tai, hai mắt, một đầu, bốn chân…” Bài hát đựơc phổ-biến rộng rãi, dễ nhớ, từ giáo-viên đến học-sinh trong trường ai cũng thuộc. Những lớp Thầy không dạy nhưng khi có thầy, cô nào có việc đến lớp trể hoặc có việc đi ngoài, lớp ồn ào, mất trật tự thì Thầy đến ngay để giữ lớp giùm và thế là Thầy lấy bài hát “Con chuột” ra dạy cho học trò .
Khi quận Tân-Châu được mở trường Trung-học Công-Lập, tôi là một trong những giáo-viên được bổ-dụng về dạy Trường nầy.Vì là trường mới thành-lập chưa có cơ sở nên Trường Trung-học Công-lập Tân-Châu lúc bấy giờ phải mượn phòng học của Trường Nam Tiểu-Học và Bộ Giáo-Dục đề-cử Thầy Dương-văn-Út, lúc nầy đang đảm nhiệm chức vụ Hiệu-Trưởng Trường Nam kiêm Quản-Đốc Trường Trung-Học Công-Lập Tân-Châu. Do đó, tôi có dịp gặp lại Thầy dưới mái trường ngày xưa mà tôi đã có rất nhiều kỷ-niệm .Tôi cũng vô cùng xúc động, phấn-khởi khi gặp lại những Thầy cũ của tôi nay vẫn còn đứng lớp cùng với lớp giáo viên trẻ mới ra trường …
Lúc bấy giờ Thầy rất bận rộn vì ngoài việc điều hành trường Nam Tiểu Học Thầy phải kiêm nhiệm thêm việc điều hành mấy lóp Trung-học Công-lập mới mở.
Trước tấm lòng nhiệt huyết của Thầy đối với giáo dục địa phương, chúng tôi, những người mới rời trường học để ra làm thầy cũng như những giáo viên đang cộng tác với Thầy lâu năm bên Tiểu-học đều hết lòng tiếp tay, tiếp sức với Thầy trong công việc điều hành.Chính nhờ vậy mà trong thời gian gần gủi với Thầy tôi học hỏi ở Thầy nhiều kinh nghiệm trong cách đối nhân xử thế, cách điều hành …cho đến khi ngôi trường Trung-học Công -Lập Tân-Châu được hợp-thức hóa thành một trường đúng chuẩn bậc Trung-học và tôi được Bộ Giáo- Dục đề cử chức vụ Hiệu-Trưởng thay thế Thầy.
Thầy thường kể cho chúng tôi nghe những chuyện vui nhất là chuyện vui trong nghề giáo có pha chút tiếu-lâm nên chúng tôi có những dịp “cười đến chảy nước mắt”.
Chuyện “ngáp phải ruồi”, chuyện nầy xảy ra thời Pháp ở Việt Nam do Thầy kể :
Một gíáo-viên dạy tiểu-học, kém tinh thần trách nhiệm, không làm sổ sách, cộng sổ điểm để xếp hạng mỗi tuần cho học trò ở lớp mình dạy, nên hay bị ông Đốc học (Hiệu Trưởng) nhà trường nhắc nhở, cảnh cáo …thường xuyên nhưng tình trạng cũng không cải thiện. Một hôm, nhằm ngày chủ nhật có viên thanh- tra giáo dục địa-phương là người Pháp đến trường để đánh quần-vợt với mấy thầy giáo tại sân trường (sân trường ngày trước thường tráng xi-măng để vừa làm sân chơi cho học sinh vừa làm sân quần vợt ).
Trong giờ giải lao, viên thanh tra nầy nhìn thấy có một cửa lớp học đang mở (các lớp khác đóng cửa im- ỉm vì là ngày nghỉ).Thấy lạ, viên thanh-tra nầy ngạc-nhiên đi đến và nhìn vào thì gặp người giáo viên vừa kể đang chăm chú làm sổ sách.Viên thanh tra đi vào vồn-vả, bắt tay, khen nức-nở người giáo viên và kêu ông Đốc- học trường đến chỉ thị lập hồ sơ khen thưởng về sự “tận tụy, yêu nghề”cho giáo viên nầy !
Ông Đốc-học trường đành làm theo lịnh thanh-tra dù ông Đốc-học biết rằng hôm nay vì có cuộc cự cải với bà xã ở nhà nên ông thầy giáo nhà mình mới vào mở cửa lơp làm siêng một bữa mà lại gặp hên ngay như vậy!.
Thầy Dương-văn-Út còn kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện vui khác liên quan đến nghề thầy như chuyện “Cơm hà"...
Rất tiếc vì sạt lở nên cơ sở ngôi trường NamTiểu-học Tân Châu không còn, chỉ còn lại cái cổng trường với tên hiệu và tuồng chữ kẻ trên trụ cột xi măng của thầy Võ-văn-Nhiệm ; tấm bảng ghi câu “NHIỆM-VỤ CỦA NHÀ GIÁO CHƯA CHẤM DỨT SAU BUỔI HỌC CHIỀU”,câu mà tôi luôn tâm niệm khi theo nghề giáo, treo ở dãy hành lang giữa, tôi cũng không tìm thấy ở đâu!
NG-NG